nguyendu.org.vn
Loading...

Đền Đông Hải với lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm


Đền Đông Hải ở Làng Cam Lâm (trước đây gọi là trang Cam Lâm, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Đền thờ Đông Hải Đại Vương - cá Ông (cá Voi) thuộc thôn Lâm Hoa, nay là thôn Lâm Hải Hoa xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
 
 

Đền Đông Hải

 

Vị thần được lưu truyền tại đền Đông Hải như sau: Thuở xưa, vào một buổi sáng ngoài biển trôi dạt vào bãi cát làng Cam Lâm một bộ xương cá Voi, người dân trong làng thấy điều linh thiêng bèn tổ chức lễ tang chôn cất chu đáo như người thân và lập đền thờ để thờ ngư thần, hiệu của thần là: “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nậm linh ứng uông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh thần”.
 
Đã có nhiều câu chuyện được ngư dân làng biển kể lại khá ly kỳ như: cá Voi giúp nâng thuyền đẩy vào gần bờ cứu người gặp nạn và trở thành phao cứu sinh cho nhiều người bám trụ, sống sót kỳ diệu ... những nghĩa cử ấy được con người ví cá Voi như một vị thần biển luôn phù trợ, giúp sức cho người đi biển và dân vùng này gọi là thần Đông Hải.
 
Đền Đông Hải được lập cách đây 300 năm, năm 2017 được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Đến nay đền đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo, lần tôn tạo có quy mô lớn nhất được hoàn thành vào năm 2022. Với tổng diện tích gần 2000m2, kết cấu của đền theo hình chữ Đinh, không gian chính giữa nhà thượng điện có đặt phần mộ chính (hài cốt) của vị cá Ông đầu tiên khi Ông lụy vào bờ biển thuộc làng Cam Lâm, xã Xuân Liên. Ngoài phần mộ chính đặt vào vị trí trung tâm trang trọng nhất trong nhà thượng điện, hai bên ngoài nhà thượng điện có có 27 ngôi mộ Ông lụy sau. Theo quan niệm dân gian, cá Voi không phải là một sinh vật bình thường mà là sự hiển diện của một vị thần biển. Theo lệ, ai phát hiện được “Ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính như cha mẹ mình, sau 3 năm thì được người dân tổ chức lễ cất bốc và an vị tại đây theo phong tục truyền thống. Người dân vùng biển tin rằng người nào gặp được “Ông lụy” thì sẽ được nhiều ơn lộc trời ban, những chuyến ra khơi sau đó luôn đánh bắt được nhiều hải sản. Còn đối với dân làng nơi đây có câu: “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”.
 
Hiện trong Đền còn lưu giữ được những đạo sắc phong quí cho thấy dưới triều Nguyễn, vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và năm Khải Định thứ 9 (1924), đã giao cho trang Cam Lâm phụng thờ vị tôn thần Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần hay Đông Hải Linh Ứng tôn thần, việc phụng thờ này cũng gắn liền với Lễ hội Cầu Ngư ở làng Cam Lâm và căn cứ các bản sắc phong này thì Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm có từ thời Nguyễn.
 
Lễ cúng cá Ông là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển. Trong làng, người ta chọn ra một ban nghi lễ là các vị cao niên, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Tại lăng Đức Ông, vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức cá Ông và cầu mong một mùa đánh bắt an toàn, bội thu và trước khi giong thuyền ra khơi đánh cá, nhân dân có phong tục đến đền Cá Ông thắp hương, cầu nguyện may mắn. Lễ cúng cá Ông gắn liền với Lễ hội Cầu Ngư diễn ra với nghi thức phần lễ và phần nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
 
Phần lễ được ngư dân nơi đây tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, nghinh thần rước sắc, đọc văn tế… Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư (bắt đầu từ lăng Ông, tức là Đền Đông Hải), sau phần này, ngư dân tiếp tục thực hiện lễ nghinh thủy, lễ rước hồn Đông Hải.
 
Phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư được bắt đầu với loạt những trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như Trò Kiều và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền, đánh bóng chuyền bãi biển nam, nữ…
 
Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của làng Cam Lâm, diễn ra vào dịp rằm tháng Giêng và cứ 3 năm một lần, người dân ở đây sẽ tổ chức Lễ hội Cầu Ngư với nhiều nghi lễ cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gia sôi nổi. Đây được xem như một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của người dân làng Cam Lâm nói riêng và ngư dân các địa phương lân cận nói chung.
 
Ngoài mục đích để tưởng nhớ, đền đáp công ơn cứu giúp của Đức Ngư Ông đối với người đi biển, cầu mong mưa thuận gió hòa được mùa bội thu hải sản, lễ hội cũng là dịp để ngư dân thể hiện tính tương trợ, thắt chặt tình đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn xây dựng ngư làng ngày càng đầm ấm phát triển. 
 
Lễ hội Cầu Ngư mang đậm dấu ấn văn hóa biển và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của những con người gắn bó với biển và sinh tồn trên biển. Đặc biệt Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm chứa đựng các hình thức diễn xướng dân gian, gắn bó với trò Kiều, dân ca Ví - Giặm, tập quán xã hội và các trò chơi truyền thống có từ lâu đời nhưng vẫn được sáng tạo, thể hiện một cách sâu sắc và  ấn tượng.
 
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tập quán tín ngưỡng độc đáo, ngày 21/2/2024 Bộ VHTT & DL đã đưa Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay ở Hà Tĩnh, Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm xã Xuân Liên cùng 3 lễ hội khác là: Lễ hội đền Lê Khôi (Thạch Hà), Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn), Lễ hội Cầu Ngư Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) đã được Bộ VH - TT & DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lê Vân

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website