Tượng đài Nguyễn Du

 

Người dân Nghi Xuân quê tôi trước đây thường không gọi Đại thi hào Nguyễn Du là "Quan tham tri bộ lễ" hoặc là "Cẩn chánh Đại học sĩ" mà thường gọi ông là quan "Thuý Kiều", một cái tên hết sức thân mật, bình dị gắn liền với công lao sự nghiệp và cuộc đời của ông.


Theo Nguyễn Gia Thế Phả bản chữ Hán chép tay của Tiến sỹ Nguyễn Mai (1904). Sau khi dịch, nhà sử học Lê Thước có ghi bằng chữ Quốc ngữ vào đầu quyển sách "Nguyễn Du sinh giờ Dần, ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tức ngày là 03 tháng 01 năm 1766 tại biệt thự Trung Cẩn Công Nguyễn Nghiễm, phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội)". Tư liệu này có thể là Tiến sĩ Nguyễn Mai (cháu của Đại thi hào) cung cấp. Sau này có nhiều sách, bài cũng in đăng tư liệu như thế.


Với quê hương và cuộc đời của nhà thơ. Thời thơ ấu thi hào Nguyễn Du thường sống trên một số tỉnh thuộc xứ Bắc, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Sơn Nam (tức Hà Tây). Thỉnh thoảng ông mới tranh thủ về quê một thời gian vào các dịp hội hè, lễ tết, hoặc khi có việc đại sự của gia đình và giòng họ. Dẫu tuổi trẻ ít sống trên quê nhà, nhưng mỗi lần về quê ông hết sức tận dụng thời gian để hoà nhập vào cuộc sống với người dân quê hương. Vì thế những lúc xa quê, ông vẫn luôn dành tình cảm nhớ và nghĩ về quê hương xứ sở của mình. Lưu truyền: có lần Xứ Nghệ mất mùa, ông đã trực tiếp đề nghị Hiệp trấn Ngô Nhân Tính miễn thuế cho dân. Sau khi dân được miễn thuế, ông đã đáp lại bằng lời cảm ơn chân tình:


 “Xa nhìn Hồng Lĩnh ngôi sao đức

Nâng chén mừng quê cách dặm ngàn”


Với quê hương, ông là người để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong các sinh hoạt văn hoá làng xã. Thời của ông, xã Tiên Điền có 5 làng (Làng Đông, Làng Võ, Làng Bảo Kệ, Làng Văn và Làng Tiền). Làng Tiền là nơi ở của ông. Cư dân làng Tiền trước đây cho đến những năm 1965 có nghề khâu nón lá. Ông đã cùng với trai gái của làng tạo lối hát ví phường nón một cách hoàn chỉnh. Ví phường nón một loại dân ca đậm đà sắc thái của một làng nghề Xứ Nghệ. Điệu ví mượt mà tha thiết, vừa trữ tình vừa sâu lắng. Ví phường nón là lối hát giao duyên, chào mời đưa đón thịnh tình tao nhã. Mở đầu cuộc hát là hát chào.


“… Mấy khi nam nữ ngồi kề

Để nam ví đôi bận, để nữ đề vài câu”.


Sau hát chào là hát mời:


Bạn đến mời bạn vào nhà

Nước chè xanh đây mời bạn uống

Chiếu hoa kia mời bạn ngồi


Sau hát mời là hát đối đáp. Nếu mến mộ tài sắc, tình cảm thì hát hẹn hò, thề ước, cuối cùng là hát giã bạn, tức là hát chia tay.

Với lối hát này nhà thơ là người bắt bẻ (là ứng khẩu) câu hát không những nhanh, mà còn tình tứ sâu sắc, được nhiều trai gái trong làng, ngoài xã mến phục. Theo các cụ kể lại: có lần ông cùng trai làng phường nón đi hát ví giao lưu với các cô gái phường vải Trường Lưu huyện Can Lộc. Hôm ấy ông và bạn hát vừa đến bến đò Cài thuộc đất Can Lộc thì trời xẩm tối. Cô lái đò bên kia sông biết ông là trai Tiên Điền liền cất lên câu ví:


“... Sóng to thuyền bé khó sang

Em nguyền thiên địa giúp chàng một phen”


Phục lòng cô gái, ông đã hát đáp lại:


“...Truông Hống cao ngất mấy trùng

Đò cài mấy trường thì (ơn ghi) lòng bấy nhiêu”


Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Nguyễn Du đã viết bài “Thác lời trai phường nón” trả lời bài “Thác lời trai phường vải” của Nguyễn Huy Quýnh cũng vào thời gian này. Bài thơ lục bát chan chứa tình cảm của tuổi hai mươi.


“Tiếc thay duyên Tấn phận Tần

Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa

Chưa chi đông đã rạng ra

Đến giờ vẫn dận con gà chết toi”.


Hoặc là:


Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu

Làm chi cắc cớ lắm điều

Mới đêm hôm trước đã chiều hôm sau.


Trong mối quan hệ giao lưu, hát giao duyên đã tạo nên những mối tình quyến luyến khó quên giữa trai gái hai làng. Lối hát giao duyên này cũng là dáng dấp, lối hát “đến hẹn lại lên” của hát quan họ. Nguyễn Du viết bài văn 100 câu tế sống hai cô gái Trường Lưu là O Uy, O Xạ cũng trong thời tuổi 20 của ông. Mở đầu bài văn thật là buồn thống thiết:


Than rằng:


“Chùa phố Cữu trăng dìu gió dật ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm;

Doành Đào nguyên nước chảy hoa trôi bỗng nửa bước chia đường đôi ngả.


Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi

Câu Vĩnh quyết đọc càng buồn bã...


Như vậy, với quê hương ông là người có công mở lối bang giao, đóng góp cho nghệ thuật xướng ca, đặc biệt là lối hát giao duyên: Ví phường nón, ví phường vải mà nhiều câu, nhiều bài do ông sáng tác nay còn lưu lại trong ký ức dân gian của trai gái hai làng:


“..... Quen mà để rối cho nhau

Ra về biết trút gánh sầu cho ai

Trút sầu sầu cứ dẳng dai

Sầu khôn vợi tiếng, xa quây hỡi người...”


Cũng như khi giao lưu với ví phường vải của làng Nam Kim - Nam Đàn - Nghệ An, trai gái hai làng đã tạo nên những mối tình nhớ nhung hò hẹn, mộc mạc mà thân thương, quê mùa mà khát khao đằm thắm cũng như hát xoan, hát ghẹo, hát mừng của dân ca Vĩnh Phú.


“Hôm nào chợ Vịnh ra trông

Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba”


Chợ Vịnh là chợ Vinh, thành phố Vinh ngày nay; mồng ba, mười ba là phiên chợ chính. Trai gái muốn gặp nhau thường hò hẹn vào những ngày này cho dễ nhớ, dễ có lý do để gặp.

 

Hình ảnh quê hương Hà Tĩnh

 

Qua những sinh hoạt trên ta càng thấy Nguyễn Du xuất thân tuy là dòng dõi của một gia đình đại quý tộc, thuộc dòng quan lại, nhưng ông hết sức bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân lao động, hoà mình vào lối hoạt động văn nghệ dân gian.


Cuộc đời thật không may cho ông, con người tài năng ấy lại luôn gặp vận hạn. Ông lớn lên không lâu thì gia thế họ Nguyễn Tiên Điền bắt đầu sa sút và rồi suy yếu dần. Đặc biệt nhất là khi Quang Trung hoàng đế tiến quân ra Bắc. Vì trung thành với nhà Lê, quan chức người họ Nguyễn Tiên Điền phần lớn là không bắt tay với Tây Sơn, mà lui về ở ẩn, hoặc thiên di đi đây đó lánh thân chờ thời. Vì lý do trên Nguyễn Du phải về quê ở một thời gian dài. Đây là quãng đời khó khăn chật vật nhất của nhà thơ. Nhưng với bản chất chân quê mộc mạc, ông đã sớm hoà nhập vào những phong tục tập quán của dân làng. Ông đã tham gia vào các phường bắt chim, săn thú để giải khuây. Với cư dân Tiên Điền nghề săn cũng là một phương tiện để sinh sống vào những lúc nhàn rỗi việc học hành, đồng ruộng. Những dòng nhật ký của ông đã lưu chép:


“Bữa rày Truông Vọt săn nai

Hẹn rằng Động Gián ngày mai đòi chồn...”


Cùng với thú đi săn, ông còn đam mê cả nghề câu cá. Nơm, mai, câu cá xa xưa cũng là một nghề tay trái của con trai Tiên Điền. Với nhà thơ đây cũng là một thú sinh hoạt giải buồn mua vui, khi cuộc đời ba đào chìm nổi. Dẫu khó khăn vất vả là vậy, nhưng ông luôn lạc quan yêu đời, thiết tha yêu cuộc sống của quê nhà.


“Thuyền chài thuyền lái thuyền câu

Biết thuyền nhân ngãi nơi đâu mà tìm...”


Hoặc là:           

“Rủ nhau xuống bề mò cua

Lên rừng hái quả mơ chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau...”


Những sinh hoạt phường bạn trên chính là thời kỳ: “Hồng Sơn liệp hộ - Ngư Hải điếu đồ” của ông.

Nếu nói Truyện Kiều là một kiệt tác, làm giàu kho tàng văn học thời cận đại (thế kỷ XIX) của nước nhà, ảnh hưởng của tinh hoa đó là cái chung của nền văn học cả nước. Với quê hương, Truyện Kiều và nhà thơ còn có những ảnh hưởng riêng hết sức ưu ái mà nhân dân quê hương luôn nhận biết, luôn trân trọng, đó là công và đức của ông. Công của ông là Truyện Kiều, một khúc nam âm tuyệt xướng, một điều tình phổ bậc đầu. Đức của ông là chữ tâm, mà nhân vật Thuý Kiều lại thể hiện ở chữ Hiếu. Từ gốc độ bề nổi, chúng ta thấy:


Trước hết nói về khu bảo tàng, di tích văn hoá của nhà thơ, nay đã trở thành khu văn hoá du lịch. Mỗi năm thu hút hàng chục ngàn du khách trong, ngoài nước đến với Nghi Xuân, đến với Tiên Điền. Sự giao lưu hội nhập này vừa có giá trị văn hoá và cũng là nơi có thể còn có khả năng khai thác được những giá trị cần thiết khác. Từ ảnh hưởng vị thế của một di tích cấp quốc gia, Đảng bộ và nhân dân Nghi Xuân được thừa hưởng những giá trị tinh thần đó. Phòng trưng bày của di tích nay đã có nhiều tư liệu quý về nhà thơ. Những tư liệu đó có giá trị giáo dục người dân địa phương, lòng tự hào về người con quê hương đã để lại công và đức cho hậu thế. Nó còn có tác dụng động viên, khuyến khích người dân quê hương noi nối truyền thống của các bậc tiền bối, để biết mình nên làm gì cho có công, có đức góp thêm với quê hương, đất nước. Điều nhân dân Tiên Điền đã và phải làm được đó là gìn giữ, phát huy truyền thống học nghiệp. Noi nối các bậc tiền nhân, người dân Tiên Điền nói riêng, Nghi Xuân nói chung luôn lấy đạo học làm đầu. Học hành  không chỉ có mở mang dân trí, mà còn để đẩy lùi cái nghèo khó của miền cát bạc, nơi mà thiên nhiên cay nghiệt. Nhờ ảnh hưởng công và đức của các bậc tiền nhân mà nhân dân Tiên Điền luôn tâm niệm với tình cảm và hành động “Uống nước nhớ nguồn”.


 “Tiền nhân mở đất quê hương thịnh

Hậu thế xây nền văn hoá hưng”

(Câu đối ở cổng làng văn hoá Tiên Điền)


Khi Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng bảo tồn, phát huy khu di tích văn hoá Nguyễn Du, nhiều cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư cho quê hương như điện, đường, trường học; đó là bắt nguồn từ công lao của nhà thờ mà người nay được thừa hưởng.


Nhưng cái lớn hơn đó là giá trị tinh thần của Truyện Kiều. Truyện Kiều không dứng lại ở một tác phẩm văn học, mà nó còn được chuyển thể sang sân khấu kịch hát, như: Tuồng Kiều, Chèo Kiều, Kiều dân ca, Kiều cải lương. Với quê hương Tiên Điền, Truyện Kiều đã được chuyển thể thành trò Kiều. Trò Kiều là một vở diễn được nhân dân vô cùng mến mộ. Hà Tĩnh trước đây có nhiều huyện, nhiều xã diễn tích Chèo Kiều như: Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh... Riêng huyện Nghi Xuân quê hương của ông, Trò Kiều xuất hiện trên sân khấu quần chúng của các gánh hát vào đầu thế kỷ XX. Nghệ thuật diễn Trò Kiều không bị nhàm chán, càng diễn càng thấy hay, càng diễn càng đông người xem. Đối với khán giả Nghi Xuân, lạ thay cứ hễ nổi trống trò lên là nhân dân lại tụ hội đến xem, dẫu chỉ là một buổi tập. Ở Tiên Điền trước đây nhiều cụ ông, cụ bà thuộc luôn cả tấn trò dài (diễn đến hai ba đêm mới hết tích). Năm 1998, chủ trương khôi phục lại đội trò sau 50 năm vắng bóng, kịch bản bị thất lạc. Chính nhờ các cụ nhớ lại nên chỉ trong vòng 6 tháng vở diễn đã được dựng lại hoàn chỉnh. Việc khối phục lại đội Trò Kiều làm nhân dân vô cùng phấn khởi. Đêm công diễn đầu tiên đội trò đã thu được trên 5 triệu đồng (tiền nhân dân tự giác ủng hộ). Đến nay huyện Nghi Xuân còn có hai đội trò hàng năm biểu diễn vào các dịp lễ tết. Đó là đội Trò Kiều xã Xuân Liên - Đội Trò Kiều xã Tiên Điền quê hương ông.


Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hoá Nguyễn Du với quê hương và của quê hương đối với cụ thực ra còn nhiều điều đáng được trân trọng và cần được đề cập đến. Nhưng vì thời lượng bài viết có hạn. Trên đây chỉ là những điều có thực mà nhân dân địa phương ai cũng đều nhận biết. Cuối cùng xin được noi nối cách kết thúc Truyện Kiều của cụ, để kết thúc bài viết của mình:

Lời quê ý tứ thiếu, thừa

Mong được lưỡng thứ vui vừa lòng cho.