Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911. Trong suốt 30 năm ở xứ người nhiều lần Bác đã lẩy Kiều để bộc lộ tư tưởng, tâm trạng của mình. Hồ Chủ tịch là người xứ Nghệ, cùng quê hương với đại thi hào Nguyễn Du, nên từ thuở ấu thơ đã được nghe bà ngoại và mẹ ru hời những câu ca dao hoặc những câu Kiều chan chứa tình người, tình đời với nhiều vẻ đẹp, nét hay… Vì vậy, khi trưởng thành, Bác đã thuộc Truyện Kiều rất nhuần nhuyễn. Trong quá trình nghiên cứu chuyên đề “Bác Hồ với Truyện Kiều”, chúng tôi đã sưu tầm được gần 90 trường hợp Bác lẩy Kiều. Bài viết này xin giới thiệu những hoàn cảnh và trường hợp Bác lẩy Kiều lúc còn ở xứ người

 

Năm 1914, anh Nguyễn Tất Thành đang ở nước Anh, nên không biết tình hình ở trong nước và ở Pháp, anh đã biên thư hỏi cụ Phan Chu Trinh bấy giờ đang ở Pháp: “Bên ta có gì mới?”. Thư gửi đi đã lâu mà không thấy hồi âm. Anh liền gửi tiếp cho cụ một bức thiếp ghi lại bài thơ của mình nói về cảm xúc của anh đối với tác phẩm “Giai nhân kỳ ngộ” của cụ Phan Chu Trinh, trong đó có câu lẩy Kiều:

Chọc trời quấy nước tiếng đùng đùng

Phải có kiên cường mới gọi hùng…

Bài thơ làm theo thể Đường luật, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận tác giả đã vận dụng khéo léo ẩn nghĩa của hai câu Kiều: “Chọc trời quấy nước mặc dầu” (câu 2471) và “Triều đâu nổi tiếng đùng đùng” (câu 2619) để tỏ lòng kính trọng cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1919, sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận họp “Hội nghị hoà bình” ở Vecrsaille (Pháp) có 27 nước liên quan tới dự. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách 8 điểm” cho Hội nghị, sau này là “bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” được Bác sáng tác thành bài “Việt Nam yêu cầu ca” theo thể lục bát và song thất lục bát có cả thảy 56 câu. Sau đây là 4 câu cuối theo dạng lẩy Kiều:

Đồng bào bình đẳng tự do

Xét mình rồi lại đem so mấy người (câu 3080)

Ngổn ngang lời vắn tình dài (câu 183)

Anh em đã thấu lòng này cho chưa? (câu 2716 – 2717)

Cũng tại Pháp vào khoảng năm 1921 - 1922, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí lập ra “Hội liên hiệp thuộc địa” gồm các thợ thuyền, binh lính, kiều bào ở tất cả các nước thuộc địa đang sinh sống tại Pháp bao gồm người châu Á, Phi, Mỹ La Tinh. Trong quá trình vận động, tuyên truyền có người đề nghị chỉ nên thu nhận kiều bào ta mà thôi. Nguyễn Ái Quốc đã giải thích ý nghĩa đoàn kết đấu tranh mới tạo nên sức mạnh bằng câu Kiều lẩy:

Rằng đây bốn biển một nhà (câu 2435)

Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em

Năm 1923, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Berlin sang Nga, dự Đại hội Quốc tế nông dân với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương… Ở trên đất nước Xô Viết, anh cảm thấy ở đây thực sự là thiên đường của các em nhỏ, của phụ nữ, anh sáng tác truyện “Nhật ký chìm tàu”, cuối tập có mấy câu Kiều lẩy:

Khắp năm châu phận đàn bà (câu 83)

Có đâu mà được như Nga bây giờ

Nước Nga có chuyện lạ đời (câu 3083)

Biến người nô lệ thành người tự do

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh Lý Thụy, làm phiên dịch cho Đoàn Cố vấn Xô Viết tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Lý Thụy - Bác Hồ đã dịch bài “Quốc tế ca” ra tiếng Việt theo làn điệu dân ca, đăng trên hai tờ báo bí mật: Thanh niên và Công nhân, trong đó có câu Kiều lẩy:

Bao nhiêu áp bức trên đời

Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha (câu 584)

Điệp khúc:

Trận này là trận cuối cùng

Ầm ầm đoàn lực, đùng đùng đảng cơ (câu 1054 và 2296)

Lanh–téc–na–xi-ô-nan-lơ

Ấy là nhân đạo, ấy là tự do (câu 1966)

Năm 1928-1929, với một tên mới là Thầu Chín, Bác đến Xiêm (Thái Lan) để vận động Kiều bào tham gia cách mạng, xây dựng tổ chức “Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam”. Bấy giờ không rõ từ đâu cấm thanh niên ta không được lập gia đình để được rảnh rang hoạt động cách mạng. Ông Thầu Chín đã “sửa sai” đứng ra làm chủ hôn một đám cưới. Khi cô dâu, chú rể ra mắt chào hai họ và bà con lối xóm thì có người mừng bằng hiện vật, có người đọc thơ chúc phúc, riêng ông Chín đọc hai câu thơ Kiều lẩy:

Từ đây chung gối chung chăn (câu 1871)

Buồng cách có gió xuân thổi vào

Cả đám tiệc vỗ tay, làm cho không khí đám cưới thêm vui nhộn. Trong những năm tháng ở Xiêm, có lần Thầu Chín đi vận động tuyên truyền tại một vùng có nhiều Kiều bào ta ở. Trên đường đi, một hôm trời đã chập tối, Thầu Chín thoáng nghe tiếng một người mẹ ru con, Bác liền tức cảnh:

Xa nhà chốc mấy mươi niên (câu 2923)

Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con

Ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó Nguyễn Ái Quốc theo sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản đi công tác một số nước Mã Lai, Singapore, Xiêm,… Khi đến Quảng Châu (Trung Quốc) thì gặp đồng chí Trần Phú từ Liên Xô trở về. Theo nhà văn Sơn Tùng kể, thì có một đêm khuya tự nhiên Bác thức dậy hỏi:

- Đồng chí Lý (tức Trần Phú) còn ngủ hay thức giấc rồi?

- Tôi vừa thức giấc đồng chí ạ! Đồng chí Phú đáp.

Biết đồng chí Lý đã thức giấc, Bác liền kể cho đồng chí nghe giấc mơ của mình. Kể xong Bác nhìn vào đêm tối thăm thẳm bằng một giọng bồi hồi, khe khẽ đọc mấy câu Kiều cho đỡ nhớ quê hương, đất nước:

Tình sâu mong trả nghĩa dày (câu 1268)

Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa? (câu 1264)

Mối tình đòi đoạn vò tơ (câu 1265)

Giấc hương quan luống lần mơ canh dài (câu 1266)

Song sa vò võ phương trời (câu 1267)

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng (câu 1268)

Giữa năm 1931, Bác bị thực dân Anh bắt giam ở Hương Cảng. Ngồi trong tù Bác lo hết việc này đến việc khác, lo nhưng không giải quyết được gì, ngồi lo suông trong ngục mà lòng đầy ngổn ngang, bèn ngâm câu Kiều lẩy:

Ngổn ngang trăm mối bên lòng (câu 183)

Ngủ không yên giấc, ăn không ngon mồm

Mùa thu năm 1933, nhờ sự giúp đỡ của một luật sư tốt bụng người Anh tên là Frank Loseby, kết hợp với sự đấu tranh trên báo chí về việc nhà cầm quyền Anh ở Hương Cảng bắt người trái luật, Bác Hồ được trả tự do với điều kiện rời khỏi Hương Cảng. Bác liền đi Thượng Hải (Trung Quốc) rồi bắt liên lạc với đoàn thể. Nỗi vui mừng lúc bấy giờ được Bác diễn tả trong câu Kiều lẩy:

Ba năm lưu lạc linh đinh (câu 2476)

Nay đã trở lại trong đại gia đình công nông (câu 288)

Ít lâu sau, Bác được giới thiệu đi Matxccơva học trường Quốc tế Lênin. Ra trường Bác làm việc ở “Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, đồng thời là nghiên cứu sinh ở Viện này. Năm 1938, Bác rời Liên Xô, về Trung Quốc tham gia đội quân Bát lộ quân Trung Hoa…. Đầu năm 1941 Bác về nước…

Bác Hồ lẩy Kiều trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh ở nước ngoài không chỉ để biểu lộ tư tưởng, tình cảm, phản ánh sự hoạt động cách mạng khó khăn của mình, mà cũng là sự thể hiện tấm lòng nhớ đến quê hương, Tổ quốc đang rên xiết dưới gót dày của chế độ thực dân Pháp xâm lược; nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du, một nghệ sĩ có tài về “văn chương nghệ thuật trùm thiên hạ”…; từ đó mà sưởi ấm lòng hàng chục năm ròng ở xứ người… Để rồi Người trở về Tổ quốc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và hai cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 30 năm đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, lập nên một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

 

Tài liệu tham khảo

(1) Bác Hồ - Hồi ký của nhiều tác giả, Nxb Văn Học.

(2) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (tập 6,7,8,90), Nxb Chính trị Quốc gia.

(3) Danh nhân Hồ Chí Minh , Nxb Lao động.

(4) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật 1975.

(5) Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Trẻ.