nguyendu.org.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, CUỘC TÁI TẠO NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN DU


Mục lục

Lời cam đoan

Mục lục

Mở đầu

I          Lý do chọn đề tài

II         Lịch sử vấn đề nghiên cứu

III        Đối tương, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

IV        Phương pháp nghiên cứu

V         Đóng góp mới của luận án

VI        Cấu trúc luận án

Nội dung

Chương I: Đoạn trường tân thanh và kim vân kiều truyện nhìn từ phương diện thể loại

Trong chiếc nôi của văn hóa đô thị phong kiến
        -Đô thị Trung Quốc thời cuối Minh – đầu Thanh
       - Đô thị Việt Nam thời cuối Lê - đầu Nguyễn
Tiểu thuyết tài tử - giai nhân như sản phẩm của một thời kỳ lịch sử
       - Về  tiểu thuyết tài tử - giai nhân ở Trung Quốc thời Minh – Thanh
       - Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân như một cuốn tiểu thuyết tài tử - giai nhân
        -Đoạn trường tân thanh – tập đại thành của thể loại truyện Nôm
Nguyễn Du với sự tiếp nhận Kim Vân Kiều truyện
        -Cuộc sống riêng tư
        -Cuộc gặp gỡ với Kim Vân Kiều truyện
Từ tự sự của tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện đến tự sự của truyện thơ Nôm Đoạn trường tân thanh
        -Những yếu tố lí thuyết tự sự có liên quan đến vấn đề nghiên cứu
        -Kim Vân Kiều truyện và truyền thống tự sự trong tiểu thuyết chương hồi
        -Đoạn trường tân thanh và truyền thống tự sự - trữ tính của truyện thơ Nôm
Tiểu kết

Chương II: Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Du

2.1       Hai đặc điểm của tự sự Nôm bằng thơ

2.1.1    Sáng tác trên những côt truyện có sẵn

2.1.2    Tác phẩm như là tổ chức của những phiến đoạn

2.2       Cấu trúc văn bản tự sự của Đoạn trường tân thanh;  Vấn đề cốt truyện

2.2.1    Kết cấu cốt truyện thứ nhất: tiến trình của các sự kiện bên ngoài

2.2.1.1 Kết cấu cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện

2.2.1.2 Kết cấu cốt truyện của Đoạn trường tân thanh

2.2.1.3 Nguyên tắc sử lý cốt truyện của Nguyễn Du

2.2.2    Kết cấu cốt truyện thứ hai: sự phối hợp của cá phiến đoạn tâm lý

2.2.2.1 Tiến trình tâm lí qua những lần nhớ nhà của Thúy Kiều

2.2.2.2 Tiến trình tâm lí qua những lần vượt thoát

2.3        Điểm nhìn nghệ thuật và sự tái tạo nhân vật trong Đoạn trường tân thanh

2.3.1     Vấn đề lí thuyết về điểm nhìn

2.3.2     Điểm nhìn với việc tái tạo nhân vật trong Đoạn trường tân thanh

2.3.2.1  Sự di chuyển điểm nhìn tự sự bên ngoài/bên trong khi miêu tả nhân vật Thúy  Kiều

2.3.2.2  Mô tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn

2.4        Tiểu kết

Chương III : Tư tưởng của Đoạn trường tân thanh trong so sánh với Kim Vân Kiều truyện

3.1       Vấn đề tư tưởng trong ĐTTT

3.2       Chủ đề tư tưởng của Kim Vân Kiều truyện

3.3       Tư tưởng của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh

3.3.1    Triết lí chữ Tài

3.3.2    Về tài mệnh qua hình ảnh hai chị em Thúy Kiều

3.3.3    Triết luận chữ tài – Triết luận về khát vọng sống của con người

3.4       Giải pháp chữ Tâm

3.4.1    Chữ Tâm như một điểm tựa

3.4.2    Nội dung chữ Tâm

3.5 Tiểu kết

Kết luận

Danh mục công trình đã công bố có liên quan đến luận án

Tài liệu tham khảo

                                                                                                  MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

“Mỗi nghệ sĩ ngôn từ chân chính đều góp vào kho tàng văn hoá nhân loại cái độc đáo của riêng mình. Nhưng cái độc đáo thể hiện trong các tác phẩm của bậc thầy này hay bậc thầy khác đó, lại có mối liên hệ năng động với những cái do các nhà văn khác sáng tạo”. Đây là câu nói quen thuộc về mối liên hệ mang tính tất yếu trong sáng tác văn học.

Nghiên cứu so sánh Đoạn trường tân thanh (ĐTTT) với nguyên tác dường như đã bão hoà. Nhưng, cùng với thời gian, đời sống của ĐTTT trong lòng bạn đọc mỗi ngày lại mở ra thêm những rung động mới. Trong thời điểm hiện tại, khi lí thuyết mỹ học tiếp nhận, tự sự học, văn học so sánh ở Việt Nam đang từng bước được định hình;.. những lí do và phương thức sáng tạo của Nguyện Du đối với cốt truyện vay mượn để làm nên một kiệt tác ĐTTT vẫn còn “khoảng trống” để có thể khai thác thêm nữa. Hai điểu đó hợp thành lí do chọn đề tài nghiên cứu của luận án. Việc thực hiện đề tài còn là sự cụ thể hoá một cách tiếp nhận với ĐTTT. Ngoài ra, người viết, trong chừng mực nhất định, muốn thử nghiệm một hướng nghiên cứu ĐTTT từ những cơ sở lí luận mới, mong muốn góp một vài kết quả hữu ích cho việc giảng dạy và NCKH ở trường Đại học.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Trải qua hơn hai thế kỉ, người ta đã nghiên cứu ĐTTT từ nhiều góc độ, bằng nhiều phương pháp; dựa vào những hệ thống lí thuyết khác nhau. Trong một lịch sử vấn đề lớn, người viết quyết định chi lược lại những công trình nghiên cứu, những bài viết trực tiếp coi việc so sánh hai tác phẩm là đối tượng chính hoặc là yếu tố quan trọng (với những công trình lớn sẽ chỉ điểm qua nếu so sánh không phải là mục đích chính). Rồi tiếp tục chọn ra từ đó một số đại diện cho từng hướng nghiên cứu so sánh hai tác phẩm trong tóm tắt này.

Trong bàn luận về ĐTTT thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, các nhà nho chủ yếu tiếp cận tác phẩm ở vẻ đẹp văn chương. Hướng nghiên cứu thứ nhất, cũng là hướng nghiên cứu phổ biến - so sánh đối chiếu hai tác phẩm ở cấp độ chi tiết ra đời trong thời gian nửa đầu thế kỉ XX và bắt đầu từ Đào Duy Anh. Những công trình nghiên cứu theo hướng này tập trung khẳng định những đóng góp của Nguyễn Du, hầu hết chưa quan tâm đến những thế mạnh thể loại của KVKT (những thế mạnh ấy thường bị coi là rườm rà, thô tục). Ngược lại, vẫn có ý kiến phủ nhận những sáng tạo của Nguyễn Du, đề cao KVKT và coi ĐTTT là bản dịch. Trong nguồn tư liệu so sánh theo hướng này, tiêu biểu là quan điểm của Đào Duy Anh trong “Khảo luận về Kim Vân Kiều” (1943) - công trình đặt nền móng cho xu hướng nghiên cứu so sánh ĐTTT với KVKT một cách hệ thống và khoa học. Những nhận định của ông sau này được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu so sánh hai tác phẩm. Luận án cũng trích dẫn một số ý kiến so sánh chi tiết hai tác phẩm ở những phương diện tiêu biểu và ở những góc nhìn khác nhau: Nguyễn Huệ Chi - Đổng Văn Thành, Trần Ích Nguyên, Phạm Đan Quế...

Bắt đầu từ giữa thế kỉ XX, tác phẩm được tiếp cận từ hướng nội dung gắn liền với hiện thực xã hội. Các nhà nghiên cứu so sánh ĐTTT với KVKT cũng không tách rời ảnh hưởng này nhưng sự so sánh đã mở rộng hơn rất nhiều so với trước. Đó là hướng nghiên cứu thứ hai — so sánh sự khác biệt giữa hai tác phẩm về từng phương diện cụ thể (tư tưởng, ngôn ngữ, nhân vật...), dựa trên những so sánh chi tiết. Tiêu biểu cho khuynh hướng này có Hoài Thanh, Nguyễn Lộc, Đặng Thanh Lê...cùng một số bài viết đăng trên các báo, tạp chí. Hoài Thanh quan tâm đến sự thể hiện nhân vật và hiện thực xã hội khi so sánh hai tác phẩm, sau này, nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Lộc, Đặng Thanh Lê cũng chia sẻ quan niệm ấy...

Có nhiều nhà nghiên cứu người nước ngoài quan tâm đến mối quan hệ giữa hai tác phẩm ĐTTT và KVKT. Nhà Việt Nam học người Nga N. I. Niculin đã dành 1 bài trọn vẹn để so sánh ĐTTT và KVKT ở phương diện đề tài, kết cấu, hình tượng nhân vật, hình thức thể loại. Tác giả đã chỉ ra những motip buồn trong ĐTTT và nhận thấy “có một điều tiêu biểu là con đường nàng đến với hạnh phúc lại là con đường xâm phạm vào những quy tắc của nền đạo đức Khổng giáo”, “hình tượng nhân vật Thúy Vân chỉ có một vị trí phụ trợ và dường như chỉ là cái phông, cái nền giúp nhà thơ làm nổi bật những nét đặc sắc của Kiều”. Nhóm tác giả Nguyễn Thạch Giang - Triệu Ngọc Lan - Lô Úy Thu lại tiến hành khảo sát - so sánh chi tiết hai tác phẩm để chỉ ra “phần nào là phần sáng tạo của Nguyễn Du, phần nào là theo ý của TTTN?", nguyên nhân căn cốt tạo nên “hai số phận khác nhau” của ĐTTT và KVKT là ở “sự sáng tạo của Nguyễn Du trên cơ sở nhào nặn lại cốt truyện ”...Người viết đã có những gợi ý giá trị cho việc thực hiện để tài qua sự so sánh các chi tiết, tính toán sự thêm bớt, chuyển ý nhưng cốt truyện thay đổi theo từng cấp độ như thế nào thì lại chưa được tác giả bài viết lưu tâm.. .Còn K.C.Leung, trong “Chu trình diễn hoá của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo”, lại khẳng đinh rằng những so sánh về ĐTTT và KVKT mới chỉ dừng ở những so sánh bề mặt...

Trong những bài viết của các nhà nghiên cứu người Việt Nam có đặt vấn đề so sánh ĐTTT và KVKT, trong khi nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn đặt vấn đề nghiên cứu trong mối liên hệ với bối cảnh văn hoá thì nhóm bài của tác giả Nguyễn Hữu Sơn lại kiên trì với quan điểm "Tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sự so sánh với KVKT của Thanh Tám tài nhân” và khẳng định: “mối quan hệ giữa Truyện Kiều với KVKT lại đặt ra những vấn đề quan trọng về tương quan giữa hai tác phẩm, về đặc điểm sự vay mượn cốt truyện và khả năng sáng tạo của Nguyễn Du...”. Tiếc rằng những bài viết này, dù đều đặn và trước sau thống nhất quan điểm về vấn đề so sánh ĐTTT và KVKT, nhưng vẫn dừng lại ở những gợi mở hướng so sánh ở hai xu thế: 1- Lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết; 2- Gia tăng chất chữ tình, khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên. Mà nếu chỉ hai xu thế ấy, chúng ta chỉ có thể khẳng định ĐTTT là một tác phẩm “cải dịch” trong khi Nguyễn Du thực sự đã hoàn tất công việc của một tác gia lớn khi tái tạo ĐTTT.

Từ cuối thế kỉ XX, sự xuất hiện của hướng nghiên cứu thứ ba - sử dụng những lí thuyết nghiên cứu văn học mới trong tiếp cận ĐTTT đã tạo nên sự phong phú đặc biệt. Những tên tuổi lớn mở đầu cho giai đoạn nghiên cứu mới này là Phan Ngọc và Trần Đình Sừ. Nếu như Phan Ngọc tiếp cận tác phẩm theo hướng Phong cách học thì Trần Đình Sử lại mở ra hướng tiếp cận thi pháp đối với tác phẩm văn học, trong đó có ĐTTT. Thi pháp nhanh chóng trở thành một hướng nghiên cứu ưu việt và ảnh hưởng rộng. Luận án này của chúng tôi kế thừa rất nhiều từ những thành tựu nghiên cứu của người đi trước, đặc biệt là những kết quả nghiên cứu có được từ thi pháp- nghiên cứu hình thức gắn liền với nội dung. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã định hướng: “Phải tìm những cống hiến nghệ thuật của riêng nhà thơ Nguyễn Du mà trước đó không ai làm được và sau đó cũng khó có ai làm được”. Đưa ra những kết quả nghiên cứu độc đáo và phong phú về tác phẩm, trong đó, có những phần so sánh với nguyên tác rất kĩ ở cấp độ chi tiết, bản thân tác giả tự thừa nhận “cách làm này có phần cực đoan, yêu cầu đưa ra quá gắt gao khiến người ta sợ” nhưng Phan Ngọc đã chứng minh rằng ĐTTT không chỉ hiểu bằng cảm nhận mà còn cẩn phải được khai thác ở nhiều tầng bậc mới. GS Trần Đình Sử lại nhắc tới sự lựa chọn thể loại của Nguyễn Du trong nghiên cứu so sánh ĐTTT và KVKT-. “Trong bối cảnh ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, Truyện Kiều là một sự lựa chọn thể loại, và không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa Truyện Kiều và tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc”. Ý kiến đó xuất phát từ nhận đinh “so sánh Truyện Kiều và văn hoá Trung Quốc đang là một đề tài để ngỏ cho những tìm tòi mới trong giao lưu tinh thần của hai dân tộc qua một kiệt tác”. Công trình “Thi pháp Truyện Kiều” là sự thể hiện kết quả nghiên cứu ĐTTT một cách hệ thống và toàn diện từ thi pháp học trong nhiều năm của Trẩn Đình Sử (tư tưởng, nhân vật, cách kể chuyện, cái nhìn nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật...) - không chỉ nghiên cứu tác phẩm ở chiều sâu mà còn mở ra nhiều hướng đi trong lĩnh vực nghiên cứu ĐTTT.

Tóm lại, nhìn từ hệ thống các công trình nghiên cứu về ĐTTT trong cái nhìn so sánh, người viết nhận thấy:

1. Có ý kiến cho rằng ĐTTT chỉ là một dịch phẩm và ngược lại, nhiếu ý kiến khẳng định ĐTTT là một sáng tác hoàn chỉnh và Nguyễn Du sáng tạo ĐTTT dựa trên cốt truyện vay mượn. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã giải quyết các vấn đề về nhân vật, cốt truyện, phương thức miêu tả, tư tưởng từ các việc cụ thể: thêm - bớt — sắp xếp lại các chi tiết trong cốt truyện, xây dựng đời sống nội tâm nhân vật, tả cảnh thiên nhiên, triết lí tác phẩm.

2. Nhìn từ nhiều phía, các vấn đề thuộc về ĐTTT trong cái nhìn so sánh tưởng chừng đã được động chạm đến một cách đầy đủ. Nhưng trong mỗi công trình, tuỳ theo mục đích của nhà nghiên cứu, việc so sánh chỉ trong chừng mực cần thiết. Phân biệt rõ đâu là sáng tác của Nguyễn Du, đâu là vay mượn và lí giải căn nguyên sáng tạo của ông - vẫn chưa đi đến một kết luận trọn vẹn. Đây là khoảng trống nghiên cứu khả thi cho đề tài luận án.

III. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

III.l. Đối tượng nghiên cứu

Tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều”; tham khảo thêm một số văn bản ĐTTT được giới thiệu từ 2002 đến 2005); Kim Vân Kiều truyện (KVKT)của Thanh Tâm tài nhân (TTTN) (bản dịch của Nguyễn Khắc Hanh - Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Đãng Na - Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu, Nxb Đại học quốc gia, H.1999).

III.2 Phạm vi nghiên cứu

Những vấn đề thuộc phạm vi thể loại, phương thức tổ chức văn bản và nghĩa văn bản ĐTTT trong tương quan so sánh với KVKT.

III.3 Nhiệm vụ nghiên cứu

Tiếp cận văn bản ĐTTT từ ba hướng: thể loại, cách tổ chức văn bản (nghệ thuật kể chuyên của nhà văn), nghĩa và ý nghĩa của văn bản (tư tưởng tác phẩm) trong mối quan hệ so sánh với Kim Vân Kiều truyện để lí giải về nguyên nhân lựa chọn cốt truyện vay mượn cùng phương thức sáng tạo nghệ thuật của Nguyên Du khi viết nên ĐTTT. Tương đương với mỗi hướng tiếp cận, sẽ kết hợp vận dụng bộ phận lí thuyết tự sự học, văn học so sánh, mĩ học tiếp nhận.

    Phương pháp nghiên cứu

Quan điểm sử dụng phương pháp (PP) trong luận án này là Tổng hợp và Liên ngành: PP So sánh loại hình, PP Phân tích văn học sử, PP Phân tích cấu trúc v.v... Hệ thống phương pháp nghiên cứu thuộc những lĩnh vực văn học so sánh, mĩ học tiếp nhận, tự sự học được sử dụng tuỳ theo mục đích nghiên cứu của từng phẩn cụ thể.

    Đóng góp mới của luận án

Vận dụng thử nghiệm một số vấn đề lí thuyết của tự sự học, văn học so sánh, mĩ học tiếp nhận trong một đề tài nghiên cứu văn học sử. Coi việc lựa chọn cốt truyện vay mượn là bước đi đầu tiên trong quá trình sáng tạo của Nguyên Du, người viết lí giải nguyên nhân vay mượn cốt truyện của ông; chỉ ra phương thức sáng tạo nghệ thuật đối với cốt truyện vay mượn: Mô hình 2 cốt truyện (đặc biệt thành công ở cốt truyện tâm lí); Sự phối hợp nhiều điểm nhìn trong xây dựng nhân vật (đặc biệt là điểm nhìn bên trong); Nhân vật Kiều là một nhân vật đa nghĩa; Tự tưởng của Nguyễn Du trong ĐTTT kết đọng ở Tài và Tâm...

VI. Cấu trúc luận án: Ngoài phẩn Mở đầu , Kết luận, Danh mục công trình có liên quan và Tài liệu tham khảo (17 trang), phần Nội dung của luận án gồm 195 trang, được chia thành 3 chương. Cụ thể như sau:

CHƯƠNG 1 : ĐTTT VÀ KVKT NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN THỂ LOẠI

1.1   Trong chiếc nôi của văn hoá đô thị phong kiến

Luận án nhắc đến sự hình thành của các đô thị lớn ở Trung Quốc thời cuối Minh - đầu Thanh và ở Việt Nam thời cuối Lê - đầu Nguyễn như một chiếc nôi lí tưởng cho sự ra đời của dòng tiểu thuyết TT - GN và truyện thơ Nôm. Cộng thêm với sự xuất hiện của những luồng tư tưởng dân chủ tiến bộ, xã hội Việt Nam và Trung Quốc trong hai thời kì này có nét tương đồng, đó là: độ thị phát triển/ thị dân đông/ thay đổi lối sống và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật/ biểu hiện qua những hình thức sinh hoạt văn hoá đô thị và những sáng tác văn học gắn với xu hướng thông tục bình dân.

1.2   Tiểu thuyết TT - GN như sản phẩm của một thời kì lịch sử

Với 3 vấn đề: về tiểu thuyết TT - GN ở Trung Quốc thời Minh — Thanh; KVKT của TTTN như một tiểu thuyết TT — GN; ĐTTT, tập đại thành của thể loại truyện Nôm, những điều cốt yếu của dòng tiểu thuyết TT — GN đã được tường minh như “một biểu hiện của thị hiếu thị dân” (Trần Đình Sử): đề tài tình yêu li kì; cốt truyện vay mượn từ thoại bản.. .KVKT của TTTN cũng như vậy. Được xếp vào những tiểu thuyết TT - GN tiêu biểu từ đời Khang Hy đến Càn Long, thời toàn thịnh của tiểu thuyết TT — GN (Miêu Tráng), KVKT  của TTTN đã biến Kiều từ một nhân vật lịch sử , một “nữ tử nghĩa hiệp” thành nhân vật của tiểu thuyết có cuộc sống nghệ thuật khá phong phú, phù hợp với tư cảm và mĩ cảm của tầng lớp thị dân nhưng tuy vậy, chưa đạt đến độ đặc sắc. Mặt khác, một số dấu ấn triết học chủ tình của Huyền học đời Tấn và Đạo học đời Tống trong KVKT có thể đã ảnh hưởng nhất định tới tư tường Nguyễn Du khi ông tiếp nhận và tái tạo cốt truyện của TTTN. Luận án bàn thêm về ĐTTT với tư cách là tập đại thành của thể loại truyện Nôm — những “tiểu thuyết bằng thơ” hay “tiểu thuyết thời kỳ khủng hoảng của xã hội phong kiến ở Việt Nam” để thấy: Trong ĐTTT, các yếu tố: quan tâm đến số phận con người, gia tăng những chi tiết đời thường, chú ý đến đời sống tâm hồn nhân vật, trường hư cấu mở rộng... đã được thể hiện tập trung hơn hẳn, nổi bật và cực kì phong phú so với những truyện Nôm cùng thể loại.

1.3 Nguyễn Du với sự tiếp nhận KVKT

Luận án chú ý đến một số vấn đề thuộc về đời tư, cá nhân con người Nguyễn Du để hướng đến tâm lí tiếp nhận của Nguyễn Du với tư cách người đọc - đồng sáng tạo đặc biệt. Từ cuộc sống riêng tư, Nguyễn Du có một cái nhìn thấu đáo về bản chất cuộc sống - “một không gian xã hội thù địch với sự sống của con người. Không ai có thể sống yên ổn trong đó”. Tấm lòng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” đã góp phần tạo nên sự phù hợp trong tầm đón đợi của ông với KVKT bên cạnh ảnh hưởng của tư tưởng thời đại và xu thế văn học đương thời. Nguyễn Du- con người trải nghiệm, một nghệ sĩ và một người giàu lòng nhân đạo đã có cuộc gặp gỡ với KVKT. Ông không chỉ là người đọc bình thường mà là một con người đã từng đau khổ, lăn lóc trong cuộc sống, nhiều tự vấn và tự nghiệm; lại sống trong bối cảnh vân hoá - xã hội có nhiều nét tương đồng với nguyên tác. Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Du và KVKT gợi đến cuộc gặp gỡ giữa Thuý Kiều và câu chuyện về nàng Đạm Tiên mà Vương Quan kể lại trước “nấm mồ vô chủ", trong buổi chiều du xuân. Cũng như Thuý Kiêu, khi gặp câu chuyện oan khổ trong KVKT của TTTN, Nguyẽn Du vốn đã “sẵn mối thương tâm”. Rồi con người tài tình ấy đã đọc, đã nghe, đã xúc động nghẹn ngào “vận vào” bản thân mình, rồi suy nghĩ vể số phận bạc mệnh của “những đấng tài hoa”, “lòng thơ lai láng bồi hồi” và sáng tạo (“Gốc cây lại vạch một bài cổ thi”). Đấy là “công thức” chung cho những suy nghĩ và hành động của người tài tử.

1.4 Từ tự sự của tiểu thuyết chương hồi đến tự sự của truyện thơ Nôm

1.4.1 Những yếu tố lí thuyết tự sự có liên quan đến vấn đề nghiên cứu:

Điểm quan trọng trong lí thuyết tự sự mà luận án này đề cập là vấn đề sự gián cách giữa người kể và đối tượng được kể (“kể về một cái gì tách biệt với mình”). Đây là nguồn của nhiều lí thuyết mới trong Tự sự học: vấn đề điểm nhìn của người tự sự (đứng cao hơn đối tượng được kể hay ngang hàng với nó; đứng ngoài xa quan sát lãnh đạm hay di chuyển điểm nhìn vào trong nhân vật mà quan sát ra môi trường...); vấn đề giọng điệu tự sự (giọng điệu của người biết hết mọi thứ trong sử thi hay giọng điệu người trăn trở dò tìm cùng nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại...). Sử dụng cách phân loại của lí luận phương Tây, người viết vẫn chú ý đến thực tiễn văn học phương Đông cổ, tức đối tượng đang khảo xét và chỉ vận dụng một số điểm phù hợp với dự định nghiên cứu.

1.4.2. KVKT và truyền thống tự sự trong tiểu thuyết chương hồi:

Tiểu thuyết chương hồi bắt nguồn từ truyền thống văn hoá tinh thần Trung Quốc cổ đại với hình ảnh những người kể chuyện rong (các thoại nhân). Tự sự của thể loại này thường sa vào những mô tả chi tiết đến tỉ mỉ và nhiểu ly kì. KVKT của TTTN cũng không đi ngoài hướng ấy. Tác phẩm là “một chuỗi những mưu mô...được trình bày khéo léo, chặt chẽ, có khả năng lôi cuốn người xem” (Phan Ngọc). Khả năng của người kể chuyên được bộc lộ trong việc nhìn sâu, nhìn kỹ một sự vật rồi tả nó ra một cách tỉ mỉ, TTTN đã thực hiện tốt yêu cầu này cùng với việc tự sự dùng một điểm nhìn. Đặt tác phẩm trong hệ thống tiểu thuyết chương hồi nói chung và tiểu thuyết ở Trung Quốc nói riêng, lối tự sự này không có gì mới và có lẽ vì thế mà mặc dù là một tác phẩm có lối viết khá hấp dẫn song KVKT vẫn không bật lên được khỏi vị trí “thường thường bậc trung” của nó trong tiểu thuyết Trung Quốc.

1.4.3. ĐTTT và truyền thống tự sự - trữ tình của truyện thơ Nôm

Là tác phẩm vừa có tính tự sự (“truyện”), vừa có tính trữ tình (“thơ"), ĐTTT của Nguyễn Du - đặt trong hệ thống tự sự và trữ tình Việt Nam thời trung đại I đã kết hợp hai yếu tố đó một cách hài hoà, sinh động và nâng đến độ tuyệt diệu.

Tự sự trong ĐTTT có nền tảng đặc trưng tự sự trong truyện thơ, thể hiện đặc biệt ở một số thao tác của Nguyễn Du: Xử lí cốt truyện vay mượn thành công đến mức văn bản tự sự — trữ tình của Nguyễn Du được thống nhất bởi một cảm hứng nhất quán, tác phẩm gần như là một “bài thơ” mà cốt truyện là một “tứ thơ”, đây là hiện tượng tự sự mang tính chất thể loại - Nguyễn Du đã nâng lên một cấp độ mới; Các yếu tố thể loại khác cũng như vậy trong ĐTTT.

Trữ tình - khi có mặt trong tác phẩm văn học - tạo nên đặc trưng của thể loại. Các dạng thức biểu hiện của tính trữ tình trong ĐTTT là bình luận trữ tình, thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật, mô tả thiên nhiên như một “phương tiện nội tâm hoá”.. .Chất thơ giao hòa trong yếu tố tự sự đã đem lại cho ĐTTT một bước đổi mới lớn lao so với nguyên tác và cũng đổi mới rất nhiêu so với truyền thống tự sự chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam.

1.5. Tiểu kết: Về văn hóa, ĐTTT và KVKT được xem như sản phẩm của văn hoá đô thị phong kiến phương Đông giai đoạn hậu kì. Việc vay mượn cốt truyện của Nguyễn Du một mặt được coi như một sự tiếp nhận văn học - mặt khác là hiện tượng phổ biến trong văn học trung đại ở nhiều nước song cũng rất phù hợp với đặc trưng văn hóa và vãn học Việt Nam cổ. về thể loại, luận án xem KVKT và ĐTTT như là kết quả của sự kế thừa hai truyền thống tự sự khác nhau, trong khi KVKT, dù được biết đến khá nhiều ở các quốc gia có giao lưu văn học với Trung Quốc như Nhật Bản, Triều Tiên - vẫn không thể vươn đến vị trí đẳng cấp trong nền văn học Trung Hoa, thì ĐTTT lại trở thành một kiệt tác được cả thế giới công nhận.

CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT TỰ SỰ CỦA NGUYỄN DU

2.1.    Hai đặc điểm của tự sự Nôm bằng thơ

2.1.1. Sáng tác trên những cốt truyện có sẵn

Hầu hết các tác phẩm tự sự thơ Nôm đều sáng tác trên những cốt truyện có sẵn, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt. Các tác giả vay mượn cốt truyện công khai thông báo việc này (Trước  đèn  đọc truyện Tây Minh - “Lục Vân Tiên”). Tác thuật - tức sáng tác bằng việc thuật lại những cốt truyện đã có - là một dấu hiệu điển hình của tư duy văn học trung đại. Các tác phẩm có sự vay mượn vẫn được coi là tác phẩm của riêng nhà văn.

2.1.2.  Tác phẩm như là tổ chức của những phiến đoạn

Tự sự Nôm bằng thơ là loại nghệ thuật ngôn từ làm theo hai thể hoặc Đường luật hoặc lục bát, nó có chức năng kép (đọc và truyền miệng) tức là cùng với việc đọc Phan Trần, đọc Kiều trên văn bản văn tự, còn có việc kể/ngâm Phan Trấn, kể/ngâm Kiều. Điều đó tạo nên đặc điểm riêng so với tự sự thuần túy: bởi tự sự bằng thơ không thể có quá nhiều chi tiết khiến người kể và lưu hành bằng miệng khó nhớ, khó thuộc nên nó phải có cấu trúc sao đó để mổi lần kể có thể hoàn thành một phiến đoạn để lần sau có thể kể tiếp - tác phẩm cấu trúc bằng những phiến đoạn là hợp lí hơn cả. VD: cấu trúc của Thiên Nam ngữ lục, Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên...

2.2. Cấu trúc văn bản tự sự của ĐTTT, vấn đề cốt truyện

Luận án đưa ra vấn đề về “văn bản” như một khái niệm của lí luận văn học hiện đại — nó được hiểu như một thực thể ngôn từ toàn vẹn mang tính thứ bậc. Từ đó khẳng định văn bản toàn vẹn của ĐTTT sẽ gồm 2 cấp độ: 1- “ Tự sự kết hợp trữ tình; 2- Có thể khu biệt tác phẩm thành vãn bản tự sự và văn bản thơ mà cấu trúc của hai loại văn bản này khác nhau vẻ bản chất. Văn bản tự sự được tổ chức theo nguyên tắc kế cận - trình tự thời gian xâu chuỗi các yếu tố khác biệt; còn văn bản thơ thì được tổ chức theo nguyên tắc tương đương, đó là việc “chiếu nguyên lí tương đương của trục lựa chọn lên trục phối hợp” (R.Jakovson). Người viết sẽ chỉ đề cập việc tổ chức văn bản tự sự trong luận án này, cụ thể là việc xem xét kết cấu cốt truyện của văn bản và việc xây dựng một số nhân vật chính thông qua những điểm nhìn nghệ thuật nhằm làm nổi bật sự sáng tạo của Nguyên Du so với TTTN. Cơ sở lí luận trong phần này là lí thuyết vể cốt truyện của G. N. Pospelov.

2.2.1. Kết cấu cốt truyện thứ nhất: Tiến trình của các sự kiện bên ngoài.

Sau khi thống kê sơ lược tiến trình sự kiện của 2 cốt truyện, luận án đi đến nhận xét về nguyên tắc xử lí cốt truyện vay mượn của Nguyễn Du: Lược bỏ hoặc sắp xếp lại các chi tiết của nguyên tác là cồng việc Nguyễn Du thực hiện đồng thời trong từng hồi, từng đoạn. Thao tác này không phải là sự tuỳ tiện mà là chủ đích nhằm phục vụ cho nguyên tắc phản ánh của ông: xây dựng một con người tâm lí đau khổ trong suốt 15 năm mà trước sau vẫn đa sầu đa cảm, sống vì mọi người, sống để kiếm tìm hạnh phúc.

2.2.2. Kết cấu cốt truyện thứ hai - sự phối hợp các phiến đoạn tâm lí

Trong ĐTTT, tác giả đã phơi bày trước người đọc quá trình phát triển tâm lí của nhân vật chính, trong đó, những trạng thái tâm lí trong hình thức các phiến đoạn đã tiếp nối, bổ trợ nhau để thống nhất bộc lộ tính cách nhân vật chính. Luận án, trong chừng mực có thể, quan tâm đến 6 lần nhớ nhà và 4 lần vượt thoát của Thúy Kiều.

2.2.2.1. Tiến trình tâm lí qua những lần nhớ nhà của Thúy Kiều

Sáu lần nhớ nhà, nhớ người thân của Thúy Kiều trong ĐTTT, sáu phiến đoạn với những ngôn từ trác tuyệt thể hiện những trạng thái nội tâm khác nhau của Kiều - về cùng một chủ đề hiếu và tình cũ - đã tạo thành một chuỗi tiếp nối tâm lí, tiến trình thay thế nhau của đời sống nội tâm. Và bởi vì chúng khác nhau cả về cái được biểu hiện (tâm trạng nhân vật ở các hoàn cảnh khác nhau) và cái biểu hiện (tổ chức ngôn từ khác nhau - như đã phân tích), thêm nữa chúng lại tuân theo một tiến trình hợp logic tâm lí và nhận thức của nhân vật với những biến cố và hành động nội tâm nên ta có thể xem đây như một “cốt truyện” tâm lí song hành, hay ít nhất, đó cũng là một cốt truyện của những sự vật hành động bên ngoài mà đường nét chính được Nguyễn Du vay mượn từ KVKT.

2.2.2.2. Tiến trình tâm lí qua những lần vượt thoát

Tâm trạng những lần vượt thoát của Kiều cũng tạo nên các phiến đoạn tâm lí trong vân bản tự sự ĐTTT như các phiến đoạn nhớ nhà. Chúng được liên kết lại theo một tiến trình logic làm thành một bộ phận quan trọng của văn bản tự sự ĐTTT.

Văn bản toàn vẹn của KVKT là văn bản tự sự thuần túy; còn văn bản tự sự của ĐTTT là văn bản tự sự - trữ tình. Cơ sở vãn bản tự sự ĐTTT là hai tiến trình sự kiện và có thể coi như hai cấp độ cốt truyện lồng ghép: một tiến trình các sự kiện, hành động bên ngoài - vay mượn từ KVKT và có sự lựa chọn gạt bỏ các tình tiết, yếu tố; một tiến trình khác là các sự kiện bên trong được hình thức hoá qua sự xâu chuỗi các phiến đoạn tâm lí, nhận thức, hành động - đây là sáng tạo của Nguyễn Du. Hai tiến trình lồng ghép trong nhau, cũng có khi song hành để cùng tạo thành văn bản tự sự phức tạp hơn nhiều so với văn bản tự sự đơn tuyến của KVKT.

2.3.    Điểm nhìn nghệ thuật và sự tái tạo nhân vật trong ĐTTT

2.3.1. Vấn đề lí thuyết về điểm nhìn

Điểm nhìn (Point of View) là một phạm trù đặc biệt quan trọng của Tự sự học. Thông qua việc giới thuyết về điểm nhìn nghệ thuật, người viết đồng thời giới hạn vấn đề nghiên cứu: xem xét điểm nhìn trong phạm vi văn bản tự sự của ĐTTT, đặc biệt tập trung vào việc mô tả nhân vật.

2.3.2.  Điểm nhìn với việc tái tạo nhân vật Thúy Kiều trong ĐTTT

KVKT chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên ngoài. Mặc dù có những điểm nhìn cùng được sử dụng trong 2 tác phẩm nhưng sự khác biệt nảy ra ở chỗ ĐTTT chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên trong. Nguyễn Du dùng nhiều điểm nhìn khác nhau để quan sát, mô tả nhân vật và thường xuyên thay đổi điểm nhìn (điểm nhìn bên trong/bên ngoài, điểm nhìn cá nhân nhà văn, điểm nhìn của người kể chuyên toàn thông...)- KVKT chỉ sử dụng thường xuyên vài điểm nhìn cố định (điểm nhìn bên ngoài: của người kể chuyện, qua những nhân vật khác, theo mô thức truyền thống). Điều này lí giải bằng yếu tố cái tôi trữ tình của tác giả ĐTTT xâm nhập vàp tất cả các yếu tố trong văn bản, kể cả vào việc xây dựng nhân vật.

Về hiệu quả thẩm mĩ của thủ pháp: Sự khác biệt trong sử dụng điểm nhìn khiến cho nhân vật của KVKT là nhân vật nhất phiến còn nhân vật của ĐTTT là nhân vật đa nghĩa. Nhân vật trong KVKT là con người đạo đức còn nhân vật trong ĐTTT là con người tâm lí. Trong phạm vi của luận án, ngườỉ viết tiến hành đối sánh chủ yếu với nhân vật chính, đối chiếu các nhân vật khác trong hai tác phẩm sẽ là phần việc được tiếp tục sau.

2.4. Tiểu kết: ĐTTT là một tác phẩm tự sự — trữ tình, trong đó tự sự là yếu tố thứ nhất, là văn bản cơ sở. Nếu so sánh 2 tác phẩm như so sánh một tác phẩm thơ với một tác phẩm văn xuôi thì chẳng mang lại ý nghĩa gì. Để thấy được sự khác biệt mang ý nghĩa sáng tạo tài năng của Nguyễn Du, cần thiết phải so sánh nghệ thuật kể chuyện trong hai tác phẩm: Sự khác biệt thứ nhất - cơ sở văn bản tự sự của ĐTTT là hai tiến trình sự kiện, có những cao trào nhất định và có thể coi như hai cốt truyện lồng ghép, cũng có khi song hành để cùng tạo thành văn bản tự sự phức tạp hơn nhiều so với văn bản tự sự của KVKT. Sự khác biệt thứ hai là việc mô tả nhân vật dựa vào hệ thống các điểm nhìn khác nhau. Điếu này khiến nhân vật của ĐTTT trở thành nhân vật đa nghĩa còn nhân vật KVKT thường trở thành nhân vật nhất phiến. Nhân vật ĐTTT là con người - tâm lí còn nhân vật KVKT là con người - đạo đức...

CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG CỦA ĐTTT TRONG SO SÁNH VỚI KVKT

3.1    Vấn đề tư tưởng của tác phẩm — nghĩa và ý nghĩa

Tư tưởng của tác giả (tức phần ngụ ý của nhà văn trong tác phẩm) không hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng của tác phẩm - tức nội dung nghệ thuật của nó. Khi đặt vấn đề về nghĩa và ý nghĩa (meaning — significance) trong tác phẩm - theo cách hiểu của lí luận văn học hiện đại — người viết suy nghĩ rằng: Tìm hiểu ĐTTT nếu chỉ cố gắng tìm hiểu những điều Nguyễn Du gửi gắm trong đó dường như là chưa đủ. Hệ thống tư tưởng của ĐTTT nhất định phải là sự thống nhất giữa điều mà Nguyễn Du ngụ ý và nghĩa tiềm tàng của văn bản tác phẩm có được trong quá trình tiếp nhận của người đọc. Nói về nội dung tư tưởng của ĐTTT ở đây, vì thế, không phải là nói về thế giới quan chung của Nguyễn Du, trong đó có nhiều cái nằm ngoài nội dung truyện thơ này, cũng không phải là một nội dung bất biến nào đó chứa đựng tác phẩm ấy, mà là nói về một nội dung cụ thể được nhận thức từ khoa học hiện tại. Có nghĩa là: nội dung tư tưởng của ĐTTT đã và sẽ còn được tiếp tục được phát lộ cùng với sự đọc của các thế hệ độc giả. Ngựời viết, do khuôn khổ luận án, chỉ trình bày vấn đề nghĩa văn bản tác phẩm.

3.2    Chủ đề tư tưởng của KVKT

Bản thân chủ đề tư tưởng của KVKT bộc lộ minh bặch ngay từ lời thuyết minh của tác giả ở đầu mỗi chương truyện. Tư tưởng của KVKT là đề cao phẩm chất đạo đức của nhân vật Kiều theo khuôn khổ đạo đức Nho giáo, câu chuyện Tài mệnh tương đố là phương tiện để tác giả TT - GN chuyển tải mục đích tối cao đó: “Qua rất nhiều bất hạnh và những xung đột mâu thuẫn phức tạp xen kẽ nhau dó, tác giả xây dựng từ nhiều mặt nghiêng, nhiều góc độ tính cách bi kịch của Vương Thúy Kiều, tỏ bày nhiều phương diện phẩm chất tốt đẹp trong tính cách của nàng, giành được sự đồng tình sâu sắc của mọi người” (Đổng Văn Thành).

3.3. Tư tưởng của Nguyễn Du trong ĐTTT

Nói về tư tưởng của Nguyễn Du, về “chủ ý” của ông (chữ “chủ ý” hiểu một cách tương đối) khi kể ĐTTT trước hết là nói về các triết lí chủ yếu mà ông tâm đắc và thấy câu chuyện về nàng Kiều trong KVKT là một minh chứng, ông thể hiện nó ở quan điểm đánh giá đối với các sự kiện, nhân vật khi kể chuyện. Theo lí luận văn học hiện đại thì tư tưởng của tác giả thể hiện trong tác phẩm tự sự qua cách nhìn và ngôn ngữ tác giả (phát ngôn trực tiếp), của người kể chuyện, của nhân vật trung tâm và các nhân vật chính diện. ĐTTT là một tác phẩm tự sự bằng thơ nên về cơ bản có sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng, cách nhìn, cách đánh giá của tác giả, người trần thuật và nhân vật trung tâm. Vì thế, người viết không tách riêng từng trường hợp (tác giả, người kể...) để xem xét mà sẽ kết hợp cùng khảo sát mặc dù vẫn có sự phân biệt rõ ràng.

Trong ĐTTT, tư tưởng của Nguyễn Du trước hết thể hiện ở triết luận chữ tài — xuyên suốt tác phẩm và là nội dung quan trọng nhất. Đăng lên một triết luận chua chát ở đầu và cuối tác phẩm, đặt nhân vật Thúy Vân trong thế đối sánh với nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du bày tỏ thái độ không thừa nhận tư tưởng “tài mệnh tương đố” và gợi người đọc băn khoản vê một nghĩa khác của chữ tài. Tài mà Nguyễn Du dùng để nói về Kiều (Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau) nếu hiểu là tài năng thì không thể lí giải nguyên nhân nỗi khổ của đời Kiều, nếu hiểu tài là tình thì chưa đủ thuyết phục vì Tam Hợp đạo cô đã từng nói Kiều khổ vì “sắc sảo khôn ngoan” cộng thêm với "‘một chữ tình”. Khi lí giải bằng tư tưởng triết học Trung  Quốc đời Tống vể chữ tài cùng với quan niệm của người xưa về “tài” trong Từ điển Từ Hải (tài: tài năng/ thảo mộc chi sơ/lực), có thể hiểu rằng: Tài mà Nguyễn Du muốn nói là nguyên nhân nỗi khổ của Kiều (khi xung khắc với Mệnh) chính là năng lực sống (theo triết học đời Tống: Tính ví như mặt nước phẳng/ Tình là mặt nước nổi sóng, va động/ Tài là lực làm cho mặt nước nổi sóng). Chính vì ham muốn sống mà những “nhân dục” trong Kiều không phù hợp với “thiên lí” đương thời nên xã hội ấy vùi dập nàng là điều đương nhiên. Bản thân Nguyễn Du cũng nhận thấy ở con người thời đại một sức sống nồng nhiệt, say mê mà phần lớn là không được cuộc đời đáp ứng, cất tiếng kêu mới về khúc đoạn trường của Kiều cũng là cất lên tiếng nói thời đại...Tất nhiên cách hiểu này cũng chỉ là tương đối và cũng là một cảm nhận của người viết mà thôi.

3.4. Giải pháp chữ Tâm

Nếu như Tài (theo nội dung mà Nguyễn Du quan niệm) mang đến nghiệp chướng cho Kiều thì chữ Tâm chính là giải pháp để thoát khỏi nghiệp chướng ấy. Đây là phần khác biệt của ĐTTT so với KVKT. Theo Nguyễn Du, chữ Tâm mới là gốc, là điểm tựa của Tài, Tình. Trong ĐTTT, chữ Tâm được nói tới nhiều lần và toàn vào những thời điểm bước ngoặt, được phát ngôn bởi những người “anh minh”. VD: lời tác giả trong đoạn kết với giọng điệu hoàn toàn không có tính “nhại” (parodique — cách dùng của M.Bakhtin), tức ngôn ngữ đơn âm (monophonie). Giọng đơn âm trang trọng này đặc thù cho loại diễn ngôn “cao cả” mang tính thông báo về một chân lí không thể bàn cãi. về nội dung chữ tâm, theo cảm nhận và suy luận của người viết, tuy có âm hưởng Phật giáo, tuy “có tính chất hỗn hợp” nhưng về cần cốt, nó gần với chữ nhân theo quan điểm thông thường: thương yêu và giúp đỡ con người — một thứ chủ nghĩa nhân đạo tình thương của người Việt Nam.

3.5. Tiểu kết

Người viết đã cố gắng chỉ ra nội dung tư tưởng của Nguyên Du trong ĐTTT được thể hiện trên văn bản qua cách nhìn, cách đánh giá và ngôn ngữ của tác giả, của người kể chuyện, của nhân vật trung tâm và một số nhân vật chính diện. Đó là triết lí chữ Tài và giải pháp chữ Tâm. Tài mệnh tương đố là một hiện thực, dưỡng tâm là một giải pháp. Tài và Tâm - đó là hai chiều không gian tư tưởng của Nguyễn Du trong ĐTTT.

KẾT LUẬN

Luận án đã bước đầu xác đinh quá trình sáng tác ĐTTT của Nguyễn Du là một “cuộc tái tạo” đầy nhiệt huyết và công phu để cho ra đời một sáng tạo phẩm thực sự - kiệt tác ĐTTT. Người viết, một mặt coi lí do vay mượn cốt truyện cũng là một khâu đầu tiên của quá trình sáng tạo, mặt khác cố gắng làm sáng tỏ những sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du trên cấp độ cốt truyện, xây dựng nhân vật, tư tưởng của tác phẩm thông qua sự so sánh với nguyên tác. Có thể đi đến một số kết luận sau:

1. Lí do lựa chọn cốt truyện vay mượn của Nguyễn Du từ lâu vẫn được xác định rằng do sự đồng cảm với cảnh đời đau khổ của nhân vật Kiểu trong nguyên tác, do nhu cầu phản ánh thời đại mà Nguyễn Du đã lấy lại cốt truyện của TTTN. Luận án bổ sung thêm: Nguyễn Du vay mượn cốt truyện, trước hết bắt nguồn từ sự tương đồng về loại hình văn hoá thời đại — văn hoá đô thị phong kiến phương Đông giai đoạn hậu kì, thời đại ấy đã tạo điều kiện cho sự  hình thành và phát triển của hai dòng văn học lớn: tiểu thuyết TT - GN và truyện thơ Nôm; thời đại ấy cũng hình thành trong cá nhân Nguyễn Du một nếp cảm, nếp nghĩ- Để rồi nếp cảm, nếp nghĩ ấy được định hình hoá bởi cuộc sống nhiều trải nghiệm, bởi tư chất nghệ sĩ và bởi trái tim nhân đạo của ông, tất cả những điều đó tạo ra một “kinh nghiệm thẩm mĩ ” của người đọc - Nguyễn Du để khi tiếp nhận văn bản KVKT, Nguyễn Du có một tâm thế đón nhận đầy rung động như chúng ta đã thấy.

2.Hai tác phẩm kế thừa hai truyền thống tự sự khác nhau, xét mỗi tác phẩm trong cùng hệ thống của nó, người viết nhận thấy: KVKT kế thừa một truyền thống thể loại vững chắc và đồ sộ về mọi phương diện nhưng tác phẩm mới chỉ vượt lên được trong văn hệ KVKT chứ chưa thể định vị trong hệ thống những tác phẩm TT - GN (chưa nói đến toàn bộ tiểu thuyết Trung Hoa) mặc dù nó mang đầy đủ những phẩm chất tự sự đặc trưng của loại truyện này. Ngược lại, ĐTTT kế thừa truyền thống thể loại truyện thơ Nôm, một thể loại mới của văn học Việt Nam cổ nhưng tác phẩm đã tập đại thành tinh hoa thể loại, đưa những đặc trưng thể loại truyện thơ Nôm lên một tầm cao mới - tự sự kết hợp trữ tình - và đạt tới đỉnh cao “vô tiền khoáng hậu”. Sự khác biệt về vị trí này quy định bởi khả năng sáng tạo của hai tác giả mà chương 2-3 của luận án sẽ tường minh.

3.Về cốt truyện, trong nghiên cứu ĐTTT, từ trước tới nay so sánh cốt truyện của hai tác phẩm đã tiến hành ở cấp độ chi tiết (Nguyễn Du thêm, bớt, sắp xếp lại các sự kiện, tình tiết vay mượn như thế nào). Từ hướng nghiên cứu văn bản theo lí thuyết Tự sự học - một lí thuyết văn học mới được giới thiệu ở Việt Nam và hệ thống phương pháp nghiên cứu của nó vẫn đang được thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy: ĐTTT trước hết là một tác phẩm tự sự và nghệ thuật của tác phẩm, trước hết là nghệ thuật tự sự của Nguyễn Du. Từ sự nhận diện những đặc điểm của tự sự Nôm, kết hợp với quan niệm văn bản theo cách hiểu của lí luận văn học hiện đại, đặc biệt là lí thuyết cốt truyện của G.N.Pospelov, người viết cố gắng chỉ ra thêm sự khác nhau ở cấp độ vãn bản toàn vẹn: Văn bản toàn vẹn của KVKT là văn bản tự sự thuẩn túy; văn bản toàn vẹn của ĐTTT là vãn bản tự sự - trữ tình và là sự phối hợp giữa hai tuyến cốt truyện: tuyến cốt truyện thứ nhất là cốt truyện vay mượn của TTTN, cốt truyện thứ hai là cốt truyện tạo thành từ sự phối hợp các phiến đoạn tâm lí - tức một cốt truyện tâm lí được hình thức hoá qua những lần nhớ nhà, những lần vượt thoát của nhân vật.

4. Về phương thức xây dựng nhân vật, hai tác phẩm cũng có sự khác biệt vể căn bản. Luận án vận dụng lí thuyết điểm nhìn tập trung vào việc xây dựng nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du trong tương quan so sánh với KVKT. Từ đó, tường minh thêm sự khác nhau về nghệ thuật tự sự của hai tác phẩm dẫn tới sự khác biệt về bản chất giữa hai nhân vật chính: TTTN chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên ngoài khi xây dựng nhân vật. Ngược lại, Nguyễn Du sử dụng lồng ghép hai điểm nhìn tự sự, trong đó đặc biệt nhiều với điểm nhìn bên trong, ông cũng thường xuyên thay đổi điểm nhìn khi miêu tả nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính, khiến cho nhân vật từ một con người - đạo đức trong nguyên tác thành con người - tâm lí trong ĐTTT; nhân vật của TTTN là nhân vật nhất phiến còn nhân vật của Nguyễn Du là nhân vật đa nghĩa. Qua sự khảo sát hình tượng nhân vật Thúy Kiều, bên cạnh những lí giải về phương thức xử lí cốt truyện vay mượn của Nguyễn Du, người viết còn đi đến một nhận xét rằng: Điểm mấu chốt tạo nên phẩm chất nghệ thuật khác biệt ở hai tác phẩm chính là ở nghệ thuật tự sự của hai tác giả.

Dù cùng một cốt truyện nhưng cách xừ lí cốt truyện khác nhau sẽ thay đổi hoàn toàn giá trị tác phẩm. Đồng thời, cách xử lí của Nguyễn Du cũng không đơn thuần là thao tác cơ học (cắt, ghép, thêm bớt, thay đổi...) mà là một nguyên tắc xử lí hết sức đặc biệt - cho thấy “tầm vóc” của nhà thơ Việt Nam trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

5.Vấn đề tư tưởng của tác phẩm từ lâu đã được bàn đến rất nhiều. Tuy vậy, với cảm nhận của riêng mình - cũng như bao nhiêu người khác viết về ĐTTT vì lòng yêu mến nó - người viết, dựa trên nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, vẫn mạnh dạn nêu ra một cách hiểu về tư tưởng của ĐTTT mà có thể nó còn chưa thật thuyết phục với nhiều người.

Nếu như KVKT chỉ có một tư tưởng duy nhất là ca ngợi lễ giáo phong kiến, khẳng định tư tưởng tài mệnh tương đố  thông qua hình ảnh những tài tử - giai nhân; thì ĐTTT là sự không thừa nhận tài mệnh tương đố. Tác phẩm đăng lên những triết lí về cuộc sống, về thân phận con người. Đó là triết lí chữ Tài với quan niệm tài mệnh tương đố có dấu ấn Nho giáo mà nội dung thực chất lại là khát vọng sống, mong muốn được sống xứng đáng của con người. Đó là giải pháp chữ Tâm có dấu ấn Phật giáo nhưng nội dung thực chất lại là tình thương, sự xót thương những con người bất hạnh, bị chà đạp. Tài mệnh tương đố là một hiện thực, dưỡng tâm là một giải pháp.

Một số hướng nghiên cứu gợi ra từ đề tài:

   - So sánh ĐTTT vói hệ thống tác phẩm tiểu thuyết TT - GN phương Đông cùng thời.
   - So sánh ĐTTT với hệ thống truyện Nôm Việt Nam cùng motip vay mượn cốt truyện Trung Quốc.
   - Tư tưởng ĐTTT trong tương quan với hệ thống tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là thơ văn chữ Hán.

Khó có thể nói hết những cái hay, cái đẹp của ĐTTT. Với những nhà khoa học - những độc giả thành thạo (skiller reader), sự tiếp cận tác phẩm sẽ cho ra đời những công trình. Còn với người viết luận án, “ĐTTT - cuộc tái tạo nghệ thuật cùa Nguyễn Du" chỉ là sản phẩm cùa một tấm lòng yêu mến kiệt tác văn học dân tộc, một nỗ lực tiếp cận văn bản tác phẩm từ nhiều hướng với mục đích duy nhất là tìm ra thêm những sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du khi tái tạo lại cốt truyện vay mượn và lí giải nó, ngõ hầu tường minh thêm được đôi điều còn bỏ ngỏ trong lịch sử vấn đề nghiên cứu.

Tác phẩm văn học là một quá trình. Sự tồn tại của một tác phẩm văn học cũng là một quá trình, trong đó, sự di thực và tiếp biến đã trở thành quy luật. Tiếp biến văn hóa (acculturation) và nhân học văn hoá vẫn hằng ngày đang diễn ra trên thế giới này, bất chấp mọi va động của cuộc sống, thầm lặng đem đến những tinh hoa cho nhân loại. ĐTTT cùng với KVKT cũng nằm trong quy luật diệu kì ấy...

GS. Trần Đình Sử đã từng viết: “Chúng tôi biết không một cách tiếp cận nào có thể nói hết được Truyện Kiều, vì nó là một tác phẩm sống. Đối với một cơ thể sống thì chỉ những ai cùng sống với nó mới có thể hiểu hết được. Nhưng ai có thể sống lâu được như Truyện Kiều?

Nghĩa là con đường đến với ĐTTT luôn rộng mở...


Ấn phẩm khác