nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Làng cổ Đông Sơn


Đông Sơn là một làng cổ nổi tiếng được nhiều nhà khoa học phương Tây biết đến từ thế kỷ trước, một làng hội đủ các giá trị về khảo cổ, danh thắng, lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
 
Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Làng Đông Sơn cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, quần tụ dựa vào lưng núi Rồng. Phía trước là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh ba phía là những núi đá nhỏ và đồi đất thấp nằm xen kẽ, có hình dáng kỳ dị, dân gian cứ theo đó mà đặt tên: núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên… Chẳng biết có đủ 99 ngọn núi hay không nhưng huyền thoại vẫn cho rằng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng.
 
          Chín mươi chín ngọn bên Đông
          Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
          Chín mươi chín ngọn đề huề
          Còn ngọn núi Nít chưa về bên Đông
 
Phía Đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ Nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.
 
Hàm Rồng vốn là tên riêng của ngọn núi hình đầu rồng với cái thân uốn lượn từ làng Giàng theo dòng sông Mã bên phía bờ Nam. Trên núi Rồng có động Long Quang ăn thông sang bên kia như hai mắt rồng. Truyền thuyết kể rằng, con rồng đang vờn hạt ngọc ở phía bên kia sông, bỗng bị trúng mũi tên độc vào mắt phải. Mắt phải có lỗ ăn thông lên trên, mùa mưa nước chảy xuống màu đỏ, ấy là nước mắt rồng. Hàm dưới ngập trong nước như đang hút nước, nên có tên chữ là Long Hạm. Trong “An Nam chí nguyện” của Cao Trùng Hưng, có ghi “Non cao mà đẹp, liền với sông xanh, lên trên trông xuống, nước với trời một vẻ lẫn nhau, thực là một giai cảnh vậy”. Sách Minh Trí nói về danh sơn kể tất cả hai mươi mốt ngọn, trong đó có núi Hàm Rồng được tôn “Đệ nhất là Long Đại”.
 
Chung quanh núi Hàm Rồng còn có nhiều ngọn núi trông rất ngoạn mục như Ngũ Hoa Phong có hình năm đóa hoa sen chung một gốc mọc lên từ đầm lầy; núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn; có ngọn Phù Thi Sơn trông xa như một người đàn bà thắt trên một dải lụa xanh, nằm gối đầu vào thân rồng. Rồi núi Mẹ, núi Con như hình hai quả trứng, núi Tả Ao, vũng Sao Sa có nước trong vắt quanh năm, núi Con Mèo, núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế…
 
Với cảnh trí nên thơ như vậy, Hàm Rồng là nơi dừng chân của nhiều tao nhân, mặc khách: Lý Thường Kiệt, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà…
 
Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một “niên biểu” về sự phát triển liên tục. Tài liệu khảo cổ học cho biết, từ thời các vua Hùng dựng nước, trên đất Đông Sơn đã hình thành một làng nông nghiệp. Những chứng cứ văn hóa vật chất được phát hiện từ lòng đất làng cổ Đông Sơn, từ những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc đến những chiếc trống đồng hoa văn tinh xảo… cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp và có vị thế trong khu vực.
 
Những di vật Văn hóa Đông Sơn đã được biết đến từ lâu, nhưng đến năm 1934, thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn bắt đầu mới có. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.
 
Sau thời kỳ huy hoàng của Văn hóa Đông Sơn, suốt ngàn năm Bắc thuộc, làng cổ Đông Sơn vẫn nằm trong địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân. Dấu vết khu cư trú, khu mộ táng của các thời kỳ: Hán, Đường, Lục Triều được phát hiện ở làng Đông Sơn cho thấy sự phát triển liên tục của vùng đất này trong thời kỳ giao thoa văn hóa Việt - Hán và các giai đoạn phát triển kế tiếp. Ra khỏi thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Đông Sơn là địa bàn quan trọng được đánh dấu bằng những chứng tích hoạt động của các triều đại phong kiến Việt Nam: Lý - Trần - Lê - Tây Sơn và Nguyễn. Thời kỳ Dương Đình Nghệ xây nền tự chủ, đoạn sông Mã từ Hàm Rồng đến Ngã Ba Đầu là nơi Ngô Quyền (con rể Dương Đình Nghệ) luyện thủy quân để làm nên một Bạch Đằng Giang thứ nhất. Dấu vết ngôi chùa cổ thời Trần (chùa Tiên) ở phía Bắc của làng đã cho thấy thời kỳ này Phật giáo khá phát triển ở đây. Thời Trần tên làng Đông Sơn được lấy để đặt cho huyện Đông Sơn, điều này khẳng định vị thế quan trọng của làng Đông Sơn.
 
Triều Tây Sơn tồn tại không dài lắm nhưng đã để lại nhiều chứng tích văn hóa ở làng Đông Sơn. Văn bia thời Tây Sơn được phát hiện ở đây cho thấy dưới Vương triều Tây Sơn, làng Đông Sơn là đất văn hiến. Người dân Đông Sơn rất tự hào đã tham gia trong đoàn quân của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ “theo chúa Tây Sơn đánh giặc”. Thời Nguyễn, Triều đình đã cho dựng văn miếu ở làng Đông Sơn. Thời kỳ cận đại, với việc bắc cầu Hàm Rồng vượt qua sông Mã, một khu công nghiệp phía Bắc thị xã Thanh Hóa trên đất làng Đông Sơn đã hình thành. Thời kỳ đánh Mỹ và thắng Mỹ, làng Đông Sơn trở thành pháo đài thép cùng với Nam Ngạn, Yên Vực viết lên huyền thoại mới về cầu Hàm Rồng. Trên đỉnh núi Cánh Tiên được đắp hai chữ “Quyết thắng” khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.        
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Hiện tại, làng Đông Sơn nằm trong Khu du lịch Hàm Rồng - điểm xuất phát của hành trình du lịch xứ Thanh. Trong tương lai làng Đông Sơn sẽ được quy hoạch bảo tồn để trở thành một trong những làng cổ điển hình của làng quê đất Việt.  
 
Theo Phạm Võ Thanh Hà/thegioidisan.vn

 


Di sản văn hóa