nguyendu.org.vn
Loading...

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 2: Thực hành, sáng tạo và truyền dạy


Trong bản Dự thảo Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật  thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2020, một trong những nội dung được Bộ VHTTDL đề cập đến là tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
 

 Cần tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công thương Điện tử

Bên cạnh đó, khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ… với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được kết hợp một cách nghệ thuật, như “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong đó, nghi lễ Lên đồng là nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Lên đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng.

Những người thực hành tin rằng bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Đây là hình thức shaman giáo - diễn xướng xuất nhập thần tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Braxin, Zimbabwe...).

Những năm gần đây, nghi lễ này được thực hành thường xuyên, nhất là vào dịp đầu năm mới hoặc các dịp lễ hội. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, nghi lễ hầu đồng phần nào đang có nguy cơ biến tướng và thương mại hóa. Thậm chí có không ít cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân để trục lợi. Không những thế, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số địa phương cũng đang có nhiều biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như chen chúc, tranh giành nhau làm lễ, đốt vàng mã. Một số người mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu, làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Đặc biệt gần đây còn có hiện tượng hầu đồng diễn ra ở nhiều chùa, đền (Chùa Một Cột, đền thờ Hai Bà Trưng…)
 

 Đồng thời khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc

Một di sản được vinh danh để rồi nếu không thực hành tốt sẽ làm hình ảnh của di sản đó xấu đi. Vì vậy áp lực bảo vệ di sản đang đặt rất lớn. Tuy nhiên trách nhiệm không phải của riêng cơ quan quản lý văn hóa, mà còn ở ngay trong chính cộng đồng. Bởi sự sáng suốt trong thực hành di sản, không để niềm tin tín ngưỡng bị lợi dụng đến mù quáng, mê muội là điều mà trước hết bản thân mỗi người dân cần phải nắm rõ, qua đó giúp cho việc kết nối, sự bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để “buôn thần bán thánh”.

Để có thể tuyên truyền sâu sắc hơn giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu tới cộng đồng cũng như tìm giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn di sản, thiết nghĩ ngoài việc thực hành đúng cần đẩy mạnh công tác truyền dạy cho các thế hệ sau. Trước hết, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục triển khai hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu giữa các đền, phủ. Bên cạnh đó, tạo sự phối hợp giữa các thủ nhang, thanh đồng, cung văn với các các đơn vị, công ty du lịch, kết nối với các phủ, đền nhằm giới thiệu cho khách tham quan về giá trị và bản sắc văn hóa Việt trong nghi lễ này.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu về bản chất của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu; các giá trị nghệ thuật của chầu văn, trang phục, âm nhạc, các bài hát chầu văn; sưu tầm các truyện kể về Thánh Mẫu, các vị thần, các bài hát văn; in sách nghiên cứu của về thực hành thờ Mẫu... Đồng thời, cơ quan quản lý thực hiện kiểm kê di sản thờ Mẫu ở tỉnh, vùng miền, cập nhật danh mục kiểm kê di sản...

Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo di sản. Vì vậy, vai trò của cộng đồng đối với việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản cũng vô cùng quan trọng. Về chặng đường lâu dài, cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học. Từ đó chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia để di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2022 có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.
 

Theo Thủy Trịnh/cinet.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website