nguyendu.org.vn
Loading...

Ngắm những tinh hoa trên đất Cố đô


Trong khuôn khổ Festival Huế 2016, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức cuộc Triển lãm “Dấu ấn văn hóa Kinh đô Huế và Đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống”.
 

 

Những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nghệ nhân, thợ giỏi nổi tiếng của đất Cố đô và vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ được trưng bày, giới thiệu tại cuộc triển lãm nhiều ý nghĩa này, diễn ra từ ngày 29.4 đến 4.5 tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế.
 
Điểm nhấn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm, không gian thú vị phần trưng bày có tên gọi Tinh hoa văn hóa Kinh đô Huế và Đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống. Sử dụng toàn bộ diện tích Nhà Di Luân Đường của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế, trưng bày giới thiệu những sản phẩm thủ công tiêu biểu, độc đáo của các nghệ nhân, thợ giỏi Huế và vùng Đồng bằng sông Hồng. Ban tổ chức cho biết, ở mảng sản phẩm đúc đồng, chạm bạc của Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình sẽ giới thiệu 40 tác phẩm được chế tác từ đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân ưu tú, với các tác phẩm tiêu biểu như đúc đồng Phật bà Quan âm; chạm đồng, chạm bạc, khảm tam khí biểu tượng chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, chạm bạc danh lam thắng cảnh Đồng bằng sông Hồng, trống đồng, hộp đựng trang sức bằng đồng nạm bạc...
 
Sản phẩm từ gốm của các nghệ nhân nổi tiếng làng Bát Tràng và Bắc Ninh lại trưng bày 30 sản phẩm gốm tiêu biểu qua các dòng gốm men: Gốm men màu, gốm men lam vẽ tràm, men kết tinh và không men. Đặc biệt, nghệ nhân ưu tú Trần Độ vốn nổi tiếng là người khôi phục được dòng gốm và men gốm cổ thời Lý-Trần sẽ trưng bày sản phẩm tiêu biểu cho dòng gốm trên. Các nghệ nhân tay nghề cao đến từ Bắc Ninh cũng sẽ giới thiệu sản phẩm gốm đặc trưng của Bắc Ninh và dòng gốm Phù Lãng.
 
Bên cạnh đó là những sản phẩm tiêu biểu về dệt, thêu, ren Hà Nội, sơn mài, các sản phẩm mây tre đan chế tác tinh xảo và mang tính ứng dụng cao như giỏ hoa tre, mũ, va ly, chao đèn, hộp để đồ, đèn tre… Triển lãm cũng trưng bày các sản phẩm chạm khắc gỗ, nhạc cụ dân tộc Hà Nội, Nam Định; trống Đọi Tam; tranh dân gian Đông Hồ; hoa lụa hay các sản phẩm mỹ nghệ làm bằng gỗ, nhựa, tre và vỏ dừa…
 
Đặc biệt, ở cuộc triển lãm này, công chúng trong nước và bạn bè quốc tế sẽ còn cơ hội chiêm ngưỡng hơn 50 hiện vật theo các chủ đề, khối hiện vật tiêu biểu: Bộ kiếm Triều Nguyễn; bốn cặp liễn đối; Hộp gỗ sắc phong; Khay gỗ trạm cận, nghiên mực, khuôn dấu làm bằng gỗ, sắc phong. Đây là những trưng bày sưu tập đặc sắc của bốn nhà sưu tập cổ vật: Bùi Tự Tiếu, Lê Hội, Nguyễn Thanh Đôn và Lê Thiện Gia được Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế giới thiệu.
 
Tại không gian ngoài trời của Bảo tàng, nhiều tỉnh, thành sẽ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng và Huế. Đó là khu vực trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống tỉnh Bắc Ninh với gần 100 sản phẩm thủ công tiêu biểu của quê hương Kinh Bắc như: Đúc đồng Đại Bái, tranh dân gian Đông Hồ, mây tre, đồ gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng. Bắc Ninh cũng tổ chức biểu diễn dân ca quan họ tại khu trưng bày này. Đó là khu vực trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình, với hơn 100 loại sản phẩm đồ đồng, vàng, bạc, đúc tam khí với các sản phẩm đồ thờ cúng, tranh lưu niệm, phục chế sản phẩm cổ... Khu vực trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống làng gốm Bát Tràng; khu vực trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống đúc đồng, chạm bạc Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam; khu vực trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống của Huế... cũng hứa hẹn sẽ là những điểm dừng chân thú vị dành cho du khách trong những ngày diễn ra Festival.
 
 
Theo Hà Phương/Báo Văn hóa

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website