nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Hai ông Đốc học họ Đinh.


Suốt triều Nguyễn, Quảng Nam có 17 vị Đốc học đảm nhận công việc giáo dục của tỉnh. Trong đó, vị thứ 3 và 17 có nhiều nét tương đồng: cùng họ Đinh, cùng quê Nghệ An, cùng tại vị trong 4 năm, cách nhau đúng 100 năm và có mối quan hệ đặc biệt… là ông cố và chắt nội!
 
Một gia đình khoa bảng lừng lẫy nhưng đầy oan nghiệt
 
Đó là gia đình họ Đinh ở làng La Giáp nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Gia đình này có một phó bảng và 4 tiến sĩ, đặc biệt hơn là đời nào cũng có người đỗ tiến sĩ. Khai khoa cho dòng tộc là cụ Phó bảng Đinh Phiên (1764-1833), đỗ Tam trường (tương đương Phó bảng triều Nguyễn) năm 1783 dưới thời Lê Cảnh Hưng.
 
Tiến sĩ là các cụ Đinh Văn Phát (1802-1833), con trai của Đinh Phiên, đỗ tiến sĩ năm 1822; Đinh Văn Chất (1847-1887), con của Đinh Văn Phát đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1875; Đinh Văn Chấp (1897-?) con của Đinh Văn Chất, đỗ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) năm 1913 và Đinh Văn Nam (1918-2012), con Đinh Văn Chấp, đỗ thủ khoa Tiến sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ năm 1961.
 
Nhưng đây là gia tộc hai lần bị “tru di tam tộc” do chống lại triều đình và thực dân Pháp, lần thứ nhất vào năm 1833 khi Đinh Phiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định chống lại triều đình Nhà Nguyễn và lần thứ hai vào năm 1887, khi Đinh Văn Chất hưởng ứng hịch Cần Vương tham gia nổi dậy chống Pháp ở Nghệ An.
 
Gia đình này đã đóng góp cho Quảng Nam hai vị Đốc học tài năng, đó là Đinh Phiên, tại vị từ 1815-1819 và Đinh Văn Chấp tại vị từ 1915 cho đến khi Nho học cáo chung với kỳ thi Hội cuối cùng năm 1919.
 
Đốc học Đinh Phiên
 
Đinh Phiên sinh năm 1864 tại làng La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông có tên là Giáp, sau đổi là Nguyễn Phiên, sau nữa đổi là Hồng Phiên, tự là Trọng Tường, hiệu là Chỉ Hiên, bút hiệu Tường Phủ.

Năm 1783 dưới thời Cảnh Hưng, ông thi đậu Hương cống (cử nhân) tại trường thi Nghệ An. Năm 1787, ông thi Hội, chỉ vào được đến Tam trường (tương đương với Phó bảng dưới triều Nguyễn). Sau khi thi đỗ được ban ruộng đất và cử làm Toản tu Quốc sử quán triều Lê.
 
Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học.
 
Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long vời ông ra làm quan.
 
Sách Đại Nam thực lục ghi vào tháng 5 năm Gia Long 14 (1815) theo lệnh của triều đình “lấy hương cống triều Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam”. Đến tháng 3 năm Gia Long 18 (1819) được thăng Đông các Học sĩ điều về kinh làm Phó sứ sang nhà Thanh. Đầu triều Minh Mạng năm 1820 được vua sai định khuôn mẫu, thể thức các cáo sắc cho triều đình. Đến tháng 5-1821, ông được chọn làm Toản tu, trong nhóm biên soạn sách Liệt thánh thực lục, rồi làm Thị trung trực Học sĩ (tức hầu cận cho nhà vua liên quan đến vấn đề từ chương). Đến tháng 6 làm thêm công việc ở Bộ Lại.
 
Cuối năm 1821, ông là giám thi kỳ thi Hương ở kinh đô và nhiều tỉnh khác, và là người lo việc thi Hội ở khoa thi đầu của triều Nguyễn vào năm 1822. Ông cũng là người được giao chăm lo việc lễ lạt ở Bộ Lễ… Trong thời gian làm quan, Đinh Nguyễn Phiên chứng tỏ là người có trình độ cao và được vua tin cậy giao nhiều công việc liên quan đến từ chương, chữ nghĩa, được giữ nhiều chức vụ khá quan trọng trong triều…
 
Năm 1823, vì cấp dưới phạm lỗi, ông bị bãi chức sai đi phát chẩn cứu đói ở Quảng Nam sau đó phát phối đi Hà Tiên. Năm 1828, ông được phục chức được cử làm Huấn đạo Bình Dương.
 
Năm 1833 ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi - con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt - chống lại triều đình, được phong làm Lễ bộ Thái khanh. Ông thay Lê Văn Khôi thảo hịch kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc nổi dậy, đánh đổ Nhà Nguyễn, khôi phục nhà Lê được nhiều người hưởng ứng. Quân triều đình phản công, cuộc khởi nghĩa thất bại. Giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Phiên ra đầu thú. Ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô, bị phanh thây, bêu đầu ở Gia Định và Nghệ An rồi vứt xuống sông. Vợ và 4 con trai của ông trong đó có Tiến sĩ Đinh Văn Phát cũng bị hành hình tại chợ Nghệ An. Nhiều học trò của ông cũng bị bãi chức.
 
Đinh Phiên cũng là sui gia với Nguyễn Du (Tiến sĩ Đinh Văn Phát cưới bà Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du). Cháu nội ông (cũng là cháu ngoại Nguyễn Du) là Đinh Văn Chất, sinh 1847, đỗ tiến sĩ năm 1875, tham gia phong trào Cần Vương bị Pháp giết năm 1887.
 
Khi làm Đốc học Quảng Nam, Đinh Phiên được hương chức làng Minh Hương mời viết bài văn bia trùng tu Lai Viễn Kiều (Chùa Cầu) và khi ở kinh ông là đồng tác giả của bài Đế hệ thi và 11 bài Phiên hệ thi của nhà Nguyễn.
 
Đốc học Đinh Văn Chấp
 
Đúng 100 năm sau ngày Đinh Phiên nhậm chức Chánh Đốc học dinh Quảng Nam (6-1815) thì người chắt nội của ông là Tiến sĩ Đinh Văn Chấp cũng được vua Duy Tân bổ vào chức vụ này.
 
Đinh Văn Chấp là con của Tiến sĩ Đinh Văn Chất. Ông sinh năm 1882 (nhưng trong hồ sơ lại ghi 1893). Khi cha bị xử chém, Đinh Văn Chấp (lúc đó có tên là Đinh Văn Chí) mới 5 tuổi được người bà con bên ngoại cứu thoát đem sang Phúc Kiến - Trung Quốc lánh nạn hơn 10 năm mới trở về nước. Khi bản án không còn nặng nề ông khai sụt tuổi và đổi tên thành Đinh Văn Chấp để đi học và thi.

Ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912), đỗ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân thứ 7.
Năm 1915 ông được bổ làm Đốc học Quảng Nam. Đến năm 1919 khi Nho học bị bãi bỏ, chức đốc học không còn, Đinh Văn Chấp được bổ làm Tri phủ Vĩnh Linh rồi Hòa Đa. Năm 1922 làm Tri phủ Bồng Sơn, Tư Nghĩa rồi Án sát Khánh Hòa. Năm 1934, làm Án sát rồi Bố chính Hà Tĩnh. Năm 1936 về kinh làm Tham tri bộ Cải cách nông thôn sau đó về hưu. Ông mất ngày 17-10-1953.
 
Khi làm Đốc học Quảng Nam, gia đình ông Đinh Văn Chấp sống tại Vĩnh Điện và vào năm 1918, ông sinh người con thứ tư đặt tên là Đinh Văn Nam (chữ Nam này chắc lấy từ tên Quảng Nam!). Năm 1946, Đinh Văn Nam xuất gia đầu Phật tại Huế, sau này trở thành Thượng tọa Thích Minh Châu, một trong những cao tăng trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo của miền Nam. Ngài từng đỗ thủ khoa tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ và là Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh (trước 1975) và Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (sau 1975).
 
Ngày trước, người dân xứ Quảng luôn tri ân những “ông đồ xứ Nghệ”, là đội ngũ đông đảo nhất đã đem “con chữ” đến cho con cháu họ. Đặc biệt luôn tri ân hai vị đốc học thuộc một gia đình khoa bảng lừng lẫy của Nghệ An đã góp phần quan trọng tạo nên nhiều thành tích cho vùng “đất học” Quảng Nam.
 
 
Theo Lê Thí/danang.online


 

Di sản văn hóa