Bộ LĐ,TB&XH đã chính thức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Dự kiến, không chỉ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn còn được hưởng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng.

Cần thiết chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân

 

Nhiều nghệ nhân Hát Xoan đã cao tuổi vẫn trình diễn, truyền dạy di sản

 

UNESCO đã xưng tụng những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là “Báu vật nhân văn sống”. Họ chính là chủ thể của di sản, vừa là người sáng tạo, vừa là người trình diễn và phát triển, truyền dạy... giá trị của DSVHPVT qua bao đời nay và cho thế hệ mai sau.

 

Trong những năm gần đây, nhiều DSVHPVT của VN cũng đã được UNESCO vinh danh như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc Cung đình Huế; Hát Ca trù người Việt; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh... chúng ta cũng luôn cam kết thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân. Tại Khoản 1 Điều 26 Luật Di sản văn hóa đã quy định về việc Nhà nước có chế độ trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn...

 

Thực tế, đa số nghệ nhân trong lĩnh vực DSVHPVT hiện nay đều đang gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu trở lên; khoảng 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số; 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp hầu như không có đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước...

 

Thậm chí, tại Liên hoan CLB Ca trù Toàn quốc năm 2009, theo thống kê của BTC Liên hoan, có tới hơn 90% đào nương, quan viên, kép đàn tham gia Liên hoan không hưởng lương ngân sách nhà nước. Đấy là chưa nói, đa số nghệ nhân đang sinh sống và diễn xướng di sản ở vùng sâu vùng xa đa số đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... thực sự cần những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ của Nhà nước.

 

Ước tính có khoảng 560 nghệ nhân sẽ được hỗ trợ

 

Dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn bao gồm 14 điều, quy định trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo chính sách phù hợp đối với các nghệ nhân, dự thảo Nghị định phân ra bốn nhóm đối tượng có điều kiện, hoàn cảnh và mức độ khó khăn khác nhau để xem xét hỗ trợ.

 

Cụ thể, các NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là những người thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định gồm: người từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống độc thân; người dưới 60 tuổi đối với nam hoặc dưới 55 tuổi đối với nữ sống độc thân và mắc một trong các bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo, hoặc bị khuyết tật, hoặc đang nuôi dưỡng thân nhân trực tiếp là người khuyết tật; người từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ không sống độc thân; người dưới 60 tuổi đối với nam hoặc dưới 55 tuổi đối với nữ không thuộc đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị khuyết tật hoặc đang nuôi dưỡng thân nhân trực tiếp là người khuyết tật... Công tác xét tặng danh hiệu NNƯT hiện đang được Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương, các Hội đồng chuyên ngành... gấp rút thực hiện dự kiến sẽ chính thức công bố vào tháng 9.2015. Ước tính, trong số các nghệ nhân khắp cả nước hiện đã và đang được xét tặng danh hiệu NNƯT có khoảng 560 người thuộc diện hưởng trợ cấp.

 

 Vợ chồng đào nương Dương Thị Xanh và kép đàn Trần Văn Đài không hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất cần được hỗ trợ

 

Giải quyết trợ cấp sinh hoạt không quá 30 ngày

 

Dự kiến, sẽ có ba mức trợ cấp sinh hoạt hằng tháng đối với các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là 1.100.000 đồng/người/ tháng; 900.000 đồng/ người/tháng và 700.000 đồng/người/tháng. Mức trợ cấp đó chưa hẳn đã lớn nhưng thực sự ý nghĩa với các nghệ nhân vốn hiện đa số đang thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, các nghệ nhân được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo tiêu chuẩn, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Thẩm quyền xem xét, ra quyết định hưởng, điều chỉnh hay thôi hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được quy định là Chủ tịch UBND cấp huyện.

 

Đáng chú ý, thời gian giải quyết trợ cấp sinh hoạt hằng tháng không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định cũng sẽ đưa chính sách đãi ngộ của Nhà nước dự kiến sẽ đến sớm với các nghệ nhân. Dù vậy, đa số các nghệ nhân hiện nay đều sinh sống ở vùng sâu vùng xa, thậm chí nhiều người không biết tiếng Việt thì nên chăng cũng cần có quy định cụ thể để các nghệ nhân có thể ủy quyền cho các đơn vị, tổ chức hoặc các cá nhân hay thân nhân lập hồ sơ, gửi hồ sơ đề nghị xem xét hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng...