nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Tục “Đốt vàng mã” đang bị biến tướng ngược truyền thống văn hóa dân tộc – Bài 1


“Đốt vàng mã” từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay việc làm này đang bị làm cho biến tướng, sai lệch ý nghĩa của nét văn hóa đẹp.
 
Nhiều người đốt vàng mã mà không hiểu hết ý nghĩa của nó (Ảnh minh họa)

Biến "Tập tục truyền thống" thành "Mê tín dị đoan".

Với quan niệm, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì quá thương tiếc người thân đã sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp Lễ, Tết để người chết sử dụng ở cõi âm, phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tấn tài, tấn lộc… chính vì thế tục đốt vàng mã ngày một biến tướng với đủ hình thái làm cho đời sống tâm linh trở nên hỗn tạp, không còn đủ sự tôn kính, lạm dụng như ngày nay, và cuối cùng hình thành tâm lý, người sống có cái gì thì người chết có cái đó.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng, tư tưởng “trần sao âm vậy” đang chi phối nặng nề người Việt. “Cho nên mới có chuyện họ đốt hương hoa rồi đốt cả tiền đô, iphone, ipad, nhà lầu, xe hơi cho những người đã khuất, cho các thánh thần. Ông cho rằng, đến lễ hội là đến với tín ngưỡng. “Chúng ta phải đến bằng thái độ nghiêm túc, chỉn chu, hiểu

Cũng theo chia sẻ của TS Nguyễn Hoàng Diệp - Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phương Đông cho hay: "Đốt vàng mã là một phong tục rất đẹp của người Việt vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Xưa kia, người ta chỉ để vài tập giấy nhỏ trên bàn thờ và khi lễ xong thì đốt rất ít để tưởng nhớ gia tiên. Thế nhưng, ngày nay, tục đốt vàng mã cho người đã khuất có xu hướng ngày càng gia tăng. Không chỉ dừng lại ở việc đốt vài tập giấy bình thường, cuộc sống hiện đại "phú quý sinh lễ nghĩa", những người đang sống còn tìm đủ mọi cách để "gửi đồ" cho người âm. Tôi cho rằng, đốt nhà lầu, xe hơi, ti vi tủ lạnh, đô la... đó là sự biến tướng làm sai lệch ý nghĩa của nét văn hóa đẹp. Ngay cả trong giáo lý của nhà Phật cũng chỉ khuyên con người nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ người đã khuất chứ không dạy việc đốt thật nhiều nhà lầu, xe hơi...

Quan điểm của Phật giáo, chùa không phải nơi xin xỏ, ban phát lợi lộc, bởi giáo lý Phật giáo không dạy con người tham lam. Đến chùa chỉ nên cầu bình an, nhắc nhở mình sống hướng thiện, vậy mà không ít người đến cửa Phật, cửa Thánh với tâm lý “xin - cho”, cầu mong Phật, Thánh ban cho nhiều tài, lộc. Tâm lý ấy dẫn đến những hành vi phản cảm, thậm chí nặng tính “mua bán” như quá coi trọng lễ vật, đốt quá nhiều vàng mã với quan niệm lễ vật càng to càng được Phật, Thánh phù hộ và ban nhiều tài lộc. Trong khi đó, quan trọng nhất vẫn là lòng thành của mỗi người khi tìm về chốn linh thiêng.

Mê tín dị đoan là một biểu hiện của suy thoái, tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Xóa bỏ nó không phải dễ cũng chẳng khó, với sự chung tay của toàn xã hội, những tập tục cuồng tín sẽ phần nào giảm, hướng đến một xã hội văn minh.

Hành lễ chính là sự thành tâm, thành kính.

Theo giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, đạo Phật cho rằng, việc đốt vàng mã, biến các lễ hội thành nơi ăn thua chẳng khác gì trên “chiếu bạc” chính là sự biến tướng, trục lợi, là hành vi “buôn thần bán thánh”. Số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội. Vì thế cần chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ những người thực hiện các nghi thức lễ hội. Nhiều người thực hành nghi lễ hiện nay không hiểu bản chất của lễ hội. Thực tế, không phải lễ hội bị phục dựng quá đà mà chính là việc thực hành nghi thức bị làm quá đà, giáo sư Trần Lâm Biền khẳng định.

Trên góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu, ăn sâu vào tâm thức người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự.

Thứ trưởng cũng cho biết, những năm gần đây, Bộ VHTTDL đều ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Nếu người dân muốn đốt thì phải đốt đúng nơi quy định, không đốt bừa bãi. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ. Tại một số “điểm nóng” về việc đốt vàng mã như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bộ VHTTDL đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng một đề án nghiên cứu tập tục đốt vàng mã tại đây, và đưa ra các biện pháp tuyên truyền nhằm hạn chế tập tục này.

Ngay đầu mùa lễ hội Mậu Tuất, ngày 21/2, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) đã gửi công văn số 91/VHCS-QLHĐLH tới Sở VH-TT, Sở VHTTDL các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo công văn này, các di tích phải có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn người dân thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định...

Nói về các lễ hội diễn ra vừa qua trên địa bàn, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thừa nhận, mặc dù những lễ hội mở đầu của mùa lễ hội 2018 ở Hà Nội diễn ra khá an toàn, văn minh nhưng vẫn còn tồn tại những hiện tượng chưa đẹp như hiện tượng đốt vàng mã, đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định. Ông Tô Văn Động khẳng định, thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục đi kiểm tra, giám sát và nhắc nhở Ban quản lý các di tích, Ban quản lý lễ hội phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL, tuyên truyền, vận động người dân đi lễ văn minh, đốt vàng mã đúng nơi quy định, Sở VH-TT Hà Nội cũng tăng cường truyên truyền các Quy tắc ứng xử văn minh tại lễ hội, hướng dẫn người dự hội có hành vi đẹp.

“Tục đốt vàng mã” của người Việt được thực hiện từ bao đời nay, nhưng tập tục này đang bị lạm dụng, biến tướng làm mất đi nét đẹp trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tục đốt vàng mã phần nào thể hiện sự thành tâm hướng về tổ tiên nhưng nếu quá đà, hành động ấy lại trở nên phản cảm, xấu xí và lãng phí. Thiết nghĩ, hành lễ dù ở đâu, khi nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, thành kính.


Theo Lan Anh/cinet.vn 

 

Di sản văn hóa