nguyendu.org.vn
Loading...

Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn giá trị di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt"


Sau khi UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016), Bộ VH, TT và DL đã chỉ đạo Sở VH, TT và DL phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”. Hiện nay, trước tình trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh có nhiều biểu hiện lệch lạc, Bộ VH, TT và DL, Sở VH, TT và DL đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, sai lệch với bản chất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được ghi nhận; trong đó nhấn mạnh việc không được tổ chức hầu đồng ở những nơi công cộng, xa rời không gian linh thiêng khi thực hành tín ngưỡng; nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định.
 
Diễn xướng hầu đồng - hát văn trên sân khấu chuyên nghiệp.
 
Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản
 
Chủ thể của di sản văn hóa trong quá trình tham gia sáng tạo, thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định gồm chủ thể cộng đồng và chủ thể cá nhân trong một không gian thực hành nghi thức thờ cúng nhất định. Trong đó, chủ thể cộng đồng là dân cư tại địa phương có di tích liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu. Khoảng chục năm gần đây, chủ thể này còn có sự hiện diện của các CLB hát văn, các nhóm hầu đồng, các bản hội… mà thành viên tham gia là người tại các địa phương khác. Theo thống kê, chủ thể cộng đồng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh ta có ở 100 xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn; trong đó có các khu dân cư (làng, thôn, xóm, TDP) đang tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đối với chủ thể cá nhân chia làm 2 hệ thống (nhóm) chủ thể. Hệ thống (nhóm) người thứ nhất chiếm đa số, chủ yếu là các cá nhân cư trú tại phạm vi địa bàn có di tích thờ Mẫu hoặc từ các nơi khác đến tham gia nghi lễ, tham dự lễ hội không thường xuyên. Hệ thống (nhóm) người thứ hai là những người trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành nghi lễ Chầu văn (hát văn, hầu đồng), bao gồm người thực hành nghi lễ (thanh đồng) và những người phục vụ hành lễ (hầu dâng, cung văn). Đứng đầu nhóm chủ thể thực hành này chủ yếu là các đồng thầy - người có đủ uy tín, khả năng quy tụ, tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại một số địa phương trong tỉnh, thủ nhang các nhà đền giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều hành thực hành tín ngưỡng tại di tích. Với người thực hành nghi lễ (ông đồng, bà đồng), theo quan niệm dân gian phải là người có duyên (căn) với đạo Mẫu, người có căn cơ qua một lễ phủ, người có cao căn đã mở Tứ phủ để hầu đồng hoặc những người đã mở điện thờ Mẫu tại gia. Những người phục vụ và tham gia nghi lễ cho một vấn hầu (gồm nhiều giá) được gọi là hầu dâng và cung văn (người hát văn, người sử dụng nhạc cụ). Người hát văn đa phần có truyền thống gia truyền từ đời này qua đời khác hoặc yêu thích, có căn quả với nghi lễ Chầu văn. Người hát văn được cộng đồng chấp nhận, tin cậy phải là người có giọng hát đáp ứng được yêu cầu (theo lối cổ) trong trẻo, truyền cảm, thể hiện được nội tâm, tính cách của các vị thánh trong hệ thống thần điện Tam phủ, Tứ phủ. Phần lớn các cung văn lâu năm, giàu kinh nghiệm thường vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ như: đánh đàn, gõ phách, trống… Bên cạnh đó, tham gia vào quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mà hoạt động tập trung nhất là nghi lễ Chầu văn, còn có hàng loạt cá nhân thuộc nhóm người là chủ thể gián tiếp - những ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử, khách thập phương và đội cung văn của các địa phương lân cận đến tham gia nghi lễ. Ở Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) những năm gần đây còn có sự tham dự của nhiều giáo dân Thiên chúa giáo (cùng phạm vi không gian cư trú, cùng làng hoặc lân cận). Sự gắn kết, hòa đồng một cách tự nhiên này đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng và gắn kết sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng.
 
Để di sản ngày càng phát huy trong đời sống cộng đồng
 
Kể từ khi di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh, vai trò của các đồng thầy, thủ nhang và những người giữ quyền sở hữu cơ sở vật chất của di tích thờ Mẫu ngày càng được nâng cao trong việc quản lý di sản, điều hành các nhóm bản hội. Các nghi lễ thờ cúng Thánh Mẫu diễn ra trang trọng, bài bản; huy động hiệu quả nhiều tiềm lực xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích, mở rộng không gian thực hành tín ngưỡng. Qua công tác kiểm kê thực trạng hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2019 cho thấy, di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tập trung chủ yếu tại 2 huyện Vụ Bản và Ý Yên. Các địa phương này là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của tỉnh (nơi tương truyền Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất và thứ hai), thường xuyên có hoạt động hầu đồng. Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều cung văn vốn xuất thân từ các đội, đoàn chèo cổ bán chuyên hoặc chuyên nghiệp. Trong các nguồn cung cấp cung văn cho sinh hoạt nghi lễ Chầu văn, nhiều thế hệ cung văn xuất thân từ thôn Khả Lang, xã Yên Dương (Ý Yên) và xã Kim Thái (Vụ Bản) đã trở thành lực lượng nòng cốt duy trì và tạo sức sống bền vững cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định. Hiện nay, toàn tỉnh có 485 người trực tiếp tham ra thực hành nghi lễ Chầu văn; trong đó, hầu đồng 246 người, hát văn 245 người, sử dụng nhạc cụ 162 người. Trong đó theo bản hội có 137 người, CLB 78 người, tự do 206 người. Toàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội, số lượng con nhang, đệ tử thường trực từ 100-300 người; 6 CLB hát văn: CLB hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB thơ ca Mỹ Trung, Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (Mỹ Lộc), CLB Văn hóa - Thông tin (Ý Yên), CLB thơ ca (Hải Hậu)… Năm 2012, CLB hát văn Nam Định (trực thuộc CLB hát văn Việt Nam) được thành lập và duy trì hoạt động đến nay, có 120 hội viên là những nghệ sĩ hát văn, người hát văn chuyên nghiệp, nhạc công dân gian, chơi đàn chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hoá và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
 
Những năm gần đây, tại các địa phương diễn ra lễ hội gắn với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường, thành phố Nam Định thì đại diện cho cộng đồng có di tích đã thường xuyên cùng chính quyền địa phương, ngành VH, TT và DL các cấp trực tiếp đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo vệ giá trị di sản. Đó là cơ sở tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì lễ hội theo hướng bền vững, văn minh và đem lại hiệu ứng tích cực trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu lâu dài. Tháng 10-2020, Hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định được thành lập theo Quyết định số 2107/QĐ-SNV của Sở Nội vụ, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở VH, TT và DL, gồm 300 hội viên trên địa bàn tỉnh. Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động với tôn chỉ mục đích là bảo vệ, phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản, đấu tranh, phê phán những biểu hiện làm sai lệch, xuyên tạc, biến tướng giá trị tốt đẹp của di sản. Đến nay, trong 10 cá nhân toàn tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền đang bị mai một, có nguy cơ bị biến tướng, xuyên tạc. Để nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở Nam Định, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng; trong đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp bảo vệ, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, chủ nhiệm CLB, người phụ trách bản hội… Đẩy mạnh xã hội hóa mở các lớp truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc phục vụ nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật hát văn của các bản hội và các trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thực hiện các chính sách ưu tiên, đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ trực tiếp tham gia thực hành di sản, cán bộ làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cho các nghệ nhân tài năng có đóng góp quan trọng trong việc phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia các khóa tập huấn nâng cao nhận thức, tổ chức truyền dạy quảng bá di sản văn hóa phi vật thể./.
 
 
Theo Khánh Dũng/Báo Nam Định
 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website