nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Lo hầu đồng biến tướng


Đừng để di sản văn hóa được thế giới công nhận bị xem là hư danh khi hầu đồng đang bị biến thành trò buôn thần bán thánh.
 
Một cảnh hầu đồng được cho là biến tướng, mang màu sắc mê tín dị đoan Ảnh: CUNG MINH
 
“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đêm 1-12 tại TP Addis Abada - Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia. Việt Nam có thêm di sản văn hóa thứ 11 được thế giới vinh danh vừa là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của nhiều người khi nghi lễ của đạo Mẫu - hầu đồng chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đang bị biến tướng một cách đáng sợ.
 
Thực dụng, mê tín
 
Sau một thời gian gần như thất truyền, hầu đồng - nghi thức tín ngưỡng trong đạo Mẫu, còn gọi là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo - đang phát triển khắp nơi, thậm chí thành phong trào “nhà nhà đi hầu đồng” cầu xin đủ thứ.
 
Trước đây, hầu đồng là món ăn tinh thần có phần xa lạ vì không phải ai cũng được “thánh nhập” và người thưởng thức cũng không nhiều vì không dễ gì hiểu hết nét đẹp của nghi thức này. Chính vì thế, một thời gian dài, hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan. Trước khi được nhà nước nhìn nhận là văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy, hầu đồng đã bị một số nơi lợi dụng vào những trò buôn thần bán thánh.
 
Tại TP HCM và các vùng lân cận, hàng trăm phủ thờ có tổ chức hầu đồng mọc lên, biến không gian nghi thức này trở thành những hoạt động mê tín hỗn độn, bát nháo.
 
Khó có thể chấp nhận việc ai cũng trở thành người “nhập thánh” được. Một cung văn theo hầu đồng phải có ít nhất 5 năm tôi luyện, rèn giũa thanh sắc, giữ gìn đạo đức. Ngày nay, chỉ sau 2 tuần học vài giá đồng là họ đã xuất hiện diêm dúa, lợi dụng tín ngưỡng này để tổ chức lừa bịp những người nhẹ dạ. Hầu hết người tham gia hầu đồng được yêu cầu phải cúng lễ vật, nữ trang đắt tiền, tiền mặt thủ sẵn trong túi để rải đều mỗi khi thực hiện các giá đồng cầu duyên, cầu tài.
 
Trên các trang mạng xã hội hiện nay đăng tải rất nhiều đoạn phim do người dân ghi lại tệ nạn biến phủ đồng thành nơi thực hiện trò bịp. Đáng sợ nhất là một cô gái hầu đồng, tự xưng Cửu Thiên Huyền Nữ, đã nhảy lên ngồi trên bàn thờ Cô Chín tại đền Sòng - Thanh Hóa hoặc sự ngông cuồng của một thanh niên trông như bị “ngáo đá”, nhập đồng với tư thế gợi dục... Sau những màn hầu đồng, họ đều vòi tiền các thân chủ.
 
Không ít người đến hầu đồng đã phải vay nợ từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, phải cầm nhà, bán xe để cúng lễ đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc may. Có người tán gia bại sản khi dính vào các “kịch bản” của nhiều phủ thờ.
 
Từ khi mạng xã hội trở thành phương tiện quảng bá hữu hiệu, dịch vụ hầu đồng được quảng bá rộng khắp. Người ta dựng lên những cảnh “biểu diễn” hầu đồng, các thánh nhập hồn về giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu của thân chủ. Có những giá đồng được tuyên truyền trị khỏi bệnh câm, điếc ngay tức thời. Nhiều người vẫn tin, tìm đến vái lạy các “thánh mẫu” và mang tiền đến dâng!
 
Còn nguyên giá trị
 
Trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc hội thảo xung quanh chủ đề này với không ít ý kiến trái chiều về hầu đồng. Tựu trung, theo các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu đồng cần được bảo tồn, đừng để khi thế giới vinh danh thì nó lại mai một, biến tướng giá trị vốn có trở thành di sản hư danh vì thiếu sự quản lý, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
 
Nhà nghiên cứu nghệ thuật, NSND Đinh Bằng Phi băn khoăn: “Giữ gìn và phát huy hầu đồng không có gì để bàn cãi nhưng sau này, hầu đồng được bung ra nở rộ đến độ chóng mặt thì nét đẹp văn hóa của dân tộc ít nhiều bị biến tướng. Bên cạnh hầu đồng thật còn có rất nhiều trò hầu đồng giả, buôn thần bán thánh ngay trong khung cảnh linh thiêng chốn đền phủ khiến những ai quan tâm nghi thức này cảm thấy đau lòng”.
 
GS-TS Trần Quang Hải, hiện ở Pháp, cho rằng vấn đề nào cũng có hai mặt - sự tích cực và tiêu cực, thẩm mỹ và phi thẩm mỹ. Thế nhưng, hầu đồng bị biến tướng đã nghiêng hẳn về thực dụng. “36 giá đồng là 36 câu chuyện mang tính nhân văn của các vị thánh mẫu, tiên cô và các vị tướng trung thần, các vị quan thanh liêm… Hầu đồng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến đã xác lập bất di bất dịch mục đích, giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghi lễ này rất nhân văn, con người giao hòa với thần linh để gửi niềm tin vào thế giới siêu thực mà họ khao khát vươn tới để sống lạc quan, yêu đời, làm việc thiện. Vì vậy, không thể để nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp này bị lợi dụng, bị bóp méo thành những trò mê tín để trục lợi” - GS-TS Trần Quang Hải nhấn mạnh.
 
Theo GS-TS Trần Quang Hải, xét về nghệ thuật hầu đồng, các cung văn khi bước vào thế giới siêu thực của các giá đồng với niêm luật, nghệ thuật độc đáo, bản thân họ là những nghệ sĩ đang “say” theo những thăng hoa đã tích tụ từ nét văn hóa ngàn đời của dân tộc. “Theo dòng chảy tự nhiên, hầu đồng vẫn còn nguyên giá trị về tính nhân văn, thẩm mỹ trong xã hội hiện đại nếu được phát huy đúng cách. Phải phá bỏ tất cả những gì khiến di sản này bị đánh giá là biến tướng” - GS-TS Trần Quang Hải đề nghị.
 
Sự thực hành đã đi lệch hướng
 
GS-TS Ngô Đức Thịnh - người cả đời nghiên cứu về nét đẹp của hầu đồng - đã chỉ ra: “Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Nhưng qua sự biến tướng gần đây cho thấy sự thực hành đã đi lệch hướng, không còn là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng. Nếu cứ vòi tiền, vòi của người tham gia hầu đồng, di sản sẽ bị mất đi nét đẹp sáng tạo. Hầu đồng phải góp phần làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Ở đó, không thể là sự diêm dúa, khoe của”.
 
Theo Thanh Hiệp/nld.com.vn