nguyendu.org.vn
Loading...

Lăng Tự Đức được Google số hóa 3D và tôn vinh toàn thế giới


Từ 15h hôm nay 18-4, Lăng Tự Đức của Việt Nam cùng Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp… sẽ được Google Arts and Culture trưng bày giới thiệu tới toàn thế giới.
 
Hình ảnh Lăng Tự Đức trong bản số hóa 3D của Google Arts & Culture
 
Nhân ngày Di sản Thế giới 18-4, Google Arts and Culture sẽ mở rộng dự án Di sản Mở (Open Heritage) bằng việc bổ sung thêm vào nền tảng này một bộ sưu tập các câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới.
 
Với dự án này, Lăng Tự Đức trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bộ sưu tập những di tích quý để Google Arts and Culture giới thiệu tới toàn thế giới.
 
Theo đó, đúng 15h hôm nay (18-4), phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức chính thức cùng với phiên bản 3D của 29 di sản nổi tiếng thế giới khác được ra mắt công chúng toàn thế giới.
 
Theo đại diện của Google tại Việt Nam, việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.
 
Ngoài những hình ảnh di tích được quay, chụp từ bên trong - bên ngoài lẫn trên cao từ flycam, đội ngũ chuyên gia còn dùng cả máy quét laser để tái hiện chính xác hơn các khắc họa bề mặt cũng như các chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong - ngoài khu Lăng và điện với video cũng như ảnh 360 độ.
 
Theo đại diện Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, trước đó trung tâm đã hợp tác với Công ty Công nghệ Seagate và CyArk (Hoa Kỳ) thực hiện dự án số hóa tư liệu 2 công trình di tích là Lăng Tự Đức và Cung An Định bằng phương pháp scan 3D.
 
"Một số kết quả dữ liệu này sẽ được trung tâm cung cấp tra cứu cho người đọc tại Thư viện Hoàng Cung sắp ra mắt trong thời gian tới" đại diện Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nói.
 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc Google Art & Culture phối hợp với CyArk, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành số hóa 3D lăng Tự Đức là một việc làm đáng hoan nghênh. 
 
Theo ông Hoa, việc số hóa các di sản kiến trúc ở Huế là hết sức cần thiết bởi nó vừa là cơ sở dữ liệu lưu trữ giúp ích trong công tác bảo tồn, vừa là kênh quảng bá rộng rãi văn hóa Huế ra thế giới.
 
Hình ảnh Lăng Tự Đức trong dữ liệu số hóa 3D
 
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch CyArk - John Ristevski cho biết, khi CyArk làm việc với Trung tâm bảo tồn di tích Huế để xác định phần nào của quần thể di tích sẽ được hưởng lợi từ việc số hóa 3D thì Lăng Tự Đức và Cung An Định đã được Trung tâm bảo tồn di tích Huế chọn là ứng cử viên sáng giá nhất.
 
Tuy nhiên, vì Lăng Tự Đức vừa được tu bổ nên Trung tâm bảo tồn di tích Huế muốn có một cơ sở chính xác về tình trạng hiện tại của di tích, vì vậy mà công trình này đã được chọn. Chủ tịch CyArk cho rằng, với sự kiện này, thì Lăng Tự Đức sẽ được quảng bá tốt hơn tới công chúng toàn thế giới.
 
Với Trung tâm bảo tồn di tích Huế thì từ lâu Trung tâm đã rất quan tâm đến việc số hóa 3D Lăng Tự Đức để giúp công tác quảng bá được tốt hơn, hình ảnh được số hóa 3D của Lăng Tự Đức sẽ dễ dàng hơn trong việc thông tin đến báo chí cũng như các phương tiện truyền thông xã hội để giúp nâng cao nhận thức về giá trị của di tích.
 
Ông John Ristevski cũng cho biết thông tin, sau Lăng Tự Đức, CyArk vẫn đang thảo luận với Trung tâm bảo tồn di tích Huế để tiếp tục công việc ý nghĩa này với Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định.
 
"Việc số hóa các di tịch này có thể sẽ diễn ra cùng việc đào tạo bổ sung cách làm cho các thành viên của Trung tâm bảo tồn di tích Huế", ông John Ristevski cho hay.
 
Chủ tịch CyArk cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với số lượng di sản văn hóa đáng kinh ngạc mà Việt Nam đang có: "Việt Nam có số lượng di sản văn hóa đáng kinh ngạc. Chúng tôi hy vọng sẽ quay lại đất nước của các bạn để hỗ trợ các nhà quản lý di sản cách hệ thống hóa tài liệu, có thể bao gồm cả việc số hóa 3D, và giúp đào tạo công việc này ở nhiều khu vực có di sản khác." 
 
Các chuyên gia Google Arts & Culture đang làm việc để số hóa 3D Lăng Tự Đức
 
Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng năm 1864 và đến năm 1873 thì hoàn thành. Nơi đây ban đầu làm hành cung - nơi nghỉ ngơi của vua Tự Đức.  
 
Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.
 
Trong lăng có khoảng 50 công trình lớn nhỏ và lăng được đánh giá như một công viên rộng lớn giữa thung lũng.
 
Dự án Di sản Mở là một thư viện kỹ thuật số các di sản và di tích lớn nhất thế giới nơi công chúng có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D, được tổ chức phi lợi nhuận CyArk lập ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, tài sản chung của nhân loại có nguy cơ bị tổn hại hay biến mất bởi tự nhiên, thiên tai hay chiến tranh.
 
Sau 15 năm thu thập và tái hiện các di sản và di tích trên khắp thế giới, công chúng đã có thể xem hình ảnh, video, những câu chuyện hay thậm chí là triển lãm số của các cảnh quan được số hóa như thành phố cổ Bagan (Myanmar), Cổng Brandenburg (Đức), khu di tích Chichén Iztá (Mexico), khu đền Ayutthaya (Thái Lan) cho đến thành phố cổ Ancient Corinth (Hy Lạp)...
 
Google Arts & Culture đã phối hợp với CyArk để thực hiện dự án Di sản Mở vào ngày 18-9-2018 để công chúng có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D lớn nhất thế giới. CyArk phụ trách ghi lại dữ liệu 3D của những danh lam thắng cảnh này, Google A&C sẽ giúp lưu trữ các dữ liệu đó trên Google Cloud và giúp công chúng dễ dàng tiếp cận hơn.
 
 
Theo Thiên Điểu - Nhật Linh/Tuoitre.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website