Loading...
|
Truyện Kiều ngày càng lan tỏa, ăn sâu vào đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.Ngày 02 tháng 12 năm 2015
Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm văn học nào lại được nhân dân yêu quý như Truyện Kiều. Không chỉ được chuyển thể thành những loại hình sân khấu như kịch, chèo, tuồng, cải lương... mà trong đời sống dân gian, từ nhiều đời nay, người ta đã truyền cho nhau nhiều cách thưởng thức tác phẩm nàyqua các trò ngâm Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều và cả bói Kiều. Từ một tác phẩm văn chương, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi vào đời sống qua lời ăn tiếng nói, qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian.
Bắt đầu từ câu hát "à ơi", không ít người lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ. Thơ Kiều đã thấm vào tâm hồn con trẻ, lắng đọng để rồi khi lớn lên không ai lại không thuộc dăm ba câu Kiều. Bởi thế xưa kia, rất nhiều người Việt Nam dù không biết chữ nhưng vẫn thuộc làu làu nhiều đoạn Truyện Kiều, thậm chí có người thuộc từ đầu đến cuối. Truyện Kiều đi vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân một cách tự nhiên. Ông Đặng Viết Tường, một người dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn còn nhớ hồi nhỏ khi cùng mẹ đi chợ, vẫn thường nghe các cô bán cá nướng vừa nhẩm những câu Kiều, vừa đếm cá.
Ông chia sẻ: "Có những xã ở vùng biển lên chợ Đình (Nghi Xuân) bán cá. Mỗi khi có khách đến mua cá, người ta ngâm từng câu Kiều và đếm. Ví dụ: Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Như thế là đếm được 4 con. Cả buổi chợ vừa đếm vừa ngâm nga câu hát thì có thể đến hàng trăm câu Kiều".
Cũng theo ông Tường, từ ngâm Kiều, người dân còn sáng tạo ra hình thức nhại Kiều: "Có những câu nhại Kiều rất hay. Nói về ẩm thực, như quả cà thì người ta nhại Kiều: "Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề da thịt thì cà mặn hơn". Những người vợ ghen tuông với đức ông chồng có tính hay trăng hoa thì người ta nhại Kiều thế này: "Anh mà giở thói Thúc Sinh/ Thì đừng có trách vợ mình Hoạn Thư""...
Với tâm niệm cần có những hình thức chuyển tải sinh động khác để Truyện Kiều lưu dấu trong đời sống dân gian, nghệ sĩ ưu tú Hồng Oanh đã cùng các thành viên trong Câu lạc bộ hát thơ Lạc Việt, Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thể từ truyện Kiều sang hát thơ Kiều. 17 trích đoạn Kiều điển hình gồm cả mở đầu và lời kết như "Cha bị hãm hại, Kiều bán mình, trao duyên cho Thúy Vân", "Tâm trạng buồn bã của Thúy Kiều lúc sa tay Tú Bà", "Thúy Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường"... đã được nhóm nghệ sĩ hát thơ Lạc Việt thể hiện với các làn điệu dân ca cổ 3 miền trong nhiều năm qua.
Bà chia sẻ: "Bao nhiêu câu lục bát đâu có nốt nhạc mà nhân dân hát được đủ kiểu. Rõ ràng mình phải khai thác những gì chưa ai khai thác, chưa biết lượm những hạt vàng, hạt ngọc đó vào. Thế thì sẽ hát 3 miền, ví dụ như Chầu văn đưa vào Truyện Kiều rất hay. Ví Giặm Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, dân ca khu 5 cũng đưa được vào Truyện Kiều. Hàng trăm, hàng ngàn điệu trong đó tại sao mình không khai thác để giới thiệu trong du lịch, để đưa vào trường học, cần thiết cho mỗi giờ văn".
Trong dân gian còn có tục bói Kiều mà người ta vẫn thường truyền tai nhau là rất linh nghiệm. Bởi vì Truyện Kiều phản ánh bối cảnh đời sống hiện thực, tâm lý con người với "thập loại chúng sinh", khi ai soi vào đều thấy mình trong đó. Đến bây giờ, không ít du khách khi tới thăm khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân dù bận đến mấy cũng nán lại để xem một quẻ bói Kiều. Chỉ cần một cuốn sách, người xem tự khấn "Lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy chàng Kim Trọng cho tôi xin một quẻ hôm nay...", sau đó nam dùng tay trái, nữ dùng tay phải giở Kiều, lấy ngón tay chỉ vào 1 dòng nào đó rồi đưa cho người giải.
Theo ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban quản lý khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thì bói Kiều là một hiệu ứng dân gian, là sự tiếp nối với một hình thức sinh hoạt văn hóa thú vị: "Một khái niệm chúng ta hiểu rất đơn giản là theo ý nghĩa dân gian từ Truyện Kiều lan tỏa rất mạnh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư. Xét cho cùng bói Kiều là bộ môn rất thú vị trong các loại hình văn hóa dân gian về Kiều bởi nó đưa lại cho con người cảm giác thư giãn, rất vui, đặt ra niềm tin khá rõ trong đời sống cộng đồng".
Nếu như Đại thi hào Nguyễn Du khiêm tốn cho rằng những "lời quê chắp nhặt" của ông chỉ đủ "mua vui một vài trống canh" thì giờ đây, thế hệ con cháu hôm nay đã biết phát huy, sáng tạo với nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú để Truyện Kiều ngày càng lan tỏa, ăn sâu vào đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người./.
Theo Phương Thúy/VOV.vn
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |