Loading...
|
Những khám phá thú vị dưới Bảo tàng tòa nhà Quốc hộiNgày 07 tháng 06 năm 2016
Nỗi choáng ngợp như đang thực hiện một hành trình đi ngược thời gian trong lòng đất, nỗi chông chênh như đứng ở vùng không gian siêu thực giao thoa giữa quá khứ và thực tại… cảm giác kì lạ ấy cứ đeo bám, vấn víu người viết kể từ lúc đặt chân xuống Bảo tàng tòa nhà Quốc hội, và nhiều tiếng đồng sau đó khi đã ra về.
PGS.TS Bùi Minh Trí bên bức Bình minh Thăng Long được ghép từ hàng ngàn viên gạch khai quật dưới chân tòa nhà Quốc hội.
Phá cách
Được đưa xuống nơi sâu nhất của Nhà Quốc hội vào gần trưa những ngày nóng nhất của đầu hè Hà Nội với một tâm trạng uể oải, và thực tâm chúng tôi đã không chuẩn bị tinh thần cho một chuyến "ngược" về lịch sử này bởi một suy nghĩ rằng, các bảo tàng đều rất giống nhau: khô khan và ít hấp dẫn.
Vậy mà chúng tôi đã bị hạ gục ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đặt chân xuống đây. Và tiếp đó là những chuỗi bất ngờ, nể phục của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn đã mạnh mẽ, dũng cảm thổi hồn và phá cách làm nên một bảo tàng hấp dẫn, sống động.
Được đích thân "Nhạc trưởng" của công trình - PGS. TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học, xã hội Việt Nam, đưa xuống thăm nơi sâu nhất - tầng hầm 2, nhà Quốc hội và ông để chúng tôi dừng lại ngay cánh cổng với họa tiết đồ họa bông sen và đồ họa kiến trúc mái ngói vòm, dần dần thả ký ức trôi về quá khứ huy hoàng của lịch sử - "Thời kỳ tiền Thăng Long".
Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2008-2009 trước khi xây dựng tòa nhà Quốc hội đã được Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thực hiện và nghiên cứu, đánh giá các giá trị di tích nằm phía dưới. Đồng thời phải xử lý, di dời, lưu giữ một bộ phận để chuẩn bị trưng bày các tác phẩm này dưới tòa nhà Quốc hội sau khi công trình hoàn thành.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã có được chủ trương dành một không gian xứng đáng để trưng bày, quảng bá các giá trị phát hiện dưới khu vực nhà Quốc hội để kết nối giá trị truyền thống từ quá khứ đến hiện tại" - PGS.TS Trí chia sẻ.
Vậy là 3.700 m2 dành cho hai khu trưng bày dưới hai tầng hầm, phía Đông công trình nhà Quốc hội để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đặc biệt là di sản Hoàng thành Thăng Long.
Với một vị trí quá tuyệt vời và câu chuyện khai quật dưới chân Hoàng thành Thăng Long gây tranh cãi một thời, PGS.TS Trí đau đáu tìm cách trưng bày như thế nào để bảo tàng này thực sự hấp dẫn mà không phải là những hiện vật rời rạc, vô hồn. Bốn năm trời từ năm 2012 tới nay, ông cùng các cộng sự, các nhà tư vấn trong và ngoài nước lăn lộn đi khắp các bảo tàng khảo cổ lớn trên thế giới và về dựng ý tưởng, lên kịch bản cho 2 khu trưng bày: Thời kỳ tiền Thăng Long và Thăng Long.
Vừa đặt chân vào không gian "Thời kỳ tiền Thăng Long", TS Trí vừa đùa vừa thật rằng, "cứ từ từ, bình tĩnh" trước sự trầm trồ không ngớt của chúng tôi.
Một không gian lịch sử được tái tạo bằng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng với các "concept", ý tưởng có lẽ là phá cách nhất trong làm bảo tàng tại Việt Nam đang hiện ra trước mắt chúng tôi. Và ngay lập tức, người xem được đưa trở về lịch sử.
Ngay từ cửa ra vào, một bức tranh cỡ lớn choán gần hết bức tường phía trái khoảng 15m2, được tạo dựng bởi hàng ngàn viên gạch, cộng ngói được khai quật từ thời Đại La, Đinh, Lý, Trần, Lê.
"Bình minh Thăng Long - Để làm ra được bức tranh này, tôi đã phải đi rất nhiều bảo tàng trên thế giới để học hỏi cách làm. Chúng ta không đơn giản chỉ thực hiện việc trưng bày, mà phải nâng các vật vô tri, xếp thành hoa văn thì cảm xúc người xem mới được dâng lên gấp nhiều lần"- PGS.TS Trí nói.
Quả là rất táo bạo và tỉ mỉ, nhiều công sức, bức tranh bằng ngói Bình minh Thăng Long cộng với một bức tranh rồng bay cũng bằng vật liệu này, các nhà khoa học ở đây muốn tái hiện câu truyện vua Lý Công Uẩn khi đến thành Đại La thấy rồng vàng hiện lên và từ đó đổi tên thành là Thăng Long. Từ đây, đã mở ra một thời kỳ mới cho quốc gia Đại Việt: xây dựng kinh đô Thăng Long phồn thịnh, tỏa sáng.
Từ đó, cả một không gian choáng ngợp, với lối dẫn dắt bằng hiện vật, tạo dựng phim 3D, âm thanh, ánh sáng từ đèn led và đèn sợi đốt (sử dụng trong công nghệ nội soi của y học), người xem sẽ được tìm hiểu về các câu truyện của từng hiện vật của kinh thành xưa.
Và ngay dưới chân, bảo tàng thiết kế đường đi bằng kính dày, trong suốt, dưới đó là những mô tả công trường khai quật Hoàng thành khiến người xem như đang được ở trong trung tâm khai quật, cùng với các nhà khoa học khám phá, tìm hiểu, chuyện trò với nền văn hóa, kiến trúc, cổ vật mà các bậc tiền nhân gửi gắm lại.
Thổi hồn cho những mảnh vỡ
TS. Trí tiếp tục đưa chúng tôi lên tầng hầm 1, thời kỳ Thăng Long với câu chuyện kể về Cung điện Hoàng thành Thăng Long với một bên là kiến trúc, một bên là các vật dụng trong sinh hoạt. Người xem sẽ được dẫn dắt vào không gian của cung điện với màn chiếu 3D về kiến trúc mái vòm qua 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Với mỗi hiện vật trưng bày trong tủ kính, sẽ có một câu truyện về lịch sử 3D chạy phía nền tường phía sau tương ứng như những đầu phượng, ngói uyên ương, hay hàng cột lớn đỡ mái…
Việc tận dụng ánh sáng của đèn sợi đốt đã thể hiện thành công ý tưởng dựng cột trong cung đình bằng ánh sáng. Toàn bộ không gian cung điện sẽ giúp người xem hiểu được kiến trúc mô phỏng của thời Lý được làm như thế nào, lắp ghép từ các vật dụng gì…
Hay các nhà khoa học ở đây đã thổi hồn kể lại câu chuyện người dân kẻ chợ xưa đi chợ mua chim, mua lồng và âm nhạc tiếng chim lích chích bên tai. Tất cả âm thanh, ánh sáng, đồ họa này để minh họa cho hiện vật: cóng đựng đồ ăn cho cho chim mà các nhà khảo cổ học khai quật được.
Bằng giọng trầm nhưng vang, TS Trí cho chúng tôi hay, từ thời kỳ tiền Thăng Long khoảng thế kỷ thứ 7 tới nhà Lý, Trần, Lê thế kỷ 18, hai tầng hầm lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật làm rõ hơn những nội dung khoa học trưng bày, sáng rõ hơn những khám phá dưới lòng đất và đây là những thủ thuật trưng bày mới, hiện đại.
"Đây có lẽ là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam và thật không đơn giản để có thể biến những ngổn ngang, trừu tượng của các mảnh vỡ lịch sử chắp nối lại, trở thành câu chuyện lịch sử hấp dẫn. Việc này phụ thuộc vào sự tài ba của các nhà khoa học nghiên cứu một cách nghiêm túc, tâm huyết. Chúng tôi có khoảng hơn 30 cán bộ Trung tâm nghiên cứu kinh thành và một số tư vấn của Pháp, Mỹ, Úc, Đức để hoàn thành công trình này trong bốn năm"- TS. Trí chia sẻ.
Hơn 400 hiện vật và gần 10 di tích - đây chỉ là một số nhỏ trong tổng số lớn mà viện khai quật được đã phản ánh được lịch sử phát triển liên tục 1.300 năm, được trưng bày theo lát cắt địa tầng khảo cổ học và theo cấu trúc diễn biến thời gian từ xưa lại gần. Tại các khu trưng bày, nhiều bàn tra cứu thông tin điện tử, vẽ tranh… về các hiện vật, các trò chơi về khảo cổ cho trẻ em với rất nhiều sáng tạo, hứng thú và không hề khô khan, cứng nhắc.
Cũng theo TS. Trí, cuộc trưng bày ở đây đã làm được điều khó khăn nhất của công tác khảo cổ: diễn giải giá trị của hiện vật và giả định được về kiến trúc kinh thành Thăng Long để người xem có thể cảm nhận sâu hơn, tự nhiên hơn, thoải mái hơn với các di tích trưng bày.
Mỗi một không gian trưng bày đều có điểm nhấn tạo nên cảm xúc khác nhau, có những câu truyện kể tạo nên ấn tượng và cảm xúc dâng tròa. Tất cả góp vào ý tưởng mà bảo tàng muốn thể hiện. Đó là sự đột phá phong cách trưng bày mới, tiếp cận trưng bày với các hoạt động khảo cổ học.
"Chúng tôi hiểu hơn ai hết cần nói với người xem cái gì, chúng tôi cũng đã nhiều lần thất bại, tốn hàng tiếng đồng hồ giới thiệu say sưa các phát hiện khảo cổ học nhưng rất nhiều người không hiểu. Chính vì thất bại ấy, tôi nuôi ý tưởng rằng phải đưa đến hình thức trưng bày cho gần công chúng hơn" - TS. Trí say mê nói.
Hiện công trình này đang chờ một lộ trình thích hợp để đón khách và dự tính trong tháng 7 sẽ bàn giao cho đơn vị khai thác. TS. Trí chắc chắn rằng, đây sẽ là một điểm nhấn không thể bỏ qua khi du khách tới với Hà Nội.
Theo Song Đào, Bảo Trung/Danviet.vn
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |