nguyendu.org.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đôi nét về Văn từ, Văn chỉ Việt Nam


Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, đến nửa cuối thế kỷ XI được người Việt chính thức chấp nhận và mau chóng phát triển trở thành hệ tư tưởng chi phối xã hội nước ta thời quân chủ. Cùng với sự phát triển và hưng thịnh của Nho giáo, Nho học, một hệ thống các Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Vào thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn, khắp các tỉnh, trấn đều có Văn Miếu, khắp các huyện, tổng, xã, làng đều có Văn từ, Văn chỉ.
 
Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư), Thập triết, Thất thập nhị hiền và các Tiên Nho người Việt ở cấp trung ương và cấp tỉnh, trấn.
 
Văn từ, Văn chỉ (Từ chỉ, Từ vũ) là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương tại các tổng, huyện, làng, xã.
 
Riêng ở các tỉnh có truyền thống khoa bảng như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... thì cấp huyện cũng lập Văn miếu, cấp thôn cũng lập Văn từ, Văn chỉ. Thậm chí tại xã Trà Lâm, huyện Thuận Thành - Bắc Ninh còn lập cả Văn miếu hàng xã để cổ vũ, dẫn dụ đạo học của quê hương.
 
Văn miếu đầu tiên của Việt Nam là Văn Miếu Thăng Long được tạo lập năm 1070 dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Văn miếu ở các châu, huyện, được cho xây dựng từ năm 1414, sau đó gần 4 thế kỷ. Văn thánh miếu Huế thành lập năm 1692. Đến năm 1803, theo lệnh của Vua Gia Long khắp các dinh, trấn đều lập Văn miếu (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
 
Song song với sự xuất hiện của hệ thống Văn miếu và các trường học, trường thi Nho học tại các địa phương là sự hình thành và phát triển của một mạng lưới dày đặc các Văn từ, Văn chỉ khắp các tổng, huyện, làng, xã. Nội dung văn bia Văn từ phủ Yên Khánh, xã Ninh Sơn, Ninh Bình (soạn năm Nhâm Tuất 1862) cho biết: Văn miếu, Văn từ ở Ninh Bình có từ thời Trương Hán Siêu (?-1354) - Người đã ra sức truyền bá tư tưởng “kẻ sĩ dùng văn để gặp bạn, nhà Nho dùng đạo để dạy dân”. Như vậy, có thể tạm coi Văn từ đầu tiên ở nước ta xuất hiện vào Thời Trần, còn lại hầu hết có niên đại thời Lê, Nguyễn.
 
Văn từ, Văn chỉ thường được xây dựng tại các vùng đất cổ có truyền thống khoa bảng, chứ không ở trung tâm tỉnh lỵ, song tiện đường đi lại để dễ tổ chức tế tự. Các công trình kiến trúc này được chia ra làm 2 loại: Loại thứ nhất bao gồm từ 1 đến 3 tòa nhà, mỗi tòa từ 3 đến 7 gian; Loại thứ hai chỉ là bệ thờ lộ thiên ngoài trời có mái che hoặc không có mái che. Cử nhân Đoàn Triển trong An Nam phong tục sách cho biết: “Nơi thờ phụng có làm nhà thờ gọi là Văn từ, chỉ có đàn thờ mà không làm nhà thì gọi là Văn chỉ”.
 
Thông thường thì Văn từ lớn hơn Văn chỉ. Qui mô xây dựng nhỏ dần từ cấp tổng, huyện đến xã, thôn.
 
Kết quả khảo sát cho thấy: Văn từ huyện Quế Dương, Bắc Giang gồm nhà Tiền đường, Hậu đường đều 7 gian 2 dĩ, 2 bên là 2 dãy Tả vu - Hữu vu, ở giữa còn có phương đình, ngoài cổng xây 4 trụ gạch; Văn chỉ Tốt Động huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ gồm 2 nhà: Thượng điện và Đại Bái (5 gian 2 dĩ, kiến trúc chồng diêm 2 tầng 4 mái; Văn từ huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (dựng năm 1854) có kiến trúc gồm 3 tòa nhà, mỗi tòa 5 gian; Văn từ Lãng Phong, tỉnh Ninh Bình gồm 2 nhà: Tiền đường 5 gian, đền chính 3 gian, 2 bên đều có hành lang; Văn từ xã Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và Văn từ làng Giã Thượng, xã Giã Hòa, tỉnh Ninh Bình đều là 1 ngôi nhà 5 gian hoặc 3 gian 2 chái.
 
Văn chỉ có hình thức phong phú hơn Văn từ: có nơi là một công trình thờ tự gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 3 đến 5 gian (Văn chỉ huyện Từ Liêm, Hà Nội); có nơi là 2 dãy nhà 3 gian (Văn chỉ xã Nguyệt Áng, huyện Từ Liêm), có nơi là 1 ngôi nhà nhỏ 3 gian; lại có nơi chỉ là một bệ thờ xây bằng vôi gạch đơn giản ngoài trời như: Văn chỉ Cầu Rãnh, tỉnh Bắc Ninh, Văn chỉ thôn Cam Giá, phường Ninh Khánh, Ninh Bình hay Văn chỉ Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
 
Mô tả về việc thờ tự tại các Văn từ, Văn chỉ, tác giả Phan Kế Bính viết: “Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn chỉ... để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ đức Khổng Tử để làm chủ trương cho việc học trong làng” (Việt Nam phong tục, trang 120).
 
Sách Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam (trang 58) của Toan Ánh cũng chép:
 
“Lớp trong cùng (của Văn từ, Văn chỉ) thờ đức Khổng Tử được tôn làm Tiên Thánh Sư… Lớp này gồm 1 ban xây thay cho hương án, hai bên có những câu đối và ở trên, nếu là Văn chỉ thì viết ngay vào tường, nếu là Văn từ thì có hoành phi mang mấy chữ “Vạn thế Sư biểu” hoặc “Chí Thánh Tiên Sư”. Trên ban có bình hương riêng, không có bài vị. Đại tự hay hoành phi được viết ngay trên tường để thay cho bài vị.
 
Lớp thứ 2 gồm 3 ban, 1 ban ở giữa và 2 ban ở 2 bên. Cả 3 ban này đều xây bằng gạch thay cho hương án. Ban ở giữa thờ những người đã đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tam, Tứ phẩm trở lên. Ban bên phải thờ những người đỗ Cử nhân và những người làm quan từ Lục, Thất phẩm trở lên. Ban bên trái thờ những người đỗ Tú tài và những người làm quan đến Bát phẩm. Các bậc Tiên hiền nước ta như Chu Văn An, Hàn Thuyên được thờ vào ban giữa. Những người Trung Quốc có công truyền bá Nho giáo sang Việt Nam như Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp... (nếu có) cũng thờ ở ban này”. Lớp thứ 3 là Bái đình tức là cái sân dùng vào việc tế tự”.
 
Trên thực tế, Văn từ, Văn chỉ nhiều làng quê thờ đầy đủ cả Khổng Tử, Tứ phối và các bậc Tiên hiền của làng, song cũng có nơi chỉ thờ vọng Khổng Tử và Tứ phối. Một số nơi khác không thờ Khổng Tử mà thờ Văn Xương Đế quân (vị Thần chủ trì về văn học) hoặc các Danh Nho của quê hương. Ví dụ ở tỉnh Hà Tây cũ có: Văn chỉ Hoàng Xá, huyện Quốc Oai (được lập từ thời Lê trung hưng) thờ Văn Xương Đế quân và các Tiên hiền; Văn chỉ Tốt Động huyện Chương Mỹ thờ Thám hoa Đặng La Ma ở gian giữa, Tiên hiền hậu học ở 2 bên; Văn chỉ thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hưng, huyện Quốc Oai thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực v.v.
 
Tại nhiều vùng quê, trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc khi Văn từ, Văn chỉ bị phá hủy, các cụ cao niên trong làng đã cho mang bia Văn chỉ về thờ tại Đình làng (đình Hoa Xá làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) hoặc nhập việc thờ tự Nho giáo vào trong các chùa, miếu tạo thành một dạng Tam Thánh từ (thờ Phật - Đạo - Nho) như ở xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội hay Thành phố Lạng Sơn.
 
Ngày lễ Thánh tại các Văn từ, Văn chỉ thờ Khổng Tử tổ chức vào ngày Đinh thứ nhất của tháng Hai và tháng Tám Âm lịch. Trường hợp thờ các Tiên thánh, Tiên hiền khác thì tổ chức vào ngày sinh, ngày mất của các vị đó.
 
Xưa, các Văn từ, Văn chỉ là nơi tôn vinh Nho học, diễn ra các hoạt động tế tự, ban bố các chính sách khuyến học... của Hội Tư văn. Nhiều Văn từ, Văn chỉ hàng tổng còn kiêm cả chức năng làm trường học, nơi khảo hạch sĩ tử và đón rước Tiến sĩ vinh qui bái tổ. Ngày nay, đây là nơi bảo tồn nhiều truyền thống quí báu của dân tộc (tôn trọng hiền tài, hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo...) và cổ vũ cho phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương.
 
Đáng tiếc, số lượng các Văn từ, Văn chỉ hiện còn lại không nhiều. Hàng loạt di tích bị hư hỏng nặng, nhiều công trình đã bị xóa sổ, hàng trăm tấm bia Văn chỉ bị đem bắc cầu ao, lát đường hoặc nung vôi... Theo thống kê của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, năm 1992 cả nước còn lại hơn 900 di tích Nho học; đến nay con số này cũng không còn nguyên vẹn.
 
Trong vòng 15 năm trở lại đây, trong tinh thần đổi mới, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di tích Nho học được các cấp chính quyền và nhân dân nhiều địa phương quan tâm, chú trọng. Cùng với phong trào khuyến học, phong trào tu bổ, phục dựng và xin xếp hạng các Văn từ, Văn chỉ dấy lên ở nhiều nơi. Các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã làm khá tốt vấn đề này. Chỉ tính riêng Hà Nội những năm gần đây đã có: Văn chỉ làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ huyện Quốc Oai; Văn chỉ làng Hương Ngải, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất; Văn chỉ Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; Văn chỉ Hưng Phúc, Phú Xuyên; Văn chỉ làng Hiệp Thuận, huyện Phú Thọ; Văn chỉ làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm... đã được phục dựng. Hà Tĩnh cũng đã làm lại miếu Khổng trong Khu Di tích Nguyễn Du. Làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương cũng đã khởi công xây dựng Tháp bút và vườn Tiến sĩ...
 
Đây là tin tức đáng mừng cho những người yêu quí di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên vấn đề này cũng cần được các nhà chuyên môn hướng dẫn, quản lý chặt chẽ để các công trình được phục dựng và xây mới vừa đảm bảo được yếu tố truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài trong thời đại mới.
 
 
Theo Hoa Phượng/hoidisan.vn

Di sản văn hóa