nguyendu.org.vn
Loading...

Làm gì để công tác bảo quản hiện vật bảo tàng không còn là khoảng trống?


Thách thức từ bảo quản hiện vật
 
Gìn giữ, trao truyền lại những tài sản văn hóa quý giá do cha ông từ ngàn đời để lại là nhiệm vụ của hệ thống các bảo tàng hiện nay. Nhưng đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và gian khổ. Trong bối cảnh môi trường tự nhiên, thời gian… nhiều hiện vật, tài sản cha ông để lại đã đứng trước nguy cơ bị phá hủy. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, với kỹ thuật phát triển, công tác bảo quản hiện vật trong bảo tàng, di tích đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải là không có những chuyện cần bàn ở các Bảo tàng.
 
Cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia được học tập nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nhật Bản
 
Bảo tàng Lịch sử quốc gia (trước đây là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam), một trong số rất ít những bảo tàng nhận thức sớm nhất về tầm quan trọng của công tác bảo quản, ngay từ khi mới thành lập đã luôn quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác bảo quản. Cho đến nay, ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể nói Bảo tàng Lịch quốc gia vẫn là bảo tàng duy nhất trong hệ thống bảo tang ở nước ta có phòng chuyên môn độc lập chuyên trách về bảo quản và là một trong không nhiều những đơn vị đứng đầu ngành bảo tàng Việt Nam về công tác bảo quản.
 
Trong 7 năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hướng đi đúng đã thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những kết quả nổi bật về công tác bảo quản: Không ngừng nâng cao chất lượng của công tác bảo quản, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao chất lượng nghiệp vụ bảo quản, Bảo tàng đặc biệt trú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực.
 
Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp tục phát huy, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản hiện vật: trao đổi tài liệu, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ bảo quản. Nhiều khoá đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ về kỹ thuật bảo quản ở trong và ngoài nước đã được tổ chức, nhiều lượt cán bộ bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và nhiều bảo tàng trong cả nước đã được tham gia. Qua đó cán bộ được nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng trong công tác bảo quản.
 
Không chỉ tiếp nối những dự án đang thực hiện, những năm vừa qua Bảo tàng còn mở rộng nhiều mối quan hệ hợp tác mới, tranh thủ sự tài trợ, giúp đỡ của các bảo tàng và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo quản như: Phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ), Hàn Quốc, Đức, Pháp ... nhiều lượt cán bộ được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn quốc tế về bảo quản. Đặc biệt trong 6 năm liên tục Quỹ Sumitomo (Nhật bản) đã tài trợ, cử chuyên gia đầu ngành của Nhật sang thực hiện tu sửa, bảo quản những hiện vật, tác phẩm có giá trị cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ý nghĩa của việc tài trợ này không chỉ dừng lại ở những hiện vật được bảo quản tu sửa đạt kết quả tốt mà còn là cơ hội cho các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia được học tập nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nhật Bản.
 
Hợp tác quốc tế trong bảo quản, tu bổ hiện vật
 
Với vai trò là một trong những bảo tàng đầu hệ trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cầu nối với các bảo tàng trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ bảo tàng, đặc biệt là nghiệp vụ bảo quản.
 
Không chỉ giứi hạn trong phạm vi Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tư vấn và thực hiện tu sửa, bảo quản hiện vật cho nhiều bảo tàng và di tích trong cả nước đạt kết quả tốt.
 
TS Nguyễn Thị Hương Thơm- Trưởng phòng Bảo quản (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho biết: "Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Bộ VTTHDL và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp lựa chọn là một đối tác chính trong 2 giai đoạn liên tục (2011- 2015) của dự án hợp tác với Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp trên cở sở tiếp tục những chương trình hợp tác với Tổ chức thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (APEEF) từ năm 2004 về lĩnh vực bảo quản hiện vật bảo tàng. Mục đích của các chương trình hợp tác là nâng cao khả năng bảo quản, phục chế và bảo vệ các di sản văn hóa vật thể cho các cán bộ ngành bảo tàng Việt Nam. Nhiệm vụ cụ thể của các chương trình hợp tác là: Chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức về bảo quản thông qua việc tổ chức các khoá đào tạo thực tiễn; Phát triển bền vững nghề cán bộ bảo quản, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo chuyên ngành tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm Bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia".
 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đặc biệt là đào tạo và bổ sung nguồn cán bộ bảo quản có chất lượng cao
 
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm, trong quá trình thực hiện dự án, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã làm tốt vài trò điều phối của mình góp phần tích cực và quan trọng trong việc kết nối, nâng cao nghiệp vụ bảo quản trong các bảo tàng Việt Nam. Trong đó có một số hoạt động và kết quả như: Quy định về Tiêu chuẩn cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng đã được xây dựng và được Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ký quyết định ban hành ngày 3/7/2008. Tại quy định này, lần đầu tiên những tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ bảo quản, những yêu cầu cần thiết, những khái niệm cơ bản trong công tác bảo quản đã được đề cập đến. Văn bản này ra đời không chỉ có ý nghĩa nâng cao nhận thức về công tác bảo quản mà còn công nhận một nghề nghiệp bảo quản hiện vật trong bảo tàng, công việc mà xưa nay cán bộ bảo tàng vẫn được phân công làm kiệm nhiệm thêm bên cạnh các công việc khác của bảo tàng.
 
Tham gia xây dựng nội dung chương trình môn học bảo quản hiện vật bảo tàng trình độ cơ bản và nâng cao, trên cơ sở đó soạn thảo các tài liệu giảng dạy về bảo quản hiện vật bảo tàng theo chương trình khung đã được phê duyệt.
 
Hàng chục khoá tập huấn về bảo quản hiện vật bảo tàng đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho các cán bộ bảo quản bảo tàng trong cả nước và giảng viên trường Đại học Văn hóa, nhằm đào tạo được các cán bộ có kỹ năng và chuyên môn sâu về bảo quản cũng như một số chuyên gia về lĩnh vực này.
 
Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn tham gia tư vấn, xây dựng chương trình và tham gia giảng dạy lý thuyết và thực hành cho bộ môn bảo quản tại khoa Di sản Văn hóa Trường Đại học VH TPHCM và Hà Nội.
 
TS Nguyễn Văn Cường cho biết: "Trong thời gian tới, để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công tác bảo quản hiện vật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đặc biệt là đào tạo và bổ sung nguồn cán bộ bảo quản có chất lượng cao. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng trong một tương lai không xa, công tác bảo quản tại Bảo tàng LSQG ngày càng phát triển, thực sự xứng đáng là Trung tâm về bảo quản hiện vật bảo tàng trong cả nước".
 
 
Theo Hoàng Nguyên/Toquoc.vn

 


Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website