Có lẽ hơn bất cứ thời nào trong lịch sử hơn 200 năm đã qua, thời hiện đại, tức thời chúng ta đang sống đã làm được rất nhiều cho Nguyễn Du. Bởi, di sản Nguyễn Du luôn luôn sống động trong thời hiện đại.

Bởi với điểm nhìn và khoảng lùi của thời hiện đại, các giá trị của Nguyễn Du càng tỏa sáng trên nhiều mặt sự sống tinh thần của dân tộc trong bối cảnh thời đại. Bởi, càng trong các mối giao lưu được mở rộng của thời kỳ hội nhập với khu vực và quốc tế thì, vẫn Nguyễn Du là người đứng ở hàng đầu sự hiện hữu như một biểu trưng kết tinh tâm hồn Việt, tính cách Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, ngôn ngữ Việt... Một hiện hữu không lúc nào khuất lấp hoặc nhòa mờ, trong tâm trí bất cứ ai là người dân Việt trong suốt hai trăm năm qua...

Hai trăm năm, một giá trị Nguyễn Du, một chân dung Nguyễn Du, ngay từ 1820 là năm Nguyễn Du mất, đã được xác định thật tài tình trong bài Tựa Truyện Kiều của Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lục ấy”... đến suốt thế kỷ XX, với Tố Hữu, trong câu thơ: “Tiếng thơ ai động đất trời. Nghe như non nước vọng lời nghìn thu”, hoặc Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết “Kiều”, đất nước hóa thành văn”...

Hai trăm năm, một giá trị của ngôn từ, của tiếng Việt nơi Nguyễn Du, được đúc kết thật là sâu sắc, thấu đáo trong bộ Từ điển các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở (Văn học, Nghệ thuật, Triết học, Khoa học, Âm nhạc) của Hiệp hội biên soạn từ điển và Bách khoa toàn thư xuất bản ở Paris năm 1953: “Ở vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về với tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được”.

Đánh giá này là hoàn toàn thuận với cách nghĩ của nhiều thế hệ thi nhân và học giả Việt Nam trong lịch sử hiện đại, đặc biệt kể từ phong trào Thơ mới...

Trên Tiểu thuyết thứ bảy số 29; 15-12-1934 Lưu Trọng Lư viết: “Thơ mới dầu có sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi lạc nào, tôi cũng không vì bậc thiên tài ấy mà rẻ rúng ông Nguyễn Du thân yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất diệt, nhà thi sĩ của muôn đời”... Trong bài mở đầu Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh xác định những phẩm chất làm nên cái riêng, cái độc đáo của những tên tuổi Thơ mới – như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... để cho thấy “trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này”. Nhưng đó chỉ là so thời với thời. Chứ không phải so cá nhân với cá nhân: “Tôi không so sánh các nhà Thơ mới với Nguyễn Du xem ai hơn ai kém. Đời xưa có những bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp”. Vậy là Hoài Thanh trong khi khẳng định Thơ mới, ở tư cách người đầu tiên tôn vinh Thơ mới, đã chọn được một cách so sánh khôn ngoan là so thời với thời. Những ngót 400 năm để từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, với bước tiến vượt bậc của thơ Nôm, nhưng vẫn trong cùng một khuôn hình cổ điển. Phải hơn 100 năm sau nữa, mới đến được phong trào Thơ mới, với đặc trưng hiện đại thay cho trung đại; do sự hình thành cái Tôi cá nhân trong đời sống đòi hỏi sự xuất hiện cái Tôi riêng trong nghệ thuật. Thời là khác, là mới. Nhưng so riêng người với người thì Hoài Thanh đủ thận trọng để không đưa bất cứ ai vào cùng bình diện so sánh với Nguyễn Du. Cái mà ông gọi là “bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp”, đó chính là Nguyễn Du.

Trong phần Nhỏ to đặt ở cuối sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh còn viết thêm: “Một quyển sách nói về thơ Việt mà mở ra không nhắc đến Nguyễn Du tôi thấy như một sự bội bạc. Nghĩ thế tôi muốn tìm một câu gì trong Truyện Kiều để in lên đầu sách. Sự tình cờ xui tôi nhớ lại câu: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý lắm!”.

x
x x

Tháng 9-2012, nhân 192 năm ngày mất của Nguyễn Du (16-9-1820 – 16-9-2012), từ Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings), một tin vui đến với chúng ta. Đó là việc xác lập 5 kỷ lục cho Truyện Kiều:

1. Thi phẩm duy nhất có nhiều câu thơ được sử dụng để kết hợp lại thành nhiều bài thơ mới: đây là kỷ lục trao cho hiện tượng “tập Kiều”.

2. Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ - Truyện Kiều có 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884-1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc – Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài...

3. Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất.

4. Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược.

5. Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều”(1).

Trong cả 5 kỷ lục trên thì số rất lớn đều được thực hiện trong thế kỷ XX. Có kỷ lục là sự tiếp tục của lịch sử, vốn cũng đã rất phong phú trong các phương thức tiếp nhận và quảng bá của nó, như tập Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, ngâm Kiều, bói Kiều – tạo nên một tổng phổ Kiều, một không gian Kiều, một loại hình văn hóa Kiều rất sống động trong đời sống nhân dân. Tổng phổ ấy, không gian ấy, loại hình văn hóa ấy đến thời hiện đại càng được phát triển sâu và rộng bởi sự phong phú các phương thức trình diễn, bởi sự hỗ trợ của công nghệ thông tin- truyền thông như truyền thanh, truyền hình, sân khấu, điện ảnh... Điều này chứng tỏ, với Truyện Kiều, đó là sự sống liên tục của các giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong tâm thức của dân tộc, bất chấp thời gian, bất chấp mọi khác biệt trong các cộng đồng cư dân, trên hành trình lịch sử.

Những kỷ lục trên là vận vào Truyện Kiều, đỉnh cao tuyệt vời tài năng Nguyễn Du. Nhưng nói về Kiều lại không thể không bàn rộng ra Nguyễn Du – một thiên tài nhiều mặt, mà việc làm sáng tỏ hiện tượng này cũng phải đến thời hiện đại mới có thể thực hiện được trong thành tựu của khoa nghiên cứu văn học, gắn với nhu cầu giảng dạy trong các cấp học ở nhà trường; và trong yêu cầu phổ cập trí thức văn hóa, khoa học, văn học, nghệ thuật trong mọi tầng lớp cư dân. Một hành trình nghiên cứu qua nhiều giai đoạn - kể từ khi khoa học văn chương hình thành ở ta, gần như không lúc nào đứt đoạn, với đóng góp của nhiều thế hệ học giả hàng đầu, đề cập gần như rộng khắp các phương diện của tài năng và sự nghiệp của Nguyễn Du – gồm từ gia tộc, gia đình; quê hương, giòng họ; thân thế, sự nghiệp... trong một bối cảnh rộng lớn, cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, qua ba triều vua; và ngay sau đó, cho đến hết thế kỷ XX là sự tiếp nhận Nguyễn Du trong tất cả mọi chuyển động của thời cuộc... Còn Truyện Kiều nói riêng thì mọi phương thức để tiếp cận và tiếp nhận gần như không lúc nào bị sao nhãng hoặc đứt đoạn; bởi đến với Kiều, vào bất cứ lúc nào cũng có khía cạnh đặt ra cho sự bàn thảo, tranh luận trong tất cả các giới người đọc.
Một kết quả nghiên cứu như được thu gọn trong ba bộ tuyển – lớn hơn bất cứ bộ tuyển của bất cứ tác giả nào trong lịch sử văn học Việt Nam. Đó là:

1. Nguyễn Du – Về tác gia và tác phẩm; Nxb. Giáo dục; 1999; khổ 16x24; 1034 trang; nhóm biên soạn: Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn và Vũ Thanh.

2. 200 năm nghiên cứu, bàn luận “Truyện Kiều”; Nxb. Giáo dục; 2005; khổ 19x27; 1996 trang; người sưu tập, biên soạn: Lê Xuân Lít.

3. Nghiên cứu “Truyện Kiều” – những năm đầu thế kỷ XXI: Nxb. Giáo dục; 2009; khổ 19x27; 1295 trang; người sưu tâm, tuyển chọn: Nguyễn Xuân Lam.

Ba bộ sách thuộc loại đồ sộ nhất trong tất cả các sách cùng loại, tính cho đến nay, về sự nghiệp văn chương của một tác giả.

Nhìn vào ba bộ tuyển, chỉ riêng số người viết trong thế kỷ XX cũng đã thấy đây là sự họp mặt của rất nhiều thế hệ, trong một gắn nối liên tục, không một khoảng trống vắng nào. Không ít tác giả gần như là dốc tất cả tâm huyết, hoặc dành trọn cả đời mình cho việc khảo chứng, phẩm bình, nghiên cứu Truyện Kiều mà họ nghĩ đó là công việc xứng đáng cho cả một đời. Và với số đông thì việc đọc Kiều, nghĩ và viết về Kiều không bao giờ là một động thái tùy hứng, ghé qua mà là một việc cẩn trọng, công phu, nếu không nói có lúc còn là thành kính; ngay cả khi chỉ là để tìm nghĩa, tìm chữ cho một hoặc vài câu trong 3254 câu gần như là không câu nào được phép sao lãng.

Đi sâu vào các kết quả nghiên cứu sẽ được thấy di sản Nguyễn Du để lại cho chúng ta là cực kỳ phong phú. Bởi với các cách thức tiếp cận dựa trên kết quả hiện đại hóa khiến cho thiên tài Nguyễn Du cũng được phát hiện trên nhiều chiều cạnh. Ngoài công việc khảo sát các văn bản Nôm, trong đó có Kiều, và trung tâm là Kiều, vẫn còn đang được tiếp tục, thì việc tiếp cận giá trị Nguyễn Du trên các thao tác của phong cách học, thi pháp học, ngôn ngữ học, tu từ học, loại hình học, khoa học so sánh, thống kê... càng đem lại nhiều hứng thú mới cho việc đọc Nguyễn Du. Như vậy là trên cả hai chiều rộng và sâu cho sự tiếp nhận và quảng bá di sản Nguyễn Du, thời hiện đại đã đưa lên tầm cao những giá trị mà nghệ thuật văn chương có thể chuyển tải.

x
x x

Năm 1965, nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức ở quy mô cao nhất – cấp Quốc gia Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du tại thủ đô Hà Nội. Cũng năm 1965, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới tôn vinh Nguyễn Du, trong một thông cáo đề nghị thế giới kỷ niệm Nguyễn Du – trên tư cách một danh nhân văn hóa của nhân loại.

Năm 1965 là năm cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam diễn ra trong một khúc ngoặt ác liệt nhất: đế quốc Mỹ chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, đưa máy bay bắn phá miền Bắc, và đưa 50 vạn quân viễn chinh vào miền Nam. Giữa một cuộc chiến diễn ra cực kỳ căng thẳng và số phận dân tộc ở vào một bước hiểm nghèo, chúng ta kỷ niệm Nguyễn Du – nhà nhân đạo lỗi lạc nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam, tác giả của Truyện Kiều – áng văn với giá trị nhân văn bền vững và sâu đậm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Qua Nguyễn Du, và qua Truyện Kiều, dân tộc Việt nói lên khát vọng hòa bình và tình thương yêu, trân trọng với các giá trị con người; và khát vọng ấy đã được Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đón nhận.

Vậy là, phải sang thế kỷ XX, chúng ta mới có thể đưa ánh sáng Nguyễn Du tỏa ra thế giới; cũng có nghĩa là đưa thế giới đến với Nguyễn Du như là một biểu trưng, một kết tinh cao nhất của tâm hồn Việt, bản lĩnh Việt, sức sống Việt...

Tiếp sau Nguyễn Du là Nguyễn Trãi – năm 1980, và Hồ Chí Minh – năm 1990, được Tổ chức khoa học, văn hóa, giáo dục thế giới (UNESCO) tôn vinh trong tư cách Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Sau kỷ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du vào năm 2005 ở Hà Nội, chúng ta sắp đến với kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du – vào năm 2015.

Tính từ hôm nay, quỹ thời gian chỉ còn hơn hai năm!

Nhiều công việc cần được triển khai để đón sự kiện này; trong đó có việc tìm đến một bản Kiều đạt được sự tin cậy tối ưu cho sự đọc, sự học của toàn dân. Đây là công việc đã được tiến hành suốt thời kỳ hiện đại, kể từ khi khoa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học hình thành trong tư cách một khoa học văn chương độc lập với nghệ thuật văn chương, qua rất nhiều thế hệ học giả, nhưng vẫn còn chưa nhất trí, trên con số hàng trăm đơn vị câu và chữ trong tổng số 3254 câu thơ Kiều. Từ đầu 1960, đó là việc đi tìm một bản Kiều đúng (hoặc gần) với nguyên tác. Nếu được thế thì còn vui sướng nào bằng! Nhưng cho đến nay thì có thể xác định nguyên tác là rất khó tìm, hoặc không thể tìm. Chúng ta chuyển sang yêu cầu tìm đến một bản Kiều đạt được sự đồng thuận cao trong các giới học giả. Việc này tưởng là đơn giản hơn, nhưng cũng rất lắm khó khăn, bởi mỗi người trong những người có uy tín học thuật cao, hoặc có nhiều chục năm khảo chứng, so sánh, tìm tòi trên các văn bản Kiều Nôm hiện có không dễ ai cũng có thể từ bỏ chính kiến của mình. Tất cả, hoặc số lớn đều có những lý do riêng trong sự đọc, trong cách hiểu, và không dễ ai cũng chịu ai. Vậy thì bên cạnh việc theo đuổi riêng cho từng người vẫn rất cần được tôn trọng, lại rất cần đến việc hợp lực của một nhóm người để cùng đến với một bản Kiều tương đối thuận cho sự tiếp nhận của số đông, hoặc của toàn dân. Một kết quả như thế hẳn nhiên là rất cần cho cuộc kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du. Để, trước hết góp phần kiến tạo không gian văn hóa Nguyễn Du; đáp ứng cho việc nâng cấp khu di tích Nguyễn Du lên tầm di sản quốc gia đặc biệt. Và, sau sự công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới năm 1965; chúng ta có nên nhân dịp này mà tiếp tục kiến nghị sự công nhận của tổ chức UNESCO, vào năm 2015?

Một văn bản Truyện Kiều, có độ đồng thuận cao, là kết quả công sức, tâm huyết của các thế hệ những người nghiên cứu Nguyễn Du hôm nay(1), nhằm mừng đón kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du – đang là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu của Hội Kiều học, một trong ba đơn vị đồng tổ chức hội thảo hôm nay. Nhiệm vụ đó đang được đặt lên vai các chuyên gia Hán Nôm, những nhà Kiều học nổi tiếng như Phan Ngọc, Nguyễn Văn Hoàn, Lê Xuân Lít, Nguyễn Khắc Bảo, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Trần Đình Sử, Bùi Thiết, Phạm Đan Quế, Thế Anh, Nguyễn Thế Quang, Vương Trọng...

x
x x
Hơn 20 năm trước đây, năm 1991, Viện Văn học cùng một số đồng nghiệp ở các trường đại học và cơ quan văn hóa, văn nghệ đã làm đơn xin phép thành lập Hội nghiên cứu, phê bình văn học, để cùng với Hội Nhà văn và các tổ chức liên quan chăm lo một mảng công việc không lúc nào không được xem là quan trọng trong sự nghiệp xây dựng một nền văn chương học thuật xứng với dân tộc và thời đại ở nước ta. Thế nhưng đơn xin đã không được chấp nhận...

Giờ đây, việc thành lập Hội Kiều học, chọn đối tượng trung tâm của việc nghiên cứu là Truyện Kiều của Nguyễn Du, hy vọng sẽ là một khởi động tốt cho việc mở mang các lĩnh vực nghiên cứu thuộc địa hạt văn hóa, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn chương, nghệ thuật nhằm đáp ứng các nhu cầu tinh thần rộng lớn của con người; nhằm lành mạnh hóa đời sống xã hội, và cân bằng trở lại các giá trị kinh tế và văn hóa; qua đó góp phần đưa đất nước vào một phát triển hài hòa, bền vững như Đảng và nhân dân mong mỏi.

Tác giả bài viết: Phong Lê (Hội Nhà văn Việt Nam)