Loading...
|
Danh nhân văn hóa Nguyễn Du và việc tổ chức Festival về Đại thi hàoNgày 31 tháng 07 năm 2017
1. Hà Tĩnh, vùng “đất cổ nước non nhà” nổi tiếng địa linh nhân kiệt, với một nền tảng văn hoá lâu đời, đặc sắc. Làm nên truyền thống văn hoá rực rỡ đó là người dân Hà Tĩnh cần cù, thông minh, hiếu học, dũng cảm, yêu nước thương nòi, giàu lòng nhân nghĩa.
(Ảnh: Minh Chiến) Trong quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài, gian khổ của dân tộc, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp rất nhiều nhân tài vật lực và xương máu. Trên mọi phương diện của trường kỳ lịch sử dân tộc, con em Hà Tĩnh đời nào cũng có những nhân vật kiệt xuất góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tiêu biểu cho những người con ưu tú của xứ sở núi Hồng sông La là Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Với kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Nguyễn Du đã được đánh giá là “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”(Chế Lan Viên).
Kế tục và phát huy truyền thống quê hương, sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã thu được nhiều thành tựu về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đời sống văn hoá không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, hiện tại, Hà Tĩnh đang là một tỉnh nghèo, chậm phát triển so với cả nước; các tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Trong đó, tiềm năng văn hoá - du lịch chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng. Vì vậy, việc khai thác các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, tiếp tục nâng cao đời sống văn hoá nhân dân, củng cố và xây dựng một nền tảng văn hoá đậm đà bản sắc xứ sở, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc kinh tế-xã hội, góp phần xứng đáng vào sự thành công của quá trình hội nhập toàn cầu của đất nước là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của Hà Tĩnh. Giá trị văn hoá nào cũng bao gồm hai khía cạnh: tính độc đáo và tính phổ quát. Giá trị văn hoá càng lớn thì tính độc đáo càng cao và đương nhiên, tính phổ quát càng sâu rộng. Các cộng đồng người, các dân tộc vượt qua được những khác biệt tiêu cực để xích lại gần nhau, giao lưu văn hoá với nhau để làm giàu văn hoá cho nhau phần lớn là nhờ sự tán sắc của các giá trị văn hoá lớn mà họ đã tích luỹ được trong cuộc đấu tranh sinh tồn quyết liệt, trong hành trình lịch sử gian nan, lâu dài mà họ phải kinh qua. Với Nguyễn Du, dân tộc ta đã có một tập đại thành văn hoá của hàng nghìn năm tích hợp lại và được danh nhân vượt gộp, nâng cao trong giao thoa với văn hoá trong khu vực. Vì thế, trong các di sản văn hoá cần khai thác, trước mắt, việc khai thác các giá trị văn hoá của Đại thi hào, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du trong tương quan với các giá trị tương đồng trên xứ sở, trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới là một việc làm cần kíp và có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Các dân tộc muốn giao lưu văn hoá sâu rộng với nhau, phải thông qua các đỉnh cao văn hoá, thông qua các nhân vật khổng lồ, những anh hùng văn hoá của mọi thời đại. Do đó, việc tổ chức các lễ hội văn hoá (festival) là một phương thức và phương tiện quan trọng để các di sản văn hoá được sự kiện hoá, được sống động trong đời sống thực tiễn của mọi cộng đồng, dân tộc hôm nay. Bởi vậy, việc tổ chức festival Nguyễn Du chính là tạo ra một sự kiện xứng tầm với danh nhân để phát triển văn hoá-du lịch cho quê hương, đất nước. Mặt khác, cùng thời với Nguyễn Du, các danh nhân văn hoá thế giới như Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832), Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799 – 1837) không chỉ ở quê hương của các đại thi hào này mà khắp nơi trên thế giới đều có Viện Goethe, Viện Pushkin; tại Việt Nam, đến nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các viện này. Theo gương Liên bang Nga và Cộng hoà liên bang Đức, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, từ năm 2004 đã đặt quan hệ và thiết lập Học viện Khổng Tử ở hải ngoại. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 400 học viện, lớp học Khổng Tử được mở ở hàng trăm nước nước trên khắp các châu lục. Thực chất của các viện, học viện mang tên các đại danh nhân này chính là cơ quan truyền bá văn hoá ở nước ngoài, là “tấm danh thiếp” trang trọng của các nước nói trên trong công cuộc giao lưu, hội nhập toàn cầu. Đáng tiếc là đến nay, trừ Hội Kiều học Việt Nam (một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tính chất, tôn chỉ và thực trạng hoạt động không như các viện nói trên) được thành lập cuối năm 2011, chưa có một tổ chức văn hoá tương tự mang tên Nguyễn Du được thành lập ở Việt Nam, ở Hà Tĩnh quê ông, chứ chưa nói đến ở hải ngoại. Từ đó, chúng ta lại càng thấy rằng, việc tổ chức Festival Nguyễn Du là một việc làm có ý nghĩa thời sự nóng hổi. Ở Hà Tĩnh, việc tổ chức tuần lễ văn hoá Nguyễn Du vào dịp kỷ niệm 240, 245 và 250 năm ngày sinh của ông đã là những sự kiện được nhân dân trong và ngoài tỉnh hào hứng đón nhận Năm 2009, nhân chuẩn bị kỷ niệm 245 năm ngày sinh Nguyễn Du, Hội hữu nghị Việt - Nga Hà Tĩnh và một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ đại diện cho cộng đồng người Hà Tĩnh tại Liên bang Nga đã có sáng kiến đề xuất với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hà Tĩnh khởi động công cuộc tổ chức Festival Nguyễn Du bằng việc làm đầu tiên là tổ chức Festival Nguyễn Du - Pushkin năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh. Thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã ra Thông báo số 390/TB-TU ngày 8/4/2009, trong đó có nội dung về việc triển khai xây dựng, thực hiện đề án “Festival Đại thi hào Nguyễn Du-Puskin”. Sau đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và ra nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong Thông báo số 8741/VPCP - KGVX ngày 08/12/2009 của Văn phòng Chính Phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý đưa hoạt động kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du vào Danh mục các chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đáng lẽ, đây sẽ là một tiền đề, một điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh tổ chức thành công Festival Nguyễn Du sau này. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã không được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để thực hiện. 2. Giao lưu văn hoá tích cực nhất, có tính chất năng động và hiệu quả nhất vẫn là thông qua con đường phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch muốn được bền vững và có hiệu quả cao, tránh được các hệ luỵ về môi trường và xã hội, tất yếu phải thông qua giao lưu văn hoá bình đẳng và có tổ chức một cách khoa học. Mặt khác, phát triển du lịch bằng và thông qua giao lưu văn hoá cũng là cách bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hoá ưu việt nhất. Nguyễn Du là đỉnh cao văn hoá dân tộc, đã được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới. Tương quan giữa các giá trị văn hoá mà ông tạo ra với giá trị văn hoá của các danh nhân, nhân vật văn hoá khác của nhân loại là rất phong phú. Lại thêm, ông là tập đại thành văn hoá dân tộc cho nên châu tuần xung quanh hào quang văn hoá của ông có rất nhiều giá trị văn hoá, nhân vật văn hoá khác của đất nước, xứ sở. Có thể xem Festival Nguyễn Du như một trung tâm, một cầu nối để thực hiện các giao lưu văn hóa với các vùng, miền, dân tộc, quốc gia, khu vực khác. Xây dựng đề án tổ chức Festival Nguyễn Du không chỉ để tạo ra một sự kiện văn hoá - du lịch diễn ra theo định kỳ mà quan trọng hơn, là tạo ra một ý thức thường trực về việc không ngừng củng cố và nâng cao môi trường văn hoá, trình độ văn hoá cho mỗi thành viên trong cộng đồng để có thể tiếp biến tốt nhất các yếu tố văn hoá tích cực du nhập từ bên ngoài nhằm tích luỹ làm bền vững cơ tầng văn hoá dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành con người mới đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vì vậy, phải đặt việc xây dựng đề án Festival Nguyễn Du trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn trước mắt và lâu dài. Ở một quy mô nhỏ hơn là phải đặt việc xây dựng đề án Festival Nguyễn Du trong quy hoạch xây dựng khu du lịch Nguyễn Du với mục tiêu là tạo ra một trung tâm du lịch đạt tiêu chí sinh động nhất, độc đáo nhất và hấp dẫn nhất. Trên cơ sở đó, kết nối trung tâm này với các khu văn hoá - du lịch khác trên địa bàn tỉnh, trong khu vực cũng như trong phạm vi cả nước và quốc tế. Muốn tạo ra một trung tâm du lịch độc đáo như vậy thì phải có hạ tầng phù hợp, phải có sự tương ứng giữa không gian khu du lịch và các hình thức của lễ hội. Xuất phát từ những quan điểm nói trên, việc xây dựng đề án phải định hướng được các chủ đề cho từng kỳ lễ hội. Theo đó Festival Nguyễn Du sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Mỗi lần tổ chức sẽ có một chủ đề riêng với một kế hoạch cụ thể . Năm 2009, theo sự đề xuất của Hội hữu nghị Việt - Nga và cộng đồng người Hà Tĩnh hiện đang sinh sống tại Liên bang Nga, Festival Nguyễn Du lần thứ I, sẽ có chủ đề là “Festival Nguyễn Du-Puskin”. Các kỳ Festival Nguyễn Du tiếp theo có thể sẽ tổ chức kết hợp với những danh nhân văn hóa của các quốc gia khác như Đỗ Phủ (Trung Quốc), Kuwataba (Nhật), Goethe (Đức), Mic-kê-ê-vich (Ba Lan), Fê-tô-phi (Hung-ga-ri),...Như trên đã nói, sau đó kế hoạch này chưa được triển khai. Năm nay, 2017, trong kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, việc xây dựng Đề án Festival Nguyễn Du – Puskin đã được khởi động lại. Đối với người viết bài này, người đã từng được giao làm việc trong Tổ thư ký giúp việc lãnh đạo ngành xây dựng đề án này vào năm 2010, thực sự lấy làm vui mừng phấn khởi. 3. Tổ chức festival là một công việc đầy khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với Hà Tĩnh chúng ta, vốn còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này lại yếu về tiềm lực kinh tế. Mặt khác, việc kết nối với các nước có các danh nhân tương xứng với Nguyễn Du để phối hợp tổ chức Festival không hề đơn giản, thậm chí, phải nói là đầy khó khăn. Tuy nhiên, nếu thực hiện thành công thì sẽ mang lại hiệu quả lớn trên nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đóng góp to lớn vào việc đưa đất nước hội nhập quốc tế nhanh chóng, vững chắc, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua lễ hội về danh nhân, chúng ta có chiếc cầu nối văn hóa sang trọng, thân thiện để đến với nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do trên khắp các châu lục. Hơn thế, thực hiện thành công các kỳ festival Nguyễn Du sẽ tạo khí thế hào hứng cho toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa Hà Tĩnh phát triển, tăng trưởng vững bền. Theo Phạm Quang Ái/dulichhatinh.com.vn
Tin tức sự kiện
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |