nguyendu.org.vn
Loading...

Giữa Hồ Xuân Hương và đại thi hào Nguyễn Du có một mối tình?


Xuân Hương đang ở tuổi 18 căng tràn sức sống, Nguyễn Du 24 tuổi nhiều ưu tư, họ gặp nhau trong một lần hái sen Hồ Tây, cảm mến tài thơ và có mối quan hệ tình cảm trong ba năm.
 
Nguyễn Du sinh năm 1766, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, hai người cùng lứa (chênh nhau 7 tuổi), có những khoảng thời gian cùng sống ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Du là con nhà đại quý tộc, Hồ Xuân Hương cũng con nhà trâm anh. Đời sống của cả hai đều có nhiều lận đận, trong khi Nguyễn Du sớm mất cha, rồi mồ côi mẹ, thì Hồ Xuân Hương cũng là con vợ lẽ, cha mất, mẹ tái giá.
 
Điều quan trọng nhất, cả hai đều là những tao nhân mặc khách sống cùng thời, những văn nhân, thi hào nổi tiếng của dân tộc. Vì thế, có nhiều người đặt ra giả thiết, cho rằng giữa bà chúa thơ Nôm và đại thi hào dân tộc thực sự đã có mối tình riêng.
 
Mối tình chốc đã ba năm vẹn
 
Câu chuyện có lẽ bắt nguồn từ một bài thơ có trong tập Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương. Bài thơ có tên bằng chữ Hán: Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, nghĩa là Nhớ bạn cũ, viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu; dưới tên bài thơ còn ghi chú: “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân”.
 
Nguyễn Hầu ở đây chính là Nguyễn Du, quê ở Nghi Xuân, Tiên Điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu, đến năm 1813 được thăng Cần chánh học sĩ sung Chánh sứ sang nhà Thanh.
 
Bài thơ được Hồ Xuân Hương được viết năm 1813, năm Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ, như sau:“Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không/ Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết còn mảy chút sương đeo mái/ Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”. Phân tích bài thơ, có thể thấy rõ tình cảm của Hồ Xuân Hương. Hai câu “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không” cho thấy hai người có tình cảm trong ba năm tròn. Giả thiết đặt ra hai người gặp nhau ở một trong những lần Nguyễn Du qua Thăng Long và nảy sinh tình cảm.
 
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh Lê Lam
 
Với hai câu thơ “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong” có nhiều cách lý giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng “mừng duyên tấp nập” ở đây là chỉ chuyện Nguyễn Du được thăng chức Cần chính Học sĩ và đi sứ. Nhưng cũng có ý kiến nói “duyên tấp nập” ở đây là nói chuyện Nguyễn Du cưới vợ; còn Xuân Hương thấy vậy chỉ chạnh nghĩ đến duyên phận long đong của mình mà tủi phận.
 
Về phía Nguyễn Du, không có bất cứ một tác phẩm nào lưu lại cho thấy ông nhắc trực diện tới tình cảm với Hồ Xuân Hương. Trong những lần Nguyễn Du qua lại Thăng Long, thi hào có để lại bài thơ Long thành cầm giả ca, cảm thương tiếng đàn, nhan sắc của người con gái đất Thăng Long.
 
Có nhiều người cho rằng nhân vật cô gái trong bài thơ là Hồ Xuân Hương. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết ông tưởng tượng ra cảnh gặp Nguyễn Du và hai người đối thoại; trong cuộc trò truyện đó, Nguyễn Du khẳng định Hồ Xuân Hương không phải nhân vật trong Long thành cầm giả ca, bởi bà chúa thơ Nôm không phải là kỹ nữ.
 
Theo Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Xuân Hương chính là nhân vật trong bài thơ Mộng Đắc thái liên (Mộng thấy hoa sen) của Nguyễn Du. Căn cứ vào những câu thơ trong bài “Hái, hái sen Hồ Tây… Sáng nay đi hái sen/ Nên mới hẹn cô láng giềng xóm Đông” khiến nhiều người cho rằng Nguyễn Du và Xuân Hương là hàng xóm của nhau, nảy sinh tình cảm qua lại trong ba năm. Để rồi sau đó tình cảm của họ vấn vương mãi, như lời thơ Nguyễn Du viết: “Hoa sen ai cũng ưa/ Cuống sen chẳng ai thích/ Trong cuống có mành tơ/ Vấn vương không thể dứt”.
 
Tiểu thuyết về mối tình như mơ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du
 
Giai thoại về tình cảm của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du còn được tác giả Hoàng Khôi - một nhà nghiên cứu trong hội Kiều học - viết thành sách. Trong cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du Trên đường gió bụi, tác giả viết về quãng thời gian 10 năm lưu lạc của Nguyễn Du (1786-1796), trong đó có những năm đại thi hào lưu lại kinh thành và có tình cảm với nữ sĩ Xuân Hương.
 
Sách viết, khoảng năm 1790, Nguyễn Du ở tại gác tía gần Hồ Tây của anh trai là Nguyễn Khản (lúc đó đang làm quan Tham tụng). Làng Nghi Tàm hồi ấy có gia đình thầy đồ Diễn trú ngụ. Gia đình thầy đồ có cô con gái tên Xuân Hương.
 
Xuân Hương đang ở tuổi 17-18, là cô gái xinh xắn, thông minh, tinh nghịch được ông bà đồ chiều chuộng. Cô học chữ Hán, chữ Nôm tinh thông, lại biết làm thơ, ứng đối sắc sảo. Vì thế nhiều người trong đám học trò cảm mến Xuân Hương.
 
Sách Nguyễn Du trên đường gió bụi đặt ra giả thiết về mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
 
Cuốn sách vẽ ra một cuộc tình đẹp như mơ. Năm ấy, Nguyễn Du 24 tuổi, ưu tư, thâm trầm; còn Xuân Hương đang tuổi 18 căng tràn sức sống, thông minh hoạt bát. Xuân Hương gặp Nguyễn Du trong một lần bơi thuyền đi hái sen. Họ nhanh chóng cảm mến nhau.
 
Sách viết: “Xuân Hương gặp Nguyễn Du, thấy chàng vừa sâu sắc vừa thông minh hóm hỉnh nên ngày càng cảm mến. Còn Nguyễn Du trong nỗi cô đơn dằng dặc mấy năm trời, nay gặp được một cô gái trẻ sắc sảo, tài hoa lại mạnh mẽ nên tự nhiên thấy mình như có sự bù đắp. Dù chưa ai nói gì với ai, cả hai đều ngầm cảm nhận một tình cảm lạ đang nhen nhóm trong mình”.
 
Cuốn sách còn miêu tả hai tao nhân mặc khách cùng nhau xướng thơ, quan tâm chăm sóc, đưa nhau đi thăm thú bè bạn chốn kinh thành. Đặc biệt, hai hồn thơ lớn đều mượn thi cả để bày tỏ tình cảm. Xuân Hương làm bài Hỏi trăng, mượn lời cô gái ướm hỏi ý người yêu: “Hỏi con bạch thỏ đà bao tuổi/ Lại chị Hằng Nga đã mấy con?/ Đêm tối cớ chi soi gác tía?/ Ngày xanh còn thẹn với vừng son/ Năm canh lơ lửng chờ ai đó?/ Hay có tình riêng với nước non?".
 
Đại thi hào cũng bày tỏ nỗi lòng sâu kín của mình qua bài thơ Thạch Đình tặng biệt: “Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời/ Nước non sầu nặng muốn đi về/ Cung hoàng diệu vợi đường khôn lọt/ Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê/ Đã chắc hương đâu cho lửa bén Lệ mà hoa lại quyến xuân đi/ Xanh vàng chẳng phụ lòng nhân ái/ Tròn trặn gương tình cũng khó khi”.
 
Cuốn sách viết, mối tình của Xuân Hương và Nguyễn Du kéo dài trong ba năm, cho tới khi Nguyễn Du phải về lại Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh trông coi việc xây từ đường cho dòng họ.
 
Từ đó, mỗi người đều có con đường riêng. Xuân Hương hai lần lấy chồng đều làm lẽ, còn số phận Nguyễn Du thăng trầm theo những biến động của chính trị, thời thế.
 
 
Theo Tần Tần/ news. zing.vn 

Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website