nguyendu.org.vn
Loading...

Đình tế Tư văn và lễ cầu khoa


Đình Tế Tư Văn còn gọi là Văn Miếu (Văn thánh) là một hạng mục trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
 

Nhà Bình văn đã được tu bổ năm 2020

 
Sách Nghi Xuân địa chí chép, từ thời Long Đức triều Lê Thần Tông về trước, huyện Nghi Xuân tế đinh thường tới Văn Miếu ở xã Xuân Viên. Đến thời Vĩnh Hựu triều Lê Ý Tông (1735-1740), Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm sau khi đậu tiến sỹ, làm quan, việc đầu tiên đối với quê hương của ông là chăm lo mở mang việc học tập của sĩ tử trong huyện nên đã dời chuyển Văn Miếu về xây dựng ở Tiên Điền, nơi có vị thế cảnh đẹp nhất huyện lỵ, điều đó được thể hiện ở cổng vào Văn Miếu có câu đối:
 
Hà mạc do tư ngư hải hồng sơn tả hửu/Đắc nhi nhập giả phượng trì long bảng cổ kim.
(Sao chẳng từ đây, tả hữu non Hồng biển hội/Chỉ được vào đó xưa nay áo phượng bảng rồng)
 
Theo cuốn Danh gia xứ Nghệ Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (NXB Thuận hoá, năm 2016), Văn Miếu khi di chuyển về Tiên Điền sĩ tử Nghi Xuân đậu đạt nhiều hơn. Cũng từ đây Văn Miếu ở Tiên Điền còn có tên gọi là Đình Tế Tư Văn, mỗi khi thầy Nguyễn Nghiễm về thăm quê, ông đã đứng ra tổ chức cho các văn nhân đến bình thơ, bình văn, và còn dạy học tại Văn Miếu, học trò xứ Nghệ đến nghe giảng rất đông có nhiều người đỗ đạt thành danh như Ngô Phúc Lâm , Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Khản... 
 
Năm Tân Hợi 1791 triều Tây Sơn, anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống lại nhà Tây Sơn nên quan hiệp trấn Nguyễn Quang Dụ cho quân về vây ráp đất Tiên Điền phóng lửa đốt cháy Đình Tế Tư Văn, chỉ còn lại gian miếu thờ thánh hiền. Hai năm sau, Nghi Đình hầu Nguyễn Đề con trai của Xuân Nhạc Công cho sữa chữa lại và ”thông sức trong huyện hạt, người nào là con cháu thuộc dòng dõi khoa bảng cũ phải nộp 3 quan tiền; người dân bạch đinh ai biết chữ nộp vào 10 quan tiền thì cho làm tân hiệu sinh, thu được số tiền vài trăm quan cho vay lấy lãi. Mỗi năm hai ngày tế ”đinh” giao tiền lãi cho lý dịch xã Tiên Điền sắm xôi gà làm lễ cúng tế đặt thành ước lệ”.
 
Năm Mậu Tuất (1838), đời vua Minh Mệnh, hội Tư Văn huyện xây dựng thêm nhà bái đường, là nơi sau khi làm lễ dâng hương tại Văn Miếu kết thúc, các sỹ phu, các nho sinh, khoa bảng đỗ đạt vinh quy về tế lễ sinh hoạt văn chương, toạ đàm thời cuộc, họa thơ, bình văn.
 
Đình Tế Tư Văn đến nay đã trãi qua nhiều lần tu bổ tôn tạo, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính nơi cửa Khổng, sân trình. Gồm có hai ngôi nhà, được xây kiểu  hình chữ ”Nhị” (thượng điện gọi là nhà Văn Thánh; bái đường gọi là nhà Bình Văn).
 
Nhà Văn Thánh với ngôi nhà gỗ 3 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, không có đao vuốt, trên bờ nóc có “lưỡng long chầu nhật”. Bên trong có hương án sơn son thiếp vàng, trên đặt bức tượng Khổng Tử, lư hương cùng các đồ tế khí khác, hai bên có hai chiếc lọng và hai con hạc bằng đồng. Phía trên treo bức hoành phi:" Vạn thế sư biểu "(người thầy tiêu biểu của muôn đời) và đặc biệt có câu đối về đạo làm người: 
 
Cường thường chi huấn ghi văn dạ/Lễ nghĩa môn trung thường học chi.
(Phép dạy đạo cương thường nhớ ghi trong dạ/Cửa nhà thánh nên chăm học lễ nghĩa).
 
Nhà Bình Văn bố trí gần giống Nhà Văn thánh, gồm có 3 gian, hai hồi, tường bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong gắn hình đầu rồng. Bên trong treo bức hoành phi: “ Cổ kim nhật nguyệ”( ánh sáng muôn thủa).
 
Đình Tế Tư Văn là biểu tượng của tinh thần học tập của vùng đất khoa bảng truyền thống Tiên Điền, đề cao đạo học (Nho học), gắn liền với nghi lễ đặc biệt quan trọng đó là “Lễ Cầu Khoa” (lễ tế cầu khoa bảng đỗ đạt). Lễ này dành riêng cho giới sĩ tử, người ta cầu mong cho con em trong làng đỗ đạt hiển vinh. Lễ cầu khoa theo tục lệ thông thường, ngày đóng quyển thi, người đi thi phải làm lễ cúng thần nhưng cũng có nơi toàn xã lễ chung. Xã Tiên Điền định lễ hai năm Mão và năm Dậu tổ chức hát xướng, thờ thần. Có xã định lễ thi Hội lễ vào ngày khai hạ, thi Hương lễ vào ngày kỳ phúc, còn các xã khác ngày học trò vào trường thi và trước ngày xướng bảng, các ông hương túc trực tại Văn Miếu để cầu khẩn cho học trò đậu đạt. Lễ này chỉ dành riêng cho giới sỹ tử nhưng Tiên Điền là một làng có truyền thống học tập nên lễ cầu khoa này cũng được xem là của làng tổ chức.
 
Trước ngày đi thi hương, các sĩ tử thì lo chuẩn bị lều chõng còn làng thì biện lễ cúng ở Văn Miếu, lễ phẩm nói chung chỉ là xôi gà, rượu thịt. Những người được mời đến dự lễ gồm các chức sắc trong làng, các thầy giáo và các thân nhân những người có sĩ tử đi thi. Lễ này có ý nghĩa rất lớn không chỉ mong thần linh phù hộ cho con em trong làng đi thi đạt kết quả cao mà đó còn thể hiện tinh thần tôn trọng và đề cao đạo học của làng và thể hiện tinh thần đoàn kết keo sơn với những người sống trong môi trường làng xã. Tạo thành những phong tục tập quán riêng cho xã Tiên Điền. Cùng với “Lễ Cầu Khoa” là lễ hội vinh quy bái tổ “Lễ Mừng Đăng Khoa” cho các nhà khoa bảng vinh hiển của địa phương ở các tổng, huyện, làng xã đỗ đạt.
 
Đây là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng đức Khổng Tử, tiên hiền, tiên nho, các nhà khoa bảng vinh hiển của địa phương. Ngày xưa là nơi dạy học đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, là nơi đón rước sĩ tử đi thi và đỗ đạt vinh quy trở về. Ngày nay, trước các kỳ thi, các tầng lớp học sinh và nhân dân địa phương cũng như trong vùng vẫn tới đây để dâng lễ cầu may, gửi gắm niềm tin và thắp sáng truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học của người dân xứ Nghệ.
 
 
Lê Vân
 

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website