Sáng 26-6-2015, Hội Nhà Văn Việt Nam đã tổ chức Lễ khành thành Bảo tàng Văn học Việt Nam. Bảo tàng Văn học Việt Nam là đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 2011. Bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam.
Góc trưng bày về Đại thi hào Nguyễn Du
Hiện Bảo tàng có 3.600m2 diện tích trưng bày, giới thiệu chân dung và hiện vật của các nhà văn Việt Nam từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 21. Ngoài ra, Bảo tàng còn có các phòng chức năng và hội trường hơn 200 chỗ ngồi phục vụ sự kiện, hội nghị, lớp học và 30 phòng nghỉ giành cho các nhà văn về trại sáng tác.
Tầng một của bảo tàng là gian khánh tiết rộng , bố cục hài hòa, ở giữa đặt biểu tượng là hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Đền Hùng và dòng chữ mềm mại bay bổng "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du. Đây cũng là nơi trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19); và lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây. Những không gian tượng minh họa cảnh trường thi, lều chõng, sĩ tử, cảnh vinh quy bái tổ thời phong kiến hết sức sống động, cho người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt của cha ông một thời.
Tầng hai có khu vực trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà, Hồ Chí Minh; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn. Phần trưng bày chính ở tầng hai là các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật như Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức, Chính Hữu, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Hà Xuân Trường, Văn Cao, Vũ Khiêu, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ... Ngoài ra, bảo tàng còn dựng mô hình tổ hợp xóm Chòi - Nơi là Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1949-1954, gợi những ký ức sống động về một thời văn nghệ kháng chiến.
Góc trưng bày về nhạc sĩ Văn Cao.
Tầng ba chủ yếu trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Trưng bày tổ hợp Trường Sơn với nhà thơ tiêu biểu Phạm Tiến Duật và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam.
Góc trưng bày về vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Ngoài ba tầng trưng bày trên, còn có hai phòng trưng bày Quan hệ giao lưu quốc tế và Khám phá nông thôn Việt Nam. Trong tổng số gần bốn vạn tài liệu, hiện vật sưu tầm được, hiện có 3.454 tài liệu, hiện vật được lựa chọn đưa ra trưng bày giới thiệu cho công chúng.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Nhà thơ - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhấn mạnh “ Bảo tàng ngoài chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các Di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam thì còn là nơi thể hiện rõ nhất các góc cạnh trong quá trình tìm tòi sáng tạo, lao động nghiêm túc của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam…”