Sự tấn công đáng lo ngại vào các di tích hiện không chỉ có sư tử đá, đèn đá ngoại lai..., nhức nhối không kém là vấn nạn sử dụng tùy tiện, vô lối các loại câu đối, chữ viết trên các bức đại tự, hoành phi tại không gian linh thiêng của nhiều đình, đền, chùa. Các chuyên gia văn hóa lo lắng, “ứng xử” như thế nào với chữ Hán, chữ Nôm trong các không gian này? Nhất là trong số đó có không ít các loại chữ lạ, câu đối lạ, sai cả về văn phong lẫn ngữ nghĩa, thậm chí sai cả về chính tả...

 

Tấm biển “Cô Chín Sòng Sơn” tại đền Sòng (Thanh Hóa) viết sai chính tả chữ “Chín"

 

Vấn nạn hoành phi câu đối “rởm”

 

TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại cuộc hội thảo về mỹ thuật ứng dụng do Bộ VHTTDL vừa tổ chức đã phải dùng đến hai từ “đáng sợ” khi đề cập đến câu chuyện nhức nhối chẳng kém gì sự xâm lấn của hiện vật lạ vào di tích: câu đối “rởm”, hoành phi “rởm”. “Đây là vấn đề rất bức xúc mà chưa được kiểm soát. Nhiều đình, đền, chùa tự xây, tự dựng nên những hoành phi, câu đối, hoặc do người cung tiến tự ý đưa vào chùa... trong khi kiến thức còn hạn chế, dẫn đến những sai sót khó có thể chấp nhận, kể cả ở những di tích hàng đầu Việt Nam. Văn bia rác, thơ tục, câu đối sai cả về văn phong, ngữ nghĩa và chính tả... đang xuất hiện ở nhiều chốn linh thiêng. Nếu không kịp thời điều chỉnh, kiểm soát thì vô cùng đáng lo ngại”, TS Trần Trọng Dương bức xúc.

 

 Không thiếu ví dụ minh chứng cho thực tế đáng lo ngại này. Ở di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Trãi, bức hoành phi “Nhân giả thọ” (người nhân được thọ) được treo như thể một sự nhạo báng (Nguyễn Trãi chết chém). Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn tôn vinh công lao của ông trong dạy học, dùng ba chữ “Hối bất quyện” (tức dạy dỗ không biết mệt), oái oăm thế nào lại dùng sai chữ “hối”, thành ra nghĩa “Hối hận khôn nguôi. Chưa hết, đền Nguyễn Bỉnh Khiêm còn mắc một lỗi sai “vô đối” khác khi biến chữ “thục” trong nghĩa trường học thành nghĩa “nấu chín nhừ”. Đền Sòng Thanh Hóa, tấm biển đề “Cô Chín Sòng Sơn” cũng trở nên ngớ ngẩn khi viết sai chính tả chữ “Chín”.

 

TS Trần Trọng Dương còn đưa ra một minh chứng cho những sai sót chết người: Thơ tục ở chốn thiêng. Không chỉ khiến người nghe tá hỏa mà ngay lập tức, câu chuyện bài thơ tục chốn thiêng này đã khiến các cơ quan chức năng, BQL di tích nhanh chóng “sửa sai” bằng việc lập tức đưa đôi lọ lục bình ra khỏi di tích. Chuyện ở chùa Vân Tiêu, Yên Tử, nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 

Nhắc lại cũng như cách đặt một vấn đề không thể xem nhẹ: sai sót về việc sử dụng chữ viết nơi thờ tự, mà tận cùng gốc gác của nó vẫn là câu chuyện của nhận thức. TS Trần Trọng Dương không giấu sự bức xúc khi buộc phải đọc lại và phân tích ngữ nghĩa hai câu thơ trong bài Thanh bình điệu của Lý Bạch: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/ Vu Sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa: Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/ Chuyện mây mưa ở Vu Sơn chốn đoạn trường). Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục nổi tiếng của Trung Quốc, vậy mà hai câu thơ in trên đôi lọ lục bình lại ngang nhiên xuất hiện ở ngay chính điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử.

 

Ông Dương thảng thốt: “Như thế có chết không. Khách nước ngoài mà đọc được những câu chữ thế này thì họ sẽ nghĩ như thế nào về văn hóa VN?”. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hai câu thơ được Lý Bạch làm để ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quý Phi sau một đêm được sủng ái, bản thân nó không phải là tục, nhưng nếu đưa vào không gian thiêng như vậy thì lại thành tục. Chuyện đặt sai chỗ, nhất là nơi thờ tự như trường hợp hai câu thơ trên là điều không thể chấp nhận. Ngay sau câu chuyện được TS Trần Trọng Dương đưa ra, không ít nhà nghiên cứu văn hóa phải lên tiếng: “Đau lòng!”. Nhiều lỗi sai chữ Hán trên hoành phi, câu đối cũng đã được giới khoa học, chuyên gia và người dân lên tiếng phản ánh. Rất nhiều trong số đó là những lỗi sai ngớ ngẩn, khi là viết thừa nét, khi thiếu nét, câu đối sai ngữ nghĩa, đặt sai quy tắc...

 

Lọ lục bình in “thơ tục” đã khẩn trương được đưa ra khỏi chùa Vân Tiêu, Yên Tử. Ảnh: Trần Dương

 

Sẽ là một chiến dịch mới, sau “hiện vật lạ”?

 

Ở di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Trãi, bức hoành phi “Nhân giả thọ” (người nhân được thọ) được treo như thể một sự nhạo báng (Nguyễn Trãi chết chém). Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn tôn vinh công lao của ông trong dạy học, dùng ba chữ “Hối bất quyện” (tức dạy dỗ không biết mệt), oái oăm thế nào lại dùng sai chữ “hối”, thành ra nghĩa “Hối hận khôn nguôi. Chưa hết, đền Nguyễn Bỉnh Khiêm còn mắc một lỗi sai “vô đối” khác khi biến chữ “thục” trong nghĩa trường học thành nghĩa “nấu chín nhừ”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cũng nhận định, đáng báo động tình trạng sử dụng sai chữ viết tại các di tích đình, đền, chùa. Nghịch lý là quản lý đình, đền, chùa nhưng nhiều vụ trụ trì, hoặc Ban quản lý di tích đều không biết chữ Hán, hoặc biết rất ít. Trước thực trạng này, giới học giả, nhà khoa học kiến nghị, phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là “nhắm mắt” đưa bừa. Người cung tiến cũng vậy, thấy đôi bình đèm đẹp, bức hoành phi hoành tráng... là đưa vào di tích, chẳng cần biết hiện vật đó xuất xứ từ đâu, ý nghĩa ra sao. “Chuyện hàng ngàn sư tử đá ngoại lai xâm lấn không gian di tích đã khiến cả xã hội vất vả trong thời gian qua. Nhìn từ khía cạnh văn hóa dân tộc, việc sử dụng sai chữ viết tại các di tích cũng là câu chuyện bức bối không kém...”, Trần Hậu Yên Thế nói. TS. Trần Trọng Dương còn kiến nghị, những người chịu trách nhiệm quản lý di tích cần phải đi học chữ Hán.

 

Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc cho biết, qua quá trình thanh, kiểm tra về các hiện vật lạ tại hàng chục di tích ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua, Thanh tra Bộ nhận thấy loại hiện vật lạ xuất hiện phổ biến nhất tại hầu hết các di tích là lọ lục bình. Có di tích tồn tại đến hàng chục cặp trong một khuôn viên không lấy gì rộng rãi. “Hầu như đều là đồ cung tiến cả. Không phải lọ nào cũng có chữ, nhưng nếu có chữ thì chắc người cung tiến cũng chẳng hiểu trên đó ghi gì. Rất nguy hiểm”, ông Phạm Xuân Phúc nói.

 

Cũng ở góc độ quản lý nhà nước, theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL, căn cứ vào Luật Di sản Văn hóa, cứ các hiện vật lạ không có trong hồ sơ xếp hạng di tích thì phải đưa ra. Nhất là những yếu tố gây phản cảm cho di tích càng cần được khẩn trương xử lý.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng, sau chiến dịch dọn dẹp hiện vật lạ đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian qua, Bộ VHTTDL sắp tới cũng cần phải tính đến những giải pháp ứng xử phù hợp với chữ Hán, chữ Nôm tại di tích. Cần có một quy chuẩn cần thiết chứ không thể kéo dài tình trạng tùy tiện, nhiều sai sót như hiện nay. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cũng cho biết, sau “hiện vật lạ”, tới đây, Bộ sẽ tính toán và có những quy định đối với việc sử dụng chữ viết tại các di tích đình, đền, chùa. Tuy nhiên, những quy định cụ thể như thế nào sẽ tiếp tục cần đến một quá trình rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tham vấn và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.