Phó Giáo sư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Văn Hoàn (26.6.1932 - 17.6.2015) ra đi thật đột ngột.
Vừa mới vào thứ sáu, ngày 29-5 đây, với tư cách Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Kiều học Việt Nam, ông còn ký giấy triệu tập và đến chỉ đạo Hội nghị Ban chấp hành Trung ương phiên thứ sáu nhiệm kỳ 2011-2016 nhằm đánh giá hoạt động của Hội trong thời gian qua, đặc biệt là những nhiệm vụ cụ thể mà Hội nghị phiên thứ năm (25/11/2014) đã đề ra mà trọng tâm là các hoạt động hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015) tại nhà Lục giác (số 19C phố Ngọc Hà, Quận Ba Đình, TP Hà Nội)… Sáng ngày 4-6, tôi còn đến nhà ông để nhận lại bản góp ý cho Lời nói đầu sách Truyện Kiều do Hội Kiều học Việt Nam phiên âm, chú giải… Vậy mà ông đã sớm ra đi…
Quê sinh của PGS. Nguyễn Văn Hoàn ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với ông, tôi là kẻ hậu sinh, lối con cháu, từ ngày về Viện Văn học đến nay vẫn luôn gọi ông bằng Chú. Tính ra, kể từ ngày gặp ông đến khi ông nghỉ hưu năm 1999, tôi đã được gần cận bên ông suốt 16 năm trời, và những năm sau này vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với ông. Trong cuộc sống thường ngày, tôi thấy ông là người sâu kín, luôn giữ được vẻ điềm đạm, ôn hòa, nghiêm túc, thậm chí có phần kín kẽ, cẩn thận, cầu toàn. Nhất là trước những vấn đề thời sự chính trị, chuyện luận bình các nhân vật lịch sử, chuyện đánh giá người này người khác, ông thường tỏ ra kiệm lời, thận trọng, suy đi xét lại, cân nhắc từng câu chữ. Ông kiên định với lập trường của mình nhưng trước sau vẫn giữ được sự mực thước, ôn hòa, giữ được hòa khí, không đến mức thành mâu thuẫn, đối nghịch. Ai cũng biết ông có vị thế xã hội, con rể Giáo sư Đặng Thai Mai, anh em đồng hao với bác Giáp, lại có “bà mình” là Giáo sư Đặng Thanh Lê cũng rất nổi danh, vậy mà trước sau ông vẫn khiêm nhường, lặng lẽ… Qua câu chuyện thường ngày và phần tiểu sử tóm tắt lưu trữ ở Viện Văn học, tôi được biết đại khái về ông: Thời những năm 1954-1959 là giáo viên Văn học Trường Phổ thông cấp III (có dạy cả các lớp thiếu sinh quân, sau này là những ông A, ông B…); từ 1959-1962 là giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; từ 1962-1999 công tác tại Viện Văn học, Nghiên cứu viên Phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại (1962-1980), Phó Viện trưởng (1980-1988); Nghiên cứu viên cao cấp từ 1993 và nghỉ hưu năm 1999.
Qua hơn nửa thế kỷ tham gia nghiên cứu, Nguyễn Văn Hoàn đã có khoảng bốn mươi tiểu luận in trên Tạp chí Văn học và nhiều bài báo khác. Diện bao quát của ông khá rộng, đi từ khảo cứu truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, sử thi Ê-đê Đam săn đến khái lược vai trò nguồn tư liệu văn học dân gian, từthơ văn thời Lý – Trần đến Tản Đà và giai đoạn đầu tiên của nền văn học quốc ngữ, từ các tác giả cụ thể như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phạm Quỳnh – Ngô Đức Kế đến những vấn đề lý luận di sản văn học dân tộc, từ văn học trung đại Việt Nam đến khu vực Đông Á, mở rộng tìm hiểu và giới thiệu Truyện Kiều ở Nhật Bản, khoa nghiên cứu văn học Việt Nam kể từ khi tiếp xúc với phương Tây, đi sâu so sánh địa vị chữ Hán ở khu vực Đông Á với địa vị chữ Latinh ở khu vực Địa Trung Hải thời kỳ Trung đại… Với sự am hiểu về tiếng Pháp và cố gắng học hỏi, tìm hiểu về Quốc tế ngữ Esperanto, ông đã dành tới ba mươi năm để dịch trọn vẹn trường ca Thần khúc của Đại thi hào Italia Dante Alighieri (1265-1321)… Rồi không hiểu với cơ duyên nào, ông còn viết lời giới thiệu tiểu thuyết Trai tim tôi trên cao nguyên viết về Việt Nam thời hậu chiến của nhà văn Italia Sisto Cherchi (Đặng Khánh Thoại dịch. NXB Văn học, H., 1996, 532 trang) và sau đó tôi đã viết bài giới thiệu sách này trên báo. Đến nay có thể điểm lại các công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông: Văn học dân tộc và thời đại (Tập tiểu luận nghiên cứu. NXB KHXH, H., 1999, 504 trang); các sách in chung: Sơ thảo nguyên lý văn học (1961), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX (1964), Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I (1980) Anthologic de la literature vietnamienne, Tập I (1972), Từ điển Việt – Ý (2002);… dịch Thần khúc (NXB KHXH, H., 2009, 1058 trang)…
Nói riêng về tác phẩm Thần khúc, như đã nêu, Nguyễn Văn Hoàn đã dành tới ba mươi năm để dịch trọng vẹn thi phẩm này. Còn nhớ, trước đây ông đã dịch và cho in phần Địa ngục trong Thần khúc gồm 34 khúc(NXB KHXH, H., 2005, 382 trang), rồi mấy năm sau mới hoàn chỉnh tiếp hai phần cuối Tĩnh ngục, Thiên đường và đi đến xuất bản trọn vẹn.Trong quá trình dịch, ông đã tham khảo tới sáu bản dịch và chú giải khác nhau, trong đó ba bản bằng tiếng Ý, ba bản bằng tiếng Pháp. Tâm đắc với Thần khúc của Đan tê, ông xác định: "Dante là một cái đầu vĩ đại. Kiến thức của ông từ lịch sử, tôn giáo, triết học cho đến cả những tội ác và bao nhiêu chuyện thấp hèn trong cuộc sống đều khiến tôi kinh ngạc. Tôi cho rằng đây là một cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử và xã hội mà người sáng tạo ra nó có một cái đầu uyên bác vượt ra ngoài thời đại của ông"… Chưa kể việc góp hần dịch, giới thiệu ca dao và văn học Việt nam sang tiếng Ý, chỉ với việc thi phẩm Thần khúc, Nguyễn Văn Hoàn đã vinh dự được Tổng thống Cộng hòa Italia trao tặng Huân chương Hiệp sĩ vì những đóng góp vào việc phổ biến tiếng Italia và văn học Italia tại Việt Nam.
Trên thực tế, dù đi vòng quanh thế giới và mở ra những ô cửa văn học thế giới nhưng trước sau Nguyễn Văn Hoàn vẫn gắn bó với văn học truyền thống dân tộc. Có thể nói cả cuộc đời ông đã gắn bó với Nguyên Du và Truyện Kiều, trở thành một trong những nhà Kiều học tên tuổi. Ngay từ năm 1960, lần đầu viết bài nghiên cứu, ông đã có ngay mấy tiểu luận xác định như một phương hướng tiền định mà suốt đời ông và cả giới Kiều học cùng theo đuổi: Cần có một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với nguyên tác (hai phần), Bước đầu kiểm điểm cuộc thảo luận về Truyện Kiều (1960-1961), Bàn thêm về hiệu đính Truyện Kiều(1962), Sơ bộ giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc (1964)… Qua năm 1965, ông tham gia cùng nhóm túc nho Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân phiên âm, hiệu đính và chú thích Truyện Kiều (NXB Văn học, H., 1965), đồng thời viết bài tổng kết Nhân dân thế giới kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta (1966), Trao đổi ý kiến về việc chú thích Truyện Kiều (viết chung vớiNguyễn Sĩ Lâm, 1967)… Mãi về sau này, ông còn trở đi trở lại với vấn đề văn bảnTruyện Kiều như Kỷ niệm trên đường đi tìm nguyên tác Truyện Kiều (1998), gần cận hơn là việc tìm hiểu Vấn đề văn bản và tâm thế đi sứ của Nguyễn Du trong Bác hành tạp lục (2013) và Hồi ức về việc kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1765-1965)…
Chạm tay vào nguồn tư liệu xưa, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn cho biết, hiện ở Trung Quốc còn lưu giữ được bộ hồ sơ chí ít gồm 21 văn bản, trong đó có một tư văn của vua nhà Nguyễn gửi Tuần phủ Quảng Tây hỏi ngày giờ sứ bộ Việt Nam được qua cửa Nam Quan; hai tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ; 18 bản mật tấu của Tuần phủ và Tổng đốc các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ gửi lên vua Thanh tâu trình về tình hình đi đường và việc đón tiếp, hộ tống sứ bộ Nguyễn Du trong cả hai lần đi và về. Trong số các tài liệu trên đặc biệt thú vị có tờ bẩm thứ hai của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua Gia Long như sau:
"Chánh phó sứ thần là Nguyễn Du, Trần Văn Đạt, Nguyễn Văn Phong cúi đầu, dập đầu trăm lạy, kính cẩn tâu về công việc, mạo muội nói lên tình xa, ngước trông thánh minh soi xét:
Chúng thần từ tháng 8 năm ngoái đến tỉnh Hồ Bắc, dọc đường đi thế nào đã có tờ bẩm dâng trước. Gần đây, thay đổi đi theo đường bộ, dọc đường mưa lụt ngăn trở, đến ngày 4 tháng 10 mới tới Kinh. Ngày hôm ấy, sau khi xong lễ dâng tờ biểu, chúng thần nghỉ lại ở công quán. Ngày mồng 5 tới tập lễ ở toà Hồng Lô Tự. Ngày mồng 6 vào cửa Càn Thanh, theo triều ban làm lễ, rồi lại tới lầu Duyệt Thị dự yến và đội ơn hoàng thưởng ban cho các vật kiện. Ngày mồng 7, các quan phủ Nội vụ tới công quán xem xét và thu nhận các phẩm vật tiến cống. Ngày 13 tới lầu Vĩnh An chờ xe hoàng thượng đi qua để làm lễ thỉnh an và xin về nước. Ngày 18 tới cửa Ngọ Môn để nhận các vật thưởng theo thể lệ và các đạo sắc thư, tư văn. Ngày 19 tới công đường Bộ Lễ dự yến. Ngày 22 lại nhận được công văn thay đổi đường đi, theo một dãy các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc mà về Quảng Tây. Ngày 24 khởi hành, ngày 11 tháng 12 mới đến tỉnh thành Võ Xương, từ đấy lại theo đường thủy mà đi. Dọc đường, nước sông khô khan, đường kênh cạn hẹp, đi rất chậm chạp, mãi đến ngày mồng 4 tháng 2 nhuần mới đến tỉnh thành Quế Lâm. Ngày mồng 7 từ Quế Lâm ra về, đi theo đường thủy. Theo lộ trình mà tính thì khoảng hạ tuần tháng 3 sẽ về tới Nam Quan..."(1).
Trên cơ sở các văn bản trên, nhà nghiên cứu đã tóm tắt và nêu nhận xét.
1- Về sứ trình của Nguyễn Du: Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quý Dậu (tức ngày 6 tháng 5 năm 1813) và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (tức ngày 18 tháng 5 năm 1814). Như vậy tổng số thời gian Nguyễn Du ở trên đất Trung Quốc vào khoảng gần 12 tháng rưỡi.
Nguyễn Du đến Bắc Kinh ngày mồng 4 tháng 10 năm Quý Dậu (tức ngày 27 tháng 10 năm 1813) và rời Bắc Kinh ngày 24 tháng 10 năm Quý Dậu (tức ngày 16 tháng 11 năm 1813). Như vậy Nguyễn Du lưu lại ở Bắc Kinh 20 ngày. Lộ trình của Nguyễn Du từ Nam Quan lên Bắc Kinh và từ Bắc Kinh trở về nước như sau:
6-2 Quý Dậu: đi qua cửa Nam Quan
8-4 ,, : đến Ninh Minh Châu
2-5 ,, : đến thành phủ Ngô Châu
5-6 ,, : đến Quế Lâm, tỉnh lỵ Quảng Tây
18-7 ,, : từ Toàn Châu đến Trường Sa, tỉnh lỵ Hồ Nam
27-7 ,, : đến địa phận huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc
30-7 ,, : đến Võ Xương, tỉnh lỵ Hồ Bắc
9-8 ,, : từ Hán Khẩu ra đi
22-8 ,, : đi khỏi địa phận huyện An Dương, tỉnh Hà Nam
21-9 ,, : đến trạm Tư Châu, tỉnh Trực Lệ, sau đó đi qua Bảo Định
4-10 ,, : tới Bắc Kinh
24-10 ,, : từ Bắc Kinh khởi hành về nước
2-11 ,, : về đến châu thành Cảnh Châu, tỉnh Trực Lệ; qua Đức Châu, tỉnh Sơn Đông; qua tỉnh An Huy xuống Hồ Bắc
11-12 ,, : đến Võ Xương, tỉnh Hồ Bắc
25-12 ,, : từ huyện Gia Ngư (Hồ Bắc) đi đến Lâm Dương (Hồ Nam)
30-1 Giáp Tuất: đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam
12-2 ,, : đến Toàn Châu, tỉnh Quảng Tây
4-2 nhuần : đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây
28-3 ,, : về qua Nam Quan
Các tư liệu trên đây sẽ giúp chúng ta sắp xếp các bài thơ và nghiên cứu tập Bắc hành tạp lục một cách dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp chúng ta hiểu thêm một số chi tiết về con người và cuộc đời Nguyễn Du.
2- Trong Bắc hành tạp lục có một số bài thơ chứng tỏ rằng Nguyễn Du có đến Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Nhưng trong tập hồ sơ này lại thiếu mất tờ tâu của Tuần phủ tỉnh An Huy, do đó chúng ta chưa có thêm tư liệu để có thể khẳng định rằng trên đường về, khi đi qua An Huy, Nguyễn Du có tạt xuống Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Đó cũng là một chi tiết cần nghiên cứu thêm(2)...
Vốn là người gắn bó với Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Văn Hoàn ngay từ đầu đã tích cực tham gia vào việc thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Sau một thời gian dài chuẩn bị, tại Đại hội lần thứ nhất diễn ra ở trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Chỉ trong vài bốn năm, ông đã tham gia điều hành, phát triển mạng lưới tổ chức các chi hội ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đến nay đã vượt trên 500 hội viên. Ông cũng tích tham gia các hội thảo, viết bài và đăng đàn diễn thuyết. Vừa thấy ông tham dự Hội thảo “Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới” (2013) đã thấy ông trong ngày gặp mặt giữaHội Kiều học Việt Nam với đại diện đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh tại Hà Nội ngày đầu xuân 2014. Vào tháng 10-2014, ông đến Hàn Quốc tham dự Hội thảo quốc tế chuyên đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều”… Trong những tháng năm cuối đời, ông như người chạy nước rút, sôi động, nhiệt tình, cháy sáng hết mình.
Cho đến những ngày giữa tháng 6 vừa qua, ông lại lên đường sang Trung Quốc, qua Bắc Kinh rồi vòng về Nam Ninh – Quảng Tây để giới thiệu, bình giảng, khẳng định giá trị kiệt tác Truyện Kiều và cũng là để chuẩn bị cho ngày Hội thảo quốc tế nhân Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015)...
Vừa về đến nhà hôm trước thì hôm sau ông thanh thản ra đi...
Một lần và mãi mãi…
Hà Nội, ngày 21/6/2015
________
(1) (2) Nguyễn Văn Hoàn: Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc. Tạp chí Văn học, số 4-1964, tr. 44-57.