Loading...
|
Nguồn gốc của thước Lỗ Ban và cách sử dụng phù hợpNgày 21 tháng 06 năm 2016
Từ xưa đến nay, mỗi khi xây dựng công trình hay làm nhà, người ta thường hay nhắc đến thước Lỗ Ban. Vậy, thước Lỗ Ban là gì?
Lỗ Ban, tên thật là Công Thâu Ban, người nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), sống ở thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên). Ông là một thợ mộc tài ba, hay đúng hơn là một bậc thầy kiến trúc của Trung Hoa cổ đại. Thợ mộc, thợ xây, thợ nề, hay những người chế tạo công cụ xây dựng và nội thất, tất cả đều suy tôn Lỗ Ban làm ông tổ nghề của mình.
Các sách cổ đều chép rằng, Lỗ Ban từng chế tạo ra một con chim gỗ. Chế tạo xong, con chim gỗ bay lên cao trong suốt ba ngày. Có sách viết rằng, chim gỗ đã chở một người lên không trung để do thám quân địch. Thiết kế này chính là tiền thân cho máy bay trinh thám ngày nay. Ông còn tạo ra thang phá thành và những vũ khí sử dụng trong chiến tranh.
Nhưng sau này, Lỗ Ban được Mặc Tử thuyết phục, từ đó về sau không chế tạo những công cụ phục vụ chiến tranh nữa. Ông chuyển sang chế tạo rất nhiều công cụ lao động và sản xuất, như móc khoan, máy xay đá, xẻng, dụng cụ đo góc, thước đo… Những phát minh của Lỗ Ban đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người và vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Thước Lỗ Ban là một trong những phát minh đó. Đây là một cây thước được đúc kết từ kinh nghiệm từ ngàn đời nay, để con người được sống an toàn và thoải mái. Chính một phần nhờ Lỗ Ban và cây thước của ông, mà nhiều triều đại sau đó, các thành phố, nhà cửa, cửa chính, cửa sổ của người dân đều “đúng trật tự”.
Tương truyền, Lỗ Ban và Văn Công đều là những thợ thủ công tài ba, nhưng tài năng của Lỗ Ban vẫn luôn cao hơn một bậc, khiến Văn Công vô cùng ghen tị. Một lần, hai người phụng mệnh mỗi người phải xây dựng một tòa cung điện. Nhân lúc không ai chú ý, Văn Công bèn lén cưa ngắn cây thước đo độ dài của Lỗ Ban, khiến cây thước từ một thước rưỡi ngắn lại thành một thước bốn tấc một phân. Các đệ tử của Lỗ Ban dùng thước này đo vật liệu gỗ, đến khi cắt gỗ xong xuôi mới phát hiện ra độ dài bị sai. Thời gian quá gấp, vật liệu không đủ, cái khó ló cái khôn, Lỗ Ban bèn dùng đá bù vào phần gỗ bị thiếu, kết quả tòa cung điện lại càng kiên cố hơn, đẹp hơn. Nhà vua hết sức hài lòng, hỏi Lỗ Ban vì sao lại có ý tưởng kỳ diệu như thế. Lỗ Ban cười đáp, đó là nhờ cây thước mà Văn Công đưa cho đấy thôi! Từ đó về sau, Văn Công tâm phục khẩu phục. Cây thước này từ đó truyền lại cho đến tận này nay.
Thời cổ đại, phong thủy và kiến trúc gần như luôn luôn song hành với nhau. Phong thủy học rất coi trọng cây thước Lỗ Ban, thêm vào tám chữ (lần lượt là “Tài”, “Bệnh”, “Ly”, “Nghĩa”, “Quan”, “ Kiếp”, “Hại”, “Bản”) cho cây thước để đo cát hung. Mỗi khi xây nhà, làm cửa, chế tạo đồ gia dụng, nội thất, mỗi độ dày, bề rộng, chiều dài, người ta đều dùng thước này để đo sao cho hợp với vạch đỏ (cung tốt), tránh trùng vạch đen (cung xấu), để cầu bình an, cát tường. Sách “Dương trạch thập thư” viết: “Khắp nơi truyền dạy nhiều loại thước đo, thử nghiệm nhiều lần, duy chỉ thấy thước này (chỉ thước Lỗ Ban) là thật. Dài ngắn hài hòa, cát hung không chênh… Thước này không chỉ dùng để đo cửa nẻo, mà đo đồ đạc nội thất, giường tủ, nhà cửa đều được”.
Trong tám chữ trên thước Lỗ Ban, bốn chữ “Tài”, “Nghĩa”, “Quan”, “Cát” là cung tốt, bốn chữ còn lại là cung xấu. Nhưng trên thực tế ứng dụng, cả tám chữ trên thước đều có chỗ thích hợp để dùng. Ví dụ, chữ “Nghĩa” có thể áp dụng với cửa chính, chứ không hợp áp dụng với cửa phụ hoặc cửa hành lang. Chữ “Quan” có thể áp dụng với cửa nha môn quan phủ, dân thường bách tính không nên áp dụng chữ này. Chữ “Bệnh” không nên áp dụng với cửa chính, nhưng có thể áp dụng trên cửa nhà vệ sinh, như thế có thể “gặp dữ hóa lành”. Sách “Lỗ Ban kinh” cho rằng, nhà dân bình thường nên áp dụng cửa “Tài” và “Cát” là tốt nhất.
Thời cổ, thước Lỗ Ban không chỉ phổ biến dùng trong dân gian, mà còn là tiêu chuẩn xây dựng kiến trúc cho hoàng gia nữa. Sách “Các quy tắc xây dựng công trình của Công bộ” thời Thanh đã liệt kê ra đến 124 loại cửa đã áp dụng đo đạc bằng thước Lỗ Ban.
Về tính khoa học của thước Lỗ Ban, hiện nay có rất nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tựu chung, cũng như bao linh vật phong thủy khác, hay chính bản thân phong thủy, thước Lỗ Ban cũng được phủ lên mình một lớp màn sương huyền bí. Chỉ bằng một cây thước làm sao có thể thay đổi được vận mạng của mình? Nhưng ít ra, nó sẽ giúp kích cỡ cửa nẻo, nhà cửa được trật tự, thống nhất, con người sống trong đó được yên tâm, thoải mái, lạc quan và giữ vững niềm tin vào cuộc sống.
Theo Trần Hoàng Ly/ Báo Đầu tư Bất động sản
Di sản văn hóa
|