nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Dòng họ Nguyễn ở Trương Lưu (Hà Tĩnh): Lịch sử và văn hóa


Họ Nguyễn Tràng Lưu là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt cao qua nhiều đời đã hình thành nên truyền thống khoa - hoạn của dòng họ, góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của xứ Nghệ.
 
Về vùng đất Tràng Lưu
 
Theo gia phả họ Nguyễn tại Tràng Lưu thì vùng đất nằm cạnh rào Nhe[2] gồm có ba xóm là Kẻ Trằng, Kẻ Đò, Kẻ Vạc. Vị tổ của họ Nguyển Tràng Lưu là người quận Trần Lưu bên Trung Quốc về định cư tại vùng này vào thế kỉ XV. Ông thấy vùng Kẻ Trằng cao ráo, địa thế đẹp nên đã bàn với dân làng lên định cư tại đây. Tên làng Tràng Lưu là tiếng ghép “Tràng” (Kẻ Trằng) với “Lưu” trong Trần Lưu quận. Về sau người ta quen đọc thành Trường Lưu. Trước năm 1921, làng Tràng Lưu thuộc về tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1921 thuộc về huyện Can Lộc. Ngày nay làng Tràng Lưu ngày xưa nằm trong xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Kinh tế Tràng Lưu ngày xưa chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa và hoa màu. Trong làng có chọ Quan[3], tháng họp sáu phiên. Về di tích lịch sử - văn hóa có Phúc Giang thư viện của Nguyễn Huy Oánh, đền Cả, đền Nam Nhạc, chùa Hân Thiên. Đặc biệt đền thờ Nguyễn Huy Tự đã được xếp hạng di tích Quốc gia. Làng Tràng Lưu là một làng cổ, thuộc đất văn vật nên người ta đã chọn ra 8 cảnh đẹp tiêu biểu, gọi là Tràng Lưu bát cảnh bào gồm: Quan thị triêu hà (ráng sớm mai nơi chợ Quan); Phượng sơn tịch chiếu (nắng chiều trên núi Phượng – Rú Cài – Nhạc Thốc); Liên trì nguyệt sắc (ánh trăng rọi hồ sen); Cổ miếu dung âm (bóng cây đa ở miếu Cả); Thạc tỉnh hương tuyền (nước thơm trong giếng Thạc); Nguyễn trang hoa mĩ (hoa đẹp trong vườn họ Nguyễn Huy); Hân Thiên tự chung (tiếng chuông chùa Hân Thiên); Nghĩa Thương mộc đạc (tiếng mõ Nghĩa Thương). Tràng Lưu chỉ là một làng nhỏ nhưng có nhiều khoa bảng và văn nhân. Họ chủ yếu là con cháu của dòng họ Nguyễn.
 
Những danh nhân khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu
 
Nguyễn Uyên Hậu là ông tổ của họ Nguyễn Tràng Lưu, ông có tên thụy là Dụ Khánh, giữ chức Minh kinh bác sĩ ở Quốc tử giám thời Lê Thánh Tông. Về sau ông về lại Trung Quốc, dặn con cháu lấy ngày Đông Chí làm ngày giỗ.
 
Nguyễn Hàm Hàng là con của Nguyễn Uyên Hậu. Năm 15 tuổi đỗ Hương cống, thi hội đạt tam trường, ông làm quan ở Quốc tử giám.
 
Nguyễn Thừa Mỹ là con thứ của Nguyễn Hàm Hằng, đỗ Hương cống.
 
Đời thứ 4 và thứ 5 không thấy ghi chép ai đỗ đạt. Đến đời thứ 6 tính từ Nguyễn Uyên Hậu có Nguyễn Đôn Hậu đỗ Hương cống, làm chức Tham tướng thần sự. Người em của Nguyễn Đôn Hậu là Nguyễn Như Thạch (1579 – 1662) đỗ Hương giải năm 1602, làm đến Lang trung bộ Hình.
 
Đời thứ 7 có Nguyễn Công Ban đỗ Hương cống, sau đỗ khoa sĩ vọng năm 1665, làm đến Giám sát ngự sử, tước Thái Sơn Nam.
Đời thứ 8 có Nguyễn Công Chất đỗ Hương giải năm 1675, làm tri huyện Thạch Hà.
 
Đời thứ 9 có hai anh em là Nguyễn Công Xuân (1688 - ?) đỗ Hương cống, làm Đồng nhạc đường mậu lâm lang và Nguyễn Huy Tựu (1690 – 1750) đỗ Hương giải, làm Tham chính Thái Nguyên, Tả thị lang, được truy phong Thượng thư bộ Công, tước Khiết Nhã hầu.
 
Từ Nguyễn Huy Tựu ở đời thứ 9 thì dòng họ Nguyễn đổi thành Nguyễn Huy, mở ra một thời kì mới của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu,
 
Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789) là con trưởng của Nguyễn Huy Tựu, tự là Thư Hiền, hiệu Thạc Đình, biệt hiệu là Thiên Nam cư sĩ. Ông đỗ đầu thi hương, đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1748. Về sau ông làm các chúc Tri phủ, Hàn lâm viện thị chế, Quốc tử giám tư nghiệp, Hàn lâm viện thừa chỉ. Ông đi sứ Trung Quốc năm 1765. Về được thăng Thị lang, Ngự sử đài đô ngự sử, thượng thư bộ Công. Năm 1777, ông cáo quan về quê.
 
Nguyễn Huy Cự (1707 – 1775), là con của Nguyễn Huy Tựu, đỗ Hương giải, được phong tước Ngật Đình bá.
 
Nguyễn Huy Kiên, là con của Nguyễn Huy Tựu, đỗ Hương giải, làm Thiêm sự bộ Lại.
 
Nguyễn Huy Quýnh (1734 – 1785), sau đổi là Trực, là con của Nguyễn Huy Tựu, đỗ Hương giải, năm 1772 đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan đến chức Hàn lâm thị chế. Khi quân chúa Trịnh tiến đánh Thuận Hóa, ông được cử làm Đốc thị đạo Thuận Quảng, sau đó mất trong quân ngũ.
 
Nguyễn Huy Khản, là con của Nguyễn Huy Tựu, đỗ Hương cống.
 
Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790) tự là Hữu Tri, hiệu Uẩn Trai. Ông là con của Nguyễn Huy Oánh. Năm 1759, đỗ Hương giải, sau đó được ban Tiến triều ứng vụ, xem ngang Tiến sĩ. Ông làm Tri phủ Quốc Oai. Năm 1770 được thăng Hiến sát phó sứ Sơn Nam. Năm 1774 chuyển sang võ chức, lần lượt giữa các chức Hiến sát sứ Sơn Tây, Đốc đồng Sơn Tây. Ông được ân thăng Hàn lâm viện hiệu lý và ban tặng 4 chữ “Võ khố hùng lược”. Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản[4]. Nhân loạn kiêu binh năm 1785, ông xin về trí sĩ tại quê nhà. Năm 1789, theo sự tiến cử của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự đã vào Phú Xuân nhận chức Hữu thị lang bộ Binh của triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, tuy nhiên được hơn một năm thì ông mất.
 
Nguyễn Huy Lạng là em của Nguyễn Huy Tự, ông đỗ hương cống.
 
Nguyễn Huy Tá cũng là em của Nguyễn Huy Tự, ông cũng đỗ Hương cống, làm Đốc học Bắc Ninh, Phó đốc học Quốc tử giám, tước Thư Đình hầu.
 
Nguyễn Huy Hào (1770 - ?) là con của Nguyễn Huy Quýnh, đỗ Hương cống, làm tri huyện Tiên Tữ tỉnh Bắc Ninh.
 
Nguyễn Huy Hội (1765 – 1838), có tên khác là Huy Phó, đỗ Hương giải năm 1783.
 
Nguyễn Huy Giáp là con của Nguyễn Huy Hào, đỗ cử nhân năm 1837.
 
Ngoài những vị khoa bảng nêu trên thì họ Nguyễn Tràng Lưu còn có thêm một nhân vật nổi tiếng khác. Đó chính là Nguyễn Huy Hổ (1783 – 1841), tên tục là Nhâm, tự là Cách Như, hiệu Liên Pha, ông là con thứ 3 của Nguyễn Huy Tự. Học giỏi nhưng ông không đi thi, ông sống ẩn dật tại quê nhà, đọc sách, làm thuốc, giỏi về y thuật, tinh thông thiên văn địa lí. Ông lấy cháu gái của vua Lê Cảnh Hưng nên tình cảm của ông đối với nhà Lê vô cùng sâu đậm. Năm 1823, vua Minh Mạng triệu ông vào kinh đô Phú Xuân làm thuốc. Ông đã chỉ ra vài điểm sai lầm của Khâm Thiên giám, về sau triều đình nghiệm thấy đúng, vua lấy làm kính phục ban cho chức Linh lang đài.
 
Họ Nguyễn Tràng Lưu là một cự tộc về khoa – hoạn. Nhiều người trong đó không chỉ uyên thâm về Nho học mà còn có tài năng về nhiều mặt. Tài năng và sự nghiệp của họ đã đóng góp rất lớn vào nền văn hóa Việt Nam.
 
Những giá trị văn hóa của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu
 
Sự nghiệp lớn nhất, cũng chính là đóng góp lớn nhất của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu là dạy học và trước tác.
 
Vị tổ đầu tiên là Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo, làm Minh kinh bác sĩ tại kinh thành Thăng Long. Con cháu ông về sau nhiều người đã theo nghiệp ông và đã có nhiều người nổi tiếng trong vùng, thậm chí là cả nước. Nguyễn Hàm Hằng cũng dạy ở Quốc tử giám, Nguyễn Huy Tá làm đốc học Bắc Ninh, sau chuyển về dạy ở Quốc tử giám. Nguyễn Thừa Tổ, Nguyễn Huy Vinh dạy học tại quê nhà. Tuy nhiên khi nhắc tới sự nghiệp dạy học của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu thì người đáng chú ý nhất chính là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.
 
Sau khi đỗ Thám hoa là quãng đường 30 năm vừa làm quan vừa dạy học của Nguyễn Huy Oánh. Có một thời gian ông được mời làm dạy học trong cung, kiêm chức Tư nghiệp Quốc tử giám. Ông chính là thầy của chúa Trịnh Sâm và nhiều vương tôn, công tử và danh sĩ đất Thăng Long. Sau khi ông trí sĩ tại quê nhà thì sự nghiệp dạy học của ông vẫn được tiếp tục. Ông lập một trường học ở quê nhà có tên là Tràng Lưu học hiệu. Nhiều Nho sinh vùng đất Nghệ - Tĩnh đã tìm đến ông theo học.
 
Để khuyến khích việc học tập, Nguyễn Huy Oánh bàn với dân làng trích một phần ruộng công và bản thân ông bỏ ra một phần lộc điền của triều đình ban cho để làm học điền. Học điền này, một phần cho người trong làng cày cấy rồi lấy một tỉ lệ hoa lợi để giúp đỡ giấy bút cho con em những gia đình nghèo khó trong làng, một phần tặng thưởng cho những người học giỏi đỗ đạt.
 
Nguyễn Huy Oánh cho lập Phúc Giang thư viện để dạy học và tạo điều kiện cho con cháu cùng các môn sinh mở mang kiến thức. Phúc Giang thư viện theo nghĩa là một viện sách. Đó là một viện sách nổi tiếng không chỉ ở Hà Tĩnh mà cả nước Việt Nam thời Hậu Lê. Thư viện có hàng ngàn cuốn sách và đủ loại: Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử, Nho y lý số, Nam sử, Bắc sử, các sách về binh pháp, về thể chế nhà nước, về thi cử, về địa lí, phong thổ, về thơ phú, truyện kí của Việt Nam và Trung Quốc. Những sách này được tích lũy từ thời cụ tổ Nguyễn Uyên Hậu cho đến thời Nguyễn Huy Oánh. Nói đúng ra, Phúc Giang thư viện là một trường học có thư viện, là nơi Nguyễn Huy Oánh ngồi dạy học, là nơi con em họ Nguyễn Huy, con em làng Tràng Lưu và trong vùng Nghệ - Tĩnh đến thụ giáo, đọc và tham khảo, rèn luyện chữ nghĩa chờ ngày ứng thí. Phúc Giang thư viện cũng là nơi nhiều thức giả trong vùng đến khai thác tư liệu, cùng trao đổi, bàn bạc văn chương với Nguyễn Huy Oánh.
 
Để con em trong họ và sĩ tử trong vùng rộng đường kiến thức, Phúc Giang thư viện cho khắc in bàn gỗ những tài liệu có giá trị đương thời, những sách do các danh nho, danh y trong họ Nguyễn Tràng Lưu viết ra, sách phong thổ, địa lí của các địa phương trong vùng, trong nước. Vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Ngoài thông tin về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống kinh tế - xã hội của vùng đất Tràng Lưu, mộc bản Trường Lưu còn cung cấp thông tin về các dòng họ nổi tiếng ở Can Lộc cũng như Hà Tĩnh và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái, mối liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân...
 
Toàn bộ mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao.
 
Vào những năm trước 1945 họ Nguyễn Tràng Lưu còn giữ được hơn 1.000 bản sách khắc gỗ, chứa đầy cả một căn nhà thờ của chi tộc trưởng. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, số sách gỗ bị người dân trong làng đem ra chẻ làm củi đun sưởi ấm. Hàng ngàn bản sách giấy của Phúc Giang thư viện cũng bị đưa ra đốt, chỉ còn lại một ít cuốn được các ông Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh mượn đem ra Hà Nội nghiên cứu, nay còn lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hán - Nôm. Hiện nay tại nhà thờ họ Nguyễn Huy còn tồn tại 375 mộc bản. Năm 2016, UNESCO đã công nhận những mộc bản của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu là di sản tư liệu kí ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
 
Cùng với họ Nguyễn Tiên Điền thì họ Nguyễn Tràng Lưu là một cự tộc về trước tác. Hai dòng họ này đã tạo nên “Hồng Sơn văn phái” nổi tiếng trong cả nước. Về sự nghiệp trước tác của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu tiêu biểu có Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Vinh.
 
Nguyễn Huy Oánh để lại một số lượng trước tác gần 40 quyển sách. Hầu hết các tác phẩm trên nay đã thất truyền, chỉ còn lại 8 tác phẩm sau: Sơ học chỉ nam – là một cuốn sách chỉ dẫn cho người mới bắt đầu học; Quốc sử toản yếu - một tác phẩm tóm lược lịch sử nước nhà từ khởi thủy đến nhà Hậu Trần; Bắc dư tập lãm – một cuốn sách chép khá kỹ về địa chí, thắng cảnh của Trung Quốc; Hoàng hoa sứ trình đồ -  là tác phẩm họa đồ thực tế hành trình đi sứ từ cửa ải đến Bắc Kinh, có giá trị về mặt địa lí hành chính và thể hiện tài hội họa của tác giả; Huấn nữ tử ca -  gồm 632 câu lục bát, nhằm giáo huấn con gái; Dược tính ca quát - gồm 234 câu lục bát bằng chữ Hán nhằm tổng quát những lời ca về dược tính; Thạc Đình di cảo – là tập thơ văn, một số bài tấu, khải, điều trần, kí sự về các việc xẩy ra đương thời, thể hiện tâm sự và chính kiến của Nguyễn Huy Oánh, tập di cảo này do người cháu là Nguyễn Huy Vinh sưu tập, biên chép; Phụng sứ Yên Kinh tổng ca -  gồm hai phần: phần đầu là phần Tổng ca gồm 472 câu lục bát bằng chữ Hán tóm lược toàn bộ hành trình đi sứ, phần sau là nhật kí đi đường kèm theo hơn một trăm bài thơ đề vịnh. Qua những trước tác để lại chúng ta thấy Nguyễn Huy Oánh sáng tác hơn 1300 câu lục bát chữ Hán và chữ Nôm. Ông chính là người khơi nguồn cho mạch truyện thơ lục bát của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu về sau với các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ…Nguyễn Huy Oánh không chỉ là tác giả mở đầu dòng văn học họ Nguyễn Tràng Lưu mà còn là một trong các tác gia tiêu biểu của thế kỉ XVIII.
 
Em của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Quýnh có ba tác phẩm đã thất truyền là Dần Phong thi sao (4 quyển); Dần Phong văn sao (3 quyển); Tây Hưng đạo sử tập. Tác phẩm hiện nay còn lưu giữ được gồm có: Quảng Thuận đạo sử tập; Thác lời người con gái phường vải Tràng Lưu gửi người con trai phường nón Tiên Điền; Ninh công Tây Hồ mạn hứng thi tập tự.
 
Trước tác tiêu biểu nhất của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu là tác phẩm Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự. Đây là một truyện thơ lục bát bằng chữ Nôm, gồm 1828 câu. Tác phẩm này được Nguyễn Thiện nhuận sắc là chủ yếu nên có nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện là đồng tác giả của Hoa Tiên ký.
 
Tác phẩm này viết theo một ca bản của Trung Quốc có tên là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký. Nội dung câu chuyện kể về chàng trai Lương Phương Châu, con trai của Tể tướng quê ở Tô Châu, chàng rời quê lên nhà cậu ở Tràng Châu để học hành. Chàng tình cờ quen nàng Dương Dao Tiên – con một vị Đô đốc. Hai người đã viết lời thề ước lên giấy Hoa Tiên. Trong khi đó ở nhà Tể tướng đã hỏi cưới nàng Lưu Ngọc Khanh cho Lương Phương Châu, vì đạo hiếu chàng phải về nhà tuân theo. Ở Tràng Châu, Dương Dao Tiên chờ mãi không thấy chàng trở lại nên đã theo gia đình lên kinh đô. Khi cha nàng đi đánh giặc nàng đến ở nhà cậu ruột. Còn Lương Phương Châu sau khi cưới vợ đã trở lại Tràng Châu tìm Dao Tiên nhưng không thấy. Chàng lên kinh đô thi đậu Thám hoa và được bổ làm quan, sau đó gặp lại Dao Tiên. Biết tin cha nàng đi đánh giặc đang bị vây hãm, chàng xin đi cứu và bản thân chàng cũng bị vây hãm. Người vợ của chàng ở nhà là Lưu Ngọc Khanh tưởng chồng bị chết trận nên nhảy xuống sông tự vẫn nhưng được cứu sống. Về sau, Lương Phương Châu được giải vây, tưởng vợ đã chết nên cưới Dao Tiên làm vợ. Lưu Ngọc Khanh sau khi được cứu cũng đi lên kinh đô, thấy chàng Lương đã cưới vợ mới nên định đi tu. Nhà vua biết tin thương tình cho phép Lưu Ngọc Khanh trở lại với Lương Phương Châu.
 
Hoa Tiên ký là một tác phẩm hết sức có giá trị. Đây là một bài thơ dài ca ngợi tình yêu. Trong văn học sử Trung Quốc, ca bản Đệ bát tài tử Hoa tiên ký được coi là một tác phẩm cổ điển lớn, đứng vào hàng loại sách “tài tử”. Nhân tố chủ yếu làm nên giá trị của nó chính là tình yêu. Cũng chính vì lí do đó mà Nguyễn Huy Tự đã chọn nó làm cơ sở để dựa vào mà viết nên những cảm xúc dào dạt của một con tim đang hồi khát khao yêu đương. Điều đáng chú ý là mối tình trong Hoa Tiên ký không phải là thứ hôn nhân do trời xui khiến hay mối lái quyết định. Nó là sự thông cảm sâu xa giữa những con người trẻ trung yêu nhau trên cơ sở tự nguyện và hoàn toàn được sự tán đồng của tác giả, người nhuận sắc và người đọc. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong văn học sử Việt Nam, một tác phẩm thoái thai từ trong lòng chế độ phong kiến đã thành công rực rỡ trong việc phản ánh tư tưởng và tình cảm của người bình dân. Về mặt nghệ thuật, Hoa Tiên ký đánh dấu thể thơ lục bát chính thức trở nên thể truyện của dân tộc, mở đầu cho những truyện khác sẽ ra đời về sau. Sau này Nguyễn Du viết Truyện Kiều đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của Hoa Tiên ký.
 
Tác phẩm tiêu biểu thứ hai của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu đó là Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ. Đây là một tác phẩm viết bằng thể lục bát có xen song thất lục bát, gồm 298 câu.
 
 Mai Đình mộng ký kể rằng mùa xuân năm Kỉ tị - 1809, Nguyễn Huy Hổ đi thăm người anh dạy học tại Nam Đàn, ông ghé lại bến Phù Thạch xem hội đèn. Gặp trời mưa, ông thuê đò ngược sông Lam. Uống rượu say, nằm ngủ ông mơ thấy đi đến Thưởng Mai đình, gặp một nữ chủ nhân. Bà nữ chủ nhân này cùng Nguyễn Huy Hổ cùng nhau nói chuyện, bà tâm sự với ông rằng gia đình bà trước đây cha và chồng đều làm quan với nhà Lê, nhưng thời thế biến đổi, chiến tranh liên miên, nhà Lê suy sụp nên gia đình bà phải sống ẩn dật để giữ tấm lòng thành với nhà Lê. Bà khuyên Nguyễn Huy Hổ về nhà học hành, khi nào thi đỗ sẽ trở lại. Ông vâng lời lui ra và tỉnh dậy. Cốt truyện của Mai Đình mộng ký khá đơn giản. Tuy nhiên tác phẩm đã thể hiện được tâm sự hoài Lê của tác giả. Đây là một khuynh hướng được nhiều tác giả đầu thế kỉ XIX thể hiện như Nguyễn Huy Hổ, Phạm Thái, Bà Huyện Thanh Quan…Về nghệ thuật, Mai Đình mộng ký sử dụng nhiều từ Hán Việt và điển cố, lời thơ điêu luyện, trau chuốt, bóng bảy, có nhiều đoạn tả thiên nhiên rất đẹp.
 
Người thứ năm có đóng góp vào sự nghiệp văn học của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu là Nguyễn Huy Vinh. Ông là con thứ hai của Nguyễn Huy Tự. Không thấy ghi chép gì về con đường khoa bảng của ông. Về sự nghiệp trước tác thì ông chính là người sưu tập và biên soạn thơ văn, biểu, khải…của ông nội là Nguyễn Huy Oánh thành tập Thạc Đình di cảo. Ngoài ra ông còn viết tựa cho cuốn sách Nghệ An phong thổ kí và để lại một số bài thơ chữ Hán.
 
***
 
Họ Nguyễn Tràng Lưu là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt cao qua nhiều đời đã hình thành nên truyền thống khoa – hoạn của dòng họ, góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của xứ Nghệ[5]. Bên cạnh đó họ Nguyễn Tràng Lưu có những đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam qua sự nghiệp dạy học và trước tác của nhiều danh sĩ. Việc UNESCO công nhận mộc bản của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu là di sản tư liệu kí ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2016 một lần nữa đã khẳng định những giá trị văn hóa mà dòng họ Nguyễn Tràng Lưu để lại cho hậu thế.
-----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thái Kim Đỉnh (2013), Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam, Nxb Trẻ.
Ninh Viết Giao (2008), Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học, Nxb Thế giới.
Nhiều tác giả (1996), Nhà giáo danh tiếng đất Lam Hồng, Nxb Nghệ An.
Bùi Thiết (2000), Từ điển Hà Tĩnh, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh.
Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện (1961), Truyện Hoa Tiên, Nxb Văn hóa.
[1] Học viên cao học Lịch sử Việt Nam – ĐH Thủ Dâu Một; Email: trieuchau842003@yahoo.com; ĐT: 0933041170.
[2] Rào Nhe có tên chữ là Phúc Giang
[3] Ngày nay gọi là chợ Nhe
[4] Nguyễn Khản là anh ruột của Đại thi hào Nguyễn Du.
[5] Xứ Nghệ bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ.
 
 
Theo Nguyễn văn Thương/ vanhien.vn

Di sản văn hóa