Loading...
|
Việc kị húy tên vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng trong truyện KiềuNgày 09 tháng 09 năm 2015
1/ Về vấn đề này chúng tôi đã viết khá nhiều nhưng vẫn có những độc giả chưa tán thành hoặc nêu nhiều thắc mắc. Có lẽ do lỗi chúng tôi: chúng tôi đã nêu dẫn chứng một cách quá tham lam, và đã trình bày một cách quá rắc rối. Nay chúng tôi chỉ xin thông báo lại về chỉ một cứ liệu, và một cách thật ngắn gọn. a/ Chuyện Truyện Kiều không phải viết ra sau khi cụ Nguyễn Du đi sứ về thì nay đã có nhiều chứng cứ: – Theo 2 cuốn A-400 và A-2140 ở Viện Hán Nôm, năm 1811, trên đường vào Huế, cụ Phạm Quí Thích đã đem Truyện Kiều đi theo để đọc, và đọc xong cụ đã viết bài thơ “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” 1. – Nguyễn Lượng đã bình luận về Truyện Kiều trước năm 1807, vì năm đó ông qua đời. Có lời phê của ông chắc chắn đã được viết trước năm 1803 vì ông không né tránh việc dùng chữ CHỦNG (tên Gia Long) trong 4 chữ viết bằng Hán văn BÁCH CHỦNG HOAN NGU 2. b) Nhưng muốn xác định thời điểm hoàn thành Truyện Kiều một cách thật chính xác thì cần phải dựa vào các vết tích kị húy Lê Trịnh may mắn còn sót lại. Ở đây cần chú ý 2 điểm: – Sang triều Nguyễn, các trường hợp kị húy Lê Trịnh đều đã có chủ trương xóa bỏ, sau còn lưu lại được nhiếu hay ít vết tích, đó là điều tuỳ thuộc vào hoàn cảnh may rủi. Vậy về nguyên tắc, không thể đòi hỏi một sự đầy đủ tuyệt đối. – Trong các tên húy thời Lê Trịnh, cần lưu ý trước tiên đến tên KÌ của vua Lê Chiêu Thống và tên BỒNG của vị chúa Trịnh thời đó, bởi vì vào thời gian xung đột với nhà Tây Sơn giới nho sĩ Bắc Hà rất đề cao tâm lý phù Lê, cụ Nguyễn Du chắc thế nào cũng bị ảnh hưởng. 2/ Chúng tôi đã có bài chứng minh rằng khoảng 900 câu Kiều đầu tiên đã được cụ Nguyễn Du viết ra trong giai đoạn 1783–1786, căn cứ vào đặc điểm từ ngữ, đặc điểm cách viết Nôm và cũng căn cứ vào cả chữ húy. Trong 900 câu ấy tên húy và tước hiệu nhiều vua Lê chúa Trịnh đã được né tránh, như tên KHOÁI của Lê Gia Tông ở câu 673, tên tước TÂY VƯƠNG của Trịnh Tạc ở câu 583 chẳng hạn, nhưng hai tên KÌ và BỒNG thì vẫn viết bình thường vì lúc bấy giờ hai vị ấy chưa lên cầm quyền 3. Vậy việc tìm vết tich kị húy chúa Trịnh Bồng và vua Lê Chiêu Thống phải tìm trong khoảng hơn 2.000 câu cuối của tác phẩm. Đi theo hướng ấy chúng ta thấy: – Có 6 chữ BỒNG ở các câu 1509, 1785, 2244, 2627, 2803, 2937. – Trong đó có 4 chữ còn lưu lại vết tích lạ ở bản Kiều này hay bản Kiều nọ: chữ ở câu 2244 bị bản DMT và bản Vinh bỏ bộ THẢO ở thanh phù; chữ ở câu 2803 cũng được hai bản DMT và Vinh thêm bộ KHẨU; chữ ở câu 2937 bị bản TMĐ thay bộ THẢO bằng một nét ngang. – Riêng chữ ở câu 2627 thì được nhiều bản cùng thay chữ khác: BỒNG thay bằng BUỒNG ở bản Vinh và bản Lâm Nọa Phu (LNP), thay bằng PHÒNG ở cả Liễu Văn Đường (LVĐ)/1866, LVĐ/1871, (Quan Vân Đường (QVĐ)/1879, Thịnh Mĩ Đường (TMĐ)/1879 và ở cả bản kí hiệu VNB-60 (lưu trữ ở Thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). – Như vậy, ở các bản Kiều thế kỷ 19, 4 trên 6 chữ BỒNG đã được thay đổi tự dạng, 2 trường hợp không thay lại vốn đã được đọc BÒNG (trong ĐÈO BÒNG) không trùng với âm BỒNG! Mà rõ ràng đổi là để kị húy chứ đâu phải để nhuận sắc: CỬA BỒNG trên thuyền mà đổi thành CỬA BUỒNG, CỬA PHÒNG thì còn gì là giá trị văn chương! 3/Về âm KÌ có hơi rắc rối hơn. Về tên húy có chữ KÌ (với nghĩa là “tốt”) tên vua Thần Tông và chữ KÌ (với nghĩa là “cầu phúc”), tên vua Chiêu Thống. Trong tiếng Hán hai chữ này đọc hơi khác nhau, nhưng sang Hán Việt chúng đồng âm hóa thành KÌ. Trong hơn 2.000 câu Kiều cuối truyện có 12 câu với 3 chữ KÌ: chữ KÌ (với nghỉa là thời hạn), chữ KÌ (với nghĩa là “cờ tướng”) và chữ KÌ (với nghĩa là “ngọn cờ”). – Chữa KÌ đầu (với nghĩa là “thời hạn”) cần được chú ý vì khi nó đọc CỜ Nôm, khi nó đọc KÌ Hán Việt, trùng với tên hai vua Lê. Trong 6 câu chúng ta gặp nó (các câu 1757, 2077, 2179, 2230, 2407, 2508), 4 lần nó được kị húy: + Chữ ở câu 2230 được rất nhiều bản thay thế: thay bằng chữ SÍ (THÍ, THI, KÌ) đọc Nôm thành RÌA ở bốn bản DMT, Vinh, LVĐ/1866, LVĐ/1871; thay bằng THÌ ở 3 bản QVĐ/1879, TMĐ/1879, VNB-60; và thay bằng LÌA ở 2 bản LNP, Kiều Oánh Mậu (KOM). + Chữ ở câu 1757 thay bằng KHI ở 2 bản LVĐ /1866, 1871; + Chữ ở câu 2179 thay bằng KHI ở bản Minh Mạng lục niên và thay bằng TRI ở bản họ Đoàn; + Chữ ở câu 2407 cũng được thay bằng KHI ở bản Minh Mạng lục niên. Như vậy chỉ hai trường hợp không còn vết tích kị húy, nhưng may một trường hợp lại đọc CỜ, né tránh được mặt âm. – Chữ KÌ với nghĩa là “cờ tướng” (ở 4 câu 1246, 1473, 3110, 3223) và chữ KÌ với nghĩa là “ngọn cờ” (ở 2 câu 2299, 2509) trong Truyện Kiều đều đọc Nôm là CỜ nên về mặt âm chúng không phạm húy. Tuy nhiên, để thận trọng, nhiều bản cũng thay đổi cả tự dạng để tránh xa chữ húy hơn: + Chữ ở câu 1246, bản DMT bỏ bộ MỘC và thêm ba chấm ở trên đầu; bản Vinh thay bộ MỘC bằng bộ THỦ XÓC; hai bản LVĐ/1866, 1871 và ba bản TMĐ, QVĐ, VNB-60 bỏ bộ MỘC và thêm bộ THẠCH vào ở dưới; + Chữ ở câu 3110 cũng được 4 bản kị húy: bộ MỘC được thay bằng bộ THỦ ở DMT, và được thay bằng bộ NGỌC ở hai bản LVĐ/ 1866, 1871 và ở bản QVĐ/1879; + Chữ ở câu 1473 được bản DMT và bản Vinh thay bộ MỘC bằng bộ THỦ; + Chữ ở câu 3223 được bản DMT thay bộ MỘC bằng bộ NHỤC (hay NGUYỆT); + Chữ ở câu 2299 cũng được bản DMT thận trọng thay bộ PHƯƠNG bằng bộ THỦ. – Thế nghĩa là việc kị húy âm KÌ của hai vua Lê Chiêu Thống và Lê Thần Tông cũng còn lưu vết tích khá nhiều và khá rõ: trên tổng số 12 câu, có 9 câu kiêng cả âm cả tự dạng, 3 câu chỉ kiêng âm, kể cả kiêng âm một cách lâm thời, bất thường như trong trường hợp: 2077 E chăng những sự bất CẦY (KÌ > CẦY) 2071 Để nàng cho đến thế NÀY cũng thương. Hơn nữa, không ở chữ này thì chữ khác bản nào cũng có tham gia vào việc kị húy. Riêng ở 2 câu 2230 và 1246 thì có thể nói hầu hết các bản đều có cách né tránh riêng của mình. Rõ ràng không thể cho đây là hiện tượng sao chép, khắc in phạm phải những sai sót ngẫu nhiên trong chữ Nôm. Còn nếu thử so sánh mấy dị bản sau đây ở câu 2230: – Gió mây bằng đã đến KÌ dặm khơi (Trương Vĩnh Ký) – Gió mây bằng đã đến RÌA dặm khơi (DMT, Vinh, LVĐ/1866, 1871) – Gió mây bằng đã đến THÌ dặm khơi (QVĐ, TMĐ, VNB-60) – Gió mây bằng SÍ/ TIỆN/ đã LÌA dặm khơi (LNP, KOM) thì dị bản gốc mà Trương Vĩnh Ký đã tìm được là dị bản vừa đơn giản vừa hay hơn nhiều. Các dị bản còn lại chỉ là những dị bản bất đắc dĩ tạo ra để né tránh tên húy mà thôi. Theo Nguyễn Tài Cẩn/Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV -------------------------- 1 Ý kiến này là do cụ Hoàng Xuân Hãn nêu lên (Tạp chí Văn học, 1997). Anh Vũ Thế Khôi đã tìm được tên bài thơ trong A-2140 và đã thông tin cho anh Đào Thái Tôn biết (Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận. NXB Hội Nhà văn, 2001). Chị Hà Thị Tuệ Thành đã kiểm tra lại trong A-400 và đã có báo cáo “Một số tư liệu xung quanh bài thơ Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường”. Hội thảo quốc tế về chữ Nôm – Huế 2006. 2 Phan Thanh Sơn & Hà Thị Tuệ Thành, “Truyện Kiều được sáng tác vào khoảng nào?”. Tạp chí Văn hoá Nghệ An, số 71, ngày 25. 02. 2006. 3 Nguyễn Tài Cẩn, “Lịch sử truyện Kiều”: Về khoảng 900 câu khởi thảo đầu tiên. Tạo chí nghiên cứu văn học số 11/2005.
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |