Hiện nay một số tổ chức văn hóa của nước ta đã bắt đầu chuẩn bị Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Lễ kỷ niệm này sẽ có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì ngày 25- 10-2013 vừa qua tại kỳ họp thứ 37 ở Paris, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần đầu tiên đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Du là nhà văn hóa kiệt xuất cùng với nhiều danh nhân khác của thế giới. Nhân dịp này tôi muốn gợi lại một số hồi ức về hai chuyến đi sưu tầm tài liệu về Nguyễn Du tại Trung Quốc trong hai năm 1963 và 1964 nhằm phục vụ Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965.
Thư viện Bắc Kinh
Thăm tàng thư quán Hoàng sử thành ở Bắc Kinh
Hoàng sử thành là kho lưu trữ văn thư ngoại giao của hai triều Minh - Thanh, được xây dựng từ năm 1534 dưới triều Minh, nay do Sở lưu trữ công văn trung ương, thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý. Hoàng sử thành ở gần Cố cung nhưng nằm ngoài phạm vi Cố cung. Đây là một tòa nhà lớn bằng đá, tường dày gần một mét, có hai vòng thành bao quanh, cánh cửa vào cũng bằng đá, dày gần một tấc. Kiến trúc đặc biệt đó tạo cho kho có một ôn độ vừa phải, thích hợp với yêu cầu bảo quản tư liệu. Hôm Đoàn Viện Văn học Việt Nam đến thăm thì nhiệt độ bên ngoài trên 300C nhưng nhiệt độ trong kho chỉ khoảng 200C. Giữa nhà kho có một bệ đá cao và rộng, trên đặt ba hàng tủ lớn bằng sắt, có khóa, trong mỗi tủ để một số tráp nhỏ, cũng bằng kim loại, có khóa riêng, đựng các văn kiện. Đây là loại kho mà người xưa gọi là thạch thất, kim quỹ.
Hồ sơ về chuyến đi sứ Thanh của Nguyễn Du được lưu giữ tại đây, không có dấu mối đục, dấu gián nhấm, chỉ màu giấy hơi ngả màu vàng, mới trông qua không ai nghĩ là những giấy tờ này cách nay đã 150 năm.
Trước khi mở văn thư, ông Quán trưởng cẩn thận rào đón trước: - Kính mong Đặng Viện trưởng và các đồng chí Việt Nam thông cảm cho về lời lẽ trong văn kiện khi nói đến sứ thần Việt Nam.
Giáo sư Đặng Thai Mai cười nói: - Xin Quán trưởng yên tâm, những lối xưng hô đó nay đã thuộc về quá khứ.
Quán trưởng cho biết về thể chế văn thư của triều Thanh như sau: Khi văn thư các nước lân bang gửi đến thì Nội vụ phủ giữ lại bản chính và sao lại một bản tinh tả, gọi là bản lục phó để Hoàng đế đọc. Bản nào Hoàng đế có phê chữ son ở dưới thì gọi là bảnchâu phê. Bản châu phê lưu ở Quan cơ xứ, tức là bộ phận văn thư của Hoàng đế, đến khi hết hạn thì chuyển về Hoàng sử thành lưu trữ lâu dài.
Hồ sơ liên quan đến chuyến đi sứ của sứ thần Nguyễn Du hiện còn lưu tại đây gồm cả loại lục phó và châu phê, loại châu phê nhiều hơn. Tất cả gồm có 21 văn bản.
Tại Hoàng sử thành Đoàn đã tìm được khá đầy đủ tập hồ sơ về việc Nguyễn Du làm Chánh sứ đoàn tuế cống sang triều Thanh Trung Quốc trong hai năm Quý Dậu và Giáp Tuất (1813, 1814); về việc này sử sách của triều Nguyễn chép rất sơ lược, còn qua hồ sơ của Trung Quốc có thể biết được danh sách sứ đoàn, ngoài ba vị chánh phó sứ còn có danh sách các nhân viên tùy tùng, đường đi và về của sứ đoàn, chương trình hoạt động ở Bắc Kinh v.v...
Trước khi Đoàn cán bộ Viện Văn học sang Bắc Kinh thì đã có văn thư gửi sang trước, đề nghị tìm các sử liệu và sách cổ Trung Quốc có quan hệ về cốt truyện với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhờ sự hỗ trợ của Phòng tư liệu của Sở Nghiên cứu văn học Trung Quốc và Thư viện quốc gia Bắc Kinh, đặc biệt là sự giúp đỡ của cụ Trương Tú Dân, chuyên gia về sách cổ Trung Quốc và là người am hiểu các sách cổ Việt Nam nên khi đoàn đến Bắc Kinh thì các loại tài liệu cần tìm đã được tập hợp đầy đủ.
Thư viện quốc gia Bắc Kinh
Các tài liệu này sẽ làm sáng tỏ sự phát triển của sự tích Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến từ sự thực lịch sử đến sự thực nghệ thuật qua các truyện ký, tiểu thuyết chương hồi và các tác phẩm hý khúc, đặc biệt sự biến đổi diện mạo, tính cách nhân vật Từ Hải từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ đó có thể đi đến những đánh giá thích đáng đối với từng tác phẩm cụ thể.
Ông Quách Mạt Nhược, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc tiếp đoàn
Ngày 24-6-1963, ông Quách Mạt Nhược tiếp đoàn tại một phòng khách của Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Mở đầu ông hoan nghênh đoàn Việt Nam sang Trung Quốc sưu tầm tài liệu, ông nói: - Nghiên cứu khoa học cần có tài liệu phong phú và quan điểm nghiên cứu đúng đắn. Tư liệu và quan điểm cần cả hai, không được coi nhẹ mặt nào. Nếu thiếu một thì đều sẽ rơi vào lệch lạc.
Giáo sư Đặng Thai Mai nói: - Xin tiên sinh cho biết kinh nghiệm nghiên cứu của tiên sinh về sử Trung Quốc.
Ông Quách Mạt Nhược nói: - Chắc các đồng chí cũng biết, không phải từ đầu tôi đã đi vào sử học, mà đến nửa đường đời tôi mới nghiên cứu về sử và văn. Cách đây hơn 30 năm, tôi qua Nhật, định để đi Liên Xô, nhưng rồi bị Nhật bắt, bỏ tù, lúc được thả thì lại bị giam lỏng. Lúc đó còn trẻ, không có việc gì làm, tôi mới tập trung đi vào nghiên cứu sử. Hồi đó ở nước chúng tôi có một quan niệm khá phổ biến cho là chủ nghĩa Mác không thích hợp với thực tiễn Trung Quốc. Động cơ tôi đi vào nghiên cứu sử là để giải đáp vấn đề đó. Tuổi trẻ thật to gan! Nhưng nghĩ lại: làm công tác nghiên cứu khoa học thì phải có thái độ bạo dạn.
Từ Nhật tôi vẫn liên lạc được với trong nước, nên vẫn có nhiều tài liệu để tham khảo. Sử Trung Quốc rất dài, khối tư liệu của nó thật đồ sộ. Có thì giờ rỗi rãi, tôi kiên nhẫn đọc. Nhờ được tham khảo nhiều tài liệu như thế, cho nên tôi đã có một ý kiến khác với giới nghiên cứu hồi đó về thời kỳ chế độ nô lệ của Trung Quốc. Theo tôi, Xuân thu, Chiến quốc thuộc hai thời kỳ khác nhau, cách nhau hơn 600 năm. Xuân thu là hậu kỳ của chế độ nô lệ, là thời kỳ phân hóa của chế độ nô lệ, sang Chiến quốc vẫn tiếp tục diễn biến đó. Nay có một số người đề xuất ý kiến khác tôi nhưng đa số thì vẫn đồng ý với tôi. Những người phát biểu khác với tôi cũng chưa dẫn ra được tài liệu gì mới hơn tôi. Những tài liệu họ dẫn ra để phản bác tôi đều đã đọc, cho nên đến nay tôi vẫn giữ ý kiến cũ của tôi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Lục Định Nhất tiếp đoàn
Ngày 26-6-1963, một ngày trước khi đoàn rời Bắc Kinh đi xuống phía nam, Phó Thủ tướng Lục Định Nhất đã tiếp đoàn tại Trung Nam Hải với sự có mặt của Đại sứ Việt Nam Trần Tử Bình và Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài của Trung Quốc Tào Anh.
Mở đầu buổi tiếp, ông Lục Định Nhất thân ái hỏi đoàn đã đạt yêu cầu sưu tầm tài liệu ở Bắc Kinh chưa. GS Đặng Thai Mai trả lời: - Nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban liên lạc văn hóa Trung Quốc, đoàn đã thu thập được hai loại tư liệu quý: Hồ sơ về chuyến đi sứ sang Trung Quốc năm 1813 và các sách cổ của Trung Quốc có liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng có một điểm mà phía Việt Nam kỳ vọng thì chưa có kết quả. Đó là theo kinh nghiệm của Triều Tiên, một sứ thần Triều Tiên đi sứ Trung Quốc, sau lễ triều kiến Hoàng đế Trung Quốc thì được vẽ tranh chân dung lưu lại, Việt Nam cũng hy vọng có thể tìm được một tranh chân dung của Nguyễn Du chăng?
Ông Lục Định Nhất liền quay sang phía ông Tào Anh nói: - Thế thì sáng mai mở phòng tranh Cố cung để các đồng chí Việt Nam vào xem, nếu có tranh liên quan thì tặng bản gốc cho Việt Nam, Trung Quốc chỉ giữ lại bản sao.
GS Đặng Thai Mai nói: - Xin hết sức cảm ơn Phó Thủ tướng, nhưng tôi xin đề nghị ngược lại là chúng tôi chỉ xin một bản sao, còn nguyên bản thì Trung Quốc vẫn giữ, vì kinh nghiệm và điều kiện bảo quản văn vật cổ của Trung Quốc tốt hơn.
Ông Lục Định Nhất lại nói: - Các đồng chí có nhớ chuyện Quý hoa viên không? Có hai anh em cứ nhường nhau mãi, không ai chịu nhận. Thôi thì giải quyết thế này: Trung Quốc cứ tạm giữ nguyên bản, khi nào Việt Nam giải phóng Sài Gòn thì chúng ta sẽ chở vào Sài Gòn tặng các đồng chí một thể.
Mọi người đều cười vui vẻ.
Sáng hôm sau đoàn được vào phòng tranh trong vườn thượng uyển, ở sâu phía trong Cố cung, nhưng sứ đoàn Nguyễn Du chỉ là một đoàn đi dâng nộp đồ tuế cống, không có sứ mệnh ngoại giao quan trọng nên không có nghi lễ triều kiến trực tiếp “thiên tử”, do đó không có tranh truyền thần chân dung lưu lại. Đoàn chỉ được xem một bức tranh khổ lớn, nhan đề Vạn quốc lai triều, ở một góc có vẽ một nhóm người mang cờ đề An Nam sứ đoàn, nhưng đó là một bức tranh mô tả quang cảnh Hoàng đế Trung Hoa tiếp kiến chung sứ đoàn các nước lân bang ở sân điện Thái Hòa, không liên quan riêng đến Nguyễn Du.
Điều đặc biệt của lần vào tham quan Cố cung lần này là đoàn được uống trà quý tại phòng nghỉ chân của Hoàng đế, mỗi lần dạo chơi vườn thượng uyển, với những chiếc chén men sứ màu vàng có hình rồng nổi bên thành chén, cũng màu vàng.
Thăm Hàng Châu
Ở Hàng Châu, đoàn tạm trú ở Hàng Châu phạn điếm nằm trên lưng chừng một quả đồi nhìn thẳng ra Tây hồ phía Tô Đề, “Đường Tô Đông Pha làm phú” (thơ Tế Hanh), theo bậc tam cấp xuống chân đồi, nếu rẽ phải độ vài trăm mét là đến Nhạc miếu, ở cổng có tượng Tần Cối, nếu rẽ trái cũng chỉ vài trăm mét là đến mộ Tiểu Thanh, nằm ở chân đồi Cô Sơn, phía trước là Bạch Đề chạy theo mép Tây Hồ, trên đỉnh Cô Sơn là Chiết Giang đồ thư quán. Tất nhiên một điều sẽ lẩn quất trong tâm trí mọi người Việt đến đây liên quan đến bài thơ chữ Hán nổi tiếng Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du và câu hỏi: Nguyễn Du có đến Hàng Châu hay không? Tháng 7-1964 trong chuyến đi sưu tầm tài liệu thứ hai chúng tôi cũng có đến Hùng Châu và chụp ảnh mộ Tiểu Thanh, nghe nói đến Cách mạng văn hóa Trung Quốc thì mộ bị phá hủy.
Xem bản dịch Phùng Tiểu Thanh sự tích (do Nguyễn Đức Vân dịch) trích trong Tây Hồ thập di, quyển 19, của Tiền đường Mai Khê sưu tập thì người đọc có cảm giác Tiểu Thanh là người thật, và đây là mộ thật chứ không phải Tiểu Thanh là một nhân vật hư cấu, theo cách suy đoán cho rằng chữ tiểu viết gần giống bộ tâm đứng, ghép với chữ thanh thành chữ tình, từ đó suy ra Phùng Tiểu Thanh chỉ là một nhân vật hư cấu trong một câu chuyện tình sử.
Về vấn đề Nguyễn Du có đến Hàng Châu hay không:
Trong dịp đến đây lần thứ hai các bạn Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tọa đàm nhỏ tại một nghinh phong đình trên bờ Tây Hồ, GS Hạ Thừa Đảo, Chủ nhiệm hệ Trung văn Trường Đại học Hàng Châu, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Tống từ của Trung Quốc đã phát biểu: - Mấy năm trước Bùi Kỷ tiên sinh, Hội trưởng Hội Việt – Trung hữu nghị của quý quốc, sang phỏng vấn Trung Quốc, có đến Hàng Châu, Bùi tiên sinh đã chép tặng tôi bài Độc Tiểu Thanh ký, nay nhờ quý vị tôi được đọc toàn bộ tập thơ Bắc hành tạp lục. Theo tôi, một người sinh sống lâu năm ở Hàng Châu thì bài Độc Tiểu Thanh ký không thể bó buộc chúng ta phải hiểu là tác giả đã đến Tây hồ, đối cảnh sinh tình mà làm ra. Đây chỉ là từ xa ngưỡng vọng về Tây hồ. Còn về bài Nhạc miếu thì ở Hà Nam cũng có một Nhạc miếu và tượng Tần Cối giống như ở Hàng Châu.
Trong lần đến Hàng Châu lần đầu năm 1963, Đoàn cán bộ Việt Nam còn được mời đi xem sóng Tiền Đường mà Nguyễn Du có nhắc đến trong Truyện Kiều:
Triều đâu nỏi sóng đùng đùng
Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường
Cơ quan khí tượng giải thích: Hàng năm vào khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch, mặt trăng quay gần quả đất, tạo sức hút mạnh làm cho thủy triều vụt nổi lên rất lớn, thủy triều từ cửa vịnh Hàng Châu rộng mênh mông bất ngờ đổ ập vào cửa sông Tiền Đường chật hẹp, tạo nên một thành nước cao, tiếng nổ ầm ầm, cảnh tượng rất hùng vĩ, thu hút rất đông khách du lịch đến xem. Năm nay sóng Tiền Đường nổi không lớn lắm,nhưng vẫn là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, rất đáng xem.
Đoàn được chở đến thị trấn Nhiêm Quan, huyện Hải Ninh, nghỉ trưa ở miếu hải thần, tương truyền là do vua Càn Long cho xây dựng trong thời gian “du giang nam”, cạnh miếu có một con trâu sắt nằm hướng về cửa sông Tiền Đường, nghe nói cứ 10 cây số thì có một con, tổng cộng 15 con tất cả, sẵn sàng uống bớt nước thủy triều khi sóng lên quá to. Trưa hôm đó chúng tôi vừa ăn cơm hộp mang theo vừa thấp thỏm chờ đợi sóng Tiền Đường nổi lên, một kỷ niệm khó quên trong hai lần sang Trung Quốc sưu tầm tư liệu về Nguyễn Du.