Cuối năm 1959, Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước bắt đầu tập trung cán bộ để chuẩn bị thành lập và đi vào hoạt động. Tôi đang làm cán bộ giảng dạy của Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội liền trở thành cộng tác viên của Nhóm Truyện Kiều thuộc một tổ nghiên cứu của viện có cái tên gọi tắt ngộ nghĩnh Cổ – Cận – Dân từng bị nhà thơ Chế Lan Viên chế diễu:

 

Anh ở Cổ – Cận – Dân

Em ở Cao – Xà – Lá... (1)

 

Sau đó Viện Văn học có dự kiến sẽ đề nghị kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965 nên từ đầu năm 1962 tôi được điều về làm cán bộ nghiên cứu của Tổ Cổ – Cận, mới tách ra từ tổ nói trên, do nhà văn Trần Thanh Mại làm tổ trưởng. Công việc đầu tiên của chúng tôi là dự thảo kế hoạch kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du.

 

Ngày 2-2-1962, Viện Văn học mở Hội nghị, mời đại diện các ngành liên quan và các nhà văn, nhà nghiên cứu đến góp ý kiến cho bản dự thảo kế hoạch. Đến dự có khoảng 70 người, trong đó có các ông Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Minh Tranh (Ủy ban Khoa học nhà nước), Nguyễn Xuân Trâm (Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam), các nhà nghiên cứu Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, nhà thơ Xuân Diệu, các giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn (Đại học Hà Nội) v.v...

 

Sau lời tuyên bố lý do của ông Hoài Thanh, Phó viện trưởng Viện Văn học, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, đã khai mạc hội nghị. Ông nói: “Việc kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du là một sự kiện lớn trong sinh hoạt văn học của nước ta đồng thời có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng quốc tế.


Một kiệt tác là thành tích của một cá nhân, một thiên tài, nhưng đồng thời thể hiện bản lĩnh sáng tạo của một dân tộc. Kỷ niệm Nguyễn Du là một dịp khiến ta hiểu ta hơn, từ đó đề cao tinh thần tự hào dân tộc và từ thực tiễn quá khứ rút ra bài học để tiến lên. Kinh nghiệm Liên Xô: Kỷ niệm 100 năm Puskin đã tạo được một bước phát triển mới cho nghiên cứu văn học, sân khấu, điện ảnh... 
Đối với nước ta, 1965 là năm có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 25 năm thành lập Đảng, 20 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, như vậy việc kỷ niệm Nguyễn Du sẽ diễn ra trên một bối cảnh lớn và là một cơ hội để tập hợp lực lượng dân tộc, gây ảnh hưởng tốt đến công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vấn đề Nguyễn Du vàTruyện Kiều còn có ý nghĩa quốc tế của nó. Khi thực dân Pháp mới chiếm nước ta, Truyện Kiều là một trong những tác phẩm đầu tiên được dịch và nghiên cứu, đến nay không riêng gì ở Pháp mà ở Liên Xô và nhiều nước khác trên thế giới đều có dịch và nghiên cứu Truyện Kiều.


Mấy năm nay Hội đồng Hòa bình thế giới có sáng kiến kỷ niệm danh nhân văn hóa các nước nhưng ta chưa có danh nhân tiêu biểu nào chẵn năm, lần này chúng ta sẽ giới thiệu Nguyễn Du ra thế giới kỷ niệm.


Từ nay đến 1965 chúng ta còn 3 năm chuẩn bị, thời gian đó không phải là dài. Viện Văn học sẽ là đơn vị chủ chốt nhưng cần có sự phối hợp với các cơ quan khác, cần có một kế hoạch, một tổ chức, cần lập ngay Ban trù bị kỷ niệm để theo dõi, phối hợp việc thực hiện, kể cả việc phối hợp với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài”.

 

Tiếp đó ông Trần Thanh Mại, thay mặt Viện Văn học trình bày kế hoạch dự kiến và hội nghị thảo luận rất hào hứng.


Sau cuộc họp Viện Văn học đã thành lập Ban trù bị kỷ niệm Nguyễn Du và làm tờ trình gửi lên Ban Bí thư, Ban Tuyên huấn Trung ương và đến tận từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời gửi lên Ủy ban Khoa học nhà nước, Bộ Văn hóa, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; mặt khác các báo đều đưa tin làm cho dư luận trong nước rất quan tâm.

 

Phản hồi đầu tiên đến từ tỉnh Hà Tĩnh, có thắc mắc là sao chưa kỷ niệm Trần Phú mà đã kỷ niệm Nguyễn Du. Ông Đặng Thai Mai đã viết thư cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị cho biết rõ ý kiến đó, đồng thời đề nghị Hà Tĩnh chưa nên vội di táng mộ Nguyễn Du và xây dựng trường học trên phần đất đã dự kiến dành cho khu lưu niệm. Ít lâu sau, một đồng chí Hà Tĩnh ra Hà Nội họp, đã đến thăm ông Đặng Thai Mai và nói: “Có chuyện chi mô anh, đó chỉ là một cách để Hà Tĩnh “vòi” Trung ương thêm kinh phí kỷ niệm Trần Phú, còn mần cụ mô trước thì có can chi mô vì cũng là danh nhân Hà Tĩnh cả!”.

 

Vấn đề Hà Tĩnh thế là được giải đáp, sau đó Viện Văn học lại nhận được tiểu luận Trách nhiệm và giá trị Nguyễn Du về truyện Kim Vân Kiều của ông Tôn Quang Phiệt, 91 trang đánh máy. Tác giả bản tiểu luận đã so sánh, đối chiếu Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để đi đến kết luận: Nguyễn Du đã phỏng dịch chứ không phải đã sáng tác raTruyện Kiều, rồi kết thúc bằng mấy câu tập Kiều:

 

Rằng hay thì thật là hay!

Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra!

và đề nghị không nên rầm rộ kỷ niệm Nguyễn Du:

Dám xin gửi lại một lời:

Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau!

 

Có ý kiến cho rằng: Tiểu luận này phản ánh ý kiến của một đồng chí trong Bộ Chính trị. Kèm theo tiểu luận còn có một bức thư gửi đồng chí Tố Hữu:

 

“- Tôi muốn phổ biến bài này trong khi Viện Văn học đang chuẩn bị việc kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du.


- Anh có đồng ý cho tôi đưa vấn đề này ra một cuộc nói chuyện và xuất bản công khai để tổ chức một cuộc thảo luận không?”.

 

Ở góc trái bức thư có lời ghi viết tay của thư ký đồng chí Tố Hữu: “Anh Lành ốm, không gặp được, đề nghị anh Mai gặp, trao đổi và do Viện định”.


Một vài cán bộ nghiên cứu trẻ trong Viện Văn học rất muốn đưa bài đó ra công khai để thảo luận nhưng ông Mai bảo: “Trong tình hình hiện nay, để một câu chuyện văn chương làm ảnh hưởng đến khối đoàn kết thì không đáng!” và yêu cầu cất bài đó vào ngăn tài liệu lưu trữ của viện. Ông Phiệt và ông Mai cùng quê Thanh Chương - Nghệ An, cùng học trường Quốc học Vinh và Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Gia đình ông Mai còn giữ một tấm ảnh cũ, chụp đội bóng đá trường Quốc học Vinh vào khoảng thập niên 1920, trong đó ông Phiệt là đội trưởng, mặc áo lương đen chít khăn đóng, đứng ở giữa, ông Mai mặc áo thủ môn ngồi bên cạnh; với quan hệ thân thiết đó thật khó cho ông Mai đến gặp ông Phiệt để nói câu chuyện nghiêm túc trên đây. Anh Hoài Thanh có sáng kiến cử tôi đi gặp ông Phiệt. Tôi gọi điện thoại xin gặp bác Phiệt. Buổi sáng tôi đến số 10 phố Trần Hưng Đạo, bác hơi mệt, phải nằm trên giường tiếp chuyện tôi nhưng hai bác cháu vui vẻ trao đổi ý kiến về Truyện Kiều hầu như suốt cả buổi sáng, cuối cùng bác đồng ý là lúc này chưa nên công bố rộng rãi và tổ chức thảo luận về bài của bác. Lúc tôi ra về, bác lấy một gói sách đã gói sẵn để ở đầu giường đưa cho tôi và nói: “Mấy bản Kiều này bác không cần nữa nhưng với cháu thì chắc vẫn còn có ích”. Đó là một số bản Kiều quốc ngữ, in dưới thời Pháp thuộc, đáng chú ý có một cuốn Kiều của Nguyễn Can Mộng, khổ nhỏ, mà theo ông Nguyễn Tường Phượng thì trước đây một số trí thức Hà Nội gọi một cách khinh thị là “bản Kiều cu ly xe” vì nó gọn, nhỏ, nên các cu ly xe kéo thường dùng để đọc trong lúc ngồi đợi khách!

 

Sau đó Viện Văn học được truyền đạt ý kiến của đồng chí Lê Duẩn: “Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc viết Kim Vân Kiều truyện theo thể tiểu thuyết chương hồi, bằng văn xuôi, chữ Hán. Nguyễn Du của Việt Nam viết Truyện Kiều thành truyện thơ, theo thể lục bát, bằng tiếng Việt. Hai tác phẩm khác nhau, cứ kỷ niệm Nguyễn Du to nhất có thể, không ngại gì cả!”.

 

Nhân dịp này tôi viết một bức thư kính gửi đồng chí Lê Duẩn trình bày ý kiến sau đây:


- Trong báo cáo Phong trào cách mạng dân tộc và Mặt trận dân tộc ở Nam Bộ từ cuộc Cách mạng tháng Tám đến ngày nay(1951), đồng chí có đề cập đến việc đánh giá Truyện Kiều và phê bình ý kiến của ông Hoài Thanh trong cuốn Quyền sống của con người trong Truyện Kiều (1949): “Lòng đau thương oán giận của cụ Nguyễn Du đâu có phải chỉ vì bọn phong kiến bất lực đê hèn. Chế độ phong kiến vẫn còn đẹp đẽ nguy nga với cụ. Cụ tức giận những bọn phong kiến bất lực mà cụ còn oán ghét một chế độ đương tiến lên, một chế độ thương mại... Vì bản chất giai cấp của cụ, cụ chỉ thấy mặt xấu của đồng tiền mà không thấy mặt tốt, mặt tiến bộ của nó. Đó là phần phản động của Truyện Kiều”. Nhiều người nghiên cứu chưa hiểu rõ ý kiến này của đồng chí. Đề nghị nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du, đồng chí có bài phát biểu về Truyện Kiều.

 

Anh Đỗ Trình, thư ký riêng của đồng chí Lê Duẩn, đã trả lời tôi: “Bài đó anh Ba phát biểu đã lâu, nay anh cũng muốn phát biểu lại nhưng rất tiếc là không có thì giờ. Đề nghị Viện Văn học không in lại và công bố bài đó”.

 

Làm Thư ký thường trực Ban trù bị kỷ niệm Nguyễn Du, tôi có nhiệm vụ phải thu thập tài liệu và theo dõi tình hình nghiên cứu Nguyễn Du ở trong nước và ngoài nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, Pháp và miền Nam nước ta. Đối với Trung Quốc thì sẽ có đoàn sang Trung Quốc để sưu tầm tư liệu(2). Còn đối với Pháp và miền Nam nước ta thì điều kiện liên lạc rất khó khăn. Giữa lúc đó Giáo sư J.Filliozat, Giám đốc trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Paris, viết thư đến Viện Văn học đề nghị thiết lập quan hệ trao đổi sách báo thường xuyên giữa hai bên. Viện Văn học liền gửi đề nghị lên Ủy ban Khoa học nhà nước nhưng không được chấp thuận, thậm chí hồi đó có thời gian ta còn tạm đình chỉ cả việc dạy tiếng Pháp trong các trường học. Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại yêu cầu lên gặp một cơ quan cấp trên. Đồng chí phụ trách cơ quan đó truyền đạt cho tôi quyết định sau đây: “Do nhu cầu tài liệu cần cho việc kỷ niệm Nguyễn Du, đồng chí được phép lấy tư cách cá nhân trao đổi sách báo về Kiều với hai người quen biết ở Paris và Sài Gòn mà đồng chí thấy là thích hợp, nhưng không được tiết lộ việc này với ai, cũng không cần phải báo cáo với lãnh đạo Viện Văn học; khi nào có trục trặc thì lên đây báo cáo, cơ quan trên này sẽ tìm cách giải quyết”. Tôi vừa mừng vừa lo trước một sự cho phép như vậy nhưng vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Thế là từ năm 1963 tôi bắt đầu trao đổi sách báo với Tạ Trọng Hiệp, cộng tác viên của trường Viễn Đông bác cổ Paris và Giáo sư Nguyễn Văn Trung ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Kết quả trao đổi rất đáng hài lòng vì hai vị này cũng đang rất khát tài liệu xuất bản ở miền Bắc nước ta, còn các trục trặc thì không phải chờ đợi lâu mà xảy ra ngay:

 

- Lần thứ nhất, tôi nhận được một giấy báo của bưu điện Hà Nội cho biết có một bưu phẩm gửi cho tôi đến từ Paris, nhưng tôi không được phép nhận vì toàn là ấn phẩm lạc hậu và phản động in ở Sài Gòn. Tôi lên báo cáo với cơ quan trên và vài hôm sau thì nhận được gói sách đó. Nhân viên bưu điện ở đây dần dần quen mặt tôi nên việc gửi sách báo đi và nhận về theo luồng này trở nên thông suốt.

 

- Lần thứ hai, một hôm đồng chí Phạm Huy Thông với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của ta tiếp một đoàn Hòa bình Mỹ, có một ông chuyển cho tôi một gói sách; đồng chí Phạm Huy Thông vốn là hiệu trưởng của tôi ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thư ký chuyển gói sách đến cho tôi một cách tự nhiên, nhưng tôi thì cảm thấy cần viết ngay một bản tường trình, với các lý lẽ có thể nói được, gửi lên đồng chí Phạm Huy Thông, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, mới tách ra từ Ủy ban Khoa học nhà nước. Ít lâu sau gặp tôi, đồng chí nói: “Lúc đầu nhận được bản báo cáo của anh, tôi nghĩ là không cần thiết nhưng sau lại thấy anh làm thế là rất chủ động”.

 

- Việc thứ ba còn rắc rối và tế nhị hơn, có một hộp các tông nhỏ từ trường Viễn Đông bác cổ Paris được gửi đến Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, rồi qua Bộ Ngoại giao ta cuối cùng đến Văn phòng Ủy ban Khoa học xã hội. Đồng chí Vụ trưởng Vụ Liên lạc đối ngoại Ủy ban Khoa học xã hội trao cho tôi cái hộp nhỏ đó, trong đựng một bản vi phim (microfilm) bản Kiều Nôm Duy Minh Thị và bảo tôi: “Trên không có ý kiến gì, nhưng từ nay anh đừng sử dụng nguồn trao đổi này nữa, phiền phức đến cả bọn tôi!”. Nhưng đối với tôi và một vài đồng nghiệp khác thì nhờ có nguồn trao đổi này mà có tài liệu rất kịp thời đến từ Huế và Sài Gòn, còn trục trặc thì chưa dừng ở đây. Sau khi Sài Gòn đã được giải phóng, năm 1978 tôi được cử đi học ở Ý, chờ đợi mãi, đã quá hạn học bổng mà vẫn chưa nhận được giấy phép của Bộ Công an cho phép xuất cảnh; anh Đinh Lư, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, kiêm Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội, vốn là cán bộ hoạt động địch hậu, đã để lại một cái chân ở chiến trường Quảng Ngãi, cũng sốt ruột, đã phải thân hành lên Bộ Công an hỏi lý do và nhận được một câu trả lời xanh rờn: “Đồng chí này có liên hệ bất minh với phía bên kia”. Anh về gặp lại tôi với vẻ mặt lo lắng. Tôi kể sơ qua cho anh nghe về việc tôi được phép năm 1963 thì anh thốt lên “Chế độ đơn tuyến!”. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe thấy thuật ngữ này. Hôm sau tôi nộp cho anh một số tài liệu cần thiết. Anh lại lên Bộ Công an và lúc về vui vẻ bảo tôi: “Bên công an họ khen anh lưu trữ tài liệu tốt”. Tôi nghĩ thầm trong bụng: đó là do tôi học được từ “Đơ bê” (2B) vì hay đọc tư liệu lưu trữ của mật thám thực dân Pháp.

 

Rồi đến một hôm đầu năm 1964, đồng chí Tố Hữu gọi điện thoại cho ông Đặng Thai Mai: “Xin báo anh biết, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương kỷ niệm Nguyễn Du, thông qua một cách chóng vánh. Điều ngạc nhiên là Ông Cụ đã phát biểu trước tiên. Ông có dặn: Đối với nhân vật Từ Hải thì đề cao vừa vừa thôi! Nhân vật này hèn! Anh Trường Chinh có nói đỡ: Từ Hải phạm tội đầu hàng nhưng đã phải trả giá chết đứng ở trận tiền! Ông Cụ lại bồi thêm: không chết đứng ở trận tiền thì rồi cũng chết quỳ ở triều đường thôi”.

 

Tôi bỗng nhớ lại nhiều câu chuyện chứng tỏ sự yêu quý của Bác Hồ đối với Truyện Kiều. Anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, có lần kể với tôi, lần nào đi công tác nước ngoài Bác cũng nhắc anh Vũ Kỳ đem theo cho Bác một quyển Kiều, nhưng lịch làm việc ở nước ngoài thường rất căng, anh không bao giờ thấy Bác có thì giờ đọc Truyện Kiều vào ban ngày, có thể Bác chỉ tranh thủ đọc trước khi đi ngủ, nhưng những năm cuối đời ở nhà sàn Hà Nội anh thấy Bác hay đọc Kiều vào ban ngày, đọc to thành tiếng, đó là Bác luyện giọng để khi phải đọc lời kêu gọi hay thơ chúc Tết, các chiến sĩ ở mặt trận, đồng bào miền Nam ở xa nghe được tiếng của Bác vẫn chuẩn xác, ấm áp thì khỏi lo lắng về sức khỏe của Bác.

 

Ngày 14-4-1964, Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức hội nghị truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị đến thủ trưởng các cơ quan văn hóa văn nghệ ở Trung ương. Đến dự có các đồng chí Hà Xuân Trường (Vụ Văn nghệ), Huy Cận (Bộ Văn hóa), Đặng Thai Mai và Hoài Thanh (Viện Văn học), Nguyễn Đình Thi (Hội Văn nghệ)...


Đồng chí Tố Hữu nói: “Bộ Chính trị đã chính thức thông qua chủ trương kỷ niệm Nguyễn Du năm 1965. Thực hiện chủ trương đó chúng ta cần chú ý các việc sau:

 

1. Thứ nhất phải đánh giá Nguyễn Du cho thật đúng mức. Nghĩa là không quá cao mà cũng đừng quá thấp. Từ trước đến nay đánh giá Nguyễn Du thường có hai khuynh hướng đó nhưng nói chung thì đề cao nhiều hơn, nhất là về phương diện nghệ thuật. Nói nghệ thuật của Nguyễn Du cũng nên phải lời, phải lẽ, nói cho có căn cứ. Cái gì của Nguyễn Du, cái gì không phải của Nguyễn Du. Phần sáng tạo của Nguyễn Du là ở đâu.

 

Về phương diện nội dung, không thể đòi hỏi Nguyễn Du như chúng ta ngày nay nhưng không phải mọi cái hay của Nguyễn Du đã được nói đầy đủ và sâu sắc.


Nên đọc lại và suy nghĩ về những cái xưa nay người ta đã viết về Nguyễn Du. Nên tranh thủ nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo hiện nay, ít nhất nghe cho được ý kiến của bốn anh: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Nên tổ chức phỏng vấn. Vấn đề Nguyễn Du và Truyện Kiều rất đáng mở ra một cuộc thảo luận.

 

2. Giới thiệu Nguyễn Du ra nước ngoài thế nào cho người nước ngoài thấy được giá trị của Nguyễn Du. Chú ý đừng để gây ra ngộ nhận, nhất là trong tình hình hiện nay. Các tác giả lớn xưa nay hay mắc nạn! Các thế lực xấu luôn khai thác để kiếm lợi cho họ.


Cũng nên quan tâm đến sự cân đối. Cân đối giữa danh nhân văn hóa và danh nhân chính trị. Cân đối trong một địa phương. Từ Nguyễn Du có ý kiến đã nêu Trần Phú, nhưng còn Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu nữa”.

 

Sau khi có chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kỷ niệm Nguyễn Du, mọi công việc liên quan đều được xúc tiến khẩn trương, trong đó đặc biệt nhất là việc chuẩn bị các tài liệu bằng ngoại văn, nhất là một bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Từ năm 1962 ông Phan Nhuận, kiều bào ở Paris, đã nhận dịch vì ông đã dịch rất thành công Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Nhưng Phan Nhuận mới dịch được 128 câu thì đột ngột từ trần, ông Đặng Thai Mai lại đề nghị ông Nguyễn Khắc Viện dịch tiếp nhưng phải cho kịp trước ngày kỷ niệm. Ông Nguyễn Khắc Viện nhận lời nhưng cũng nêu điều kiện phải cho phép anh dịch Kiềutheo quan niệm riêng của anh. Ông Mai vui vẻ nhận lời. Trong quá trình hoàn thành bản dịch, ông Nguyễn Khắc Viện đã đăng bàiLe Kiều: Trésor littéraire des Vietnamiens trên tạp chí La Pensée của Pháp số 119, tháng 2-1965, kèm theo hai đoạn dịch Kiềucủa anh. Căn cứ vào hai đoạn trích này ông Đào Duy Anh đã gửi thư đến các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Đặng Thai Mai và Hoài Thanh nói rằng: “Tôi thấy hai đoạn ấy dịch đã không sát mà còn nhiều điểm sai và tôi trộm nghĩ rằng những đoạn văn dễ ấy mà còn dịch không đạt như thế thì không rõ những đoạn văn khác tinh tế và khó hơn sẽ dịch ra sao?”. Tiếp theo còn có thư phê bình của ông Trần Quốc Nghệ và Trần Đình Đàn gửi từ Hà Tĩnh ra. Ông Đặng Thai Mai đã bảo Văn phòng Viện Văn học gửi các bản góp ý kiến ấy cho anh Nguyễn Khắc Viện tham khảo. Anh Viện đã trả lời: “Tôi nhận thấy, đây không phải là ông Anh và tôi đã hiểu khác nhau những câu, những chữ trích ra, nhưng thực tế là do hai bên đã áp dụng một quan niệm, một phương châm dịch khác nhau”.

 

Lại còn vấn đề tranh minh họa cho bản Kiều dịch sang Pháp văn. Nhà xuất bản Ngoại Văn đã tổ chức một cuộc họp để góp ý cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Họp vào một buổi tối tại cơ quan Ủy ban Liên lạc với nước ngoài ở phố Tôn Đản. Đồng chí Trường Chinh cũng tới dự. Một cán bộ đã nói với đồng chí: “Tình hình khẩn trương thế này mà anh cũng đến họp được à?”. Đồng chí Trường Chinh làm bộ ưỡn ngực, khuỳnh vai rồi trả lời: “Chúng ta đánh Mỹ với tư thế người chiến thắng”. Mọi người đều cười vui vẻ.

 

Đồng chí Trường Chinh còn tổ chức một cuộc tọa đàm tại nhà riêng về Truyện Kiều với một số nhà nghiên cứu và nhà văn. Tại Hội nghị thảo luận về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Viện Văn học trong hai ngày 17 và 18-8-1965, đồng chí cũng đến dự và phát biểu: “Đồng chí Đặng Thai Mai có đặt vấn đề tôi sẽ phát biểu về Truyện Kiều trong một buổi nào đấy. Đó là một trách nhiệm rất nặng đối với tôi, vì tôi không có nhiều thì giờ để nghiên cứu. Nhưng tôi rất thích và chú ý đến kiệt tác này. Rồi đây nếu có ý kiến gì xét ra bổ ích cho các đồng chí thì tôi sẽ xin phát biểu, còn nếu không thì phát biểu làm gì, tốt hơn là như cụ Lê Thước nói hôm qua “dựa cột mà nghe” thì hơn. Tôi đến đây chủ yếu là học tập các đồng chí, nghe các đồng chí phát biểu tôi thấy sáng tỏ thêm nhiều vấn đề. Xin Cám ơn các đồng chí”(3).

 

Sau đó đồng chí đã có cuộc nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Viện Văn học (20-10-1965).


Trong hoàn cảnh đất nước ta còn bị chia cắt và có chiến tranh phá hoại của Mỹ, chúng ta vẫn tổ chức thành công sự kiện kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965 và đã gây được một ảnh hưởng tốt trong dư luận trong nước và quốc tế. Đồng chí Charles Fourniau, phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, từ Hà Nội đã gửi bài Một nhà thơ và chiến tranh về Paris đăng trên báo Phê Bình Mới số 175, tháng 4-1966 mạnh mẽ khẳng định bản lĩnh và ý chí của nhân dân ta: “Trong lúc những máy bay siêu âm, một trong những thành tựu phức tạp nhất của kỹ thuật hiện đại còn tung bom xuống Tiên Điền, làng quê của Nguyễn Du, ở giờ phút mà nhân dân Việt Nam nổi tiếng, bất chấp tất cả, vẫn tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ dân tộc của mình, toàn thế giới thấy rõ chính nghĩa ở về bên nào, tự do và hòa bình ở về bên nào”(4).

 

Chú thích:


(1) Tổ Văn học Cổ điển, Cận đại, Dân gian.

Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá.

(2) Nguyễn Văn Hoàn, Hồi ức chuyến đi sưu tầm tài liệu Nguyễn Du ở Trung Quốc, tạp chí Hồn Việt

số 78, tháng 2-2014.

(3) Nguyễn Văn Hoàn, Đồng chí Trường Chinh với Truyện Kiều, Tạp chí Văn Học số 5 - 6, 1988.

(4) Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (Kỷ yếu), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967, tr.479.