Hà Tĩnh, “Đi mô cũng nhớ về...”

Hà Tĩnh - phiến cắt nhiều nét gồ ghề trên bản đồ đất nước gợi cho người ta những cảm nghĩ về một miền đất ẩn chứa nhiều nỗi nhọc nhằn. Quả thật, mảnh đất một thời từng phải gánh chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên.

 

Biển Thiên Cầm. Ảnh: Sỹ Ngọ

Có lẽ chính điều đó đã kiến tạo nên bản chất kiên cường, anh dũng và cầu tiến của người Hà Tĩnh. Và cũng chính từ trong những vất vả gian lao ấy, Hà Tĩnh có trong mình những di sản văn hóa nổi tiếng. Để mảnh đất “nắng lửa mưa chan” trên khúc ruột miền Trung này luôn đằm sâu trong nỗi nhớ của những đứa con ly hương và vương vấn, níu kéo tâm tư du khách...

Năm 1831, sau cuộc cải tổ của vua Minh Mệnh, vùng đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính và mang tên gọi Hà Tĩnh. Cái tên gợi nhiều liên tưởng đến mong muốn về cuộc sống nước lặng, gió hòa cho cư dân bản xứ vốn phải đối mặt với nhiều thiên tai, địch họa. Sự khắc nghiệt đó đến nay vẫn còn tiếp diễn và được lưu lại trong sử sách cũng như tâm trí bao người. Tuy nhiên, từ thuở hồng hoang, con người đã kiên cường đối phó với thiên tai. Những cư dân từ nhiều miền khác lưu lạc đến đây chung sống hòa thuận với người bản xứ và trong tiến trình lịch sử dân tộc, họ đã cùng nhau lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ. Từ chỗ biết mang tơi, đội nón, biết tạo ra cái cuốc, cái cày để khai khẩn đất hoang, chinh phục biển lớn, lập xóm mở làng, họ còn biết sáng tạo ra những làng nghề truyền thống như: đồ sắt Vân Chàng, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cẩm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ, đồ đan lát, guốc mộc Thịnh Xá… Thành quả đó là những nét phác thảo đầu tiên trong bức tự họa người Hà Tĩnh đầy bản sắc.

Tưởng như những con người bốn mùa phải dầm dãi nắng mưa ấy, tâm hồn sẽ trở nên chai sạn. Nhưng không, từ trong lao động nhọc nhằn, những thế hệ cư dân Hà Tĩnh đã nối tiếp nhau sáng tạo nên những câu hò, điệu ví bay bổng mà đằm sâu. Những khúc hát thoát thai từ đồng ruộng, núi non, từ sông ngòi, biển cả ấy vừa in đậm nỗi nhọc nhằn vừa phản ánh đời sống tâm hồn phong phú, lãng mạn lẫn nét hào hoa, duyên dáng của con người nơi đây. Những miền đất hát như Cổ Đạm, Xuân Liên, Trường Lưu, Đan Du, Phong Phú... đã vượt qua hòn tên mũi đạn làm chỗ dựa cho cuộc chiến chống xâm lăng phương Bắc, làm phên dậu cho công cuộc mở nước phương Nam và cả sự khốc liệt trong những năm trường chống Pháp, chống Mỹ mà tồn tại đến ngày nay, bồi đắp cho nền văn hóa quê hương, khiến Hà Tĩnh như đằm sâu hơn trong trái tim bao người…

Những gian khổ mà thiên nhiên gieo xuống mảnh đất này chẳng những không khuất phục được cư dân bản xứ mà đã hóa thành động lực, hun đúc nên bản sắc người Hà Tĩnh kiên cường và cầu tiến. Hiếu học và coi trọng khoa cử đã trở thành truyền thống và đặc trưng nổi bật của người Hà Tĩnh. Trải qua bao thăng trầm, lịch sử, không thời kỳ nào Hà Tĩnh không có niềm tự hào trong bảng vàng danh nhân, khoa cử của dân tộc. Từ cội nguồn văn hóa sâu sắc của mình, Hà Tĩnh tự hào có những làng khoa bảng và dòng họ hiếu học, tài danh nổi tiếng như Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Hương Sơn), Phan Tùng Mai (Đức Thọ), Nguyễn Huy (Can Lộc), Nguyễn (Tiên Điền – Nghi Xuân), Phạm Vũ (Thạch Hà), Phan Huy ( Lộc Hà) v.v... Chính những làng quê và dòng họ ấy đã cho Hà Tĩnh những niềm tự hào lưu danh sử sách. Còn tỏa sáng muôn đời sau là Nguyễn Du sừng sững với kiệt tác Truyện Kiều lưu danh hậu thế, là Nguyễn Công Trứ khí phách hiên ngang như bóng tùng trên đỉnh Hồng Sơn, là Nguyễn Thiếp giỏi lý học, là Lê Hữu Trác – đại danh y của cả dân tộc; là Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học, là Bùi Cầm Hổ có tài kinh bang tế thế; là Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; là Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh - những nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc...

Trải qua bao binh lửa, trong thời kỳ mới, bảng vàng của đất nước cũng lưu danh ức triệu người con Hà Tĩnh như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh, Trần Phú, Hà Huy Tập và rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ... tài ba đã và đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Để không chỉ có một Hà Tĩnh nổi danh từ mái bắc rú Ngang đến bờ Nam rào Cả mà còn có nhiều Hà Tĩnh nổi danh ở muôn nơi.

 

Đường về Vũng Áng. Ảnh: Đình Thông


Khắc nghiệt đã tường, dẫu vậy, thiên nhiên cũng ưu ái ban tặng cho Hà Tĩnh những cảnh quan đặc biệt. Câu thơ của Bùi Dương Lịch: “Gẫm ra trời đất sắp bày/ Lần ra phong thổ xưa nay khác thường” dường như không chỉ để nói về quê hương Đức Thọ mà còn đúng với cả Hà Tĩnh. Phải khác thường thì Hà Tĩnh mới được sở hữu một dải Hồng Lĩnh với 99 ngọn huyền thoại được khắc vào cửu đỉnh tại cố đô Huế. Phải được ưu ái lắm, Hà Tĩnh mới có những con sông Phố, sông Sâu, sông La và sông Lam hiền hòa, thơ mộng, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ muôn đời nay. Phong thổ ấy cũng đã kiến tạo nên những làng mạc nổi tiếng. Phía Tây nam Hồng Lĩnh là làng “Bát cảnh Trường Lưu” của dòng họ Nguyễn Huy, phía Đông là làng Tiên Điền của Đại thi hào Nguyễn Du, hai làng văn hiến ở hai sườn Đông và Tây núi Hồng Lĩnh ấy đã tạo nên một Hồng Sơn văn phái với những tác phẩm tiêu biểu như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra, các làng Thu Hoạch, Trường Lưu, Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá, Ích Hậu, Trung Lương, Ân Phú... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương cũng đã dâng hiến cho Tổ quốc không ít bậc hiền tài, tuấn kiệt.

Hà Tĩnh với phong thổ khác thường còn đằm sâu trong nỗi nhớ những đứa con ly hương và níu kéo bước chân du khách bởi nhiều đặc sản và lễ hội văn hóa truyền thống riêng biệt. Từ một bát canh hến Thượng giữa trưa hè oi ả, bát nước chè Hương Sơn thơm lừng hương núi đến thịt dê vùng miền núi phía Tây và các loại hải sản vùng biển ngang đậm đà… đều gợi nhớ về nét ẩm thực dân dã mà đậm tình sông núi. Mấy ai về – đi và ngang qua Hà Tĩnh mà không chọn quà là tấm kẹo cu đơ, mấy ai xa quê tết đến lại không nhắc nhớ vị cam bù thanh ngọt… Và đặc biệt, trong những ngày xuân ấm áp, những đứa con ly hương vẫn thường trở về rất thành kính giữa lòng đất mẹ trong những lễ hội linh thiêng như: lễ hội chùa Hương Tích – Hoan châu đệ nhất danh lam, lễ tế Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, lễ đô đài tri ân công lao Bùi Cầm Hổ và nhiều những lễ hội vùng sông nước, biển cả v.v…

Với hàng ngàn năm lịch sử và hơn 180 năm có tên trên địa giới hành chính quốc gia, trải qua bao biến cố, thăng trầm cùng vận mệnh đất nước, các thế hệ cư dân trên “chiếc đòn gánh” gánh 2 đầu đất nước đã và đang khẳng định được bản sắc, khí chất của người Hà Tĩnh. Trong thời đại mới, với những thời cơ, vận hội mới, người Hà Tĩnh sẽ phát huy truyền thống cha ông, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức, không ngừng vươn tới góp phần xây dựng quê hương, đất nước đời đời bền vững.