Vọng mừng Tố Như
Những ngày qua (từ 21/5), báo chí đưa tin về việc Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết trình Đại hội đồng UNESCO vinh danh Thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Theo đó, vào tháng 11/2013 tới, Đại hội đồng UNESCO họp ở Paris sẽ chính thức ra Quyết định vinh danh và mọi hoạt động tôn vinh Nguyễn Du sẽ được triển khai ở Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO.
Khu di tích Nguyễn Du
Trước hết, thông tin đó đã gây bất ngờ cho đại bộ phận nhân dân vốn yêu Truyện Kiều và luôn ngưỡng mộ, kính trọng tác giả của tác phẩm chữ Nôm tuyệt tác này. Ngoài các nhà học giả, một số chính khách và lãnh đạo cấp cao của ngành Văn hóa, thì dám chắc hầu hết người Việt Nam nếu trước thời điểm này khi được hỏi sẽ trả lời: Đại Thi hào Nguyễn Du được vinh danh là Danh nhân văn hóa từ năm 1965, nghĩa là gần nửa thế kỷ trước!
Đó là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng nếu xét ở góc độ “biên niên sử” văn chương nước nhà và khía cạnh tôn vinh tinh thần văn hóa dân tộc. Lỗi ấy khó truy nguyên cái gốc, nhưng trước hết là ở hệ thống giáo dục trong nhà trường suốt mấy thập kỷ; là ở sự thông tin tuyên truyền thiếu tham khảo; ở sự cẩu thả trong nhiều hoạt động chuyển tải văn hóa đến với nhân dân.
Sự thực thì thế nào? Trước nay, nhất là trong hệ thống nhà trường ở nước ta đều cho rằng Việt Nam có 3 Danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có 2 nhà tư tưởng, anh hùng giải phóng dân tộc là Ức Trai Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1 Đại thi hào là cụ Nguyễn Du. Trong đó, cụ Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh vào năm 1980. Chủ tịch Hồ Chí Minh UNESCO vinh danh vào năm 1990. Riêng cụ Nguyễn Du, thì vào năm 1965 được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức làm lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ; nhân dịp đó, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) ghi tên cụ trong danh sách những nhà văn hóa quốc tế.
Trong thực tế, giá trị vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới chỉ được thừa nhận từ Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO. Ví dụ như xét để quyết nghị vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới trong thời điểm cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì UNESCO chỉ công nhận 3 vị: Hồ Chí Minh, Nê-ru (Ấn Độ), và Hadara (nhà sử học Liên Xô cũ). Nên biết, UNESCO được thành lập năm 1945, là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp quốc, hoạt động với mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”. UNESCO hiện có 193 quốc gia thành viên; trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp), với hơn 50 văn phòng và vài Viện hay Trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới.
Còn về Hội đồng hòa bình thế giới (WPC) là một tổ chức phi chính phủ tập hợp những nhân sĩ, trí thức, những nhà hoạt động xã hội, tôn giáo thuộc nhiều nước trên thế giới tự nguyện tham gia đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới, được thành lập năm 1950 tại Hội đồng Quốc tế II những người bảo vệ hòa bình ở Vacsava (Ba Lan). Tuy vậy, rất đáng tiếc là WPC ngoài việc vốn ít tiếng tăm trên trường quốc tế, thì cho đến nay hầu như đã mất vai trò, tiếng nói. Và việc cụ Nguyễn Du được WPC ghi tên vào danh sách những Nhà văn hóa Quốc tế vào năm 1965 không có nghĩa là cụ đã được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới, theo tiêu chí được công nhận của UNESCO.
Bàn chuyện này, chợt nhớ sự kiện bầu chọn Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thế giới năm 2011, mà theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, thì đó thực sự là một “cú hớ” của Tổng cục Du lịch Việt Nam khi tổ chức phát động bình chọn chỉ là một Công ty tư nhân do nhà leo núi người Thụy Sĩ Bernard Weber điều hành; bằng khả năng quảng bá, marketing khéo léo, Bernard Weber đã đánh lừa được rất nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí cả các ban, ngành về tài nguyên thiên nhiên và du lịch ở nhiều nước trên thế giới.
Bàn chuyện này, đồng thời cũng khó để mà đồng tình với ý kiến của vị lãnh đạo ngành Văn hóa quê hương cụ Nguyễn Du, rằng “từ trước đến nay, thế giới vẫn mặc nhiên công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Việc được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới là thủ tục để Đại thi hào Nguyễn Du được công nhận một cách chính danh” (?!).
Sinh thời, cụ Tố Như Nguyễn Du từng viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết sau ba trăm năm nữa / Thiên hạ còn người khóc Tố Như?). Thưa cụ, “thiên hạ” sẽ mãi còn đồng cảm với tâm sự đời mênh mang của cụ, ngòi bút thần kỳ của cụ; như việc UNESCO vừa Quyết định vinh danh cụ là Danh nhân văn hóa thế giới. Có điều, cho đến ngày 22/5, hàng loạt tờ báo mạng vẫn đưa tin đó là “thông tin ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 220 năm ngày sinh của Thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức vào năm 2015”; trong khi, ngày tháng năm sinh của cụ thì đương nhiên là không thể thay đổi: ngày 23/11 năm Ất Dậu (tức ngày 3/1/1766)! Mặc dù sau đó, một số tờ báo mạng đã vội vàng thay bằng một tin ngắn hơn, bỏ đoạn đó; nhưng những người “tam bách dư niên hậu” còn “khấp Tố Như” thì không khỏi thấy buồn!