Mấy suy nghĩ về sự phát triển văn hóa


Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", trong đó chỉ rõ “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”...

 

Ảnh: Tuyengiao.vn


Đây là một văn kiện có nhiều giá trị lý luận và thực tiễn lịch sử đối với sự phát triển đất nước. Nhìn nhận sự phát triển văn hóa với vai trò tích cực chủ động từ nhiều góc độ sẽ góp phần làm cho quá trình phát triển đất nước ngày càng lành mạnh và tiến bộ hơn, xứng đáng với niềm mong đợi của toàn thể nhân dân trong thời đại mới.


Trong những năm gần đây, khi nhận diện sự phát triển chung trong đó có sự phát triển văn hóa, không ít người trong chúng ta thường có chung cảm giác, đó là một sự phát triển nhiều khi mang nhiều yếu tố pha tạp, thiếu đồng bộ với không ít hoài nghi và băn khoăn lo ngại.


Có thể đó là những gì thường thấy, khi nhìn về bộ mặt nông thôn:


Những hình ảnh quen thuộc của các làng quê Việt Nam xưa bị biến dạng bởi những ngôi nhà xây hiện đại, kiến trúc pha tạp mọc lên giữa làng. Hình ảnh cây đa, giếng nước, lũy tre làng dần lùi chỗ. Làng quê nào cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà bê tông cao tầng, thay thế những mái nhà tranh xưa cũ. Cảm giác buồn vui lẫn lộn khi thấy ở thôn quê cũng đang biến thành không gian phố thị.


Sự tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ đô thị đã làm biến đổi những giá trị truyền thống lâu đời của văn hóa làng xã. Một sự hỗn tạp làm phôi pha tính chất thuần phác của văn hóa làng quê. Những quan hệ tình làng, nghĩa xóm thay đổi và cả tình cảm gia đình cũng mang theo những thước đo mới.


Sự mất mát nhiều nét bản sắc của làng quê với những sinh hoạt truyền thống, lễ hội không còn mang hương vị văn hóa làng quê, mà đã nhuốm màu thương mại, dịch vụ. Hễ ở đâu tổ chức hội làng là ở đó xuất hiện sự chèo kéo của đồng tiền. Lối sống của lớp trẻ bắt nhịp quá nhanh với đời sống hiện đại là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách và xung đột trong gia đình, dòng họ. Sự xáo trộn của văn hóa thôn quê vừa phản ánh quá trình phát triển kinh tế vừa là hệ quả của khoảng cách giàu nghèo và sự phát triển mất cân đối.


Nhiều người cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc coi trọng giá trị vật chất mà xem nhẹ việc giáo dục văn hóa tinh thần trong thời đô thị hóa. Và không ít chuyên gia đặt hy vọng vào sự quan tâm, chú ý của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm.


Ngược lại, khi nhìn về văn hóa đô thị, nhiều người sẽ dễ đồng tình với những hình ảnh khắc họa mới:


Đó là những phố xá lộn xộn, xô bồ và pha tạp bởi dòng người nhập cư từ các làng quê đổ về. Đời sống đô thị thêm phức tạp bởi phải tiếp nhận lối sống của những dòng người nhập cư. Người đô thị cũ bên cạnh nhịp sống của mình còn phải thích nghi lối sống và việc sống chung cùng những người mới đến. Người nhập cư được coi là căn nguyên của rất nhiều xáo trộn. Họ phải bỏ những thói quen vốn có từ làng quê để vội vàng thích ứng với những điều kiện sống mới lạ, trong những điều kiện vật chất nhiều khi rất khó khăn. Không còn làng quê, họ chỉ có môi trường không còn những liên hệ xã hội vốn có trước đó và buộc phải thích ứng để tồn tại.


Những người nhập cư mất liên hệ xóm làng, thiếu sự đoàn kết giúp đỡ của người lân cận, xa gia đình thân thuộc. Mỗi người có văn hóa cũ của nơi làng quê xưa, bên cạnh văn hóa mới của nơi mới định cư và hòa mình vào khung cảnh mới. Thế là đời sống đô thị có thêm những yếu tố văn hóa mới với một hệ thống giá trị đạo đức xã hội luôn biến động. Đây là một sự giằng co văn hoá với nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh. Thành ra, bên cạnh cái hào nhoáng của những thành phố hiện đại, phát triển, là những khu phố nghèo khổ của dân thợ thuyền với cái sống bấp bênh cùng những hiện tượng bạo lực và phi văn hoá. Đến đây, một số người lại nghĩ đến vai trò của cơ quan công quyền, để quản lý, giáo dục, tạo an bình và chất lượng sống cho tất cả cư dân đô thị trong những hoàn cảnh mới.


Khi nói về sự phát triển văn hóa của đất nước trong những năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều ý kiến thuộc đủ loại. Nhưng tựu trung lại, có thể quy về hai dạng thức:


Một dạng ý kiến có không ít mâu thuẫn ngay trong tư duy và lập luận. Ý kiến này bên cạnh việc vẫn ca ngợi rằng chúng ta đã xác định con đường đi đúng, đã nhận thức đúng vậy mà vẫn xuất hiện những hiện tượng văn hóa của thời dã man. Gần đây khi phóng viên báo chí gợi ý rằng có phải Chiến lược văn hóa quyết định việc hình thành những lớp người phù hợp với thời đại? một học giả cho rằng: “bây giờ những cái ác đang xuất hiện trong xã hội là sản phẩm của sự vô thức giống như trong chặng đầu của Chủ nghĩa tư bản là Chủ nghĩa tư bản dã man”. Khi phóng viên tiếp tục gợi ý: chúng ta lại đang thấy sự phục hồi của nhiều giá trị cũ đã từng mai một? thì học giả trả lời: - Người ta đang vô thức quay về với cái thời đã qua. Và vị học giả này kết luận văn hóa hiện tại thường rơi vào 2 xu hướng hoặc quay về giá trị của một thời đã qua của quá khứ hoặc hướng tiến tới phía trước thì rơi vào cái vực của Chủ nghĩa tư bản dã man.


Chúng ta rất dễ nhận ra rằng ý kiến của vị học giả nói trên với không ít băn khoăn không phải là ý kiến cá biệt. Song để giải quyết nó hoặc nhận thức rõ hơn quy luật của quá trình phát triển thiết nghĩ cần một sự xác lập mới.


Dạng ý kiến thứ hai cho rằng đất nước ta vốn là nước nhỏ, dân tộc ta có truyền thống hàng ngàn năm nông nghiệp cổ truyền lại kinh qua chiến tranh giặc dã liên miên, cho nên nền văn hóa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta có thể phát huy cao độ các giá trị văn hóa của tổ tiên để vận dụng đoàn kết toàn dân tộc đứng lên chiến đấu và chiến thắng những thế lực ngoại bang hung bạo nhất thời đại, làm nên những chiến công oanh liệt, làm thế giới sửng sốt ngưỡng mộ. Tuy nhiên cũng truyền thống ấy, chúng ta chưa có sự linh hoạt trong xây dựng và phát triển đất nước trước những cơ hội vươn mình hội nhập, nhất là trong giai đoạn hiện nay, hoàn cảnh đòi hỏi phải đặc biệt năng động.


Nhiều ý kiến thường nhìn nhận đặc điểm chung của đa số dân ta phổ biến là lối tư duy khép kín, kiểu “ta về ta tắm ao ta”, ngại mở cửa, ngại đổi mới. Đây được cho là nguyên nhân chính đã làm chậm bước chủ động hội nhập. Nhiều phân tích muốn nhấn mạnh rằng nhân dân ta đã phải trả giá đắt cho sự chậm chạp của mình. Và khẳng định đó là hậu quả của lối tư duy “tiểu nông” thẩm thấu trong nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa biến thành chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí...


Mỗi khi xã hội phát triển thì không chỉ vấn đề văn hóa lại nổi lên nhiều trăn trở. Ở tất cả các nước, các dân tộc đó vẫn là một sự giằng co vất vả giữa truyền thống và đổi mới, giữa bảo tồn và phát triển, giữa dân tộc và quốc tế, giữa vận động và ổn định… Sự giằng co giữa các mâu thuẫn và nan đề này có mặt ở mọi nơi và được xem như là minh chứng sinh động phản ánh bản chất mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa.


Hào hùng, lắng sâu và xúc động!

 

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử" tối 23/7 tại Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh


Chúng ta có thể chứng kiến trong những năm gần đây, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… với bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, song trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế, nhiều lựa chọn xây dựng đường phố, khu đô thị, khu thương mại từng có thể lấn át các dấu tích của lịch sử văn hóa cũ. Sự thôn tính của những cái mới, cái hiện đại, đối với các giá trị cũ chung qui trước tiên là do lợi ích kinh tế (hẳn nhiên). Tuy vậy nó cũng biểu hiện những giá trị văn hóa mới mà trong quá trình phát triển cũng phải được coi là một tất yếu. Trong một số trường hợp, nếu đơn thuần chỉ là tranh luận thì ai sẽ là người cho mình được quyền nhân danh văn hóa mà những người khác là phản văn hóa?


Dĩ nhiên, có những giá trị không thể xếp cạnh nhau do không cùng thước đo, vì vậy nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại trong sự phát triển chung, văn hóa nghệ thuật truyền thống là một trong những lĩnh vực luôn được đặt trong tình trạng báo động về sự mất mát và biến dạng. Vì lo ngại nên đã có hiện tượng do ý thức bảo tồn nghệ thuật truyền thống, muốn tránh xa những tác động của kinh tế mà đã tìm cách đóng băng, bảo tàng hóa một số loại hình nghệ thuật. Nhưng như vậy cũng không ích gì trước sức ép của đời sống. Văn hóa của con người là một cái gì sống động trong không gian và thời gian, nghệ thuật truyền thống không thể tồn tại mà cách xa với cuộc sống thực tế, trong khi về bản chất nó vốn được sinh ra từ cuộc sống và để hòa vào cuộc sống.


Cũng với trạng thái lúng túng như vậy, chúng ta thường nghe nhiều ý kiến nêu lên rằng, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT) một mặt phải đảm bảo tự do cho sự sáng tạo, song mặt khác các ý kiến này cũng vẫn không quên yêu cầu Nhà nước phải có chính sách để ưu tiên, đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Lâu nay, việc hàng năm, nhà nước dành một khoản kinh phí thường xuyên cho việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm VHNT theo cơ chế nhà nước tài trợ, đặt hàng đã thành thông lệ. Nếu đâu đó có ý kiến suy nghĩ về việc tạo cho hoạt động VHNT được bình đẳng với các hoạt động tinh thần khác trong xã hội thì có thể bị nghi ngờ.


Nếu nhìn sang hoạt động kinh tế, không ít ý kiến gần đây đã nêu lên rằng một số đơn vị kinh tế dưới sự bảo trợ của nhà nước đã trở nên thiếu sức cạnh tranh và kiến nghị nên để cho các đơn vị kinh tế này độc lập nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, buộc nó phải cọ xát với quy luật của thị trường thì mới mong các đơn vị kinh tế này không những không trở thành gánh nặng kinh tế quốc gia mà còn tạo cơ hội cho chúng lớn mạnh trong thời đại hội nhập toàn cầu, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước. Mặc dù vậy cho đến gần đây, việc “cắt nguồn sữa” của Chính phủ đối với một số đơn vị kinh tế này cũng không phải việc đơn giản.


Có thể quy luật của thị trường cần phải được nghiên cứu với một thái độ khác khi áp dụng cho hoạt động sáng tạo VHNT. Có thể những gì được coi là tiêu chuẩn hóa trong VHNT rất khác so với các lĩnh vực khác, nhất là trong kinh tế, vì vậy có lẽ cũng cần thời gian đủ chín để mỗi khi Chính phủ - nhân danh nhân dân - có thể đặt hàng mà không sợ các sáng tạo VHNT chỉ đạt được những tiêu chuẩn “trung bình” mà vẫn được đặc biệt ưu đãi.


Tự nhiên chúng tôi liên tưởng đến câu chuyện của Nguyễn Trãi cách đây hơn 600 năm, xin chép lại ra đây như một ý kiến tham khảo trước khi đề nghị một chính sách phát triển văn hóa phù hợp với tâm hồn và bản lĩnh dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước nhưng nó vẫn không tách rời truyền thống của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta:


“Tháng giêng năm Đinh Tị (1437), niên hiệu Thiện – Bình thứ tư, vua Thái Tôn sai Nguyễn Trãi và hoạn quan là Lương Đăng trông nom việc làm xe loan và thẩm định nhã nhạc, nhân dịp này Nguyễn Trãi đã nói với Thái Tôn như sau:


- Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng theo chiếu chỉ thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng. Song học vấn sơ sài, nông cạn sợ trong áng thanh luật khó làm cho được hài hòa. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.”


Trong lịch sử phát triển thế giới hiện đại, người ta nhận ra rằng đôi khi vấn đề trở nên nan giải không phải do bộ máy Nhà nước làm việc không được tốt mà là do nó đang cố gắng làm quá nhiều việc. Phải chăng vị trí của Nhà nước trong kinh tế cũng như trong văn hóa là tạo ra cái “gốc” để cho chúng phát triển hợp quy luật? Nếu chỉ là tranh biện thì rất dễ rơi vào chủ quan, duy ý chí, thậm chí đơn giản chỉ là sự hiếu thắng. Và như vậy, văn hóa cũng như kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, cần phải đi cùng nhân dân bằng sự chiến thắng của lý tưởng mà không phải là sự hiếu thắng thông thường.