nguyendu.org.vn
Loading...

Nghệ nhân không đủ sức chờ danh hiệu


Trong khi chờ đợi để được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Vũ Văn Hồng đã qua đời. Trước đó, các Nghệ nhân Hà Thị Cầu, Nguyễn Thị Chúc, Phan Thị Mơn... đã ra đi, không thể chờ để được đưa vào danh sách phong tặng lần này.
 
Tạ thế không danh hiệu
 
Ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) có hai anh em lão nghệ nhân ca trù nổi tiếng họ Vũ - anh là Vũ Văn Hồng, em là Vũ Văn Cốm - đều được đưa vào danh sách phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của Sở VHTTDL Hà Nội từ cuối năm 2014 và đã được vào danh sách chờ Chủ tịch nước quyết định phong tặng.
 
Cuối tháng 8, đại diện Bộ VHTTDL cho biết, việc phong tặng danh hiệu sẽ cố gắng hoàn thành sớm để trao vào dịp 2.9 năm nay, thế nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 9, việc trao tặng danh hiệu vẫn chưa thấy dấu hiệu… Cụ Cốm năm nay 90 tuổi, vẫn đang từng ngày mỏi mòn chờ đợi được tôn vinh. Tiếc nuối nhất là Nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng ra đi vào tháng 2.2015, hưởng thọ 96 tuổi và mơ ước cuối đời được Nhà nước tôn vinh cho những cống hiến của cụ đã vĩnh viễn không thành hiện thực.
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn (90 tuổi) ở làng Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội) gìn giữ những tấm bằng khen như báu vật.   Ảnh: Mỵ Lương
 
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Cốm thì được biết cách đây 3 năm, cụ bị ngã vỡ xương hông, việc đi lại của cụ hiện rất khó khăn. Nhắc đến ca trù, ánh mắt cụ Cốm tinh anh lạ thường, cởi mở chia sẻ cho chúng tôi về công việc “giữ lửa” ca trù của hai anh em trong dòng họ Vũ. Cụ Cốm nghẹn ngào cho biết: “Tuổi đời biết thế nào cho vừa. Như ông anh tôi đã gắng gượng chơi đàn đến gần lúc sắp qua đời, thế mà vẫn nhắm mắt xuôi tay mà không đợi được danh hiệu dù trồng cây đã sắp đến ngày hái quả. 
 
Cũng giống như cụ Cốm, nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể hiện nay từng ngày mỏi mòn đợi chờ danh hiệu chính thức trao tặng, trong khi bệnh tật tuổi già ập đến bất cứ lúc nào, chưa nói đến việc họ sẽ nhận được trợ cấp ra sao mỗi tháng khi đã có danh hiệu. Và để gìn giữ vốn quý di sản, các nghệ nhân vẫn phải từng ngày tần tảo, bươn chải mưu sinh bằng đủ thứ nghề kiếm sống.
 
Ca nương nổi danh Nguyễn Thị Vượn, 90 tuổi, ở xã Văn Nhân (Phú Xuyên, Hà Nội) hiện tại sống dựa vào con gái là bà Vũ Thị Hoài (gần 70 tuổi) và trông chờ vào quán hàng bán dưa cà, mắm, muối. Những bằng khen, giấy tờ công nhận danh hiệu được cụ nâng niu gìn giữ như vật bất ly thân. Tôi hỏi đùa: “Cho cháu mượn bằng khen của cụ được không?”, cụ Vượn khăng khăng:“Tôi sắp chết rồi, cô cứ để hết ở đây cho tôi”. Nói xong, cụ Vượn lại thở dài: “Bằng khen nhiều mà làm gì, cũng có được cái gì đâu. Sắp tới có thêm bằng Nghệ nhân ưu tú, tôi có nghe nói đã nhưng lâu rồi nhưng chờ mãi không thấy gì, cũng không biết có chờ được để nhận nữa hay không?”.
 
Chưa biết chờ đến bao giờ
 
Khi thực hiện bài viết này, phóng viên Báo NTNN đã liên lạc với ông Phùng Huy Cẩn- Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL, đề nghị được trao đổi về những bất cập trong quá trình phong tặng danh hiệu. Tuy nhiên ông Cẩn từ chối trả lời và hẹn phóng viên khi nào công bố quyết định phong tặng danh hiệu chính thức mới trở lại vấn đề này. 
 
Hiện tại, chưa có một con số thống kê đầy đủ nào về việc có bao nhiêu nghệ nhân - những “báu vật sống” đã qua đời mà trắng tay, chưa kịp nhận bất cứ danh hiệu nào. Bởi hầu hết các nghệ nhân đều có đời sống bình dị ở nông thôn. Ốm yếu liệt giường đã hơn 3 năm nay, song mỗi khi có người đến hỏi về dân ca quan họ cổ Bắc Ninh, Nghệ nhân Đỗ Thị Tước (93 tuổi, ở làng Khả Lễ, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh) đều nhiệt tình “khoe” chất giọng dù đã không còn trong trẻo, hơi sức không còn dẻo dai của mình.
 
Giọng cụ Tước trầm ngâm: “Tôi chẳng đi được đến đâu, có người đến nhà hỏi thăm mới biết liền anh, liền chị hát với tôi ngày xưa thì nay đã mất hết rồi! Chắc còn lại có tôi. Danh hiệu đến giờ tôi cũng chẳng màng tới nhưng nghĩ lại đời nghệ thuật cơ cực lắm. Tôi đẻ đến đứa con thứ 7, nó vẫn bú mà ông cụ nhà tôi vẫn ẵm con để cho tôi đi hát quan họ”.
 
Nghệ nhân Hà Thị Cầu - người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX ra đi năm 2013 khi việc xem xét trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vẫn đang trong quá trình... soạn thảo. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nguyên - người được phong tặng “Báu vật nhân văn sống”, được coi là một trong hai báu vật cuối cùng của làng quan họ đã ra đi ở tuổi 90, lỡ hẹn với  danh hiệu. Năm 2011, Nghệ nhân Phan Thị Mơn nổi tiếng ca trù Cổ Đạm xứ Nghệ cũng ngậm ngùi nhắm mắt xuôi tay mà không được nhận danh hiệu. Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức- đệ nhất danh ca của ca trù đương đại không có tên trong danh sách được đề nghị phong tặng danh hiệu đợt này…
 
Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến tâm sự của ông Vũ Kim Điệp (56 tuổi) - con trai của cố Nghệ nhân Vũ Văn Hồng: “Cha tôi đã ra đi rồi, tới đây mà nhận được bằng công nhận danh hiệu của ông, gia đình tôi dự định sẽ đặt lên bàn thờ cụ để làm lưu niệm chứ cũng chẳng dám đòi hỏi gì thêm nữa. Nhưng giá như được nhận sớm hơn một chút để cụ được hưởng niềm vui danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trước khi sắp nhắm mắt xuôi tay thì có lẽ đỡ thiệt thòi hơn”. 
 
Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân: Đừng để đến lúc muộn
 
Tôi e ngại là nhiều người được phong danh hiệu nghệ nhân một cách tràn lan sẽ dễ dẫn đến nảy sinh chuyện “chạy” danh hiệu. Cùng với việc phong danh hiệu qua công tác điều tra thực tế cơ sở, theo tôi với các cụ nghệ nhân từ khoảng 70 tuổi trở lên, có nghề thực sự thì nên hỗ trợ thiết thực hàng tháng cho họ để họ truyền dạy kịp thời. Việc phong tặng và hỗ trợ cần làm nhanh, đừng để đến khi quá muộn màng, lúc các cụ ra đi rồi mới phong, mới đề xuất hỗ trợ.
 
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội: Dễ sót người xứng đáng
 
Trình tự, thủ tục trong việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại nhiều bất cập. Ở Phú Xuyên, khi có văn bản hướng dẫn làm hồ sơ xét tặng danh hiệu thì được chuyển thẳng về các các xã mà không thông qua trình tự quản lý nhà nước là từ huyện xuống xã, từ xã triển khai xuống thôn. 8 nghệ nhận được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú ở Phú Xuyên là con số rất nhỏ. Bởi chính khâu bình xét không chặt chẽ, không qua trình tự quản lý các cấp dẫn đến tình trạng bỏ sót, sai sót, người xứng đáng không được phong, trong khi người chưa thực xứng đáng lại được danh hiệu.
 
Ông Nguyễn Tường Thư - cán bộ văn hóa xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình: Nghệ nhân sống dựa vào con
 
Trong 12 bộ hồ sơ xét duyệt năm 2014 được gửi đi, xã vinh dự có 5 bộ hồ sơ của các nghệ nhân: Nguyễn Bá Thắng, Nguyễn Trọng Đường, Nguyễn Hữu Phi, Nguyễn Trọng Chín, Nguyễn Hữu Ngữ được chọn xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Thực tế đời sống của nghệ nhân trong xã không phải dựa vào nghề diễn rối nước, bởi công múa rối nước một ngày cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng, trong đó một phần tiền lại được trích lại để mua con trò. Đời sống thực tế của nghệ nhân lớn tuổi chủ yếu dựa vào con cái. Một số cụ khỏe hơn vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp. Địa phương chưa có kinh phí để hỗ trợ nghệ nhân vì ngân sách không có.
 
Theo Bùi Mỵ/Danviet.vn

Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website