Việt Nam là nước sản xuất đồ gốm khá sớm và đồ gốm đã đồng hành và phát triển mạnh mẽ trong tiến trình lịch sử dân tộc. Khi nói đến đồ gốm, một câu hỏi được đặt ra là trên đất nước ta đồ gốm ra đời từ lúc nào?
Làng nghề gốm sứ Việt Nam
Thoạt nhìn qua, đồ gốm thật là bình thường, nhưng không phải con người khi vừa hình thành là biết làm ra đồ gốm để dùng. Đã có một thời gian dài con người sống trong môi trường không có đồ gốm. Đồ gốm ra đời là một sáng tạo vĩ đại của con người. Phải trải qua hàng triệu năm lao động vất vả con người mới phát hiện ra. Đồ gốm là thành quả của đất cộng với nước, lửa và trí tuệ con người. Thật là kỳ diệu, đất thấm nước, gốm cũng là đất, không những không sợ nước, mà còn đựng được nước, vĩ dại làm sao! Một chất liệu mới ra đời. Đồ gốm ra đời đánh dấu một bước nhày vọt trong lịch sử phát triển của con người. Chính người thầy của cách mạng F. Ăngghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, tư hữu và nhà nước”đã nêu lên đồ gốm là tiêu chí cho sự kết thúc của thời đại mông muội và mở đầu cho thời đại dã man. Cũng như vậy, các nhà khảo cổ trên thế giới thì cho đồ gốm ra đời là sự kết thúc của thời đại đá củ mở đầu cho thời dại đá mới. Đồ gốm dễ vỡ nên thường lưu thông trong một khu vực, không thể mang đi trao đổi xa được, nên đồ gốm mang đậm đà phong cách văn hóa dân gian địa phương, nên rất được mọi người sưu tầm cất giữ như những báu vật. Ở nước ta, con người có mặt từ hàng triẹu năm trước mà dấu tích là những chiếc răng người hóa thạch phát hiện trong vài hang động ở miền núi phía bắc như Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái) và ở ngay Thẩm Ồm trên đất Nghệ An, nhưng phải đến thời kỳ văn hóa Bắc Sơn cách ngày nay gần vạn năm con người sinh sống trên đất nước ta mới biết đến đồ gốm. Từ đấy, cùng với sự cải tiến công nghệ sản xuất đồ gốm, đồ gốm nước ta không những ngày một phát triển theo đà tiến lên của dân tộc mà con mang đậm đà phong cách của các giai đoạn phát triển khác nhau. Về đại thể có thể phân tiến trình gốm sứ Việt Nam qua các giai đoạn: Gốm Việt Nam thời tiền sơ sử, gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, gốm Việt Nam thời Lý Trần, gốm Việt Nam thời Lê Nguyễn. Dưới đây xin lần lượt khái quát gốm Việt Nam qua các giai đoạn trên
I – Gốm Việt Nam thời tiền sơ sử.
Gốm trong văn hóa Hòa Bình cho đến nay chưa có được những chứng cứ xác định chắc chắn, nên nói chung cho rằng gốm Việt Nam được mở đầu từ văn hóa Bắc Sơn. Song cũng có người cho rằng văn hóa Hòa Binh – Bắc Sơn chủ yếu phân bố trong các hang động đá vôi ở miền núi không tiện cho việc sử dụng đồ gốm. Hơn nữa, đây lại là vùng sẵn tre nứa, có thể dùng tre nứa làm đồ đựng thay đồ gốm. Muộn hơn, với văn hóa Quỳnh Văn phân bố ở vùng ven biển Nghệ Tĩnh và văn hóa Đa Bút phân bố ở vùng trung du đồng bằng ven núi Thanh Hóa, Ninh Bình, văn hóa Bầu Dũ ven biển Quảng Nam, có niên đại vào khoảng 5.000 – 7.000 năm, do yêu cầu nấu chín thủy sản của vùng sông biển, đồ gốm xuất hiện ngày càng nhiều. Riêng vùng Nghệ Tĩnh gốm văn hóa Quỳnh Văn đầu thời đại đá mới là sớm và có đặc trưng riêng. Gốm sơ kỳ và trung kỳ thời đại đá mới chủ yếu là gốm thô pha cát thô hoặc mịn để tránh bị nứt nẽ trong lúc nung. Gốm chủ yếu nặn bằng tay, người thợ gốm lúc này chưa biết đến phương pháp bàn xoay, nên thành gốm dày mỏng không đều, hình dáng không được tròn trặn, cân đối. Thời này cũng chưa có các lò nung hoàn hảo, phần lớn là nung ngoài trời hoặc chỉ có lò nửa dưới đào trong đất, nửa trên đắp bùn, nên độ nung tương đối thấp, gốm không được cứng. Lúc này, chủng loại dồ gốm rất đơn giản, chủ yếu là đồ đun nấu và một ít đồ đựng sử dụng hàng ngày như nồi, vò, bình, bát, v.v. và kiểu dàng khá đơn giản, phần lớn là đồ miệng đứng hoặc hơi loe. Cổ eo, vai nở bụng tròn, đáy tròn, chưa có đồ đáy bằng hoặc chân đế, đặc biệt xuất hiện loại đồ đựng đáy nhọn rất đặc trưng. Trong văn hóa Quỳnh Văn đã phát hiện được một số đáy nhọn. Đồ gốm lúc này chưa thoát ra khỏi giai đoạn trang trí hoa văn chủ yếu với mục đích tăng thêm độ bền sử dụng, chứ chưa phải nhằm phục vụ cho cái đẹp, nên hoa văn hết sức nghèo nàn đơn giản, chủ yếu chỉ có văn thừng thô.
Cũng cần chú ý là trong giai đoạn này, các văn hóa nguyên thủy còn thưa thớt, nhiều vùng chưa có con người chiếm cứ sinh sống, nên đồ gốm phát hiện được không nhìều, nhưng vô cùng quý giá.
Sau giai đoạn này, sang hậu kỳ thời đại đá mới văn hóa tiền sử tỏa rộng hầu khắp mọi miền đất nước, cả ngoài bắc lẫn trong nam, cả vùng núi, trung du lẫn vùng đồng bằng ven biển, như nhóm di tích gò Con Lợn. gò Mã Đống ở trung du Bắc bộ, văn hóa Hạ Long ở vùng ven biển hái đảo Quảng Ninh, văn hóa Hoa Lộc ở vùng ven biẻn Thanh Hóa, văn hóa Bàu Tró vùng trung du đồng bằng ven biển bắc Trung bộ, cùng các văn hóa Biển Hồ ở Tây nguyên,v.v. Đến giai đoạn này, đồ gốm ở các vùng thể hiện sắc thái địa phương rất đậm nét, hình thành nên các văn hóa riêng, nhưng nhìn chung có thể thấy đăẹc trưng chung của đồ gốm lúc này là đã được chế tác khá cẩn thân, đẹp, một số lớn đã biết chế tạo gốm bằng phương pháp bàn xoay. Trên đất Nghệ Tĩnh, tiêu biểu cho giai đoạn này là gốm loại hình Thạch Lạc văn hóa Bàu Tró, với các di tích điển hình như Rú Ta ở Diễn Châu, Trại Ổi, Đền Đồi ở Quỳnh Lưu, Bãi Phôi Phối ở Nghi Xuân, Rú Nghèn ở Can Lộc, Thạch Lâm, Thạch Lạc, Thạch Đài ở Thạch Hà, Cẩm Thành ở Cẩm Xuyên. Chất liệu gốm lúc này tuy vẫn gốm thô là chính, nhưng cát pha trộn có kích thước và số lượng giảm hơn nhiều, thành gốm đều đặn và mỏng hơn trước nhiều, bên cạnh gốm thô đã xuất hiện một số lượng nhất định gốm mịn, một số vùng đã xuất hiện một lớp áo gốm mỏng phủ trên mặt gốm cùng một số ít gốm đã được tô thêm thổ hoàng màu đỏ. Hoa văn trang trí cực kỳ phong phú, ngoài văn thừng thô và thừng mịn, còn có các loại văn khắc vạch các đường thẳng cắt nhau hoặc song song, văn các đường cong hoặc văn hình sóng nước, văn các hàng chấm giải, văn đắp thêm hoặc văn trổ lỗ. Đáng chú ý là lúc này bắt đầu xuất hiện một số đồ án hoa văn phức hợp, tuy còn đơn giản. Hoa văn trên gốm lúc này chủ yếu là thể hiện trình độ cùng khiếu thẩm mỹ của người thợ gốm. Đồ gốm lúc này không những nhiều về số lượng, mà các loại hình kiểu dáng cũng phong phú, đa dạng. Bên cạnh các đồ đun nấu, đồ đựng thường dùng hàng ngày, còn có thêm các loại đồ đựng kích thước lớn, những chiếc bình gần kiểu con tiện, những chiếc bát bồng,v.v. Đáng chú ý là đến giai đoạn này loại đồ đít nhọn không còn nữa, mà xuất hiện ngày càng nhiều loại đố đáy bằng, loại chân đế hình vành khăn hoặc cao hoặc thấp choãi rộng. Có thể nói đây là bước chuẩn bị cho bước nhảy vọt phát triển lên đỉnh cao của nghề gốm nguyên thủy Việt Nam trong giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.
Vào khoảng 4.000 năm trước, các bộ tộc cư trú trên đất nước ta bước vào thời đại đồng thau. Trên cơ sở những kinh nghiệm thu được trong quá trình lao động, lại được sự hổ trợ của công cụ, dung cụ bằng đồng, công nghệ chế tao gốm không ngừng được cải tiến nâng cao, người thợ gốm đã có thể sáng tạo nên những sản phẩm gốm vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị nghệ thuật.
Trên lưu vực sông Hồng, văn hóa Tiền Đông Sơn với 3 giai đoạn phát triển liên tục là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Đậu và văn hóa Gò Mun được thể hiện khá rõ trên trên kiểu dáng và hoa văn đồ gốm. Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao của gốm nguyên thủy Việt Nam. Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm mịn ngày càng tăng, áo gốm phổ biến, gốm thành mỏng đều, phần lớn có màu hồng nhạt. Hoa văn trang trí, ngoài văn thừng mịn hoặc thô phổ biến trong cả 3 giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn, thì tiêu biểu cho giai đoạn Phùng Nguyên là những đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải với các mô típ khác nhau biến hóa phức tạp, mà phổ biến hơn cả là họa tiết hình chữ S và các hình tam giác đối xứng với các biến thể khác nhau. Những vành hoa văn khác nhau này được trang trí trên cổ, vai và bụng đồ gốm làm cho các đồ án trở nên hài hòa sinh động, đỡ nhàm chán, đồ gốm trở nên nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Đến giai đoạn Phùng Nguyên đồ gốm không những nhiều về số lượng , mà kiểu dáng và loại hình cũng cực kỳ phong phú da dạng. Ngay như nồi cũng có đủ loại to nhỏ, nông sâu, miệng loe, miệng khum, miệng thành dày thành mỏng, bụng tròn bụng dẹt. Còn bát thì cực kỳ đa dạng, phần lớn có miệng loe rộng, chân đế cao hoặc thấp, có những chiéc bát chân cao kiểu mâm bồng. Bình có loại có miệng loe như hình ống nhổ. Đặc biệt có chiếc bình miệng vuông đáy tròn khá độc đáo chưa đâu có. Bên cạnh đồ gốm gia dụng có công năng rõ ràng, bắt đàu từ giai đoạn Phùng Nguyên xuất hiện khá phổ biến một loại đồ gốm chưa xác định được tên gọi và công dụng, tạm thời được gọi là chạc gốm. Chạc gốm gồm phần hình phểu ở trên nối với phần chân, nhưng kiểu dáng cúng rất đa dạng. Chạc gốm thường có chân đế đặt đứng được và một nhánh phụ ở cao hơn, song cũng có chạc gốm chân đế được uốn cong không đặt đứng được, và nhánh phụ có cái được uốn cong tròn như một cái quai. Nếu đặt úp các chạc gốm này trong tủ kính, ta có cảm giác đó là một bộ đồ uống rượu thời nguyên thủy.
Bước sang giai đoạn Đồng Đậu, gốm cứng và thành dày hơn, phần lớn có màu xám và đồ gốm có kích thước lớn tăng nhiều hơn. Riêng hoa văn mang phong cách rất riêng. Đến lúc này hầu như không còn loại hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải tạo thành các đồ án hình chữ S, hình tam giác biến thể đối xứng nưã, mà thay vào đó là văn kiểu khuông nhạc chải thành các đồ án từ đơn giản đến phức tạp. Phổ biến hơn cả là văn hình sóng nước uốn khúc liên tục. Tương đối đơn giản là đồ án gồm những đoạn khuông nhạc song song trái chiều hoặc cắt nhau khá đều đặn, phía trên và dưới có các đường gợn sóng nhẹ., hoặc văn khuông nhạc xòe ra kiểu nan quạt hay bu gà. Văn thừng bện cũng là loại thường gặp, có loại bện tương đối chặt, có loại bện không chặt, giữa các đường xoắn có các lỗ hổng to nhỏ khác nhau. Cũng có đồ án khuông nhạc hình chữ S với các kiểu dọc ngang biến thể khác nhau, có khi sắp xếp song song bên nhau, có khi móc nối đuôi nhau. Loại nồi vò thành miệng dày rất tiêu biểu cho gốm Phùng Nguyên cũng hầu như không thấy. Qua đó có thể thấy phong cách văn khuông nhạc Đồng Đậu đã tiếp thu được truyền thống hoa văn gốm Phùng Nguyên, nên cũng tạo ra được những đồ án văn khuông nhạc uyển chuyển mềm mại, lặp đi lặp lại mà không đơn điệu.
Có thể nói đồ gốm giai đoạn Đồng Đậu có bước tiến khá rõ về chất lượng và công nghệ sản xuất, song về góc độ mỹ thuật, thì kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí, gốm thời này không đẹp bằng gốm Phùng Nguyên. Đây không phải là bước thụt lùi trong kỹ thuật sản xuất gốm, mà là phản ảnh xu hướng thực dụng hóa đối với đồ gốm, lấy giá trị sử dụng làm mục tiêu chính. Đến các giai đoạn sau xu hướng này càng thể hiện rõ, nhất là trong văn hóa Đông Sơn.
Tiếp theo giai đoạn Đồng Đậu là giai đoạn Gò Mun. Gốm thời này có bước tiến đáng kể về kỹ thuật, tuy vẫn nằm trong khuôn khổ gốm thô, nhưng được nung với nhiệt độ cao hơn, khoảng 800 – 9000C, gốm cứng gần như sành, gõ vào tiếng kêu đanh. Gốm có thành dày vừa phải, màu xám, sắc độ đồng đều. Nhìn chung gốm thời này có phần thanh mảnh hơn gốm Đồng Đậu. Nếu như từ Phùng Nguyên chuyển qua giai đoạn Đồng Đậu về mặt tạo hình không có biến đổi gì lớn, thì từ Đồng Đậu qua Gò Mun có bước tiến bộ trong khâu tạo hình. Người thợ gốm ở đây đã sử dụng bàn xoay ở một trình độ cao để làm ra những nồi, vò có độ gãy góc dứt khoát và sắc nét ở phần miệng và vai, hay những đồ đựng lớn có thân tròn hình cầu cân đối đẹp mắt.
Về loại hình, vẫn là đồ đun nấu, đò đựng nhưng loại nào cũng có những biến đổi trong chi tiết, tạo nên đặc trưng riêng của gốm Gò Mun. Đặc điểm nổi bật nhất của gốm Gò Mun là sự phổ biến của gốm miệng loe với những mức độ khác nhau, từ loe cong, loe xiên, loe lõm lòng máng đến loe ngang, loe gãy. Bản mie4ngj cũng có to nhỏ rộng hẹp khác nhau, trên mặt trang trí các vòng hoa văn khắc vạch, chấm giải, cuống rạ. Tuy số lượng không nhiều, song cũng đáng chú ý là đến giai đoạn này xuất hiện loại vò có vai gãy, đánh dấu một bước tiến trong khâu tạo hình. Bình bát thường gắn chắp chân đế. Chân đế lúc này thường có hình vành khăn và chân dế choãi thấp tương đối xiên.
Hoa văn thời Gò Mun vẫn được tạo nên bằng các phương pháp truyền thống như dập lăn, in ấn, đắp nổi và khắc vạch, nhưng phong cách và vị trí cũng có những điểm khác trước. Văn thừng tương đối thô, văn khắc vạch có phần giản đơn, mang đậm nét kỷ hà. Nhiều đồ án chỉ là sự kết hợp của những đoạn thẳng, vạch ngắn, vòng tròn cuống rạ, đường gấp khúc, chấm giải, hình chữ V, mang tính chất hình học. Hoa văn chủ yếu trang trí trên mặt bản miệng.
Qua đó có thể thấy, gốm văn hóa Tiền Đông Sơn lưu vực sông Hồng tuy có 3 giai đoạn phát triển có phong cách riêng, song có thể nhìn thấy xu hướng phát triển của gốm thời này. Đó là sự phong phú của gốm văn thừng trong giai đoạn sớm cũng như muộn và văn thừng ngày càng thô hơn, chất lượng gốm ngày càng cứng hơn, gốm xám ngày càng chiếm số lượng lớn, gốm mịn tăng dần. Tuy vẫn nằm trrong giai đoạn đồ gốm vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị thẩm mỹ, nhưng từ đính cao Phùng Nguyên, hoa văn gốm ngày càng giảm bớt về số lượng và đồ án. Về kiẻu dáng, các loại chân chạc, chân đế bình bát có xu hướng ngày càng thấp dần tù giai đoạn Phùng Nguyên đến Gò Mun. Cũng cần chú ý là trong văn hóa Tiền Đông Sơn bên cạnh đồ gốm thực dụng bắt đầu xuất hiện một số tượng động vật bằng đất nung. Các tượng này tương đối nhỏ, thường bị vỡ mất một số chi tiết, nhưng vẫn có thể nhận biết được những con vật trong tư thế rất sinh động, như những con bò đang ở tư thế tấn công, dồn toàn bộ sức lực về phía trước, tượng gà trống có mào, thân mình đẫy đà, tượng gà mài nhẹ nhõm, đuôi vễnh cao đầu nở cổ tương đối ngắn chân thấp v.v. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng đất nung vào loại sớm nhất hiện biết trên đất nước ta. Chúng được sáng tác cùng một phong cách, không chú ý đến các chi tiết, mà nặn theo mảng khối, con vật được thể hiện khá sinh động, hiện thực, chắc khỏe.
Trên lưu vực sông Mã và sông Cả, gốm văn hóa Tiền Đông Sơn cũng có những giai đoạn phát triển tương tự. Trên lưu vực sông Mã các nhà khảo cổ cũng đã nêu lên các giai đoạn Cồn Chân Tiên – Đông Khối, văn hóa Hoa Lộc, lớp dưới Thiệu Dương – lớp dưới Đồng Ngầm, và lớp dưới Quỳ Chữ - lớp mộ sớm di tích Đông Sơn cho văn hóa Tiền Đông Sơn. Trên lưu vực sông Cả, di tích văn hóa Tiền Đông Sơn phát hiện được cưa nhiều nhưng cũng có những di tícha tieu biẻu cho 3 giai đoạn phát triển, dod là Đền Đồi, Rú Cật và Rú Trăn.
Đáng chú ý là di chỉ Cồn Chân Tiên ở Thanh Hóa có gốm miết láng, trang trí các đồ án hoa văn khắc vạch chấm giải giống như gốm Gò Bông thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ. Hay trong di tích Đền Đồi ở Nghệ An cũng có gốm mỏng trang trí hoa văn khắc vạch khá giống với gốm Phùng Nguyên. Vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên, văn hóa Tiền Đông Sơn trên 3 lưu vực phát triển hội nhập thành văn hóa Đông Sơn phân bố rộng khắp miền Bắc Việt Nam.
Đến văn hóa Đông Sơn, đồ đồng phát triển lên đến đỉnh cao, không những sản xuất ra những đồ đồng có kích thước lớn, mà còn làm ra những đồ đồng trang trí hoa văn cực kỳ phong phú phức tạp. Mọi nhận thức thẩm mỹ của người thợ đều được thể hiện lên kiểu dáng và hoa văn trang trí trên đồ đồng, mà tiêu biểu hơn cả là trống đồng. Đến lúc này đồ gốm chủ yếu là đồ nấu và đồ đựng sử dụng hàng ngày, nên hoa văn trang trí trên gốm Đông Sơn rất đơn giản, chủ yếu là văn thừng trang trí trên nồi, niêu, bình cùng vài đường chỉ chìm vòng quanh cổ thân bình bát,v.v.
Văn hóa Đông Sơn đã thống nhất trong một không gian rộng lớn, tuy có sự giao lưu trao đổi, song các trung tâm sản xuất gốm lúc bấy giờ vẫn giũ được các đặc trưng riêng của mình. So với đồ đồng có tính dân gian sâu đậm hơn nên việc bảo lưu tính truyền thống cũng lâu bền hơn.
Trên lưu vực sông Hồng. gốm văn hóa Đông Sơn ở các di tích khá giống nhau, được các nhà khảo cổ gọi là gốm Đường Cồ. Gốm Đường Cồ so với các giai đoạn trước, có sự tiến bộ đáng kể về kỹ thuật chế tác cũng như chất liệu. Gốm được làm từ loại đất sét tốt, ít tạp chất hữu cơ và qua sàng lọc nên gốm tương đối mịn, lượng cát pha ít và kích thước hạt cát nhỏ, nên mặt gốm mịn trơn nhẵn. Gốm Đường Cồ được nung ở nhiệt độ cao khoảng trên 9000C, gốm chín kỹ nên cứng chắc đanh.
Một đặc trưng nổi bật của gốm Đường Cồ là màu trắng mốc Nhìn chung gốm Đường Cồ có phần đơn điệu trong kiểu dáng so với các giai đoạn trước. Phổ bién hơn cả là loại nồi vò miệng loe khum lòng máng, cổ ngắn, tạo sự phân biệt rõ giữa phần thân và miệng. Tuy cùng thuộc loại miệng loe khum lòng máng, nhưng độ cong, độ dài thành miệng và cả hình dáng mép miệng cũng rất đa dạng. Phải chăng loại miệng này được phát triển lên từ loại miệng loe gãy điển hình trong gốm Gò Mun. Chân đế trong gốm Đường Cồ phần lớn thuộc loại chân đế thấp hình vành khăn hoặc hơi choãi. Một đặc trưng nổi bật của gốm Đường Cồ là sự giảm đáng kể hoa văn trang trí, vừa giảm về số lượng, vừa nghèo nàn về họa tiết hoa văn trang trí. Các đồ án hoa văn kỷ hà trên mặt bản miệng gốm Gò Mun hầu như không thấy. Hoa văn điển hình của gốm Đường Cồ là văn thừng thô in dập cắt chéo nhau thành hình mắt lưới ô trám, được một số người gọi là “văn thừng nhăn tàn ong”, thường trang trí trên thân và đáy nồi vò.
Gốm văn hóa Đông Sơn trên lưu vực sông Mã và sông Cả tuy cũng nằm trong xu thế thực dụng hóa đồ gốm như gốm lưu vực sông Hồng, song chất liệu, kiếu dáng và hoa văn cũng có những đặc điểm riêng của địa phương .
Gốm Đông Sơn trên lưu vực sông Mã và sông Cả chủ yếu vãn là gốm thô pha cát, thành gốm mỏng, mặt gốm không được nhẵn, độ nung không cao như gốm Đường Cồ. Hoa văn không phong phú như các giai đoạn trước, nhưng so vối gốm Đường Cồ thì khá hơn nhiều. Phổ biến hơn cả vẫn là văn thừng xiên hoặc dọc trang trí trên bụng nồi, niêu, ấu, bát. Trên các loại bình bát có các băng hẹp các vạch thẳng song song hoặc cắt nhau trang trí trên vai hoặc dưới bụng.
Trong lúc gốm Đường Cồ lưu vực sông Hồng, loại nình kiểu dáng khá đơn điệu, trái lại, đồ gốm ở đây có loại hình và kiểu dáng cực kỳ đa dạng, gồm đủ loại từ nồi niêu, bình, bát, âu, vò, chạc gốm,v.v. Nồi đa số là loại miệng loe, bụng nông, đáy tròn, đáy bằng hoặc đáy bằng hơi lồi, cổ hơi eo, không có các loại nồi vò sâu lòng đáy tròn. Đáng chũ ý ở đây có loại bát chân đế thấp choãi miệng loe rộng kiẻu loa và loại bình miệng loe, cổ eo, vai xuôi rộng gần gãy góc, bụng nửa trên phình rộng, dưới bóp vào thành đáy bằng, chân đế thấp choãi khá độc đáo. Loại bát và bình này phát hiện được khá nhiều trong khu mộ táng Thiệu Dương, Đông Sơn có kiểu dáng khá gần gũi với loại bình miệng hình đấu, vai xuôi gãy, bụng phình dẹt, chân đế choãi, màu hồng nhạt trong loại hình Thạch Lạc vùng Nghẹ Tĩnh.
Như phần trên đã nói, thời đại kim khí nước ta có 3 trung tâm. Ngoài trung tâm văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở miền Bắc, ở miền Trung có văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, miền Nam có văn hóa lưu vực sông Đồng Nai.
Văn hóa Tiền Sa Huỳnh cũng có một quá trình phát triển từ các giai đoạn Xóm Cồn, Long Thạnh, Bình Châu tiến lên văn hóa Sa Huỳnh, và cũng có một truyền thống gốm độc đáo rất đáng tự hào. Ngay từ buổi đầu nó cũng có trình độ tương đương văn hóa Phùng Nguyên trên lưu vực sông Hồng. Đồ gốm ở đây chủ yếu là gốm mịn được làm bằng phương pháp bàn xoay khá cân đối, hài hòa, song độ nung không được cao lắm. Loại hình và kiểu dáng cũng rất phong phú đa dạng. Đồ dùng hàng ngày thường gặp là các loại bình kiểu con tiện, bát sâu lòng, bát có chân đế cao, bát dáy tròn, nồi thực dụng, nồi minh khí, và đặc biệt có loại đèn bằng gốm rất đặc trưng, chưa thấy ở đâu. Cư dân văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huýnh có tập tục chôn người chết trong vò gốm nên vò cũng là loại thường gặp. Vò thường có nắp đậy có núm cầm, miệng rộng cổ dài, mở rộng ở phần thân dưới, thường có hình trứng và hình cầu theo từng vùng và thời gian sớm muộn khác nhau. Hoa văn trang trí trên gốm Sa Huýnh cực đẹp, thường kết hợp các yếu tố khắc vạch, in răng sò, văn thừng, tô màu đỏ và màu chì tạo thành các đồ án được bố cục trong các băng ngang thể hiện các biến tấu của sóng biển. Đồ gốm tô màu đỏ thổ hoàng và màu chì là một đặc trưng nổi bật của gốm Sa Huỳnh.
Gốm văn hóa thời đại kim khí lưu vực sông Đồng Nai cũng có một quá trình phát triển và có những đặc trưng địa phương rõ rệt. Đó là giai đoạn Cầu Sắt, Bến Đò – Phước Tân, Cù Lao Rùa và giai đoạn Dốc Chùa đã hình thành nên truyền thống gốm miền đông Nam bộ. Đồ gốm ở đây, buổi đầu, chủ yếu là gốm thô, thành gốm mỏng, độ nung thấp, gốm dễ vỡ vụn, hoa văn đơn giản, về sau gốm được nung cao hơn , gốm cứng hơn và hoa văn trang trí cũng phong phú hơn và đến giai đoạnk Bến Đò – Phước Tân bắt đầu xuất hiện loại chân gốm hình “sừng bò”. Đến giai đoạn Dốc Chùa đồ gốm đã khá tiền bộ, chủ yếu là gốm mịn, cứng, độ nung cao, gốm thành dày và kích thước lớn hơn các giai đoạn trước, phổ biến loại đồ đựng miệng loe rộng, gờ miệng uốn tròn. Loại đồ gốm này có miệng rộng tới 60cm, ngoài ra cũng phổ biến loại bát chân cao. Nhìn chung gốm thời đại kim khí lưu vực sông Đồng Nai không phong phú đa dạng và đẹp bằng gốm Bắc bộ và gốm ven biển miền Trung.