Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nằm trên địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, với diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long và xây dựng nơi đây thành một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng, thành Thăng Long luôn giữ vị trí “Quốc đô”, là nơi ở và làm việc của Vua và Hoàng tộc. Khu vực này cũng còn là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của đất nước. Sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế (1802), vai trò kinh đô của Thăng Long mới bị giải thể… Từ sau năm 1954, khu vực thành Thăng Long trở thành trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng. Chính tại khu vực này, nhiều quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được ra đời, góp phần tạo ra những thắng lợi lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng…, nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được một số di tích lịch sử và khảo cổ học, tiêu biểu như:
Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội): xây dựng vào năm 1812, dưới thời vua Gia Long, cao 33,4m, gồm ba tầng: đế, thân cột và vọng canh...
Đoan môn: là cửa thành phía Nam, xây theo kiểu vòm cuốn. Đoan môn được bố cục theo chiều ngang, gồm cửa chính giữa dành riêng cho vua, hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, dành cho các quan và hoàng tộc...
Điện Kính thiên: nằm ở vị trí trung tâm của hoàng thành (thời Lê Sơ), được xây dựng năm 1428, ngay trên nền cũ của điện Càn Nguyên thời Lý (sau đổi tên là điện Thiên An). Năm 1886, điện này đã bị thực dân Pháp phá để xây dựng Sở Chỉ huy Pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay, chỉ còn lại dấu tích của nền móng của điện Kính thiên. Đặc biệt, khu vực này còn lưu giữ được hai bậc thềm rồng bằng đá, có niên đại thế kỷ XV.
Hậu lâu (Lầu Công chúa): xây dựng năm 1821, được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống các Vua nhà Nguyễn khi xa giá ra Bắc. Cuối thế kỷ XIX, Hậu lâu bị hư hỏng nặng, thực dân Pháp đã cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay.
Chính Bắc môn (Cửa Bắc): là cổng thành phía Bắc, được xây dựng năm 1805, gồm hai tầng, tám mái, với đầu đao cong, theo kiểu truyền thống.
Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn: năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây dựng tường bao từ cửa Đoan môn quanh nội điện, làm hành cung để vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay, trong khu thành cổ còn 8 cổng thành cùng với hệ thống tường bao xung quanh hành cung bằng gạch vồ.
Di tích nhà và hầm D67: được xây dựng vào năm 1967, trong khu A. Đây là nơi Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã đưa ra nhiều quyết định mang tính lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch năm 1972, Cuộc tổng tiến công năm 1975 và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Những công trình kiến trúc Pháp: được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX theo kiểu Vauban, bao gồm tòa nhà Sở Chỉ huy Pháo binh Quân đội Pháp; một tòa nhà 2 tầng, xây dựng năm 1897, nay dùng làm trụ sở của Cục Tác chiến; hai tòa nhà một tầng, xây dựng năm 1897. Phía Đông của tòa nhà Cục Tác chiến có một nhà khách, xây dựng năm 1930.
Cây xanh trong khu di tích: được trồng với mật độ dày, đa dạng về chủng loại, đã góp phần tạo ra môi trường trong lành và cảnh quan hài hòa cho khu di tích.
Di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về phía Tây, có diện tích 4,530ha, bắt đầu khai quật từ tháng 12 năm 2002, được phân định làm 4 khu (A, B, C, D). Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị, như vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, cột gỗ, đồ gốm sứ của các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản…
Thành cổ Thăng Long - Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, là bằng chứng vật chất phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới trong một quá trình lịch sử lâu dài, thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày hàng ngàn năm lịch sử.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày12/08/2009).