nguyendu.org.vn
Loading...

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt - Bài 1: Những giá trị tiêu biểu


Kể từ khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và thế giới.
 

 Bản chất của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Ảnh minh họa. Nguồn: DSX

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” còn có tên gọi khác như: Tín ngưỡng Thờ Mẫu; Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt; Tín ngưỡng Thờ mẫu Tứ phủ; Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ; Nghi lễ Chầu văn của người Việt.

Chủ thể di sản là cộng đồng người Việt ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số địa phương khác trong cả nước. Trong đó, tỉnh Nam Định có những trung tâm Thờ Mẫu Tam phủ được hình thành từ thế kỷ XVI và được coi là sớm nhất ở Việt Nam. Những người thực hành là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

Bản chất của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.
 

 Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt có những giá trị to lớn... Ảnh minh họa. Nguồn: DSX

Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt...

Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt có những giá trị to lớn, trước hết là giá trị về giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí… Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Với tính cởi mở của tín ngưỡng, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao,... Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
 

 ... và mang giá trị của những sáng tạo văn hóa dân gian. Ảnh minh họa. Nguồn: CAND

Hơn thế nữa, Tín ngưỡng Thờ mẫu còn mang giá trị của những sáng tạo văn hóa dân gian. Thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa... được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Ngoài ra, Tín ngưỡng Thờ Mẫu còn đề cao vai trò người phụ nữ. Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. Chính vì vậy, cộng đồng nói chung cũng như những người thực hành di sản nói riêng cần nhận thức sâu sắc hơn về di sản để lấy đó là niềm tự hào, tạo động lực tích cực trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.


Theo T.T/cinet.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website