nguyendu.org.vn
Loading...

Hà Tĩnh: Long trọng tổ chức Lễ giỗ 640 năm Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu


Sáng 8/3, UBND thị xã Kỳ Anh đã long trọng tổ chức Lễ giỗ 640 năm Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
 
Tiến hành các nghi lễ giỗ 640 năm Thánh Mẫu. (Nguồn ảnh: Đài TT-TH thị xã Kỳ Anh)
 
Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công. Bà sớm nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương, biết thi phú, thạo âm luật, lại có dung mạo xinh đẹp, nên rất nổi tiếng trong vùng. Năm 1373, bà được Trần Duệ Tông tuyển làm cung nhân, lúc đàn ca, khi ngâm vịnh, được nhà vua rất đỗi thương yêu.
 
Vào làm cung phi nhận thấy quân vương tính tình nóng nảy, thiếu bản lĩnh, không trọng dụng người tài khiến cho triều chính đang có nguy cơ rạn nứt suy sụp, nên bà đã trăn trở, suy tư để soạn bản Kê minh thập sách dâng vua tri nước an dân.
 
Kê minh thập sách thực sự như là một lời khuyên răn nhẹ nhàng, gần gũi, đúng theo nghĩa người vợ khuyên người chồng. Chỉ tiếc dù đọc bản Kê minh thập sách và khen ngợi sự tuệ mẫn của nàng, nhưng vua Trần Duệ Tông lại không thực hiện các nội dung của bản Kê minh, bỏ phí tâm sức của người vợ hiền, người bề tôi trung, một lòng một dạ vì nước vì dân, vì tồn vong của triều cục.
 
Năm 1376, khi vua Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, nàng lại cùng Ngự sử Lê Tích hết sức can ngăn, vua vẫn không nghe. Không lay chuyển nổi nhà vua, cung phi Bích Châu buồn lo than thở: "Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng?" Sau đó bà đành xin đi theo hộ giá.
 
Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới quan quân ta để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua lại bất an, Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và không may bị trúng tên độc sau đó từ trần (1377).
 
Ba ngày sau vì vết thương quá nặng nhà vua cũng băng hà, quân nhà Trần rút về kinh đô khi tới địa điểm Hoan Châu vì sóng to gió lớn tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng). Lúc này vua Trần Phế Đế mới lên ngôi nghe tin liền xuống chiếu rước linh cữu nhà vua về bằng đường bộ còn linh cữu Thần phi đi bằng đường biển.
 
Sau mấy ngày thời tiết không thuận lợi triều đình xuống chiếu cho an táng Thần phi tại Cửa Khẩu bến Kỳ La huyện Kỳ Hoa (nay xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh). Bà được nhân dân trong vùng lập đền thờ phụng, được Vua Lê Thánh Tông phong là Chế thắng Phu nhân năm 1471.
 
Lễ giỗ 640 năm Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của Thánh Mẫu đối với dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa; giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ,  đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân, là dịp để con cháu tưởng nhớ và ghi công người Liệt nữ hiền tài đã  xả thân vì đất nước,  giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu.
 
 
Văn Thành

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website