nguyendu.org.vn
Loading...

Đại thi hào Nguyễn Du: “Con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”


Mở đầu “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo mà ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”. Và trong một câu thơ chữ Hán, Đại thi hào cũng khẳng định: “Mục trung sở xúc, năng vô lệ” (Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy).
 
Quả thật, chính “những điều trông thấy” của một trái tim nhân hậu, biết sự yêu thương sâu sắc với cuộc sống, con người, thân phận… đã giúp ngòi bút của Nguyễn Du viết lên được những dòng thơ có giá trị muôn đời và trở thành di sản của nhân loại.
 
Có biết bao điều trông thấy của Nguyễn Du trong 3.254 câu Kiều, trong các tập thơ chữ Hán của ông. Nó chính là thế giới thực mà Nguyễn Du đưa vào trong thơ ca của mình, bên cạnh một thế giới mộng rất riêng của nhà thơ.
 
Như chia sẻ của một nhà nghiên cứu về “Truyện Kiều”, với “Con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Nguyễn Du đã đưa vào thơ chữ Hán mọi vang vọng của cuộc đời, tạo nên một bức tranh hiện thực rộng lớn và sinh động. Một khối lượng không nhỏ các tác phẩm chữ Hán chứa đựng tinh thần phản ánh hiện thực của Nguyễn Du đã thể hiện nỗi lòng da diết của thi nhân trước hiện thực mà ông mục kích. Những điều Nguyễn Du viết ra là những điều “sở kiến” (Sở kiến hành), những điều “nhãn kiến” (Trở binh hành), “Ngã sạ kiến chi” (Thái Bình mại ca giả), “Mục trung sở xúc” (Tỷ Can mộ). Thực còn là thái độ của nhà văn hiện lên trong sự phản ánh hiện thực ấy. Thái độ ấy là gì? Là “Ngã sạ kiến chi, bi thả tân” (Tôi trông thấy mà thương xót), là “Mục trung sở xúc, năng vô lệ” (Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy).
 
“Những điều trông thấy” của Nguyễn Du là gì? Đó là hình ảnh của một anh phu xe vất vả làm việc trong cái nắng gắt của những ngày tháng tám: “Anh chàng đẩy xe kia quê ở đâu nhỉ? Nhìn nhau thấy vất vả như nhau” (Hà Nam đạo trung khốc thử). Nguyễn Du xót thương cho người mà cứ như nhà thơ đang xót thương cho chính mình hay cho anh, cho em, cho những người máu mủ ruột rà với mình vậy. 
 
Còn đây là tình cảnh cuộc sống của người dân thành Tín Dương vất vả và thiếu thốn khôn kể xiết: “Ngựa hí đòi ăn thóc lúa. Dân ăn chỉ nửa tấm cám”(Tín Dương tức sự). Nhưng phần lưu tâm, thương mến sâu sắc nhất của mình, thi nhân dành cho những người nhỏ yếu, cực khổ, sa cơ lỡ vận. Đó là cảnh ngộ của ông cháu người hát rong ở Thái Bình: “Miệng sùi bọt, tay rã rời. Ngồi yên, cất đàn, ngỏ lời đã đàn hát xong. Dốc hết tâm lực gần một trống canh. Mà chỉ được năm sáu đồng tiền” (Thái Bình mại ca giả). 
 
Nhà thơ cảm nhận tiếng đàn của người hát rong không chỉ bằng tai mà còn bằng tất cả giác quan nên tác giả không khỏi xót xa khi phải chứng kiến dáng điệu của ông lão khi ông mò mẫm trong bóng tối, “sờ soạng” để tìm chỗ ngồi, khi “vừa múa vừa hát không ngừng nghỉ”. Rồi lại “hai ba lần giơ tay lên thi lễ tạ ơn”, lúc ra khỏi thuyền rồi hãy còn “quay đầu lại chúc đa phúc”. Tiếng đàn và dáng diệu đáng thương của ông lão đã mãi ở lại trong lòng ông chánh sứ đa cảm đất Việt. Không chỉ đơn giản là mô tả cảnh ngộ đáng thương của ông lão mù đất Thái Bình, ngòi bút chân tình và nồng thắm của nhà thơ còn khơi sâu được các mặt mâu thuẫn trong đời sống, và biết làm cho những mâu thuẫn ấy hiện ra nhức nhối. Những hình ảnh được vẽ nên như tạc kia càng khắc rõ nét khi nhà thơ nhẹ nhàng đem đặt vào bên cạnh một cảnh sống khác hẳn, cảnh sống xa hoa thừa thãi “Cơm thừa canh cặn đổ rất bừa bãi” của những người trong thuyền. Hoặc là “lệ cung đốn” của đoàn sứ bộ: Thuyền này thuyền nọ đều đầy gạo thịt/ Người trong đoàn sứ ăn no còn thừa thì vứt/ Cơm nguội, thức ăn thừa đổ xuống đáy sông… Bấy nhiêu chi tiết tương phản đã chứa đựng một dấu hỏi đau đớn, thâm trầm, một dụng ý tố cáo tinh tế mà sâu sắc.
 
Đặc biệt trong bài “Sở kiến hành”, ai cũng thấy rõ dù đi sứ nhưng Nguyễn Du vẫn quan sát cuộc sống nhân dân rất tỉ mỉ. Tác giả đã ghi lại dáng hình người mẹ hành khất nghèo cùng ba con ngồi nghỉ chân bên đường với quần áo lam lũ: “Quá trưa rồi vẫn chưa được ăn”. Không chỉ miêu tả mấy mẹ con người hành khất với nỗi đau đớn nhục nhã của kiếp người cơm vãi, cơm rơi, với cảnh nằm cầu gối đất, Nguyễn Du còn nhìn thấy bi kịch, nỗi đau trong lòng người mẹ nghèo: “Trong lòng đau xót lạ lùng. Mặt trời cũng vì người mà vàng úa”. Người mẹ đáng thương khiếp hãi khi nghĩ đến nắm xương tàn không có chỗ chôn, “máu thịt nuôi sài lang”. Than trời, trời có thấu? Chẳng phải mặt trời cũng vàng úa đấy ư ? Càng đau lòng thay khi những đứa trẻ thơ ngây vẫn vô tư vui trong khi lòng người mẹ quặn thắt, chúng “không biết lòng mẹ đau”.
Đề tài dân đói, dân khổ là chuyện không mới, ta vẫn thấy nhan nhản trong thi ca nước ta cũng như nước người, nhưng nói cho chân tình và thấm thía như Nguyễn Du thì được mấy ai.
 
(Còn tiếp)
Theo DH/Baomoi.com

Tham quan ảo 3D

nguyendu.org.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website