Triển lãm về sư tử và nghê tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu những tác phẩm tinh xảo nhưng vẫn chưa đủ để địa phương và cá nhân dễ dàng nhận biết đặc điểm cụ thể của linh vật thuần Việt.

 

Nghê Việt và lư hương thế kỷ XIX

 

Sau 3 tháng thực hiện công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, tượng sư tử kiểu Trung Quốc, châu Âu và tượng linh vật đã không còn lưu thông trên thị trường. Việc tiếp tục sản xuất, mua bán và sử dụng các mặt hàng này không còn. Nhiều nơi thờ tự, công sở đã di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện dứt điểm tại những nơi đặt linh vật sau khi di dời lại là cả một vấn đề.

 

Lúng túng trong việc thực hiện di dời linh vật ngoại lai

 

Lúng túng đầu tiên là việc phân biệt thế nào là linh vật ngoại lai và linh vật thuần Việt. Một số doanh nghiệp, di tích đã rất chủ động trong việc nhờ cơ quan chức năng xác định nguồn gốc mẫu linh vật đang sử dụng. Tuy nhiên, chính cơ quan chức năng ở địa phương cũng lúng túng. TP Hà Nội đã phải nhờ chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến phân biệt một số hiện vật, như cặp sư tử đá ở Bảo tàng Tổng công ty Hàng không.

 

Lúng túng thứ hai là cách thức di dời cũng như xử lý hiện vật ngoại lai sau khi di dời. “Tại Quần thể danh thắng Tràng An, đã chuyển toàn bộ 3 đôi sư tử đá ở ba cổng (Đông, Nam, Bắc) và những hiện vật không phù hợp ra khỏi di tích, song chuyển đi đâu không rõ. Hay tại Đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình) có ba đôi sư tử đá ngoại lai, thủ từ đền vận động người cúng tiến tới mang đi, mang đi đâu cũng không rõ”, bà Đoàn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) cho biết.

 

“Với một số trường hợp thì dễ dàng thuyết phục, song nhiều trường hợp người cung tiến không đến lấy lại, vấn đề kinh phí để di dời các linh vật ngoại lai cũng là một thách thức không nhỏ tại địa phương”- bà Hương nhận định.

 

Cần có một văn bản chỉ rõ đặc điểm nhận diện linh vật thuần Việt

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Khi đến Đà Nẵng kiểm tra, chúng tôi rất lo ngại vì văn bản của Bộ ra là đúng đắn song ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của một bộ phận người dân tại làng đá mỹ nghệ Non Nước. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại là địa phương tích cực vận động người dân thực hiện văn bản 2662. Đặc biệt, Sở VHTTDL  Đà Nẵng còn gửi công văn đề nghị Bộ ra văn bản hướng dẫn trưng bày tượng linh vật để các địa phương làm theo, tránh tùy tiện như hiện nay”.

 

Tích cực và chủ động là vậy nhưng chính Đà Nẵng lại tỏ ra lúng túng trong khâu nhận diện linh vật Việt. Địa phương sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng linh vật ngoại lai, trong đó nhiều nhất là sư tử đá kiểu Trung Quốc đã phải gửi công văn đề nghị được hướng dẫn cụ thể những đặc điểm nhận diện linh vật thuần Việt.

 

Để giải quyết những vướng mắc này, bên cạnh việc cán bộ văn hóa phụ trách lĩnh vực này phải trau dồi kiến thức, bà Đoàn Thị Thu Hương cho biết, sắp tới, Hội mỹ thuật sẽ ra sách cẩm nang nhận diện kỹ càng các linh vật để cán bộ, dân chúng nắm được.

 

Thời gian qua, các đoàn thanh tra kiểm tra của Bộ VHTT&DL đã tiến hành kiểm tra 23 di tích ở 7 tỉnh thành phố, phát hiện 19 di tích có hiện vật lạ, hiện trên 10 di tích đã di dời linh vật ngoại lai.