nguyendu.org.vn
Loading...

Đưa Cửu đỉnh trở thành Di sản Ký ức thế giới


Hội đồng thẩm định cấp cơ sở Hồ sơ di sản ký ức thế giới tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành cuộc họp để đánh giá hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế trước khi trình Bộ VHTTDL theo quy định. Các thành viên Hội đồng đã thống nhất cao và đề nghị cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện để kịp gửi hồ sơ này đến UNESCO.
 
Bộ sưu tập Cửu đỉnh tại sân Thế Tổ miếu
 
Di sản Ký ức thế giới (hay Di sản Tư liệu thế giới) là một trong những loại hình di sản được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) quy định và vinh danh. Tại Việt Nam hiện nay đã có 7 di sản Ký ức thế giới được công nhận trên hai cấp độ, cấp độ Thế giới có 3 di sản: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (2010), Châu bản triều Nguyễn (2017); cấp độ Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 4 di sản: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang (2012), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang - Hà Tĩnh (2016), Hoàng Hoa sứ trình đồ - Hà Tĩnh (2018).
 
Bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam
 
Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh bằng đồng do Hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Tổ miếu, bên trong Hoàng cung Huế và vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.
 
Chín chiếc đỉnh đồng này có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3m, trọng lượng từ hơn 1,9 tấn đến 2,6 tấn, trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng cao về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra…, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta hồi ấy. Cửu đỉnh với 9 chiếc đỉnh đồng lớn (có tên gọi lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh) có thể coi là một bộ sưu tập triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Việt Nam và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh.
 
 Tác giả giới thiệu với du khách về sự độc đáo hiếm có của Cửu đỉnh
 
Tất cả 162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học, là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Chín chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải đều ghi năm đúc là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh, xê xích từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta. Kỹ thuật đúc đỉnh rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề điêu luyện. Khi chế tác, trong tâm thức của người thợ cũng như ý đồ của triều đại là muốn đúc chín chiếc đỉnh cao và nặng kích thước khác nhau. Nhìn chung, các đỉnh vẫn tạo ra sự thống nhất trong tổng thể, thống nhất mà không đồng nhất, tất cả đều bề thế, cao to, vững vàng mà không nặng nề. Trong cái hình khối thống nhất, hài hòa ấy, từng phần ở mỗi đỉnh lại có sự đổi mới, như nét chấm phá của sự sáng tạo và trí tuệ. Trên thân của đỉnh lại trang trí một kiểu riêng, biểu hiện sự giàu đẹp của mọi miền Tổ quốc; núi sông, cây cỏ, động vật, xe thuyền và các quan niệm về vũ trụ và thiên nhiên…
 
Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO
 
Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ XIX, tuy không nhiều nhưng điển hình, và bao hàm rất đầy đủ.
 
 Một bản dập hình ảnh nổi bật trên Cửu đỉnh
 
Nghệ nhân khi thể hiện những họa tiết trên Cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà họ đã sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh. Với kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các hình trên thân đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài bầu, nhưng không lặp lại quy luật trang trí dải, mà mỗi hình như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, tạo ra những nhịp điệu uyển chuyển. Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa đã thể hiện tư duy của nghệ nhân đúc đồng thời bấy giờ: Sáng tạo và năng động. Những đánh giá của Hoàng đế Minh Mạng khi khánh thành bộ Cửu đỉnh: Cả thảy đều “to lớn sừng sững, đứng cao, không vết nứt nẻ chút nào” đã chứng tỏ trình độ đúc đồng thời đó đã phát triển đến độ hoàn mỹ, xứng đáng “dành làm của báu cho con cháu đời sau” như tâm nguyện của ngài.
 
So sánh và đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO về di sản tư liệu, Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về Ý nghĩa lịch sử; Hình thức và kiểu dáng; Ý nghĩa xã hội; Tính cộng đồng và tinh thần; Tính độc đáo, hiếm có; Tình trạng toàn vẹn, đầy đủ... Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (ngày 1.1.2012), và tỉnh Thừa Thiên Huế rất tự tin khi chọn Bảo vật này để xây dựng hồ sơ, trình Ủy ban Di sản Ký ức thế giới của UNESCO.
 
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao và nhất trí thông qua hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế, đồng thời đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để trình Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét, từ đó tham mưu để Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Di sản Ký ức của UNESCO đánh giá và vinh danh di sản này. 
 
 
 Theo TS. Phan Thanh Hải/baovanhoa.vn
 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website