Người nhận sai khi nhận định về Nguyễn Du


Những năm 1940, nhà văn Trương Tửu - một trong những tác giả viết nhiều nhất về Truyện Kiều ở Việt Nam, nhận định “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh”. Hơn 10 năm sau, ông viết sách thừa nhận: “Tôi đã sai lầm”.

 

Nhà văn Trương Tửu

 

Trương Tửu nằm trong nhóm học giả đầu tiên được phong hàm Giáo sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu…

Ngày 18/11 năm nay là tròn 100 năm ngày sinh của Trương Tửu (ông sinh năm 1913). Nhân dịp này, sáng 18/11, gia đình nhà văn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm tại trụ sở Hội. Một cuộc tọa đàm bàn về đóng góp của nhà văn Trương Tửu cho nền văn học, nghiên cứu văn hóa Việt Nam diễn ra đồng thời. Nhà văn, nhà giáo Trương Tửu

Trả nợ cô Kiều

Phát biểu đầu tiên trong tọa đàm, GS Phong Lê ngay lập tức nhắc đến chủ đề quan trọng nhất trong những trang viết của Trương Tửu với tư cách nhà phê bình văn học. Đó là Truyện Kiều và Nguyễn Du.

Trương Tửu từng xuất bản 2 cuốn sách phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều và Văn chương Truyện Kiều với bút danh Nguyễn Bách Khoa.

Trong đó, ông gay gắt phê phán: “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh”, ông cho rằng Truyện Kiều là kết tinh của “3 yếu tố suy đồi” của Nguyễn Du, đó là “sinh hoạt cằn cỗi và sáo loạn, một tư tưởng hèn nhát và ủy mị, một tâm lý tùy thời và ích kỷ”.

Nhận định của Trương Tửu về Truyện Kiều khi đó vấp phải sự phản đối gay gắt của các học giả khác như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… Hơn 10 năm qua đi với bao nghiền ngẫm, đến năm 1956, Trương Tửu mới viết chuyên khảo mới có tên Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, ông thẳng thắn thừa nhận cách nhìn sai lầm ngày trước.

Ông thừa nhận: “Tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc… nên đã có những nhận định sai lầm căn bản”. Ông cũng nhận định lại: “Tác giả Truyện Kiều đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến đương thời” và “Nguyễn Du là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại”.

Theo nhà giáo Nguyễn Cảnh Tuấn viết trong tham luận về Trương Tửu, lúc về già, nhà văn vẫn không hết dằn vặt. Ông từng tâm sự: “Đến bây giờ tôi vẫn chưa viết hết, vẫn còn nợ cô Kiều. Hoàn cảnh thời cuộc, nay mới có dịp trả nợ thì tuổi đã cao, sức đã yếu”. Cuốn sách Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa do PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) biên soạn ra mắt nhân 100 năm ngày sinh nhà văn

Dần sáng tỏ sau nửa thế kỷ vùi lấp

Nói về Trương Tửu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa có nhiều đóng góp. Những đóng góp của ông vốn bị thời cuộc và thời gian vùi lấp, nay dần được làm sáng tỏ trở lại. Những gì của Caesar phải trả lại cho Caesar”.

Trương Tửu là một trong những học giả phải chịu án nặng nhất trong vụ án Nhân văn Giai phẩm, cùng với Phan Khôi, Thụy An. Tháng 4/1958, vì các bài viết đăng trên tập san Giai phẩm, ông bị kỷ luật, tước học hàm Giáo sư, ngừng giảng dạy và bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.

Cũng vì thế, từ năm 1959, ông gác bút không viết văn và nghiên cứu nữa mà chuyển sang chữa bệnh bằng Đông y, rồi tập và viết sách nghiên cứu về dưỡng sinh. Cuối đời, ông từng định viết hồi ký, sau lại thôi.

Từ sau năm 2003, danh dự và những đóng góp của Trương Tửu dần được phục hồi. Đến năm 2010, 52 năm sau khi ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, Chủ tịch hội là nhà thơ Hữu Thỉnh đã ký quyết định công nhận chức danh hội viên của ông.

Trương Tửu (1913-1999) là một nhà văn, nhà giáo. Ông từng dạy Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong hàm Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…

Các tiểu thuyết của Trương Tửu: Một chiến sĩ (1938), Một kiếp đọa đày (1941), Tráng sĩ Bồ Đề (1943)…