Loading...
|
Dân ca ví, giặm trong âm nhạc Nguyễn Tài TuệNgày 26 tháng 06 năm 2016
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (ảnh) có một cuộc sống sáng tác bền bỉ. Cho đến nay, ông đã viết 15 ca khúc và có 12 bản nhạc không lời ở các thể loại ca kịch, đại hợp xướng, nhạc không lời và nhạc múa. Hầu hết các ca khúc của ông đều kế thừa và phát triển tinh hoa âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là hai ca khúc Xa khơi và Mơ quê với âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
1. Xa khơi
Khi tôi bắt đầu biết nghe đài, Xa khơi đã nổi tiếng. Suốt tuổi ấu thơ và đến tận bây giờ, tôi vẫn thường được nghe giai điệu ấy trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Xa khơi gợi trí tò mò của tôi, bởi lẽ mẹ tôi hay hát Xa khơi. Khi trời đang mưa rét sụt sùi nhiều ngày bỗng nắng lên, bà hát, thậm chí, chẳng có lý do gì bà cũng ngân nga khe khẽ “Nắng tỏa chiều nay. Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi. Gió lộng buồm mây ươm chân trời…”, rồi dì út của tôi làm nghề y, chọn Xa khơi làm bài “tủ” để hát mỗi dịp cơ quan tổ chức sự kiện. Tôi lớn lên, đi công tác, được nghe, được biết nhiều người ở nhiều vùng miền của Tổ quốc “mê” bài hát này. Mới đây, năm 2009, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho ra đời nhạc phẩm Mơ quê. Cả hai ca khúc đều kén giọng và đều được nhiều người yêu thích. Mơ quê cũng đã rất nổi tiếng, theo dư luận chung là chị em sinh đôi với Xa khơi, tuy dung mạo có nét giống nhau nhưng cá tính lại rất khác.
Để có Xa khơi, người nghệ sĩ sáng tác trong Nguyễn Tài Tuệ đã trải nghiệm một hành trình dài. Xứ Nghệ quê ông, dù địa lý-hành chính đã nhiều lần thay đổi nhưng về mặt địa-văn hóa vẫn một dải từ khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang. Có núi Hồng sông Lam hội tụ khí thiêng của trời đất, kết tụ nên những giá trị lớn: Nguyễn Du với Truyện Kiều, dòng họ Hồ với Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, người anh hùng áo vải Hồ Thơm (Nguyễn Huệ). Vùng đất non xanh nước biếc này chứa đựng một kho tàng thơ ca dân gian đặc sắc, trong đó, ví, giặm(1) là hai thể loại diễn xướng dân gian độc đáo hơn cả. Trong ví, giặm, ta không chỉ bắt gặp những cách nói trau chuốt, mượt mà, ý nhị sâu xa mà còn có cả những giãi bày mộc mạc, trọ trẹ của khẩu ngữ địa phương.
Bắt đầu vào những ngày cuối năm 1957, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi đang công tác biệt phái ở Đoàn ca múa Lao - Hà - Yên thì dịp may đến. Ông được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gọi về Hà Nội chuẩn bị cho chuyến đi thực tế vùng giới tuyến, tháp tùng nhà thơ Lưu Trọng Lư - Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu, Bộ Văn hóa. Lúc bấy giờ có lẽ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã thấy được khả năng có thể phát triển con đường sáng tác nơi ông, nên đã tạo điều kiện. “Thấy hết nỗi đau chia cắt, chia ly của vùng giới tuyến. Nhất là mỗi khi chiều đến, tối đến. Tiếng khóc, tiếng gọi nhau thảm thiết. Nỗi đau và sự chết chóc thật đáng sợ và luôn hiện diện, luôn ám ảnh cả một vùng gió Lào, cát trắng. Tôi không dám ra đứng bờ sông nhìn sang “bên tê” nữa. Tôi muốn được tự do đi lại thoải mái ở cả đôi bờ con sông Bến Hải, nhưng không được, trong khi đó, con nục, con măng vẫn bơi lội tung tăng qua lại. Tất cả buộc phải im lặng, tê tái trước cái ranh giới vô lý do chính con người tạo ra. Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc buồn bã, đau đớn trong lòng khi đứng ở bờ bên này nghe loa phóng thanh vang vọng sang tận bên kia sông Hiền Lương những bài ca cách mạng, hay ngâm bài thơ Sóng vỗ Cửa Tùng của anh Lưu Trọng Lư hồi ấy” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hồi tưởng.
Sau hai tuần đi thực tế ở Quảng Trị, ông trở lại với Lao - Hà - Yên. Cho đến đầu năm 1959 thì được cấp trên điều về làm việc ở Ban nghiên cứu âm nhạc của Bộ Văn hóa. Nỗi nhớ thương sông Bến Hải, bến Hiền Lương vẫn mãi mãi ám ảnh người nghệ sĩ sáng tác. Cho đến cuối năm 1962, vào thời kỳ miền Nam đồng khởi, bốn cơ quan: Bộ Văn hóa, Ban Thống nhất Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tổ chức một cuộc thi sáng tác âm nhạc để ca ngợi và cổ vũ tiền tuyến lớn và hậu phương lớn. Giọng ông nói như một giai điệu âm nhạc có tính hồi cố: “Mất hơn 6 tháng, miệt mài ngày đêm, dùng ví, giặm Nghệ Tĩnh, tôi viết xong Xa khơi. Mới đọc lời ca thôi, các anh trong Ban giám khảo đã kêu là thiếu tính chiến đấu, lúc này đây mà chỉ nhớ thương, thương nhớ không thôi, thì tính tư tưởng, tính lạc quan còn đâu. Tạm để bài hát ra ngoài vì quá yếu”.
Lúc bấy giờ có “hai cặp mắt xanh” đặt vấn đề có khác hơn. Ý kiến thứ nhất của Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương đưa ra là, nên cho ghi âm tất cả các tác phẩm của cuộc thi rồi phát lên Đài Tiếng nói Việt Nam để trưng cầu ý kiến của đồng bào trong nước và thính giả nghe đài, lấy lời khen chê của họ rồi hẵng quyết định. Ý kiến thứ hai của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra là: nếu gạt Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường, và nhất là bỏ Xa khơi ra ngoài nữa thì thật là chưa nên. Cho đến bây giờ, chưa có ai phát triển ví, giặm Nghệ Tĩnh mà thành công như Nguyễn Tài Tuệ, cho nên tôi tán thành ý kiến đề xuất của anh Vịnh.
Tiếp đó, một số bài hát được lựa chọn, phối âm, phối khí, phát liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Có 5 bài hát được thính giả chọn lựa nhiều nhất, trong đó có Xa khơi. Có một vị tướng cùng đội bảo vệ của ông trên đường từ trong Nam ra, khi nghe cả chương trình này, đã trực tiếp đề nghị với anh Vịnh nên cho phát lại nhiều lần, khen bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường và nhất là bài Xa khơi, đồng thời vị tướng nọ nhấn mạnh “quân lính ta trong kia rất cần nghe những bài hát giàu tình cảm, hay, xúc động như thế”. Nhờ đó, bài hát đã được xem xét lại, đã xếp vị trí đứng đầu danh sách của Giải nhì (không có giải nhất). Đã hơn 60 năm qua, Xa khơi được đưa vào Nhạc viện Hà Nội cho học sinh hát, thi cử trong các cuộc thi quốc gia cho dòng nhạc vừa mang tính dân gian, vừa thính phòng mang tính chuyên nghiệp. Trong các cuộc hội thảo về việc lấy ví, giặm để viết các tác phẩm mới, Xa khơi luôn được biểu dương là một trong những tác phẩm thành công nhất. Gần đây, nhạc sĩ An Thuyên, người có công trong việc sưu tầm vốn dân ca xứ Nghệ và là người kế thừa ví, giặm để viết các tác phẩm mới, đã nói, đại ý, có đến vài chục nhạc sĩ đã thừa kế vốn ví, giặm để viết, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Xa khơi cũng đã theo các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài nhiều lần, đã mang lại nhiều thành công và cũng đã gây khó cho nhiều ca sĩ.
Cách đây trên 60 năm có NSƯT Tân Nhân, người Quảng Trị, bên kia giới tuyến, xa cha mẹ, xa họ hàng bà con. Từ khi trở thành diễn viên đơn ca chuyên nghiệp, Tân Nhân hát những ca khúc: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Ru con, Nhớ… Nhưng, cho đến khi ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra đời, Tân Nhân hát Xa khơi và được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thì thính giả mới thực sự quan tâm tới giọng ca của chị. Đặc biệt, trong một chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn ca múa Trung ương, Tân Nhân hát Xa khơi khi hai miền đất nước đang còn chia cắt. Một ông già vùng giới tuyến kể lại, ngày trước, nhờ những chiếc loa nén (haut-parleur) phát đi, mỗi khi nghe Tân Nhân hát, giọng o nớ nghe cứ day dứt, da diết dữ. Bao nhiêu người có người thân tập kết cứ khóc ròng, mong ngày thống nhất. Tiếng hát bay qua sông Bến Hải, tỏa rộng, vang xa khắp một vùng. Bên ta, bên địch đều thích nghe cả. Bài hát thấm vào tận tim, rót vào tận óc, rằng, rồi sẽ đến lúc hòa bình, đoàn tụ, thỏa lòng mong nhớ. Bên chính nghĩa khi nghe thấy lòng mạnh mẽ, tin tưởng vào ngày Bắc Nam thống nhất; bên phi nghĩa càng nghe càng thấy hoang mang, nhạt lòng. Nghe Tân Nhân hát Xa khơi, một tay quận trưởng Ngụy có lần bảo, “con nớ mà vô đây, hễ bắt được, tao cho lột truồng ra đánh cho sướng”. Ông lão nọ lại bảo, “hắn nói rứa là căm thù lắm, mà răng lại đi căm thù o nớ mần chi…”. Thế đấy, bài ca, giọng hát nó có linh hồn và sức mạnh ghê gớm! Đôi khi nó trở thành liều thuốc cứu người, giúp xua tan mọi hiểm nguy và cả nỗi khiếp sợ.
Tiếp đến là NSND Tường Vi với giọng soprano trữ tình đã làm rung động biết bao trái tim, rồi NSND Thanh Huyền lại hát bên kia trời Tây, vang vọng trên mặt nước của thành phố Venise, rồi NSND Lê Dung hát Xa khơi giữa những tiếng vỗ tay tưởng như không dứt của công chúng Sài Gòn. Sau này là giọng hát Tân Nhàn, Quỳnh Vân, cùng rất nhiều nghệ sĩ khác, và, bây giờ…
Trong đêm nhạc “Tình xa khơi”(2), Anh Thơ vẫn với âm sắc dân gian đặc biệt, với sự rung động sâu xa, thăm thẳm, với một giọng hát khoa học, đốt cháy mình trên sân khấu toàn quốc, ăn đậm trong lòng đại công chúng của một nghệ sĩ đích thực, đứng hàng đầu về tầm cỡ. Anh Thơ trong biểu diễn Xa khơi phát âm rất rõ từng câu, từng chữ, khi to khi nhỏ, khi xa khi gần cộng với phần vocal do chị sáng tác thêm cho tốp ca nữ trình bày, rất ăn nhập và quấn quýt với giai điệu, đã nâng tính lãng mạn, tính cảm xúc lên một tầm cao giàu chất thơ của lời ca, nhờ đó đã góp phần nâng giá trị thẩm mỹ và cảm xúc tiếng Việt của bài hát.
2. Mơ quê
Với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Mơ quê là một chuyến tìm về với chính mình. Tôi đã từng nghe ông kể, mặc dù ông sống ở xã Thanh Văn - huyện Thanh Chương - tỉnh Nghệ An quê nhà được dăm bảy năm, nhưng chủ yếu là những ngày hè được nghỉ học. Gia đình muốn cho ông có điều kiện học hành nên đã đưa ông vào Sài Gòn từ năm lên 5 tuổi. Biến cố lịch sử của dân tộc trong thời kỳ Pháp thuộc, rồi tiếp đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã buộc ông phải trải nghiệm, xê dịch qua nhiều vùng địa-văn hóa của đất nước. Do chịu nhiều xung động trong tâm hồn, cùng với sự tiếp biến với văn hóa phương Tây khiến cho bản chất con người ông được thanh đi lọc lại, nhưng, như những lớp ngói của mái đình làng Việt cổ, lớp sau không lấp mất lớp trước, tất cả vẫn vẹn nguyên, nền nã một tiếng gọi thẳm sâu của cõi về. Với ông, sáu mươi năm xa quê là sáu mươi năm nhớ. Nỗi nhớ ấy cứ trở đi trở lại trong giấc mơ như mời gọi, như giục giã. Cồn cào. Da diết. Hiện lên rõ mồn một trong ông mỗi khi “mơ quê” là hình ảnh của người mẹ hiền của ông quanh năm tứ mùa tần tảo đẹp như những làn điệu ví, giặm nơi quê nhà. Ví, giặm, cái lối hát dân ca không nhạc đệm ấy, đã được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay rồi. Nó tồn tại và phát triển ngay trong lao động và đời sống hàng ngày, trong những lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, khi trèo non, lội suối. Vì vậy, các điệu hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, giặm ru, giặm kể, giặm vè… Ông nhớ hình bóng của người mẹ, người chị thân thương của mình bên khung cửi, tay đưa thoi, văng vẳng đâu đây lời Giặm đường trường nhịp nhàng, và khi ấy, ông dừng học, lẩm nhẩm hát cùng. Lại nhớ những đêm đông dài ông được ngồi, được nằm trong lòng mẹ những lúc mẹ ngồi nấu cám lợn, những lúc ngâm Kiều cho mẹ nghe, nhất là đoạn Thúc Sinh xa Kiều về với Hoạn Thư “Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi…” Có lần, chữ xa xôi ông đọc thành pha phôi, mẹ bảo ông chữa lại… “Mẹ tôi không chỉ thuộc, mà mê Kiều đến mụ mị. Mỗi khi trở trời trở đất, biến cố dù to dù nhỏ, cũng lại bắt gặp mẹ thành tâm khấn: “Lạy ngài Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên…” để bói Kiều, cầu cho gia cư mau chóng thoát khỏi cơn nguy biến. Đêm khuya, khi cả hai mẹ con đều ríu mắt, mẹ trải mấy bó rơm dày, ấm ra. Mẹ nằm xuống, tôi rúc vào lòng mẹ. Ước gì mãi được như thế”… Trong giấc mơ ông có bóng cây hoa gạo rạo rực cả trời tháng 3 trước cổng nhà Nguyễn Tài Cẩn(3) xưa, là những buổi chăn trâu trên đồi bạt ngàn những trái sim chín mọng, là văng vẳng điệu ví, giặm lơ lửng đằm thắm gợi tình giữa đồng lúa của o Nhự, rồi mặn mòi lời chị Toàn - người chị ruột của ông - hát đưa tình với ai trong nương dâu…
Giọng ông dịu xuống, gần gũi mà như từ nơi xa vời vợi. “Tôi viết Mơ quê không dễ dàng gì. Đau đáu khát vọng trả tình, trả nghĩa với quê hương, tôi dồn tâm sức và vốn liếng văn hóa tinh hoa của cha ông vào sáng tác, viết đi viết lại đến ba lần mới thành. Lần đầu, năm 1995, tôi viết Nhớ quê; lần thứ nhì lại viết Hồn quê, nhưng đều không thành công. Đến năm 2009, tôi viết Mơ quê vẫn với mô típ “Ai về ta nhủ cùng ai”, nhưng lần này ngoài tình thương, nỗi nhớ, tôi tự nhủ, phải nói lên được cái hồn thiêng, cốt cách ngàn đời của cha ông nằm trong văn hóa xứ Nghệ - tên gọi chung cho văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh, đó là Truyện Kiều và ví, giặm. Nói sao đây? Để nói ví, giặm và Kiều, tôi sử dụng lối nói bóng bảy đầy tính ẩn dụ “Hỏi câu ví, giặm đã lỡ hẹn cùng ai chưa. Mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa”.
Bài hát đã được ca sĩ Anh Thơ trình diễn thành công trong đêm nhạc truyền hình trực tiếp để quyên góp tiền ủng hộ người nghèo 31-12-2009. Đêm nhạc có tiếng vọng, được công chúng trong nước và kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc hoan nghênh nhiệt liệt, người Việt Nam ở nước ngoài nói rằng, được nghe Mơ quê họ nhớ nhà và họ khóc”.
* * *
Trong không khí thăng hoa của đêm nhạc “Tình xa khơi”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cùng tôi chuyện trò về bóng dáng của ví, giặm Nghệ Tĩnh - cái vốn của cải quý giá, thứ của để dành được xem như cái “thẻ căn cước” để nhận diện văn hóa Nghệ Tĩnh trong dòng chảy hội nhập quốc tế theo xu thế toàn cầu hóa. Cái vị mặn mòi duyên dáng của ví, giặm Nghệ Tĩnh ấy đã góp phần vào chiều sâu trong Xa khơi và Mơ quê giữa tiếng vỗ tay không dứt của khán phòng. Và tôi cũng lần đầu tiên mau mắn nghe được “tiểu kết” của một nhạc sĩ sáng tác đã giữ được ngọn lửa của riêng mình qua ba phần tư thế kỷ miệt mài giữ gìn và phát triển sự trong sáng của âm nhạc dân tộc - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Thế là đã hai lần tôi lấy vốn dân gian “xứ Nghệ” để kế thừa phát triển, trong Xa khơi là ví, giặm và với Mơ quê là giọng ngâm Kiều. Tôi tự an ủi mình, rồi tự hỏi, hai nhạc phẩm ấy, Xa khơi viết thuở thanh xuân và Mơ quê viết vào lúc “thất thập cổ lai hi” đã phần nào trả được một chút nợ nần với cha ông, với quê hương xứ sở chưa? Thấp thoáng đâu đấy hình bóng một cậu bé chân quê mau nước mắt và dễ hờn tủi là tôi chăng?”
______
(1) Vào lúc 17 giờ 10 ngày 27-11-2014 giờ Paris (tức 23 giờ 10 cùng ngày giờ Hà Nội), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
(2) Live show “Tình xa khơi” của Anh Thơ diễn ra tối 9-1-2015 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.
(3) Nguyễn Tài Cẩn: Giáo sư ngôn ngữ học, Giải thưởng Hồ Chí Minh, là cháu họ gọi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bằng chú (cháu nhưng nhiều tuổi hơn chú), cũng là thầy dạy của nhạc sĩ thuở nhỏ.
Theo Bùi Tuyết Mai/honvietquochoc.com.vn
Di sản văn hóa
|