nguyendu.org.vn
Loading...

ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH NÓI CHUYỆN VỀ NGUYỄN DU VÀ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN-DU


Để chuẩn bị cho việc kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của thi hào dân tộc Nguyễn Du trong tháng 11 năm 1965 này, tiếp tục hội nghị thảo luận về Nguyễn Du đã được tổ chức trong tháng 8 năm 1965, ngày 20 tháng 10 năm 1965, tại trụ sở Viện Văn học, thuộc Viện Khoa học xã hội, đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt-nam, đã nói chuyện về Nguyễn Du và tác phẩm của nhà thơ.

Tham dự buổi nói chuyện có đông đảo các nhà nghiên cứu văn học ngôn ngữ học, triết học, thuộc các viện nghiên cứu trong Viện Khoa học xã hội, các giáo sư, giảng viên khoa văn thuộc hai trường Đại học tổng hợp và Đại học sư phạm Hà-nội, một số nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ sân khấu, cùng đại biểu các báo, thông tấn xã, đài phát thanh và nhà xuất bản trong đó có các đồng chí và các bạn: Hoài-Thanh, Như-Phong, Hồng-Chương, Lê-Thước, Vũ-Khiêu, Nguyên-Đỗ-Cung, Vũ-Ngọc-Phan, Phạm-Thiều, các nhà thơ Hoàng-Trung-Thông, Lưu-Trọng-Lư, Tế-Hanh, Chế-Lan-Viên, Hằng-Phương và nữ nghệ sĩ cải lương Kim Xuân (thường đóng vai Thúỵ Kiều). Tham dự cuộc nói chuyện còn có đồng chí Hoàng-Văn-Hoan, ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn-Khánh-Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, đồng chí Tôn-Quang-Phiệt, Tổng thư ký ủy ban thường vụ Quốc hội và các đồng chí Xuân-Trường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phạm-Hồng, Phó chủ nhiệm ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, Lê Thị Xuyến ,Phó hội trưởng hội Liên hiệp phụ nữ Việt-nam, ....».

Trong buổi nói chuyện, đồng chí Trường-Chinh đã phát biểu ý kiến về năm vấn đề sau đây:

1. Nguyễn-Du và thời đại của ông.

2. Chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng triết học của Nguyễn-Du.

3.  Phương pháp sáng tác của Nguyễn Du.

4.  Nghệ thuật của Nguyễn-Du.

5.   Kỷ niệm Nguyễn Du như thế nào cho xứng đáng ?

Trong hai vấn đề đầu, đồng chí Trường-Chinh đã vạch rõ thời đại Nguyễn-Du là một thời đại bão táp, rất giàu sự kiện lịch sử, trong đó nổi bật lên ba sự kiện chính: khởi nghĩa nông dân đưa tới cao trào Tây-Sơn, chiến thắng Đống-đa lừng lẫy của Quang-Trung đánh tan hai mươi vạn quân xâm lược của phong kiến Mãn-Thanh cuối thế kỷ thứ 18 và thắng lợi của thế lực phong kiến phản động nhà Nguyễn đầu thề kỷ thứ 19. Vì tư tưởng phò Lê, Nguyễn-Du đã mưu toan chống Tây-Sơn, sau lại ra làm quan với triều Nguyễn. Rõ ràng ông không hiểu và không tin ở phong trào nông dân. Nhưng do cuộc đời long đong, chìm nổi của mình, ông đã có dịp gần gũi nhân dân và thông cảm với những nỗi đau khổ của nhân dân. Trong Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh và các tập thơ chữ Hán, Nguyễn-Du đã tố cáo, phản kháng và phê bình một cách sắc bén những bất công trong xã hội phong kiến và tỏ tình thương xót những con người bị chà đạp, áp bức trong xã hội đó, nhất là đối với phụ nữ.

Về khách quan, tác phẩm của Nguyễn-Du đã đồng tình với cái mà sau: này người ta gọi là quyền tự do trong luyến ái, đã phê phán chế độ mãi dâm, bênh vực phụ nữ là hạng người bị hắt hủi, bạc đãi nhất trong xã hội phong kiến và nói lên yêu cầu đổi mới trong đời sống của con người. Vì vậy, tác phẩm của Nguyễn-Du chứa đựng tư tưởng nhân đạo sâu sắc, tình xót thương, ưu ái đối với những con người bị áp bức và đau khổ trong xã hội phong kiến. Đó là mặt tích cực cần ca ngợi trong tác phẩm của Nguyễn-Du.

Nhưng do bị hạn chế trong ý thức giai cấp và thời đại của mình, Nguyễn-Du đã không đề ra được hướng giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội mà ông không hiểu rằng thực chất đó là mâu thuẫn giai cấp, vì vậy ông đi tìm giải pháp trong triết học duy tâm thần bí. Đồng chí Trường-Chinh đã phân tích rất rõ những chỗ bị hạn chế, những mâu thuẫn và bế tắc về tư tưởng của Nguyễn-Du. Đồng chí phê phán tư tưởng triết học định mệnh của Nguyễn-Du. gói trong ba chữ tài, mệnh, tâm và chỉ ra rằng đề giải quyết sự xung đột giữa tài và mệnh, Nguyễn-Du đã đề xướng phương pháp tu tâm siêu hình và luẩn quẩn. Chữ tâm cưa Nguyễn-Du phản ánh thái độ tiêu cực và thỏa hiệp của nhà thơ trước trật tự phong kiến.

Về phương pháp sáng tác của Nguyễn-Du, đồng chí Trường- Chinh đề nghị các nhà nghiên cứu văn học sử và lý luận văn học nên coi trọng sự thật, chú ý đúng mức những đặc điểm phát triển văn học của dân tộc ta và dựa vào tác phẩm mà đi sâu nghiên cứu một cách chủ động và sáng tạo những phương pháp sáng tác nghệ thuật của phương Đông nói chung và của Nguyễn-Du nói riêng, không nên để cho những công thức về phương pháp sáng tác của các nước Âu Tây hạn chế sự tìm tòi, suy nghĩ của mình. Đồng chí đã sơ bộ nhận định rằng: phương pháp sáng tác của Nguyễn-Du là đa dạng, hiện thực có, lãng mạn có, nhưng đặc biệt trong Truyện Kiều thì tính hiện thực phê phán là chủ yếu: phê phán những cái thối nát của xã hội phong kiến, phê phán những con người có quyền, có thế của xã hội ấy, phê phán thế lực của đồng tiền trong một xã hội đã có những nhân tố tiền tư bản khá rõ.

Về nghệ thuật của Nguyễn-Du đồng chí Trường- Chinh phân tích thành tựu nghệ thuật rực rỡ của nhà thơ trên ba mặt: hình tượng (bao gồm sáng tạo điển hình), ngôn ngữ và cấu tạo của tác phẩm. Theo đồng chí thì Nguyễn-Du đạt được những thành tựu đó là do nhà thơ đã quan sát rất kỹ những hạng người trong xã hội phong kiến, ra sức học tập ngôn ngữ của nhân dân, học tập dân ca. Nhân đó, đồng chí đã nhắc nhở các nhà văn hiện nay cần theo gương Nguyễn-Du, đi sâu vào cuộc sống, học tập ngôn ngữ của quần chúng và nhất là không sa vào chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hình thức v.v... trong sáng tác.    

Trong phần cuối cùng của bài nói chuyện, đồng chí Trường-Chinh đã truyền đạt và giải thích tinh thần chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng về kỷ niệm Nguyễn-Du. Đồng chí nhấn mạnh : việc kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh Nguyễn-Du trước hết nhằm mục đích biểu dương và phát huy truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc, đồng thời tỏ rõ thái độ của Đảng ta là kế thừa có phê phán di sản văn học cổ. Cho nên về việc đánh giá Nguyễn-Du, cần tránh hai thiên hướng : chỉ biểu dương cái hay, cái đẹp mà không thấy những hạn chế và mâu thuẫn trong tác phẩm của Nguyễn-Du, hoặc chỉ thấy mặt tiêu cực mà không thấy mặt tích cực trong thơ Nguyễn-Du (nếu ta đặt thơ Nguyễn-Du vào thời đại của ông thì ta càng thấy mặt tích cực ấy rất quan trọng). Trong tình hình nhân dân ta sục sôi chiến đấu và thi đua sản xuất chống Mỹ, cứu nước hiện nay, việc chúng ta long trọng kỷ niệm Nguyễn-Du sẽ có một ý nghĩa chính trị lớn. Nó chứng tỏ rằng chỉ có Đảng ta, nhân dân ta đang anh dũng chống Mỹ, cứu nước mới là người kế thừa chân chính truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Nó cũng nói lên rằng : ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đang ra sức giải quyết những mâu thuẫn và bế tắc của Nguyễn-Du một cách có hiệu quả — giải quyết ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân cả nước và trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đồng chí Trường-Chinh cũng nhắc nhở các nhà phê bình và nghiên cứu văn học cần vạch rõ dã tâm của bọn bồi bút tay sai đế quốc Mỹ hiện nay ở miền Nam đang diễn lại cái trò bịp bợm kỷ niệm Nguyễn-Du mà bọn Phạm-Quỳnh,tay sai của đế quốc Pháp trước đây đã làm là nêu chiêu bài dân tộc giả hiệu hòng che đậy bộ mặt bán nước, hại dân của chúng, đồng thời lợi dụng việc kỷ niệm Nguyễn-Du và tán tụng văn chương Truyện Kiều hòng đánh lạc hướng thanh niên và nhân dân nước ta.

Nội dung bài nói chuyện hấp dẫn của đồng chí Trường-Chinh đã giúp cho các anh chị em làm công tác văn học suy nghĩ sâu hơn về Nguyễn-Du và tác phẩm của nhà thơ, đồng thời gợi ra nhiều vấn đề học thuật thú vị để  cùng tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

Tiếp luôn trong ngày 21 tháng 10 năm 1965, những người dự nghe đã sôi nổi thảo luận, trao đổi ý kiến về nội dung bài nói chuyện của đồng chí Trường-Chinh. Trong thời gian tới, Viện Văn học sẽ phối hợp với tổ lý luận phê bình của hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật tiếp tục tổ chức nhiều buổi thảo luận nữa về những ý kiến của đồng chí Trường-Chinh để thiết thực kỷ niệm nhà thơ vĩ đại của dân tộc.


Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.org.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website