Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở "Dòng lệ Tố Như", kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Đoàn Vinh, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).
Cảnh trong vở chèo “Dòng lệ Tố Như”
Cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du được người Việt nhắc đến nhiều, thường gắn với tác phẩm đỉnh cao Truyện Kiều. Không ít lần tác phẩm này được tác giả sân khấu phim ảnh, âm nhạc dàn dựng, lần nào cũng gây ồn ào trong giới nghệ thuật. Điều đó khiến tác giả Trần Đình Ngôn cũng như Nhà hát Chèo Việt Nam phải lựa chọn một hướng đi khác, chọn nhân vật là chính Đại thi hào Nguyễn Du - một vị quan, từng có nhiều chuyến công cán quan trọng cho triều đình đương thời.
Nguyễn Du không chỉ có Truyện Kiều, mà còn có nhiều tác phẩm như "Thanh Hiên thi tập", "Nam Trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục"…, một khi bước vào lại thấy cả trời tâm hồn, tâm trạng và chuyện kể về nhân tình thế thái. "Dòng lệ Tố Như" được cảm tứ từ câu Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", với những nhân vật được sáng tạo từ "Bắc hành tạp lục" và lấy luôn hành trình Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc để khán giả hiểu về cuộc đời ông cũng như những điều đã tạo nên một đại thi hào của dân tộc.
Màn chèo mở ra cùng nỗi đau đớn của Nguyễn Du trước cảnh sống lầm than, nỗi oan trái phận người mà ông bất đắc dĩ phải chứng kiến. Từ cô Mây, người bạn tri âm ở phường Vải xưa mạnh khỏe, xinh đẹp nhường thế mà khi gặp được ông cũng là lúc phải chết thảm vì đói khát. Ca nương Cầm nức tiếng thành Thăng Long bị người đời vùi dập đến tàn tạ, bẽ bàng. Thị Thái trẻ trung, đàn hay, múa giỏi, phận là con nuôi của quan mà bị gả bán trong một cuộc đổi chác chốn quan trường, không chịu được ô nhục khi bị bán vào lầu xanh nên đã phải quyên sinh. Người mẹ nghèo đói điên dại nhìn đứa con thơ chết thảm khi miệng còn ngậm vú mẹ mà đám quan tham đang ăn uống phè phỡn không chút động lòng. Hay ông già ăn xin được mời hát trong bữa tiệc tiếp sứ thần, cố cất lên tiếng lòng bi ai, oán thán phận người nghèo khổ cho đến khi gục ngã vì kiệt sức... Theo phận người thống khổ, dòng lệ Nguyễn Du từ từ tuôn chảy, lúc đầu là xót thương, sau là cảm thán về sự bất lực của chính bản thân, dệt nên những áng thơ chua chát, cảm thán rằng "trên thế gian đâu đâu cũng đầy những tên quan lại độc ác, những con người bất hạnh, những dòng sông oan nghiệt…".
Ai đã hiểu thơ Nguyễn Du, không chỉ ở Truyện Kiều, đều thấy trong đó "vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận". Đạo diễn Đoàn Vinh dựng "Dòng lệ Tố Như" theo tinh thần đó nên dù vở chèo không có tiết hài, không quá cao trào, có những nút thắt mà không được mở, nhưng lại dễ dàng dẫn dụ lòng người. Là chèo đấy, nhưng "Dòng lệ Tố Như" không nhiều lời hát chèo. TS Trần Đình Ngôn viết tác phẩm dưới dạng kịch thơ cách đây 34 năm, khi Nhà hát Chèo dựng vở, ông dường như không nỡ phá thơ lẩy chèo nên chỉ giữ một số đoạn hát nhất định. Bù lại, nếu bước vào vở diễn với tâm thế của người thích thi ca và âm nhạc truyền thống, khán giả sẽ được thỏa mãn. Mỗi câu thoại đều là một câu thơ, đẹp, sâu và giàu cảm xúc. Đan xen trong đó còn có giai điệu ca trù, hò Nghệ Tĩnh và những bài dân ca chuẩn mực.
Vở diễn chưa đầy hai tiếng, khán giả vẫn muốn ở bên nhân vật, cùng trải nỗi niềm hơn hai trăm năm trước. Có lẽ, việc giữ được khán giả cũng là nhờ cách vào vai rất đạt và có chiều sâu của nghệ sĩ Trần Xuân Tài trong vai Nguyễn Du xuyên suốt tác phẩm.