Ngày 10 tháng 05 năm 2017
Ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL công nhận 12 di sản văn hoá phi vật thể thuộc 04 loại hình gồm: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian trong đó có Lễ hội Minh thề (hội thề không tham nhũng) tại Hải Phòng.
Ảnh Lã Tiến/nguoiduatin.vn
Sử sách ghi lại rằng, lễ hội Minh Thề (hay còn có cách gọi khác là Miêng Thệ) có từ năm 1561 khi Thái Hoàng Thái hậu họ Vũ (vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước. Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thệ quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.
Lễ Hội Minh thề (Hải Phòng) diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội “độc nhất vô nhị” hiện nay ở nước ta. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh và trong sạch.
Văn Thành