nguyendu.org.vn
Loading...

Nguyễn Trừ, người anh thứ 5 của Đại thi hào Nguyễn Du


Ngôi nhà gỗ có kiến trúc đơn giản, loại gỗ được các bậc hậu duệ xác định là gỗ xoan, bài trí nội thất không cầu kỳ nhưng lưu giữ một số hiện vật quý - đây là nơi thờ cụ Nguyễn Trừ, vị tổ lập nên chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh).
 
Nhà thờ Nguyễn Trừ - chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh)
 
Nguyễn Trừ sinh vào tháng 5 năm Canh Thìn (1760), dưới triều vua  Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 21. Ông là con của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm với bà trắc thất Nguyễn Thị Xuân (người xã Tiêu Sơn, Bắc Ninh), là người anh thứ 5 (cùng cha khác mẹ) của Đại thi hào Nguyễn Du. Về hành trang sự nghiệp của cụ Nguyễn Trừ, gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền chép như sau: Lúc nhỏ, Nguyễn Trừ sống ở quê mẹ. Do cha giữ chức lớn trong triều nên ông được tập ấm Hoằng tín đại phu, lên 8 tuổi ông được phong Trung thành môn Vệ úy, tước Ngọ Nhạc bá. Về con đường quan lộ của ông, gia phả họ Nguyẽn - Tiên Điền cho biết: Năm 20 tuổi thi hương khoa Kỷ Hợi (1779) trúng Tứ trường. Năm Quý Mão (1783) được bổ nhiệm làm tri phủ Tam Đái (xưa là Sơn Tây - sau là Vĩnh Tường) Năm Đinh Mùi (1787), niên hiệu Chiêu Thống, ông được làm cai quản đội voi chiến trong cung vua. Năm Nhâm Tuất (1802), niên hiệu Gia Long được bổ làm tri huyện Siêu Loại (thuộc phủ Thuận An), sau đổi sang làm tri huyện Quế Dương (thuộc phủ Từ Sơn). Năm Giáp Tý (1804) được thăng tri phủ Kim Môn, sau điều về làm tri phủ Nam Sách đều thuộc Hải Dương. Ngày mồng tám tháng giêng năm Kỷ Tỵ (ngày 22-2-1809) dưới triều vua Gia năm thứ 8, ông bị mất khi đang đương chức, thọ 54 tuổi, được ban tên thụy là Trung Nhã và an táng táng tại xã Tiêu Sơn, quê mẹ. Nguyễn Trừ có hai bà vợ: Bà chính thất có tên là Trịnh Thị Sắc, sinh được hai người con trai. Người con tên Chu sinh năm Tân Mùi (1811), dưới triều vua Gia Long được trao chức Hàn lâm viện Ngũ phẩm, tước bá, làm tri phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam và mất năm Ất Mùi (1835) dưới triều vua Minh Mạng thứ 16;  bà vợ kế là Tống Thi, sinh 6 người con (4 trai, 2 gái). Trong đó, Nguyễn Trù (con thứ hai của Nguyễn Trừ) làm quan tri phủ phủ Vĩnh Tường; Thị Uyên, sinh năm Bính Ngọ, triều Lê Cảnh Hưng (1786), năm Nhâm Tuất triều Gia Long (1802) được tuyển vào làm cung tần. Năm Mậu Thìn (1808) sinh một con gái nhưng không nuôi được. Đến năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long băng hà, bà được cho về quề chăm sóc mẹ là Tống Thi cùng với em ruột là tri phủ Vĩnh Tường tại lỵ sở. Mùa xuân năm Giáp Ngọ (1834) mắc trọng bệnh, đưa về quê ở xã Tiêu Sơn thì mất, thọ 49 tuổi. Chú ruột là Châu Kiều Nguyễn Nghi  có làm văn ai và dựng mộ chí.
 
Qua khảo sát tại Tiêu Sơn được biết, cụ Nguyễn Trừ là cụ tổ lập nên chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại đây. Đương thời ngôi nhà bằng gỗ ba gian với lối kiến trúc đơn giản, nội thất không cầu kỳ là nhà ở của cụ Nguyễn Trừ, sau khi qua đời nơi đây được lập thành nơi thờ tự, con cháu qua các thế hệ gìn giữ, phụng sự, chăm lo hương khói. Từ thời điểm cụ Nguyễn Trừ qua đời cho đến nay ngôi nhà này đã có niên đại 215 năm và trong thời gian đó con cháu đã nhiều lần tu sửa, lần gần nhất tu sửa vào 2013.
 
Ông Nguyễn Bình, trưởng tộc chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn chỉ dẫn cho chúng tôi xem một số hiện vật tài liệu còn lưu giữ tại đây, đôi câu đối bằng gỗ treo hai bên trong phía  ban thờ có nội dung “Lưỡng triều danh tể tướng. Nhất thế đại nho sư” (Nho sư cả nước vang danh hiệu/Tể tướng hai triều rạng tiếng tăm). Tìm hiểu về nội dung câu đối này, từ nguồn gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền được biết đây là câu đối ca ngợi công lao cụ Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là Tể tướng kiêm Tế tửu Quốc tử giám và con trai trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Khản cũng được giữ chức Nhập thị Tham tụng (tương đương Tể tướng), Tả tư giảng (dạy chúa Trịnh học lúc còn là Thế tử) và Tế tửu Quốc tử giám. Còn dòng lạc khoản ghi “Mậu Thìn thu lập - Huân mộc bái thư.”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo, xét tên tự người viết “Huân Mộc” hàm nghĩa là “Tắm gội bằng nước cỏ thơm” thì có thể hợp với cụ nguyễn Trừ (1760 - 1809) con trai thứ 5 của Nguyễn Nghiễm. Vậy năm làm đôi câu đối này có lẽ là năm Mậu Thìn (1808), lúc cụ Nguyễn Trừ đang làm Tri phủ Nam Sách. Về mộ phần, nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn Trừ đã được con cháu tu bổ, tôn tạo một cách khang trang, phần bia mộ ghi thông tin (lược dich: cụ Nguyễn Trừ - cố tri phủ Nam Sách, quê  xã Tiên Điền, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An. Con trai  Nguyễn Trù - Tri phủ Vĩnh Tường lập năm Minh Mệnh năm thứ 11 - 1830).
 
Chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn tính từ cụ tổ Nguyễn Trừ đến nay đã có 10 đời. Phần lớn con cháu  đều học hành thành đạt, sinh sống làm việc ở Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, một số ở tinh thành khác. Dù ở nơi đâu con cháu đều luôn đoàn kết, nỗ lực học tập trưởng thành, xứng danh là con cháu của của một dòng tộc nổi tiếng trong lịch sử, ông Nguyễn Bình cho biết thêm.
 
Bách Khoa

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website