nguyendu.org.vn
Loading...

Khai quật khảo cổ 3 di tích trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần.


Ngày 20/7, Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định số 2560, 2561, 2562/QĐ-BVHTTDL về việc khai quật khảo cổ di tích lăng Tư Phúc, lăng Phụ Sơn, lăng Ngải Sơn trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Cả 3 di tích đều thuộc xã An Sinh (TX Đông Triều).
 
Di tích lăng Tư Phúc nằm trong quần thể lăng mộ, đền miếu nhà Trần tại An Sinh (Đông Triều), được xây dựng năm 1381 nhằm lưu giữ thần vị của 2 chủ lăng Chiêu Lăng và Dụ Lăng từ Tam Đường (Thái Bình) chuyển về. Lăng sẽ khai quật trong thời gian từ 5/8 - 5/11 với diện tích là 600m2. Chủ trì khai quật là Ths Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
 
Di tích lăng Phụ Sơn (lăng vua Trần Dụ Tông) sẽ khai quật trong thời gian từ 5/8 - 5/11 với diện tích là 500m2. Chủ trì khai quật là TS Đặng Hồng Sơn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
 
Vua Trần Dụ Tông sinh năm Bính Tý (1336), tên húy là Hạo, con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, năm 1341, vua Trần Hiến Tông mất, ông được chọn lên kế ngôi. Trần Dụ Tông làm vua 28 năm, thọ 34 tuổi.
 
Khu lăng tẩm, đền miếu của nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: TL.
 
Di tích lăng Ngải Sơn (lăng vua Trần Hiến Tông) sẽ khai quật trong thời gian từ 25/7 - 25/10 với diện tích là 400m2. Chủ trì khai quật là PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
 
Vua Trần Hiến Tông là vua thứ 6 của nhà Trần, tên húy là Trần Vượng, con thứ của vua Trần Minh Tông. Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mùi (1319), năm 10 tuổi được vua cha Trần Minh Tông truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (1341), thọ 23 tuổi.
 
Xung quanh khu lăng hiện còn lại rất nhiều di vật, trong đó đặc biệt phải kể đến là bộ tượng bằng đá, gồm: tượng quan hầu, tượng thú và rùa. Bộ tượng này vốn được đặt dọc hai bên Thần đạo của lăng theo từng cặp đối xứng nhau, tượng quan hầu ở tư thế đứng chầu, tượng các loại thú đều được tạc ở dạng phủ phục. Bộ tượng đá ở An lăng không chỉ được đánh giá là một sưu tập quý của nghệ thuật điêu khắc thời Trần, mà điều quan trọng hơn nữa là, qua bộ tượng này chúng ta biết được trong cấu trúc Thần đạo lăng tẩm thời Trần hai bên có tượng quan hầu và tượng thú đứng chầu.
 
Ngoài các tượng thú, tại An lăng còn có hai tượng rùa đá của thời Trần, trong đó có một tượng rùa có kích thước rất lớn: dài 1,57m; rộng 0,94m, dày 0,34m, trên lưng rùa có một lỗ mộng lớn cho thấy rùa này cõng bia. Năm 2002, lăng được xây lại như hình dáng hiện nay, việc tôn tạo không dựa trên những nghiên cứu đã khiến cho công trình hiện nay không phù hợp với diện mạo ban đầu của lăng.
 
Bộ VHTTDL lưu ý, trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
 
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
 
Chậm nhất ba tháng sau đợt khai quật, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Ninh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội phải có báo cáo sơ bộ, sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
 
 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website