nguyendu.org.vn
Loading...

Một số đóng góp của họ Nguyễn -Tiên Điền với sự nghiêp giáo dục


Trong lịch sử của các dòng họ trên quê hương Hà Tĩnh, họ Nguyễn - Tiên Điền là một trong những dòng họ để lại cho đời sau nhiều dấu ấn về truyền thống học hành, khoa bảng, thành danh trên nhiều lĩnh vực có nhiều đóng góp cho sự phát triển quê hương, dân tộc, như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Đề ... và tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du - Người đã hai lần được Thế giới vinh danh.
 
Nguồn gốc dòng họ.
 
Gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền ghi: Người họ Nguyễn đầu tiên vào lập nghiêp ở Tiên Điền là Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm, nguyên quán Canh Hoạch (Hà Tây), con trai thứ 3 của phù Trung hầu Nguyễn Miện và là cháu nội của Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) Nguyễn Thiến. Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm theo cha phò Mạc nhưng không thành nên ông trốn chạy vào nam đến vùng đất Phú Điền (địa danh làng Tiên Điền thời đó) mai danh ẩn tích, lập nghiệp, gây dựng nên dòng họ Nguyễn -Tiên Điền - một dòng họ “Trâm anh thế phiệt” trong lịch sử phát triển của các dòng họ Việt Nam. Quá trình phát triển, họ Nguyễn - Tiên Điền từ đời thứ 6 trở đi phát dương về con đường khoa cử và văn chương trước thuật với việc Nguyễn Nghiễm (đời thứ 6) đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731), Nguyễn Huệ (đời thứ 6) đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733), Nguyễn Khản (đời thứ 7, con trai trưởng Nguyễn Nghiễm) đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), Nguyễn Tán (đời thứ 8, cháu nội Nguyễn Nghiễm) đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832) dưới triều vua Minh Mạng, Nguyễn Mai đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) của triều Nguyễn. Bên cạnh đó họ Nguyễn -Tiên Điền cũng hội tụ nhiều danh nhân như Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Trọng, Nguyễn Điều, Nguyễn Đề, Nguyễn Ức, Nguyễn Hành... và tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du - Người đã hai lần được Thế giới vinh danh.
 
Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
 
Trong lịch sử của các dòng họ trên quê hương Hà Tĩnh, họ Nguyễn - Tiên Điền là một trong những dòng họ để lại cho đời sau nhiều dấu ấn về truyền thống học hành, khoa bảng, thành danh trên nhiều lĩnh vực và có nhiều đóng góp cho sự phát triển lịch sử giai đoạn thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Với sự nghiệp giáo dục, nổi bật họ Nguyễn - Tiên Điền có Nguyễn Nghiễm (1708-1776), con trai thứ 2 Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, sau khi đỗ tiến sĩ, bên cạnh quá trình tham gia chính sự giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều ông còn luôn chăm lo vun đắp cho nền học vấn. Sách Danh gia xứ Nghệ Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (Võ Vinh Quang, Trần Đình Hằng chủ biên) cho biết: Năm Đinh Hợi (1767) Nguyễn Nghiễm phụng chuẩn giữ chức Tri Quốc Tử giám, đốc suất các quan tế tửu, Tư nghiệp ngày ngày tới nhà Thái Học, hội họp Giám sinh để giảng giải kinh sử, lấy các ngày sóc vọng hàng tháng để tổ chức tập nghiệp. Chọn các ngày tứ trọng là ngày khảo thí, ai đỗ trong các đợt khảo thí thì được cân nhắc chức quan, nhờ đó Nho phong dần được chấn hưng, phát triển. Khẳng định vị thế của Nho học đương thời, xứng đáng là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, Nguyễn Nghiễm đã phụng mệnh chúa Trịnh cùng các quan ở Quốc Tử giám, trong đó có con trai đầu của ông là Nguyễn Khản tổ chức đúc 1 quả chung lớn (Bích Ung đại chung), 4 quả chuông nhỏ, soạn bài minh văn “Bích Ung đại chung” và ông còn đề 4 chữ “Cổ kim nhật nguyệt” lên biễn gỗ với ước vọng khích lệ học tập,  việc đào tạo nhân tài luôn được bền vững trường tồn. Cuối năm Canh Thìn (1760), Nguyễn Nghiễm được bổ chức Nhập thị Kinh diên (đảm nhận chức trách giảng giải kinh sách, đạo lý cho vua Lê Hiển Tông nghe ở điện Kinh Diên), đây là vinh hạnh lớn thể hiện tài năng, đức hạnh của ông đã được vua Lê chúa Trịnh yêu mến, tin dùng. Sự chấn hưng giáo dục giai đoạn này đã đưa lại kết quả trong việc đào tạo chọn người tài trong khoa cử thời Lê - Trịnh đạt hiệu quả hơn. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm.
 
Ở quê hương, Nguyễn Nghiễm góp phần trong việc khích lệ học tập đối với con em dòng tộc cũng như các sĩ tử trong vùng. Việc đưa đình tế tư văn về trong khuôn viên làng Tiên Điền, mở lớp dạy học đã tạo nên một phong trào học tập, lan tỏa việc học đến với người dân trong vùng. Cũng từ đó về sau, từ phong trào khích lệ việc học này nhiều học trò của ông cũng đã có nhiều người đỗ đạt thành danh như Ngô Phúc Lâm, Nguyễn Thiếp, Phan Khiêm Thị, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Quýnh... Sách Nghi Xuân địa chí của Đông Hồ Lê Văn Diễn ghi về đình tế tư văn như sau: “Đình tế tư văn: Từ đời Long Đức triều Lê (Lê Thuần Tôn 1732 - 1735) về trước hàng huyện tế “đình” ở Đình xã Xuân Viên. Đến đời Vĩnh Hựu (Lê Ý Tôn 1735-1740)  Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm bắt đầu cho dời về ở đây.  Năm Tân Hợi (1791), triều Tây Sơn, quan hiệp trấn Nguyễn Quang Dụ cho quân về vây ráp dất Tiên Điền, phóng lử đốt cháy cả đình tư văn này, chỉ còn lại mấy cái bệ thờ tiên hiền tiên thánh, may sao trước đó đã xây gạch đá nên ba mặt tường vôi đang còn. Vài ba năm sau đó, Nghi đình hầu Nguyễn Đề (Nguyễn Nễ) con trai thứ của Xuân nhạc công cho sửa lại, nhân dịp đó, thông sức trong huyện hạt: người nào con cháu thuộc dòng dõi có khoa bảng cũ phải nạp 3 tiền, người nào tuy là dân “bạch đinh” nhưng có biết chữ phải nạp 10 tiền. Kê cả kết quả đóng góp trong lớp hiệu sinh, được cả thảy vài trăm quan. Số tiền đó cho vay lấy lãi. Mỗi năm đến kỳ 2 lễ tế đình, số tiền lãi đó giao cho lý dịch xã Tiên Điền làm xôi gà làm lễ cúng. Việc đó được ghi vào sổ sách đã  trở thành lệ. Năm Mậu Tuất (1836), đời Miinh Mệnh, Hội Tư văn huyện xây dựng thêm một tòa bái đường, lợp bằng tranh, do dân làng “hộ” đóng góp. Năm Canh Tý (1836), đời Minh Mệnh, xã Tiên Điền lợp ngói tòa thượng điện, đồng thời sắm một bộ trống chiêng. Cũng năm đó, hội tư văn huyện xây dựng thêm hai dãy hành lang, lợp ngói, để thờ các tiên đạt. Quan tri huyện hồi đó là Trần Vĩ đứng ra đốc suất sĩ dân trong huyện cúng thêm tiền lợp ngói tòa bái đường”. Từ khi đình tế tư văn chuyển về Tiên Điền thì đây chính là trung tâm gặp gỡ, đàm đạo của các sĩ tử trong vùng. Hàng năm, tại đây còn tổ chức nhiều nghi lễ, như lễ “cầu khoa” cầu may cho các sĩ trước lúc đi thi, lễ  “vinh qui bái tổ”  đón rước vinh danh các sĩ tử đỗ cao trong các kỳ thi trở về.
 
Đóng góp cho nền giáo dục đương thời còn có sự đóng góp của Lam Khê hầu Nguyễn Trọng (1710-1789). Ông là con trai thứ 3 của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, đỗ cử nhân năm 27 tuồi làm đến chức Chính sứ tam phẩm xứ Lạng Sơn. Năm 62 tuổi ông về quê trí sĩ, mở lớp dạy học, lớp học của ông thu hút đông đảo các sĩ  tử trong vùng. Gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền cho biết “phần đông các danh sĩ thời đó phần lớn là học trò của ông”.
 
Thi hào Nguyễn Du (1675-1820), với trước tác Truyện Kiều bất hủ đã đưa thi hào Nguyễn Du đạt lên đỉnh cao tinh hoa văn hóa của nhân loại. Ngoài tính nhân văn sâu sắc, tác phẩm còn mang tính giáo dục lớn về tình người, tâm hồn và nhân cách... những giá trị đó luôn xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử.  
 
Theo cuốn Tiên Điền Nguyễn Du địa linh và nhân kiệt (PGS.TS Nguyễn Quốc Phẩm chủ biên) dưới thời Lê - Nguyễn, làng Tiên Điền có 6 người đỗ đại khoa thì trong đó 5 người là họ Nguyễn; 29 người đỗ cử nhân, cống sinh; 11 người đỗ tú tài, sinh đồ. Trong số đó có nhiều người họ Nguyễn - Tiên Điền được triều đình trọng dụng. Tiêu biểu là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản, cả hai cha con đỗ đại khoa, được giao giữ trọng trách cao, đảm nhận những chức vụ quan trọng trong triều.
 
Tiếp nối truyền thống học hành, khoa bảng của các bậc tiền nhân, thời hiện đại trên quê hương Tiên Điền có 5 Giáo sư; 7 Phó Giáo sư và 12 Tiến sĩ ... và các chi nhánh hậu duệ họ Nguyễn - Tiên Điền trên mọi vùng, miền số lượng lớn có trình độ đại học, sau đại học và nhiều người thành danh cống hiến trên nhiều lĩnh vực luôn xứng danh là hậu duệ của một dòng tộc “Trâm anh thế phiệt” trong lịch sử phát triển các dòng họ. 
 
Lời kết.
 
Lược những đóng góp của họ Nguyễn - Tiên Điền qua các giai đoạn lịch sử thấy được dòng họ này có nhiều thế hệ đóng góp quan trọng vào nền học vấn, giáo dục đương thời. Chúng ta luôn trân trọng và phát huy những thành tựu đó, thông qua hệ thống di sản văn hóa Nguyễn Du và các danh nhân họ Nguyễn - Tiên Điền tiếp tục chuyển tải, phát huy những giá trị di sản lớn đó đến với mỗi người, nhất là thể hệ trẻ trong việc tiếp nối tình yêu quê hương đất nước, truyền thống hiếu học, thành danh để có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục cũng như sự nghiệp phát triển chung trong thời kỳ đổi mới của quê hương, đất nước.   
 
 
Bách Khoa
 

Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website