Trong Hội sách và Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa với chủ đề "Sách – Tri thức và Văn hóa" lần đầu tiên diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 26 đến 31-3 sắp tới, dự kiến sẽ có một gian trưng bày đặc biệt mang tên "Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du" gồm 280 bản Truyện Kiều, sách viết về Kiều và tác gia Nguyễn Du; trong đó có nhiều ấn bản quý hiếm, có những quyển được xuất bản ở nước ngoài… Nhà sưu tập La Văn Tiến, chủ nhân bộ sưu tập quý trên cho biết: Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập của ông được triển lãm.
Nhà sưu tập La Văn Tiến giới thiệu album ảnh của bìa sách trong bộ sưu tập
"Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du".
Gặp nhà sưu tập La Văn Tiến trong những ngày tất bật chuẩn bị cho Hội sách, ông không giấu niềm vui khi lần đầu tiên triển lãm bộ sưu tập đặc biệt này. Từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ chuẩn bị cho ngày khai mạc, ông đem theo album dày chụp ảnh bìa và "lý lịch trích ngang" của từng quyển sách trong bộ sưu tập, trong đó "lớn tuổi" nhất là quyển "Kiều" do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp năm 1951. Một cuốn quý khác là "Kim Vân Kiều" do tác giả Bùi Khánh Diễn chú thích - món quà do cụ thân sinh mua tặng ông Tiến tại nhà sách Khai Trí trước năm 1975. Từ đó, câu chuyện sưu tầm Truyện Kiều cũng đồng hành cùng thăng trầm cuộc đời ông, từ khi 15 tuổi đến nay đã chạm ngưỡng 60.
Một trong những điều làm ông Tiến yêu thích, tự hào và ngày càng "nghiện" sưu tập Truyện Kiều là danh tác này đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng, trong đó ông đã sưu tập được Truyện Kiều bản tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hoa… và đã đem đi tham dự các cuộc triển lãm ở một số nước. Có bản Truyện Kiều do UNESCO phát hành, có bản Truyện Kiều nhỏ xíu chỉ nặng 45 gram. Nặng ký nhất trong bộ sưu tập là "200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều" nặng 3,5 kg. Bộ sưu tập của ông còn có những câu chuyện đặc biệt như bản Truyện Kiều tiếng Việt xuất bản năm 1972 được in ở các nước thuộc Đông Âu, chỉ phát hành ở miền Bắc những năm đất nước còn chiến tranh, ông Tiến sưu tầm được trong chuyến đi Liên Xô năm 1989. Cuốn "Kim Vân Kiều Đại toàn chú tích dẫn giải đính chính" của Ưng Dự in lần thứ nhất năm 1960. Viết về Kiều thì có nhiều ấn bản độc đáo, như 35 ấn bản khác nhau của Phan Đăng Quế về Truyện Kiều, từ bình Kiều, đố vui về Kiều, đến Truyện Kiều những kỷ lục; "Nhật ký đọc Kiều" của nhà thơ Lưu Trọng Lư, "Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều" của Thiếu tướng Nguyễn An, "Kiều Ca" của bác sĩ Trương Thìn, "Truyện Kiều và nghiên cứu thảo luận" của Nguyễn Quảng Tuân…
Mỗi một quyển sách trong bộ sưu tập đều được ông Tiến nhớ rất kỹ về tác giả, nội dung, hình dáng, màu sắc, năm xuất bản và cả câu chuyện "duyên may" giữa ông và sách, bởi theo ông quan niệm, ngoài kỳ công săn lùng tìm mua để sưu tầm, đôi khi cần có "nhân duyên tốt" mới mua được sách quý. "Khi tôi bắt đầu sưu tầm Truyện Kiều và tác gia Nguyễn Du, là thời chưa có Internet. Lúc đó chỉ có cách hay nhất là lên các thư viện tìm danh mục sách và đọc sách, thấy cuốn nào hay, quý và có lịch sử đặc biệt thì ghi lại và tìm mua khắp các nhà sách, từ sự giới thiệu của bạn bè. Trưởng thành, do làm việc trong một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tôi có cơ may đi nhiều nước và khi xong việc thì tôi tìm ngay đến hầu hết các hiệu sách nơi đó, để tìm sách sưu tập. Nhờ vậy mà trong bộ sưu tập này có một số quyển được mua từ nước ngoài. Sau này có Internet, rồi có mua bán trên mạng, mọi việc dễ dàng hơn…", ông La Văn Tiến chia sẻ.
Niềm đam mê sưu tập của ông Tiến bắt nguồn từ cụ thân sinh, vốn nổi tiếng với những bộ sưu tập đồng hồ, sách và tem. Riêng ông Tiến có những bộ sưu tập tem, tiền giấy, bưu ảnh đủ để làm nên 5 cuộc triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh thành công, thậm chí đã xuất bản sách "Sưu tập tiền giấy tiêu biểu Việt Nam và Quốc tế", bút hiệu Thiên Kim. Ông Tiến nói: "Gần đây tôi tập trung sưu tầm những ấn phẩm văn hóa. Đầu tiên là tập trung vào giấc mơ từ thời thơ ấu về "Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du" để có bộ sưu tập 280 quyển sách lần đầu tiên được triển lãm tại Hội sách Cần Thơ sắp tới. Ngoài ra còn sưu tầm sách xưa, giấy tờ xưa, poster điện ảnh, bút tích nghệ sĩ nổi tiếng, bưu ảnh Đông Dương, các tờ báo xưa". Điều làm ông Tiến thích thú nhất là hiện nay phong trào sưu tầm sách quý đang trỗi dậy mạnh mẽ, có sự ủng hộ của nhiều cơ quan văn hóa như Bảo tàng TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức "Hội thi những quyển sách quý lần 1 năm 2014". "Riêng về sưu tập Truyện Kiều, tôi biết có những bạn trẻ đã sở hữu trên 100 ấn bản quý", ông Tiến cho biết thêm.
Với ông Tiến, sưu tập các sản phẩm văn hóa không chỉ để thỏa đam mê, mà còn thỏa khát khao học hỏi tìm hiểu về lịch sử, văn học dân tộc. Ông rất vui khi thấy có nhiều "đối thủ cạnh tranh trẻ" trên đường "săn lùng" các ấn bản Truyện Kiều quý bởi điều đó chứng tỏ giới trẻ ngày càng quan tâm đến những sản phẩm văn hóa chứa đựng tâm hồn người Việt. "Mong ước lớn nhất của tôi là nước mình có cơ chế để hình thành một nhà thẩm định và đấu giá các sản phẩm văn hóa được sưu tầm. Có như vậy, các nhà sưu tập có nơi mua bán đấu giá minh bạch và phong phú, nhà nước thì có nguồn thu từ thuế và quan trọng nhất là tránh cho những bộ sưu tập quý của Việt Nam "chảy" ra nước ngoài", ông Tiến chia sẻ.