nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Thực trạng di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi và đôi điều suy nghĩ


Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là một di tích khảo cổ học được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng trong hệ thống di tích khảo cổ học Hà Tĩnh. Do vậy, khi tìm hiểu di tích này chúng ta cần tách bạch về thời gian, địa điểm phát hiện và khai quật cũng như tiến trình xếp hạng di tích quốc gia để thấy rõ thực trạng, từ đó định hướng sát hơn về công tác quản lý cũng như tổ chức quy hoạch phục vụ nghiên cứu, bảo tồn cũng như phát triển du lịch trong tương lai.
 
Khai quật di tích Bãi Cọi (đợt 3)
 
Phát hiện và thực trạng.
 
Địa điểm Phôi Phối: Do đoàn nghiên cứu phối hợp giữa Viện khảo cổ học và khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia) phát hiện vào đầu năm 1974.  Năm 1976, Bộ Văn hóa (Bộ VHTT&DL) cấp giấy phép khai quật. Thực hiện khai quật là sinh viên ngành Khảo cổ học - Khoa Lịch sử  - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tham gia khai quật có cán bộ của Ban Đông Nam á, thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam và chuyên ngành khảo cổ học Ty văn hóa Nghệ Tĩnh. Căn cứ vào đặc trưng của đồ gốm, đồ đá và mối quan hệ giữa các di chỉ khảo cổ học trong vùng các nhà nghiên cứu khảo cổ học nhận định đây là di tích cư trú có khung niên đại thuộc giai đoạn Hậu kỳ đá mới.
 
Địa điểm Bãi Cọi:  Trung tuần tháng 8 /2008, với sự phát hiện tình cờ một nhóm hiện vật được lưu trong nhân dân, nhóm khảo cổ học Hà Tĩnh tìm đến địa danh Bãi Cọi tìm hiểu nguồn gốc của nhóm hiện vật trên. Tháng 11/ 2008, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở VHTT&DL, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tổ chức  phối hợp điều tra và điều khá cấp bách địa điểm khảo cổ học này bị xâm hại nghiêm trọng do quá trình lấy cát của nhân dân địa phương cùng với nạn xăm  đồ cổ đã làm phá vỡ, sự biến mất di tích khảo cổ học này là khả năng lớn. Do vậy, Sở VHTT&DL đã báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật khẩn cấp.
 
Quá trình tổ chức khai quật được diễn ra 3 đơt. Đơn vị thực hiện khai quật là Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng lịch sử Việt Nam; đợt 1: Từ tháng 12/2008 đến cuối tháng 01/2009 (QĐ số 5191/QĐ-BVHTTDL, ngày 15/12/2009); đợt 2: Từ tháng 12/2009 đến tháng 1/2010 (QĐ số 4504/QĐ-BVHTT&DL, ngày 7/12/2009); đợt 3: Từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2012 (QĐ số số 4367/QĐ-BVHTTDL ngày 08/11/2012), có sự phối hợp khai quật của các nhà nghiên cứu khảo cổ học Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc. Kết quả từ các đợt khai quật, nghiên cứu cho thấy địa điểm khảo cổ học Bãi Cọi là khu mộ táng hội tụ yếu tố văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Ðông Sơn, hai nền văn hoá cổ nổi tiếng ở nước ta - Đó là sự độc đáo của di tích khảo cổ học này.
 
Với tính chất quan quan trọng của quần thể di tích khảo cổ học Phôi Phối- Bãi Cọi, trên cơ sở hồ sơ khoa học và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngày 07/02/2013, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký Quyết định số 672/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích quốc gia.
 
Từ diễn biến các đợt khai quật, báo cáo kết quả khai quật, trưng bày giới thiệu cũng như việc Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia, di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi đã có sự lan toả và khẳng định trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ sau khi xếp hạng đến nay di tích khảo cổ học này vẫn chưa có sự tiếp tục nghiên cứu cũng như thay đổi về diện mạo để quảng bá, giới thiệu, do đó di tích ngày càng trống vắng (không dám nói là xuống cấp). Quan tâm di tích này chủ yếu đang khiêm tốn trong cơ quan quản lý chuyên ngành, trong giới nghiên cứu khảo cổ học và một số người làm công tác truyền thông, còn các tầng lớp xã hội khác thì hầu như chưa biết đến - đó là một thực tế.
 
Tìm hiểu nguyên nhân.
 
Di tích phân bố xa khu dân cư, trên một địa bàn rộng. Lấy địa điềm Bãi Cọi làm trung tâm thì địa điểm Phôi Phối nằm chếch theo hướng đông nam khoảng 800m và địa điểm Bãi Lòi (khai quật mở rộng đợt 2) nằm theo hương đông bắc gần 1km. Trong 3 địa điểm này thì chỉ có địa điểm Bãi Cọi nằm trong khu vực khoanh vùng phục vụ nghiên cứu, còn Phôi Phối và Bãi Lòi là đất nông nghiệp đã được giao cho dân nên công tác quản lý, bảo vệ di tích ở cơ sở không mấy thuận lợi. Cùng với đó, phần lớn các hố khai quật theo các đợt đã được san lấp không đặt mốc định vị nên hiện tại khó xác định, đó là chưa kể đến hố khai quật tại địa điểm Phôi Phối đã diễn ra cách đây gần 50 năm. Việc cắm biển di tích, mốc địa giới khu vực quy hoạch bảo tồn nghiên cứu vẫn chưa được địa phương thực hiện. Một số người dân địa phương chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của di tích, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ phát huy giá trị di tích nên vẫn xẩy ra đào cổ vật, lấy đất cát phục vụ dân sinh, chăn thả gia súc, di tích hoang vắng như dư luận báo chí đã phản ánh trước đây.
 
Mặc dù chuyên đề Bãi Cọi đã được giới nghiên cứu khảo cổ học quan tâm tại buổi toạ đàm tổ chức ở Bảo tàng lịch sử (năm 2009), trưng bày chuyên đề Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ của các nền văn hoá tổ chức tại Bảo tàng lịch sử quốc gia (năm 2020). Nhưng tại địa phương, công tác trưng bày, giới thiệu hiện vật Phôi Phối - Bãi Cọi vẫn đang hạn chế (chưa có nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh; địa phương Nghi Xuân chưa phối hợp tổ chức trưng bày phục vụ người dân trên địa bàn huyện). Cơ quan chuyên môn mới tổ chức một lần tại Khu lưu niệm Nguyễn Du vào năm 2010 và hiện nay bảo tàng Nguyễn Du có một góc khiêm tốn trưng bày một số hiện vật Phôi Phối - Bãi Cọi giới thiệu với khách tham quan du lịch về sự hình thành, phát triển vùng đất Nghi Xuân.
 
Về công tác quy hoạch, đã có nhiều thông tin địa phương Nghi Xuân đang tiến hành quy hoạch di tích khảo cổ học này để bảo tồn cũng như phục vụ phát triển du lịch, nhưng quả là thiếu sót nếu như trong quy hoạch chưa (không) tham khảo ý kiến cũng như vắng bóng của cơ quan quản lý chuyên môn lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.
 
Đôi điều suy nghĩ.
 
Di tích Phôi Phối - Bãi Cọi đã được khẳng định là một di tích quan trọng trong hệ thống di tích khảo cổ học Hà Tĩnh và đã được định danh trên bản đồ khảo cổ học toàn quốc. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu, nghiên cứu mở rộng để phát hiện các địa điểm liên quan nhằm có cơ sở thêm để nhận định:
 
  • Địa điểm Phối Phối (hậu kỳ đá mới) có tính độc lập hay là chuyển tiếp với địa điểm Bãi Cọi  (văn hoá đông Sơn và  văn hoá Sa Huỳnh)?
  •  
  • Địa điểm Bãi Cọi + Bãi Lòi: Văn hoá Đông Sơn + Văn hoá Sa Huỳnh = Văn hoá Bãi Cọi (tính độc lập của Bãi Cọi - kết quả của sự hôn phối giữa hai nền văn hoá); khu vực cư trú của cư dân Bãi Cọi ?
  •  
Tăng cường công tác quản lý, kết hợp với các cơ quan chuyên môn giới thiệu, quảng bá về ý nghĩa của di tích khảo cổ học quan trọng này đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với nhiều chương trình giáo dục, tham quan thực tế.  Kết hợp với các di tích, điểm đến trong vùng xây dựng các tour du lịch để hướng tới phục vụ nhiều đối tượng nghiên cứu, khách tham quan khi có yêu cầu. Đồng thời chính quyền địa phương luôn thực hiện tốt công tác bảo tồn, thực hiện quy hoạch để nơi đây thoát khỏi sự hoang vắng trở thành một địa điểm nghiên cứu khảo cổ lớn về thời kỳ sơ sử và nơi đây sẽ là một nguồn lực di sản văn hóa bền vững trong tương lai.
 
Một vấn đề không thể không suy nghĩ đến, đó là nguồn kinh phí hỗ trợ, phục vụ cho công tác khảo cổ học cơ sở rất hạn chế. Hoạt động của khảo cổ học cơ sở đang vẫn còn là trách nhiệm, chưa phát huy được sự đam mê và khả năng khám phá. Mong sao các ngành chức chức năng “cởi mở” hơn về vấn đề này để những người làm công tác khảo cổ học cơ sở vững tin trong công việc của mình cũng như đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp khảo cổ học nước nhà.
 
Bách Khoa

 


Di sản văn hóa